3.2.3.1. Mục đích
Nội dung và phương pháp bồi dưỡng là những yếu tố cấu thành quan trọng trong hoạt động bồi dưỡng HSG. Như đã trình bày trong Chương 2, nội dung bồi dưỡng HSG ở Trường THPT TP Điện Biên Phủ mới chỉ dừng lại ở
việc thực hiện theo chương trình được Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên ban hành. Đa số GV còn đang lúng túng về phương pháp bồi dưỡng HSG. Nhiều GV chủ yếu dùng cách cung cấp tài liệu tham khảo cho HS và yêu cầu HS nghiên cứu, làm các bài tập trong đó. Nội dung bồi dưỡng HSG mới chỉ chú trọng đến kiến thức, kỹ năng của từng môn học mà chưa có sự kết hợp hài hòa với việc giáo dục về ý thức chấp hành pháp luật, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giá trị sống.
Mục đích của biện pháp này là nhằm đưa ra một chương trình thống nhất phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị cho từng bộ môn, đề xuất các phương pháp chủ yếu trong bồi dưỡng HSG.
3.2.3.2. Nội dung biện pháp
- Về nội dung bồi dưỡng HSG: Kết hợp hài hòa giữa giáo dục pháp luật, tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống với nội dung chương trình bồi dưỡng HSG cụ thể của từng môn học cho HS. Nội dung về giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống được tổ chức chung cho HS toàn trường. Đối với nội dung bồi dưỡng HSG của từng môn, các tổ chuyên môn cần tổ chức cho GV nghiên cứu kỹ chương trình bồi dưỡng HSG do Sở GD&ĐT ban hành. Trên cơ sở đó, chi tiết hóa các chuyên đề trọng tâm phù hợp với đối tượng HS của nhà trường, điều chỉnh thời lượng cho từng nội dung của mỗi chuyên đề. Đồng thời, mỗi tổ chuyên môn cần từng bước thiết lập ngân hàng các dạng bài tập, các dạng câu hỏi cho mỗi chuyên đề phục vụ hoạt động bồi dưỡng HSG; sưu tầm và lưu trữ một cách khoa học các đề thi chọn HSG của các trường trong địa bàn, của tỉnh qua các năm, thành lập ngân hàng các bài tập hay, các nội dung khó trong kiến thức, kỹ năng của các bộ môn; lập danh sách các trang Web, các Blog trên Internet, các nhà sách để GV, HS tìm tài liệu tham khảo.
- Về phương pháp bồi dưỡng HSG: Mỗi GV khi tham gia bồi dưỡng HSG cần hiểu cặn kẽ để có thể áp dụng một cách phù hợp các phương pháp dạy học. Bên cạnh đó, GV cần đặc biệt lưu tâm đến việc sử dụng kiểm tra đánh giá như một công cụ dạy học để thúc đẩy người học tiến bộ; phương
pháp dạy học bằng hình thức thực hành dạy tức là tổ chức cho HS tự giải thích, hướng dẫn nhau thực hiện một số nội dung trong chương trình bồi dưỡng HSG. Trong quá trình bồi dưỡng HSG, GV cần căn cứ năng lực của từng HS để thực hiện dạy học phân hóa theo đối tượng, tiến tới cá thể hóa việc giao nhiệm vụ, bài tập cho HS. Đồng thời, GV cần tăng cường sử dụng phương pháp dạy học theo dự án.
3.2.3.3. Cách thức tiến hành
Trước hết, Hiệu trưởng nhà trường cần thành lập Tổ biên soạn chương trình bồi dưỡng HSG. Tổ công tác này do Phó hiệu trưởng phụ trách công tác bồi dưỡng HSG làm tổ trưởng, các ủy viên là các GV có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm vững vàng, nhiều kinh nghiệm và đã đạt được thành công trong hoạt động bồi dưỡng HSG. Trên cơ sở nghiên cứu chương trình chung của tỉnh, kết hợp kinh nghiệm của bản thân, tổ công tác đề xuất phương án chi tiết hóa các nội dung trong các chuyên đề trọng tâm, điều chỉnh thời lượng cho từng chuyên đề, trong đó có thể giảm bớt thời lượng cho các chuyên đề chuyên sâu chỉ phù hợp với HS trường chuyên, giảm bớt nội dung và thời lượng cho các nội dung mà GV và HS có thể thực hiện tốt trên lớp chính khóa hoặc chuyển từ chương trình chính sang phần tự học. Sau khi dự thảo chương trình được xây dựng, cần có thời gian để GV trong mỗi tổ chuyên môn xem xét, nghiền ngẫm và phản biện. Chương trình chỉ được ban hành khi đã xem xét kỹ mọi ý kiến tham gia. Tuy nhiên, cần tiếp tục xem xét, điều chỉnh cho phù hợp trong các năm học tiếp theo, hoặc ngay trong quá trình tổ chức thực hiện.
Tiếp theo, nhà trường cần thành lập Tổ biên soạn danh mục các dạng bài tập, các dạng câu hỏi cho từng chuyên đề. Đồng thời, nhà trường cần chỉ đạo các tổ chuyên môn tiến hành sưu tầm, lưu trữ trong kho tư liệu của tổ các đề thi của các trường, của Sở GD&ĐT, danh mục các địa chỉ cung cấp tài liệu tham khảo cho GV và HS. Cách thức ban hành các danh mục này cũng cần
được thực hiện trên cơ sở huy động trí tuệ tập thể như đối với việc xây dựng chương trình bồi dưỡng HSG.
Hằng năm, nhà trường cần đưa vào kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học việc tập huấn cho GV các phương pháp dạy học, phương pháp tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả học tập của HS. Tuy nhiên, nhà trường không thể tập huấn được hết tất cả các phương pháp ngay trong một năm học mà nên bắt đầu từ những nội dung mà phần đông GV còn đang lúng túng như: Cách đặt câu hỏi phát triển tư duy bậc cao, cách xây dựng kế hoạch kiểm tra, thiết lập ma trận đề, phương pháp dạy học theo hình thức thực hành dạy, dạy học theo dự án … Trước khi tiến hành tập huấn, nhà trường cần chỉ đạo để một số GV có năng lực tốt nghiên cứu kỹ lưỡng về nội dung, xây dựng tài liệu để tập huấn lại cho GV hoặc mời chuyên gia về tập huấn.
Bên cạnh đó, nhà trường cần chỉ đạo GV, kết hợp với Đoàn thanh niên, các tổ chức chính trị, xã hội ngoài nhà trường tăng cường tổ chức các buổi tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật, giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống. Thông qua các buổi sinh hoạt tập thể, các hoạt động nhân các ngày lễ để giáo dục về truyền thống, đạo lý của dân tộc, giúp HS nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão và lý tưởng của mình.
Cuối cùng, nhà trường cần chỉ đạo GV tăng cường hướng dẫn HS tự học, hướng dẫn HS tiếp cận dần phương pháp nghiên cứu khoa học để HS có thể dần biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục.
3.2.3.4. Điều kiện thực hiện biện pháp
Để thực hiện được biện pháp này, Hiệu trưởng nhà trường cần cụ thể hóa việc chỉ đạo đổi mới nội dung, phương pháp bồi dưỡng HSG trong kế hoạch chiến lược. Trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học, Hiệu trưởng cần kiên trì thực hiện từng phần nội dung của biện pháp trong nhiều năm. Đồng thời, cần phổ biến rộng rãi đến CBQL, GV và HS để có được sự đồng thuận, sự trợ giúp bền bỉ của họ.