CHƯƠNG 4: PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CỦA CÁC DOANH NGHIỆP MAY TỈNH TIỀN GIANG
4.3.2 Những tồn tại và nguyên nhân hạn chế
- Tăng trưởng kinh tế chưa ổn định, chất lượng tăng trưởng chưa cao, các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh chưa thật hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
- Lượng lao động qua đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng.
- Nguồn gốc lao động xuất thân chủ yếu từ nông thôn nên người lao động chưa có thói quen chấp hành kỷ luật lao động và nội quy cơ quan.
Xuất phát những tồn tại trên là do một số nguyên nhân sau:
(1) Chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh chưa phù hợp với từng lĩnh vực, chưa chú trọng các hình thức đầu tư mới gắn quyền lợi với trách của nhà đầu tư.
(2) Công tác xã hội hoá, huy động các nguồn lực tài chính cho phát triển các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, văn hoá còn hạn chế.
(3) Nguồn gốc lao động trong các DN chủ yếu là nông thôn ra làm việc nên tâm lý và hành vi còn e ngại khi tiếp cận với thiết bị máy móc của doanh nghiệp.
Về chất lượng lao động cá nhân
Chất lượng lao động cá nhân của người lao động địa phương (Trình độ, thể lực và đạo đức) chưa được đánh giá cao. Lao động có trình độ chuyên môn chưa đáp ứng tốt yêu cầu công việc, kỹ năng mềm yếu và thiếu, tính tự chủ, sáng tạo trong công việc chưa cao. Đạo đức tác phong của đội ngũ lao động chưa cao và quan tâm đến những lợi ích, mục tiêu ngắn hạn, trước mắt, chưa chú trọng đến học nghề dài hạn ngay cả khi có sự hỗ trợ kinh phí đào tạo của nhà nước.
Xuất phát những tồn tại trên là do nguồn gốc lao động trong các doanh nghiệp may chủ yếu là nông thôn ra làm việc nên họ thiếu tác phong công nghiệp, không chịu được áp lực công việc cao nên thường xuyên đổi chỗ làm ảnh hưởng đến năng suất, tay nghề, thu nhập của chính bản thân người lao động. Phương pháp làm việc người lao động còn tùy tiện, thiếu khoa học, kỹ năng giao tiếp và tính năng động còn hạn chế.
Về giáo dục đào tạo và pháp luật lao động
- Hệ thống đào tạo hiện nay ở Tiền Giang vẫn chưa đào tạo được đội ngũ lao động có trình độ cao, các ngành đào tạo giữa các cơ sở đào tạo đang chồng chéo nhau.
Đào tạo chưa gắn với nhu cầu thực tế doanh nghiệp mà chỉ đào tạo những ngành nào có nhiều học viên theo học.
- Các cơ sở đào tạo ngành may ở Tiền Giang chưa đáp ứng chưa kịp nhu cầu của DN. Công tác đào tạo NNL của tỉnh còn quá phụ thuộc vào ngân sách nhà nước chưa kêu gọi được nguồn khác từ xã hội hóa. Các trung tâm việc làm ở Tiền Giang hoạt động chưa được tốt.
Xuất phát những tồn tại trên là do một số nguyên nhân sau:
(1) Nhà nước đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo còn hạn chế.
(2) Hệ thống pháp luật của Nhà nước về lao động chưa hoàn thiện, các hướng dẫn của Trung ương còn thiếu đồng bộ, chưa nhất quán, đôi khi chậm thể chế hoá.
(3) Khả năng cung ứng nguồn nhân lực của các cơ sở đào tạo của tỉnh theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về lao động
- Công tác tuyên truyền về giáo dục, đào tạo và pháp luật về lao động của tỉnh chưa thật sự hiệu quả có sự lồng ghép với các chương trình khác.
- Hệ thống lưu trú, chỗ ở cho lao động chưa được các ngành và doanh nghiệp quan tâm. Bên cạnh đó thì chính sách hỗ trợ học phí đào tạo nghề tại chỗ tại các doanh nghiệp may còn nhiều bất cập.
Xuất phát những tồn tại trên là do một số nguyên nhân sau:
(1) Các cấp chính quyền tỉnh và doanh nghiệp may chưa quan tâm nhiều đến việc xây nhà trọ công nhân.
(2) Công tác quản lý nhà nước về nguồn nhân lực còn chồng chéo và bất cập trong việc phối hợp giữa các sở, ban ngành tỉnh và các cấp chính quyền địa phương.
(3) Nhận thức của người lao động về đào tạo nghề còn có hạn chế.
Tuyển dụng lao động
- Chính sách tuyển dụng lao động ở các doanh nghiệp may chưa được người lao động hài lòng cao. Một số DN chưa xây dựng bản mô tả công việc rõ ràng cho các chức danh nên sau khi vào làm việc đã phần nào gây khó khăn trong quá trình giải quyết công việc.
- Công tác tuyển dụng lao động hiện nay ở Tiền Giang gặp nhiều khó khăn nhất là đối với lao động có trình độ nghề. Việc phân công, bố trí công việc chưa thực sự phù hợp với chuyên ngành được đào tạo và khả năng người lao động dẫn đến việc sử dụng nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp may chưa đạt hiệu quả cao.
Xuất phát những tồn tại trên là do các nguyên nhân chính sau:
(1) Số lượng và chất lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu tuyển dụng.
(2) Đa số DN may có quy mô nhỏ nên thường bố trí nhân viên kiêm nhiệm nhiều công việc, DN may chưa xác định rõ ràng nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của người lao động khi thực hiện phân công bố trí công việc. Một số doanh nghiệp chưa có cán bộ chuyên trách về công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Đào tạo và phát triển
- Nhân viên tại các doanh nghiệp may chưa hài lòng về công tác đào tạo những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho công việc. Chương trình đào tạo phát triển lao động có chất lượng chưa được cao.
- Nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp may thông qua hình thức đào tạo tại chỗ là chính do lao động trong các doanh nghiệp may chủ yếu là lao động phổ thông.
- Nhân viên chưa có niềm tin trong vấn đề thăng tiến, đề bạt tại các doanh nghiệp may Tiền Giang, bởi vì họ không thể xác định được quy chế đề bạt, thăng tiến của DN là như thế nào, để có nhiều động lực phấn đấu hơn trong công việc và tâm huyết gắn bó vì sự phát triển của DN của mình.
Xuất phát những tồn tại trên là do các nguyên nhân sau:
(1) Nhu cầu đào tạo được nhận thức rất chủ quan và cảm tính từ ý muốn người quản lý, chưa xuất phát từ việc phân tích nhu cầu công việc một cách đầy đủ và có hệ thống như doanh số, chỉ tiêu kinh doanh. Bên cạnh đó phương pháp đào tạo chưa tốt.
(2) Người lao động ở Tiền Giang chưa có quan tâm lắm về trình độ học nghề mà chỉ quan tâm đến học ở mức trình độ cao hơn như Đại học nên dẫn đến việc thiếu hụt trình độ nghề, trung cấp nghề ở Tiền Giang.
(3) Công tác đánh giá cá nhân nhân viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý đề bạt chưa được quy định chặt chẽ, thống nhất và mang nặng tính hình thức.
Công tác phân tích và đánh giá kết quả công việc
- Công tác phân tích công việc ở doanh nghiệp may chưa được các nhân viên đánh giá cao, công việc của nhân viên trong doanh nghiệp may chưa xác định phạm vi và trách nhiệm rõ ràng. Nguyên nhân là do đa số các doanh nghiệp may có quy mô vừa và nhỏ nên cơ cấu tổ chức thì thường xuyên thay đổi, gây khó cho quá trình phân công giao việc.
- Phương pháp đánh giá kết quả công việc hiện nay ở một số doanh nghiệp may Tiền Giang thì chưa được hợp lý một số tiêu chuẩn đánh giá còn chưa rõ ràng, chưa định lượng được kết quả của một số mặt công tác. Nguyên nhân là do doanh nghiệp may chưa xây dựng được quy trình đánh giá nhân viên theo các tiêu chí cụ thể, công
tác đánh giá nhân viên còn nặng cảm tính, chưa thấy rõ những đóng góp của nhân viên vào hoạt động của doanh nghiệp.
Về môi trường làm việc doanh nghiệp may
- Điều kiện làm việc ở doanh nghiệp chưa được tốt nhất là giờ giấc làm việc.
Môi trường lao động và an toàn lao động chưa được coi trọng đúng mực. Trình độ công nghệ máy móc, thiết bị ở doanh nghiệp may còn lạc hậu.
- Các vụ đình công trong thời gian qua ở các doanh nghiệp may tăng lên rất nhanh chủ yếu ở KCN Tân Hương, KCN Long Giang và nhất là doanh nghiệp FDI.
Nhiều hoạt động công đoàn cơ sở tại các DN may còn mang tính hình thức.
Xuất phát từ những tồn tại trên là do một số nguyên nhân sau:
(1) Lãnh đạo doanh nghiệp may chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác quản trị nguồn nhân lực.
(2) Tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp may hoạt động còn hạn chế.
(3) Nguồn vốn hoạt động kinh doanh của DN may thấp nên khả năng đổi mới máy móc thiết bị và công nghệ mới chưa được DN may chú trọng cao.
Về lương thưởng và phúc lợi doanh nghiệp
Mức thu nhập (tiền lương, tiền thưởng) của người lao động ở các DN may còn thấp. Các khoản phúc lợi và đãi ngộ cho người lao động chưa tốt lắm chỉ đáp ứng những yêu cầu cần thiết đôi khi chỉ mang tính tượng trưng. Nguyên nhân là do doanh nghiệp may chưa xây dựng được chế độ tiền lương, tiền thưởng, đãi ngộ và phúc lợi cho những chức danh công việc cần thiết để khuyến khích, động viên nhân viên. Mức khen thưởng, đãi ngộ và phúc lợi còn thấp, chưa tạo được động lực cho người lao động.
TÓM TẮT CHƯƠNG 4
Chương 4 đã đánh giá thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển nguồn nhân lực doanh nghiệp may Tiền Giang, tập trung giới thiệu khái quát các vấn đề sau:
- Luận án đã tập trung đánh giá thực trạng 9 yếu tố ảnh hưởng đến phát triển nguồn nhân lực các doanh nghiệp may tỉnh Tiền Giang (trong đó có 4 yếu tố bên ngoài và 5 nhân tố bên trong doanh nghiệp) thông qua dữ liệu thứ cấp và sơ cấp (bảng phỏng vấn số 01, 02 và 03) cụ thể như sau:
+ Thực trạng về về môi trường kinh tế - văn hóa xã hội tỉnh Tiền Giang;
+ Thực trạng về chất lượng lao động cá nhân người lao động;
+ Thực trạng về giáo dục đào tạo và pháp luật lao động tỉnh Tiền Giang;
+ Thực trạng về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về lao động;
+ Thực trạng về tuyển dụng lao động trong doanh nghiệp may Tiền Giang;
+ Thực trạng về công tác đào tạo và phát triển lao động doanh nghiệp may;
+ Thực trạng về công tác phân tích - đánh giá kết quả công việc doanh nghiệp may;
+ Thực trạng về môi trường làm việc và quan hệ lao động doanh nghiệp may Tiền Giang;
+ Thực trạng về lương thưởng và phúc lợi tại các doanh nghiệp may Tiền Giang.
Luận án đã đánh giá chung được những kết quả đạt được cũng như những tồn tại và nguyên nhân hạn chế, đây là cơ sở để đưa ra các giải pháp phát triển nguồn nhân lực các doanh nghiệp may Tiền Giang đến năm 2020 ở chương tiếp theo.
CHƯƠNG 5