Chương 1. Xã hội học là gì ?
E. Xã hội học và thực tiễn xã hội
Như đã nói, tư duy xã hội học thường phát triển trong những thời kỳ khủng hoảng hoặc có nhiều biến động xã hội. Cũng chính vì thế mà các nhà hoạt động thực tiễn thường mong chờ nhà xã hội học đưa ra những giải pháp cho những vấn đề cụ thể trước mắt. Chẳng hạn, người kỹ sư nông nghiệp thắc mắc tại sao nông dân vẫn không chịu áp dụng giống lúa mới, dù ông ta đã cố hết sức thuyết phục về các lợi ích của giống lúa mới như năng suất cao, chịu được phèn, kháng được sâu rầy... Nhà sư phạm không hiểu vì sao tình trạng bỏ bê học hành và hư hỏng trong thanh thiếu niên ngày một gia tăng. Còn vị giám đốc nhà máy thì đặt vấn đề làm sao khuyến khích công nhân làm việc hăng hái hơn, và làm cách nào chiêu dụ được nhiều khách hàng hơn mua sản phẩm của nhà máy mình... Nói chung, những người làm việc thực tiễn luôn luôn muốn nhà xã hội học đưa ra được cho họ những “toa thuốc”.
Thực ra, nhà xã hội học không phải là một “thầy thuốc”, lại càng không phải là nhà “tiên tri”. Dù công việc mô tả và phân tích của nhà xã hội học có sâu sắc và xác đáng đến đâu đi nữa, thì điều đó vẫn không phải là cơ sở để cho phép ông ta “báo trước” tương lai, hay tìm ra được biện pháp gì hữu hiệu tác động vào tương lai.
Một thí dụ. Những cuộc thăm dò dư luận trước các cuộc bầu cử tổng
1 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 15.
thống ở Mỹ chỉ cho người ta biết là : vào thời điểm điều tra T, có 30%
(chẳng hạn) người dân Mỹ đồng ý bầu cho ông Trump, 40% cho bà Clinton, v.v. ; nhưng qua đó, vẫn không thể biết trước là đến ngày bầu cử T ’, sẽ có bao nhiêu phần trăm bầu cho người này hay người khác. Bởi lẽ từ thời điểm T tới T ’ (một tuần, một tháng hoặc một năm), sẽ còn diễn ra nhiều biến cố khác có thể làm đảo lộn tình hình ; hơn nữa, bản thân việc công bố kết quả điều tra cũng đã có thể tác động tới sự chọn lựa của cử tri.
Mô tả không phải là dự báo ; tuy nhiên, trong chừng mực nhất định, nhà xã hội học vẫn có thể căn cứ trên kết quả mô tả để nói rằng : sự kiện A có nhiều khả năng xảy ra trong những điều kiện B, C, D... nhất định.
Cũng có nhiều trường hợp mà phương pháp xã hội học được sử dụng để phục vụ trực tiếp cho thực tiễn, đặc biệt là trong việc điều tra về nhu cầu và thị hiếu của khách hàng, hay về tác dụng của việc quảng cáo cho một sản phẩm chẳng hạn. Trong thời kỳ Thế chiến thứ hai, trong không quân Mỹ, người ta đã sử dụng kết quả của những cuộc trắc nghiệm xã hội học để cấu tạo thành phần các đội bay, nhằm mục đích là làm sao cho mọi người trong mỗi đội bay có thể “ăn giơ” được với nhau, nhưng đồng thời cũng phải làm sao để những người này đừng quá thân thiện với nhau đến nỗi chỉ lo vui chơi mà quên đi nhiệm vụ chiến đấu.
Để giải quyết một số vấn đề tác nghiệp cụ thể, ngành xã hội học có thể đóng vai trò rất hữu hiệu, kết quả có thể thấy ngay trong thực tiễn.
Nhưng còn những vấn đề lớn và phức tạp hơn của xã hội (thí dụ sự chuyển biến trong ứng xử của nông dân ; vấn đề ma túy...), thì cho đến nay vẫn luôn luôn là thách đố đối với các nhà xã hội học. Ngay việc giải thích những hiện tượng ấy cũng đã từng gây ra biết bao nhiêu cuộc tranh luận giữa những nhà xã hội học nhiều khi có quan điểm hoàn toàn đối lập nhau.
Đó là chưa nói đến việc dự báo hoặc đề ra giải pháp cho tương lai của vấn đề thì lại càng khó khăn hơn bội phần.
Với tư cách là công dân trong một xã hội, nhà xã hội học hẳn nhiên cũng có thể có những chính kiến và lập trường riêng của mình, những thao thức và hoài bão phục vụ lý tưởng của mình. Nhưng với tư cách là nhà khoa học, thì do tính chất thường hết sức phức tạp của đối tượng nghiên cứu, nhà xã hội học luôn phải tôn trọng tính khách quan trong nghiên cứu, và thận trọng trong việc phân tích và nhận định. Mỗi hiện tượng xã hội vốn được cấu tạo bởi vô số những mối quan hệ xã hội chằng chịt và phức tạp, nhiệm vụ của nhà xã hội học, nói một cách nôm na, là làm sao gỡ ra, lần ra được
những đầu dây mối nhợ chính yếu : mô tả và lý giải một hiện tượng xã hội, nhằm mục đích giúp cho người ta hiểu được thực chất của hiện tượng ấy.
Còn làm cách nào để phát huy hay hạn chế hiện tượng ấy, thì đấy không còn là lãnh vực của xã hội học, mà là thuộc về phạm vi cân nhắc và quyết định của nhà hoạt động thực tiễn hay nhà quản lý xã hội.