CHƯƠNG 4: PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CỦA CÁC DOANH NGHIỆP MAY TỈNH TIỀN GIANG
4.1 Thực trạng về các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển nguồn nhân lực thuộc môi trường bên ngoài doanh nghiệp may tỉnh Tiền Giang
4.1.4. Thực trạng về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về lao động
Theo kết quả điều tra 208 nhân viên đang làm việc trong các doanh nghiệp may (được nêu trong bảng 4.15), có 66 lao động lưu trú ở tại nhà chiếm tỷ lệ 31,7%, 131 lao động thuê nhà trọ ở ngoài chiếm tỷ lệ 63,0% và chỉ có 11 lao động chiếm tỷ lệ 5,3% ở nhà trọ do doanh nghiệp mình xây dựng. Hay nói cách khác, tỷ lệ lao động thuê nhà trọ bên ngoài doanh nghiệp may chiếm tỷ lệ 63,0%.
Bảng 4.15: Kết quả điều tra về tình hình lưu trú làm việc của nhân viên
Lưu trú Số nhân viên Tỷ trọng (%)
Ở nhà mình, cha mẹ, người thân 66 31,7
Thuê nhà trọ bên ngoài 131 63,0
Nhà trọ DN xây dựng cho công nhân 11 5,3
Tổng cộng 208 100,0
Nguồn: Số liệu điều tra của tác giả
Theo kết quả điều tra 131 nhân viên thuê nhà trọ ngoài (được nêu ở phụ lục 15), thì có 22,1% lao động đánh giá chất lượng nhà trọ kém, 43,5% lao động cho rằng tạm được, 24,4% lao động đánh giá trung bình, 9,2% lao động đánh giá là khá và chỉ có 0,8% lao động đánh giá nhà trọ mà họ đang ở là tốt. Điều này cho thấy chất lượng nhà trọ mà nhân viên lao động thuê bên ngoài doanh nghiệp chưa được tốt, điều kiện sinh hoạt rất khó khăn thiếu thốn.
Vấn đề gây bức xúc hiện nay của người lao động là hầu như tỉnh Tiền Giang nói chung và doanh nghiệp may nói riêng chưa quan tâm đến việc xây dựng nhà ở công nhân. Vì vậy để có chỗ ở, phần lớn họ phải thuê nhà trọ của tư nhân. Theo điều tra của
Ban quản lý các KCN Tiền Giang (2013), có khoảng 60% số công nhân đang làm việc tại các KCN, CCN phải thuê nhà ở, giá trung bình từ 400.000 - 600.000 đồng/tháng/phòng cho 3 đến 4 người với diện tích khoảng 15 – 20 m2, điều kiện sinh hoạt rất khó khăn thiếu thốn. Hệ thống nhà trọ tại các doanh nghiệp tư nhân là tự phát, không giấy phép bùng nổ mạnh ở các khu vực vành đai xung quanh các KCN, CCN trong đó có một số khu nhà trọ xây dựng rất tạm bợ, thiếu không khí, ánh sáng và các điều kiện sinh hoạt tối thiểu.
Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội (2013), số lao động năm 2013 giảm so với tổng số lao động cuối kỳ năm 2012 là 19,34%, số lao động tăng là 33,96%. Trong số lao động giảm thì có khoảng 91,4% là nghỉ do thôi việc và nghỉ vì lý do khác (lương thấp, công việc không phù hợp với người lao động, điều kiện ở thiếu thốn), số còn lại 8,6% nghỉ là do nghỉ hưu và sa thải do kỷ luật. Nguyên nhân của việc lao động giảm do thôi việc là do tính chất lao động làm việc tại các doanh nghiệp may giản đơn, điều kiện làm việc vất vả, thu nhập và các khoản phụ cấp không cao, điều kiện ở thiếu thốn khiến người lao động không cảm thấy gắn bó với nơi làm việc, chỉ cần nghe thấy có nơi làm việc khác có điều kiện tốt hơn là họ sẵn sàng bỏ việc, tiếp tục đến chỗ khác xin việc dẫn đến biến động lao động. Nguyên nhân khác là do điều kiện sinh hoạt và vật chất thiếu thốn.
Qua điều tra 72 doanh nghiệp may (được nêu ở phụ lục 10 – bảng 10.8) cho thấy, chỉ có 4 DN xây dựng nhà trọ cho công nhân ở chiếm tỷ lệ 5,6%. Trong khi đó, số doanh nghiệp chưa xây dựng nhà trọ cho công nhân ở là 68 DN chiếm tỷ lệ 94,4%.
Trong số 04 doanh nghiệp xây dựng nhà trọ cho công nhân ở thì các doanh nghiệp này tự mua đất để cất nhà trọ cho công nhân ở. Điều này cho thấy, tỉnh chưa có chính sách hỗ trợ quỹ đất để doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân ở mặt dù chủ trương nhà ở công nhân đã được Trung ương ban hành đã lâu (như Quyết định số 66/2009/QĐ-TTG ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN thuê). Các doanh nghiệp xây dựng nhà trọ công nhân thì khả năng đáp ứng nhà trọ cho công nhân ở là rất thấp, trong 04 doanh nghiệp có xây dựng nhà trọ thì có 01 DN khả năng đáp
ứng nhà trọ cho công nhân ở dưới 30% trong tổng số công nhân ở xa có nhu cầu trọ, 02 doanh nghiệp có khả năng đáp ứng nhà ở công nhân từ 30-50%, 01 doanh nghiệp khả năng đáp ứng nhu cầu nhà ở từ 51-70% (được nêu ở phụ lục 10 – bảng 10.9).
Theo kết quả điều tra 68 doanh nghiệp may không có xây dựng nhà trọ cho công nhân (được nêu ở phụ lục 10 – bảng 10.9) thì có 32 DN cho rằng nguyên nhân không xây dựng nhà trọ cho công nhân là do doanh nghiệp không đủ nguồn tài chính để mua đất và xây dựng nhà ở công nhân (chiếm tỷ lệ cao nhất là 44,4%), kế đến là do số lượng lao động của doanh nghiệp ít nên chưa có nhu cầu xây dựng là 17 doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 23,6%), có 6 doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 8,35%) cho rằng nguyên nhân không xây dựng nhà trọ cho công nhân là do DN mới thành lập nên chưa có kế hoạch xây dựng, 2 doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 2,8%) cho rằng mình chưa được nhà nước hỗ trợ quỹ đất và 15,3% doanh nghiệp cho rằng nguyên nhân khác.
Cũng theo kết quả điều tra (được nêu ở phụ lục 10 – bảng 10.9) cho thấy, trong số 68 doanh nghiệp may trên thì chỉ có 21 doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 30,9%) hỗ trợ tiền cho công nhân thuê nhà trọ bên ngoài nhưng số tiền hỗ trợ quá khiêm tốn bình quân khoảng từ 90.000 - 250.000 đồng/lao động/tháng.
4.1.4.2 Chính sách hỗ trợ học phí đào tạo nghề tại chỗ tại doanh nghiệp
Thực tế trong các doanh nghiệp may, để đáp ứng yêu cầu sử dụng, các doanh nghiệp đã chủ động đào tạo lại nguồn nhân lực nhưng chủ yếu là huấn luyện thêm kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động. Việc đào tạo lại được thực hiện trong phạm vi hẹp với thời gian đào tạo ngắn do phải duy trì hoạt động sản xuất và gặp trở ngại về chi phí đào tạo. Điều tra cho thấy có một số doanh nghiệp đề nghị nhà nước cần hỗ trợ chi phí để doanh nghiệp đào tạo nghề cho người lao động trong doanh nghiệp mình.
UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành chính sách ưu đãi đầu tư (Quyết định số 40/2008/QĐ-UBND ngày 22/9/2008), tuy nhiên điều kiện được hỗ trợ phải sử dụng từ 200 lao động trở lên, trong 2 năm đầu mới thành lập và mức hỗ trợ không quá 300.000 đồng/tháng và không quá 1.000.000 đồng/người/năm. Do đa số các doanh nghiệp may có quy mô nhỏ và doanh nghiệp thành lập lâu không được nhận được sự hỗ trợ này.
Mặt khác, các doanh nghiệp thuộc đối tượng được hưởng nhưng do thủ tục khá rườm rà nên có rất ít doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ từ ngân sách.
4.1.4.3 Đầu tư chất lượng đào tạo nghề tại các trường, cơ sở đào tạo
- Về đầu tư về tài chính: Năm 2007, tổng chi cho đào tạo của 18 cơ sở đào tạo của tỉnh là 57,95 tỷ đồng, bình quân 1,39 triệu đồng/học sinh và đến năm 2013 là 98,68 tỷ đồng, bình quân 2,43 triệu đồng/năm/học sinh. Nhìn chung chi cho đào tạo bình quân/học sinh của các trường trung cấp, cao đẳng nghề còn ở mức thấp (Sở Tài chính Tiền Giang, 2013).
- Về đầu tư cơ sở vật chất: Đầu tư cơ sở vật chất của các trường đang dần được hoàn thiện. Ngoài một số các trường dạy nghề và trung tâm nghề mới được xây dựng khang trang ở các huyện nên về cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập cho các học viên khắc phục được tình trạng dạy ghép lớp, tăng giờ, tăng tiết ở các cơ sở đào tạo. Nhưng nhìn chung phần lớn các trường trung cấp nghề và các trường trung cấp chuyên nghiệp có các điều kiện để đảm bảo hoạt động cũng như nâng cao chất lượng đào tạo của các trường chưa tương xứng với qui mô đào tạo, hiện đang thiếu; phòng học, phòng thực hành đa số chưa được đầu tư xây dựng mới (Sở Giáo dục và Đào tạo TG, 2012).
Trang thiết bị phòng thực hành phục vụ cho công tác giảng dạy còn nhiều hạn chế, thiếu các thiết bị, mô hình dạy nghề cho các học viên thực hành, thực tập, trang thiết bị hiện đang sử dụng với công nghệ lạc hậu, ngoại trừ một số thiết bị thực hành của các trường tập trung cơ sở đào tạo lớn như Trường đại học Tiền Giang, Trường Cao đẳng nghề Tiền Giang vừa được trang bị trong những năm gần đây, còn lại hầu hết các thiết bị dạy học tại các trường đều rất cũ, hết niên hạn sử dụng do thiếu kinh phí mua sắm trang thiết bị (UBND Tiền Giang, 2013)
- Về đội ngũ giảng viên, giáo viên dạy nghề: Tính đến năm 2013, đội ngũ giảng viên, giáo viên dạy nghề toàn tỉnh có 1.084 người bao gồm các trình độ từ cao đẳng trở lên. Trong đó, số lượng giáo viên dạy nghề là 315 người chiếm 29,04%, giáo viên dạy trung cấp chuyên nghiệp chiếm 20,62% (223 người), giáo viên dạy cao đẳng chiếm
15,12% (164 người) và lực lượng giáo viên nòng cốt chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số giáo viên hiện nay là giáo viên dạy đại học chiếm 35,62% gồm 382 người12.
4.1.4.4 Công tác tuyên truyền giáo dục, đào tạo và pháp luật về lao động
Đặc điểm nổi bật của người dân Việt Nam nói chung và người dân tỉnh Tiền Giang nói riêng là tâm lý trọng khoa cử, trọng bằng cấp. Thông thường, học sinh bậc THPT dù có học lực thế nào cũng đăng kí dự thi vào một trường Đại học nhất định, rất ít học sinh ngay từ đầu lựa chọn giải pháp học nghề13. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, việc lập nghiệp của thanh niên không chỉ là vào học ở các trường Đại học, mà học nghề, đào tạo nghề đang và sẽ là hướng đi đúng đắn. Khi nước ta đã gia nhập WTO và sẽ có thêm nhiều công ty nước ngoài vào đầu tư và có nhiều doanh nghiệp trong nước thuộc các thành phần kinh tế được thành lập. Điều đó cho thấy nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ rất cao, người lao động dù ở bất cứ ngành nghề lĩnh vực nào nếu có trình độ, kỹ năng nghề nghiệp đều có cơ hội rất lớn tìm được việc làm và có thu nhập thoả đáng. Thực tế hiện nay, học viên ở các trường dạy nghề sau khi tốt nghiệp về cơ bản có việc làm ổn định trong khi đó phần đông sinh viên các trường Đại học khó tìm được việc hoặc làm trái với chuyên môn đào tạo. Thực tiễn sinh động trên đã và đang tác động mạnh mẽ đến nhận thức của các bậc phụ huynh và học sinh trong lựa chọn nghề nghiệp. Vì vậy việc tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác dạy nghề, về vai trò vị trí của dạy nghề đối với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương và có vai trò quyết định đối với việc lập thân, lập nghiệp của người lao động nhằm thu hút ngày càng nhiều học sinh tham gia học nghề.
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động được quan tâm tổ chức thực hiện. Thực hiện Quyết định số 31/2009/QĐ-TTg ngày 24/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp. Từ năm 2009 đến nay, các ngành chức năng của tỉnh
12 Báo cáo của UBND tỉnh Tiền Giang năm 2013
đã tổ chức lồng ghép có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động.
Tuy nhiên, do không bố trí được nguồn kinh phí riêng để thực hiện Đề án, phải lồng ghép với các nhiệm vụ chuyên môn khác nên số người lao động cũng như người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền, phổ biến pháp luật chiếm tỷ lệ thấp.
Bên cạnh đó, Dựa vào kết quả phân tích được nêu trong bảng 4.16 cho thấy, biến V17 và V14 được đại diện các doanh nghiệp may đánh giá thấp (giá trị trung bình là 3.29 và 3.67) và tập trung ở điểm 4 (Mod = 4). Do đó trong thời gian tới, Tiền Giang cần tập trung vào công tác tuyên truyền về giáo dục, đào tạo và pháp luật lao động, đồng thời giải quyết tốt vấn đề nhà ở công nhân cho người lao động.
Bảng 4.16: Giá trị thực trạng các biến đo lường Chính sách hỗ trợ nhà nước
Thang đo N Giá trị
trung bình
Mod Độ lệch chuẩn V14: Công tác giải quyết vấn đề nhà ở công nhân được chính
quyền địa phương chú trọng cao.
270 3.67 4 .875
V15: Chính sách phát triển trình độ lành nghề hiện nay là hợp lý 270 3.76 4 .959 V16: Chính sách nâng cao chất lượng đào tạo nghề hiện nay đáp
ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
270 3.70 4 .906
V17: Công tác tuyên truyền về giáo dục, đào tạo và pháp luật lao động được thể hiện tốt
270 3.29 4 .804
Nguồn: Số liệu điều tra của tác giả