Các yếu tố tác động đến quản lý hoạt động bồi dưỡng HSG ở trường THPT trong bối cảnh hiện nay

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi ở trường trung học phổ thông thành phố điện biên phủ trong bối cảnh hiện nay (Trang 38 - 45)

Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

1.5. Các yếu tố tác động đến quản lý hoạt động bồi dưỡng HSG ở trường THPT trong bối cảnh hiện nay

1.5.1. Nhận thức và năng lực của CBQL và GV

Để hoạt động bồi dưỡng HSG đạt hiệu quả cao, trước hết CBQL, GV cần có nhận thức đúng đắn về vai trò và tầm quan trọng của công tác này.

Đồng thời, CBQL cần nắm vững các nội dung, phương thức quản lý hoạt

động bồi dưỡng HSG. Có như vậy, các nhà quản lý mới có thể xây dựng được kế hoạch phù hợp, khả thi, mới có thể tổ chức thực hiện tốt kế hoạch đã đề ra đảm bảo phát huy tối đa sức mạnh của đội ngũ và tiềm năng của HS. Cũng chính từ việc có nhận thức đúng đắn và có năng lực tốt, nhà quản lý sẽ tạo được môi trường giáo dục tốt, biết tổ chức động viên, khích lệ đội ngũ GV, HS thông qua công tác thi đua khen thưởng phù hợp.

Học trò giỏi đòi hỏi phải có thầy giáo giỏi, và có thầy giỏi sẽ có trò giỏi. Người thầy giáo giỏi là người biết truyền cảm hứng, phát hiện những HSG kịp thời và biết khơi dậy trong các em niềm đam mê khám phá các tri thức khoa học. Chính vì vậy, năng lực của người thầy có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hoạt động bồi dưỡng HSG. Đội ngũ GV cần được bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao năng lực dạy học, năng lực tìm hiểu đối tượng giáo dục, năng lực xây dựng môi trường học tập, năng lực hướng dẫn HS tiếp cận với nghiên cứu khoa học …

1.5.2. Chất lượng học sinh

Hoạt động cá nhân của HS đóng vai trò quyết định đến chất lượng học tập của bản thân các em. Mà hoạt động cá nhân của HS lại phụ thuộc rất lớn vào tư chất cá nhân, tinh thần và thái độ, niềm đam mê của chính HS đó.

Chính vì vậy, kết quả của hoạt động bồi dưỡng HSG phụ thuộc rất lớn vào việc nhà trường có tuyển chọn được những HS có chất lượng tốt hay không.

Chất lượng HS không những chỉ là điểm số, xếp loại kết quả học tập của HS mà còn bao gồm phẩm chất đạo đức, nề nếp học tập, kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, khả năng làm việc độc lập, làm việc nhóm và các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống cần thiết khác. Một HS có tư chất thông minh nhưng không có tinh thần, thái độ học tập đúng đắn sẽ không đạt được kết quả tốt trong học tập và sẽ không thể phát huy hết tư chất của bản thân.

Để có chất lượng HS tốt, nhà trường cần tổ chức tốt công tác tuyển sinh đầu cấp. Để thu hút những HSG từ các trường THCS, nhà trường cần quan tâm quảng bá hình ảnh của trường, các chủ trương và phương thức tổ chức

giáo dục đến các HS của các trường THCS. Để thực hiện điều đó, nhà trường không thể chỉ dừng lại ở việc “ngồi chờ học sinh tới với mình” mà cần tìm đến các đối tượng “học sinh tiềm năng” để làm công tác tuyển sinh thông qua các hoạt động như ngày hội tuyển sinh, các hoạt động thông tin, tuyên truyền.

1.5.3. Các điều kiện về cơ sở vật chất

CSVC, trang thiết bị dạy học là thành tố trong quá trình dạy học. Thành tố này có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại, ảnh hưởng đến các thành tố khác như mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học, thầy và trò, qua đó góp phần quyết định đến chất lượng giáo dục nói chung, chất lượng hoạt động bồi dưỡng HSG nói riêng.

Việc sử dụng hiệu quả các trang thiết bị dạy học, thiết bị thí nghiệm thực hành có vai trò to lớn trong việc hình thành kỹ năng cho HS, đồng thời giúp các em khắc sâu kiến thức lý thuyết, kiểm nghiệm tri thức qua thực tiễn.

CSVC phục vụ hoạt động bồi dưỡng HSG trước hết phải là CSVC lớp học, trang thiết bị thí nghiệm thực hành, đồ dùng dạy học. Nguồn tư liệu tham khảo và cơ sở hạ tầng kỹ thuật về công nghệ thông tin cũng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động bồi dưỡng HSG. Nhà trường cần tạo điều kiện để GV và HS dễ dàng tiếp cận, sử dụng các trang thiết bị, tài liệu tham khảo, nguồn tài nguyên mở trên Internet để phục vụ hoạt động dạy và học.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần huy động được nguồn tài chính hỗ trợ tổ chức các hoạt động bồi dưỡng HSG, thực hiện công tác thi đua khen thưởng, thực hiện chế độ cho GV tham gia bồi dưỡng HSG.

1.5.4. Phối hợp các lực lượng trong quản lý hoạt động bồi dưỡng HSG 1.5.4.1. Phối hợp các lực lượng trong nhà trường

Phối hợp là hoạt động cùng nhau của hai hay nhiều cá nhân, tổ chức để hỗ trợ cho nhau thực hiện một công việc chung, mà trong trường hợp này là hoạt động bồi dưỡng HSG. Để phối hợp có hiệu quả, hiệu trưởng phải xác định những lĩnh vực hoạt động chung, nội dung phối hợp và nhiệm vụ của từng tổ chức, cá nhân trong mỗi lĩnh vực ấy.

Quản lý hoạt động bồi dưỡng HSG cần được tổ chức thực hiện thông qua việc phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các lực lượng trong nhà trường.

Trước hết, cần có sự phối hợp trong việc hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch của các cấp quản lý bên trong nhà trường như hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, tổ trưởng các tổ chuyên môn. Tiếp theo, cần có sự vào cuộc của GVCN, GV giảng dạy trên lớp, GV được phân công ôn luyện các đội tuyển.

Đồng thời, để phục vụ hoạt động bồi dưỡng HSG cần có sự góp sức của Văn phòng trong công tác phục vụ, bảo vệ và sự duy trì ổn định nề nếp của đoàn thanh niên, sự động viên, khích lệ đội ngũ của công đoàn cơ sở.

1.5.4.2. Phối hợp các lực lượng ngoài nhà trường

Phối hợp các lực lượng giáo dục ngoài trường hay huy động cộng đồng tham gia xây dựng và phát triển giáo dục là quá trình vận động (động viên, khuyến khích, thu hút) và tổ chức mọi thành viên trong cộng đồng tham gia vào việc xây dựng và phát triển nhà trường, từ việc xây dựng CSVC, trang thiết bị phục vụ dạy và học, chăm lo đời sống GV, tạo môi trường giáo dục thống nhất giữa nhà trường–gia đình–xã hội đến việc tham gia giáo dục HS.

Trong hoạt động bồi dưỡng HSG, nhà trường cần huy động sự hỗ trợ của các gia đình HS. Nhà trường cần tuyên truyền để có được sự đồng thuận cao từ phía gia đình HS về chủ trương, kế hoạch bồi dưỡng HSG để từ đó các gia đình sẽ quan tâm, động viên HS tham gia và sẽ là những tuyên truyền viên làm lan tỏa sự đồng thuận này đến các tầng lớp xã hội khác. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nguồn tài chính phục vụ cho hoạt động bồi dưỡng HSG cũng hết sức cần thiết do ngân sách chi cho mỗi nhà trường rất hạn hẹp, không đủ đáp ứng nhu cầu cần thiết.

Để động viên, khích lệ tinh thần HS cố gắng nỗ lực vươn lên, khuyến khích đội ngũ nhà giáo trong hoạt động bồi dưỡng HSG, nhà trường cần làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp để thành tích của GV và HS cũng được các tổ chức ngoài nhà trường như Đoàn thanh niên, Hội khuyến học và chính quyền các cấp ghi nhận.

1.5.5. Công tác thi đua khen thưởng đối với hoạt động bồi dưỡng HSG Chất lượng hoạt động bồi dưỡng HSG phụ thuộc rất lớn vào việc nhà trường sử dụng kết quả của hoạt động này như thế nào. Nếu GV, HS thấy được rằng việc sử dụng kết quả hoạt động bồi dưỡng HSG là thiết thực, nếu nhà trường có các biện pháp động viên cả về vật chất và tinh thần đối với những cá nhân đạt thành tích tốt trong hoạt động bồi dưỡng HSG thì chắc chắn GV và HS sẽ nỗ lực, cố gắng vươn lên.

Mặt khác, nếu những nỗ lực, cố gắng của GV và HS không được ghi nhận kịp thời, không được đánh giá đúng, hoặc khi nhà trường sử dụng cách quản lý theo kiểu “cào bằng”, hay thờ ơ, không quan tâm đến kết quả thì chắc chắn nhiệt huyết của GV sẽ dần bị giảm sút.

Theo thuyết thứ bậc nhu cầu của A. Maslow, các nhu cầu được thỏa mãn bậc cao là: Nhu cầu về sự thừa nhận như một thành viên; nhu cầu được tôn trọng và nhu cầu được tự thể hiện [23]. CBQL cần chú trọng làm cho GV được thỏa mãn các nhu cầu bậc cao này, có được như vậy họ sẽ nỗ lực cố gắng hết mình trong công tác nói chung và hoạt động bồi dưỡng HSG nói riêng.

Việc khen thưởng phải được kết hợp hài hòa giữa biểu dương tinh thần và bằng vật chất. Việc biểu dương tinh thần được thực hiện bằng lời hoặc bằng văn bản. Đó có thể chỉ là cái vỗ vai động viên, đến vinh danh trước tập thể tổ chuyên môn, trước nhà trường, trước HS và CMHS. Kết hợp với sự biểu dương tinh thần, nhà trường cần phải có định mức khen thưởng phù hợp với thành tích mà GV và HS đạt được. Tất cả việc biểu dương, vinh danh, khen thưởng chỉ phát huy hết tác dụng động viên, khích lệ nếu được tổ chức một cách trang trọng, được đưa ra một cách chân thành và trên hết phải kịp thời.

Theo lý thuyết kỳ vọng về động cơ của Porter-Lawler, khi con người hiểu rõ (trị lượng) sẽ được thỏa mãn những gì thì họ sẽ có động cơ, nỗ lực gấp đôi để đạt được mục tiêu [23]. Chính vì vậy, cần cho GV, HS thấy rõ ràng

những gì mà họ sẽ đạt được đối với từng mức độ của sự thành công trong hoạt động bồi dưỡng HSG bằng cách quán triệt cụ thể, chi tiết về các quy định trong TĐKT, nâng lương trước thời hạn, trong quy định xếp lớp chọn, trong việc phân công nhiệm vụ giảng dạy, chủ nhiệm lớp. Nhà trường cần nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra mức thưởng phù hợp sao cho không vượt quá khả năng chi trả của các nguồn quỹ nhưng cũng đồng thời đáp ứng được một phần nhu cầu, nguyện vọng của GV, HS.

1.5.6. Công tác duy trì sự thường xuyên, đa dạng trong hoạt động bồi dưỡng HSG

Hoạt động bồi dưỡng nói chung, bồi dưỡng HSG nói riêng đòi hỏi phải có một quá trình lâu dài, bền bỉ, thường xuyên liên tục. Nếu hoạt động bồi dưỡng HSG chỉ được thực hiện một cách hình thức, chiếu lệ thì nhiệt huyết của cả thầy và trò sẽ nhanh chóng nguội lạnh.

Để có được hiệu quả cao trong công tác bồi dưỡng HSG, các hoạt động bồi dưỡng dưới nhiều hình thức khác nhau cần được duy trì thường xuyên, liên tục, trong suốt quá trình học tập tại trường của HS.

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, để HS có thể phát triển tối đa năng lực của bản thân, nhà trường cần tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo để HS tham gia. Qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, HS được hình thành và phát triển những phẩm chất, tư tưởng, ý chí, tình cảm, giá trị sống, kỹ năng sống và những năng lực chung cần có ở con người trong xã hội hiện đại. Về nội dung, trong các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, kiến thức thực tiễn gắn bó với đời sống, địa phương, cộng đồng, đất nước, mang tính tổng hợp nhiều lĩnh vực giáo dục, nhiều môn học, dễ vận dụng vào thực tế.

Các hoạt động trải nghiệm sáng tạo được thiết kế thành các chủ điểm mang tính mở với hình thức tổ chức đa dạng, phong phú, mềm dẻo, linh hoạt, mở về không gian, thời gian, quy mô, đối tượng và số lượng. Trong các hoạt động trải nghiệm sáng tạo HS có nhiều cơ hội trải nghiệm. Bên cạnh đó, nhiều lực

lượng có thể tham gia tổ chức các hoạt động trải nghiệm với các mức độ khác nhau.

Để làm tốt điều này, mô hình các Câu lạc bộ môn học là điều kiện lý tưởng để tập hợp những HS có năng lực tốt, có niềm đam mê của từng bộ môn. Chính đội tuyển HSG sẽ là nòng cốt của những câu lạc bộ môn học để từ đó tạo niềm say mê cho những HS khác. Những câu lạc bộ môn học nếu được tổ chức tốt sẽ huy động được sự giúp đỡ của nhiều tổ chức, cá nhân bên ngoài nhà trường và hoạt động của nó sẽ không chỉ giới hạn trong sách vở, trong nhà trường, trong thời gian chính thức của năm học.

Tiểu kết chương 1

Chương 1 đã đề cập tới các vấn đề về bồi dưỡng HSG ở một số nước trên thế giới và ở Việt Nam. Tác giả cũng đã trình bày để làm sáng tỏ một số khái niệm cơ bản như: Khái niệm về quản lý, quản lý giáo dục, quản lý nhà trường; Khái niệm nhà trường, trường THPT. Ở chương này, khái niệm HSG, tầm quan trọng của hoạt động bồi dưỡng HSG, nội dung quản lý hoạt động bồi dưỡng HSG đã được đề cập đến một cách khá sâu sắc. Đồng thời, tác giả cũng đã cố gắng phân tích các vấn đề cốt lõi có tác động đến quản lý hoạt động bồi dưỡng HSG ở trường THPT. Các vấn đề nêu trên chính là nền tảng lý luận để tác giả luận văn định hướng nghiên cứu thực trạng quản lý hoạt động bồi dưỡng HSG ở Trường THPT TP Điện Biên Phủ và đề xuất các biện pháp quản lý hoạt động bồi dưỡng HSG nhằm ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động này tại đơn vị.

CHƯƠNG 2

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi ở trường trung học phổ thông thành phố điện biên phủ trong bối cảnh hiện nay (Trang 38 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)