Chương 2. Xã hội và cá nhân. Quá trình xã hội hóa
D. Vài dòng kết luận
Trong quá trình xã hội hoá, chính phương pháp dạy dỗ và giáo dục, trong gia đình và ở nhà trường, là nơi thể hiện tập trung những nhân sinh quan đặc trưng của một mô hình xã hội hoặc mô hình cộng đồng nào đó.
Chẳng hạn có những xã hội vốn coi trọng việc kinh doanh cũng như những tính toán thương mại, quan niệm là cần phải cho trẻ con giữ tiền riêng để chúng biết cách tiêu xài ngay từ nhỏ ; ngược lại, có những xã hội khác lại bác bỏ hoàn toàn lối dạy dỗ ấy, vì cho rằng đồng tiền “làm hư” con người.
Thống kê của một số nước ở vùng Trung Đông cho thấy tỷ lệ nữ học sinh thấp hơn rất nhiều so với nam học sinh, vì tại đó theo truyền thống cũ, người ta quan niệm các vai trò hoạt động xã hội bên ngoài (đi làm, buôn bán... thậm chí cả việc lái xe hơi) là thuộc về đàn ông, còn chức năng chủ yếu của người phụ nữ là nội trợ (làm vợ, làm mẹ) mà thôi. Như vậy, có thể nói lãnh vực giáo dục là nơi tập trung nhất để chúng ta có thể hiểu được các lô-gíc và nhân sinh quan của một xã hội hay một cộng đồng. Tuy vậy, khi nghiên cứu về các mối tác động của xã hội đối với cá nhân, chúng ta vẫn phải khảo sát cả nhiều yếu tố xã hội khác nữa, chẳng hạn như các phương tiện truyền thông đại chúng (truyền hình, phát thanh, báo chí), cũng như các
1 Insun Yu, sách đã dẫn, tr. 237-238.
2 Insun Yu, sách đã dẫn, tr. 117.
3 Insun Yu, sách đã dẫn, tr. 182-183.
nhóm, các đoàn thể hoặc tôn giáo mà cá nhân là thành viên...
Nói đến mối quan hệ giữa cá nhân với xã hội, theo Peter Berger, lâu nay người ta thường có một quan niệm sai lạc coi cá nhân và xã hội như hai thực thể biệt lập và đối diện nhau, xã hội được nhìn như một thực tại bên ngoài cá nhân và có sức mạnh áp đặt và cưỡng chế lên trên cá nhân.1 Norbert Elias (1897-1990), nhà xã hội học Đức gốc Do Thái, cũng cho rằng người ta thường lầm tưởng cá nhân và xã hội là “hai sự vật khác nhau, tựa như một cái bàn và một cái ghế, hay một cái nồi và một cái chảo”, làm như thể “có thể có những cá nhân mà không có xã hội, và có thể có những xã hội mà không có cá nhân”.2 N. Elias viết : “Các xã hội được tạo thành bởi các cá nhân, và những cá nhân này chỉ thủ đắc được tính chất con người đặc thù của mình – tức là những khả năng nói năng, suy nghĩ, và yêu thương – phụ thuộc vào mối quan hệ của họ với những người khác, nghĩa là trong ‘xã hội’.”3
Thực ra, chính Karl Marx cũng đã từng cảnh giác về quan niệm coi xã hội như đối lập với cá nhân, và nhấn mạnh đến mối quan hệ tương tác và phụ thuộc lẫn nhau giữa con người cá nhân với xã hội. Ông viết trong Bản thảo kinh tế-triết học năm 1844 : “[B]ản thân xã hội sản xuất ra con người với tính cách là con người như thế nào thì nó [tức con người] cũng sản xuất ra xã hội như thế. Hoạt động và sự hưởng dụng những thành quả của hoạt động, xét theo nội dung của nó cũng như xét theo phương thức tồn tại, đều mang tính chất xã hội. [...] Chỉ có trong xã hội, tồn tại tự nhiên của con người mới là tồn tại có tính chất người của con người đối với con người và tự nhiên mới trở thành con người đối với con người. [...] Trước hết cần phải tránh không được lại lần nữa đem ‘xã hội’ với tính cách là một sự trừu tượng4 đối lập với cá nhân. Cá nhân là thực thể xã hội. [...] Cho nên, nếu con người là một cá nhân đặc thù nào đó và chính tính đặc thù của nó làm cho nó thành ra một cá nhân và một thực thể xã hội cá thể hiện thực, thì trong mức độ như thế, nó [tức con người] cũng là một tổng thể, một tổng
1 Xem P. Berger, Lời mời đến với xã hội học : một góc nhìn nhân văn (1963), Phạm Văn Bích dịch, Hà Nội, Nxb Tri thức, 2016, tr. 171. Xem thêm Trần Hữu Quang, “Xã hội và con người theo Peter Berger”, Tạp chí Khoa học xã hội (TP.HCM), số 3 (151), 2011, tr. 72-80.
2 Xem N. Elias, Qu’est-ce que la sociologie ? (1970), traduit de l’allemand par Y.
Hoffmann, La Tour d’Aigues, Éd. de l’Aube, 1991, tr. 115, 134.
3 N. Elias, sách đã dẫn, tr. 134-135.
4 Từ “sự trừu tượng” (abstraction) ở đây có thể hiểu là sự trừu xuất, hay sự trích xuất (chú thích của T.H.Q.).
thể trong ý niệm, một tồn-tại-cho-mình chủ quan của xã hội đang được tư duy và đang được cảm giác.”1
Theo P. Berger và T. Luckmann, “mối quan hệ giữa con người, [xét như là] nhà sản xuất, với thế giới xã hội, [xét như là] sản phẩm của anh ta, là và luôn luôn là một mối quan hệ mang tính biện chứng. Nghĩa là, con người [...] và thế giới xã hội của anh ta tương tác lẫn nhau. Sản phẩm tác động ngược trở lại nhà sản xuất.”2 Berger và Luckmann kết luận bằng ba mệnh đề sau đây về mối quan hệ biện chứng giữa con người với xã hội :
“Xã hội là một sản phẩm của con người. Xã hội là một thực tại khách quan.
Con người là một sản phẩm của xã hội.”3 Và vào giữa thập niên 1960, hai tác giả này còn nói thêm rằng giới xã hội học Mỹ có xu hướng bỏ quên mệnh đề đầu tiên trong mối quan hệ biện chứng giữa con người cá nhân với xã hội. 4
1 K. Marx, Bản thảo kinh tế-triết học năm 1844, Bản thảo thứ ba (những chỗ nhấn mạnh là do K. Marx), trong C. Mác, Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, tập 42, Hà Nội, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, 2000, tr. 175-178.
2 P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 94.
3 P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 94 (do chính hai tác giả nhấn mạnh).
4 Trần Hữu Quang, “Sự biện chứng của xã hội theo P. Berger và T. Luckmann và trào lưu kiến tạo luận xã hội”, Tạp chí Khoa học xã hội (TP.HCM), số 6 (202), 2015, tr. 77-88.