Chương 9. Giai cấp xã hội và sự phân tầng xã hội
E. Sự di động xã hội
Khi nghiên cứu về cấu trúc các tầng lớp xã hội hay về tình trạng bất bình đẳng trong xã hội, các nhà xã hội học Tây phương thường đề cập đến khái niệm “di động xã hội” (social mobility) để chỉ sự di chuyển của các cá nhân giữa các bậc thang trong xã hội – thường được xét chủ yếu về thang bậc nghề nghiệp.
Người ta thường phân biệt hai loại di động xã hội : di động liên thế hệ (intergenerational) là sự di chuyển giữa hai thế hệ (so sánh về nghề nghiệp hay vị thế xã hội giữa người cha với người con); và di động nội thế hệ (intragenerational) là sự di chuyển về vị thế xã hội của cùng một cá
1 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 213.
2 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 213-214.
nhân qua những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời của mình.1
Người ta cũng hay nói tới sự di động mang tính chất cấu trúc (structural mobility), tức là quá trình di động nghề nghiệp do cấu trúc kinh tế của xã hội thay đổi. Chẳng hạn, chúng ta biết là nước Pháp đã thay đổi hẳn cấu trúc kinh tế kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay, sau những quá trình khôi phục và phát triển kinh tế. Kèm theo đó, lẽ dĩ nhiên, cấu trúc các tầng lớp nghề nghiệp cũng thay đổi theo (xem Biểu đồ 3).
Biểu đồ 3. Diễn tiến của cấu trúc xã hội Pháp, từ năm 1945 đến năm 1996
Nguồn : Marchand et Thélot, Le travail en France, Nathan, 1997, dẫn lại theo H.
Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, nouvelle édition refondue, 2003, tr. 215.
Theo H. Mendras, vào năm 1946, nước Pháp có 33% là nông dân trong tổng số lao động xã hội ; con số này ngày nay (tức vào khoảng cuối thập niên 1990) chỉ còn 4%. Tầng lớp cán bộ (cadres)2 vào năm 1946 chỉ chiếm 6%, nhưng ngày nay lên tới 25%. Như vậy, xét về mặt con số, ta thấy ngay là toàn bộ con cái của nông dân vào năm 1946 không thể tiếp tục làm nghề nông ngày nay. Và đối với tầng lớp cán bộ, cho dù muốn tuyển dụng
1 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 214.
2 “Cán bộ” (cadre) trong xã hội Pháp có nghĩa là người làm công ăn lương, thường tốt nghiệp đại học, giữ một chức trách quản lý hay điều hành nào đó trong một doanh nghiệp hoặc một cơ quan nhà nước.
chỉ từ con cái của cán bộ mà thôi thì cũng không thể nào đủ đáp ứng cho số cán bộ ngày nay.1
Sau đây là vài kết quả của cuộc điều tra vào năm 1985, so sánh số liệu năm 1946 với số liệu năm 1985 (xem Bảng 5 dưới đây). Vào năm 1985, hầu như toàn bộ nông dân (90%) đều là con trai của nông dân, trong khi đó, chỉ có 1/3 số con trai của nông dân là tiếp tục làm nghề nông. Đồng thời, 77,5% cán bộ hiện nay không phải là con trai của cán bộ (trong đó có 30% là con trai của công nhân và nhân viên), nhưng 59,8% con trai của cán bộ đều tiếp tục trở thành cán bộ. Lẽ tất nhiên, việc thay đổi về số lượng nhóm cán bộ đã cho phép một số con trai của công nhân có cơ hội “thăng tiến”, nhưng đa số con trai của cán bộ vẫn giữ được nghề của cha mình.
Bảng 5. Nhóm nghề nghiệp của con trai, phân theo nhóm nghề nghiệp của người cha
Nhóm nghề nghiệp Nhóm nghề nghiệp của con trai Tổng
của người cha 1 2 3 4 5 6 7 cộng
1. Cán bộ 59,8 3,4 20,7 5,8 6,0 3,8 0,5 100
2. Chủ doanh nghiệp 30,6 20,2 12,3 23,2 0,7 10,0 3,2 100 3. Các nghề tự do 31,8 1,1 31,3 8,8 8,8 18,0 0,1 100 4. Thợ thủ công, thương nhân 18,4 2,6 20,0 24,9 7,9 24,4 1,8 100 5. Nhân viên 22,8 0,8 31,7 8,9 13,9 21,5 0,3 100
6. Công nhân 7,7 0,6 22,0 9,3 10,2 48,9 1,4 100
7. Nông gia 5,0 0,6 12,0 8,1 6,8 33,6 33,8 100
8. Không rõ 6,8 0,7 17,0 9,4 12,2 52,9 1,0 100
Tổng cộng 15,4 1,4 20,7 11,2 9,0 33,8 8,4 100 Ghi chú : * Số thứ tự của các nhóm nghề nghiệp của con trai tương ứng với số thứ tự của các nhóm nghề nghiệp của người cha.
** Cách đọc bảng trên đây như sau : trong số 100 con trai của cán bộ, 59,8% cũng làm cán bộ, 3,4% làm chủ doanh nghiệp, 20,7% làm các nghề tự do…
Nguồn : INSEE, Enquête Formation-qualification professionnelle 1985, dẫn lại theo H. Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, nouvelle édition refondue, 2003, tr. 216.
Nhìn tổng quát, ta thấy có một xu hướng chung là sự phân bố các nghề nghiệp chuyển dần lên phía trên (hay là upgrading như người ta nói trong tiếng Anh). Những tầng lớp nghề nghiệp bên dưới có ít thành viên hơn, và những tầng lớp nghề nghiệp cao có nhiều thành viên hơn. Điều này có nghĩa là sự di động lên diễn ra mạnh hơn là sự di động xuống.
Tuy nhiên, mặc dù có xu hướng thăng tiến như vừa nêu trên, nhưng phần đông con cái vẫn tiếp tục giữ vị trí nghề nghiệp của cha mình. Bảng thống kê trên cho thấy : 59,8% con trai của cán bộ tiếp tục làm cán bộ ;
1 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 215.
83,9% con trai của cán bộ nằm ở ba tầng lớp cao nhất (cán bộ, chủ doanh nghiệp, nghề tự do), và chỉ có 3,8% con trai của cán bộ đi làm công nhân.
Trong khi đó, gần một nửa số con trai của công nhân đều tiếp tục làm công nhân (48,9%), và chỉ có 7,7% con trai của công nhân trở thành cán bộ.1
Trong Bảng 5 trên đây, ta có thể nhận thấy xu hướng “bất động xã hội” (social immobility) (tức là không di chuyển nghề nghiệp) trên một đường chéo từ bên trái phía trên xuống bên phải phía dưới (những con số in đậm). Xu hướng này xảy ra đặc biệt đậm nét ở hai cực của bậc thang phân tầng xã hội. Nói cách khác, ta thấy có một “hiệu ứng trần” và một “hiệu ứng sàn”, và sự di động diễn ra mạnh mẽ hơn hết nơi các tầng lớp giữa, đúng như Simmel từng dự đoán.2 Con cái của những người làm nghề tự do và con cái của các nhân viên có tương đối nhiều khả năng trở thành cán bộ (31,8% và 22,8%), nhưng đồng thời cũng có xác suất cao là tụt xuống làm công nhân (18,0% và 21,5%).
Mặt khác, người ta cũng nhận thấy có một tác động “gia truyền” nhất định : trong những trường hợp con cán bộ đi làm công nhân, thì phần lớn đều có ông nội cũng từng làm công nhân. Người mẹ cũng có ảnh hưởng đến vị thế xã hội của con cái : 80% con cái của cán bộ có bằng cấp cao đạt được bằng Tú tài nếu có mẹ học đến bậc đại học, nhưng con số ấy chỉ còn 64%
nếu người mẹ không học lên đại học.3