Những kỳ vọng nơi vai trò, và sự cưỡng chế của xã hội

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG NHẬP MÔN XÃ HỘI HỌC (Trang 94 - 98)

Chương 5. Vị trí, vai trò và vị thế xã hội

B. Những kỳ vọng nơi vai trò, và sự cưỡng chế của xã hội

Khi đảm nhận một vai trò nào đó, người ta luôn luôn chú ý đáp ứng lại những điều mà người khác kỳ vọng hay mong đợi nơi mình (expectations). Người học sinh phải “đóng vai” của mình (nghĩa là phải học hành, xử sự...) thế nào để thỏa mãn được sự mong muốn và đòi hỏi của nhà trường và thầy giáo. Ngược lại, người thầy giáo cũng buộc phải đóng đúng vai trò người thầy, theo như sự chờ đợi của học trò lẫn yêu cầu của nhà trường, dù muốn hay không muốn.

Theo Peter Berger, vai trò có thể được định nghĩa là “một sự phản ứng điển hình đối với một kỳ vọng điển hình”.1 Chính xã hội đã quy định sẵn lối phản ứng (hay lối ứng xử) điển hình của mỗi vai trò. Hay nói theo ngôn ngữ sân khấu, xã hội đã cung cấp sẵn kịch bản cho mọi vai diễn.2 Theo Berger, mỗi vai trò đều có “kỷ luật bên trong” của nó (inner discipline), tức là thứ kỷ luật mà mỗi tác nhân tự áp đặt cho mình, từ bên trong chủ quan của mình, chứ không phải áp đặt từ bên ngoài vào tác nhân.

Ông viết : “Vai trò đã nhào nặn nên, định hình và đưa cả hành động lẫn người hành động vào khuôn khổ. [Người ta] [r]ất khó mà giả vờ ở thế giới này. Bình thường thì ta trở thành cái vai mà ta đóng.”3

Trong xã hội, mỗi cá nhân luôn luôn có một số vai trò nhất định phải đảm nhiệm trong cuộc đời của mình. Berger đưa ra một thí dụ : một người sinh viên theo học hai lớp khác nhau với hai giảng viên khác nhau, mỗi lớp có thể có nhiều tính chất đặc thù (chẳng hạn có lớp thì giảng viên gần gũi với sinh viên, nhưng có lớp thì giảng viên lại tỏ ra xa cách...), nhưng tình hình chung ở cả hai lớp thực ra đều giống nhau (cũng tương tự như ở các lớp khác mà người sinh viên đã trải qua) đến mức đủ để người sinh viên phải có lối ứng xử thích hợp nhằm đóng vai sinh viên của mình một cách đúng đắn.4

1 “… a typified response to a typified expectation” (Peter Berger, Lời mời đến với xã hội học : một góc nhìn nhân văn [1963], Phạm Văn Bích dịch, Hà Nội, Nxb Tri thức, 2016, tr. 175).

2 Xem P. Berger, sách đã dẫn, tr. 175.

3 Xem P. Berger, sách đã dẫn, tr. 179.

4 Xem P. Berger, sách đã dẫn, tr. 175.

“Sân khấu” xã hội có những luật lệ và quy tắc của nó mà mọi người phải tuân thủ, tùy theo vai trò mà mình đóng trong xã hội (“sắm vai” gì).

“Kịch bản” đã được định đoạt sẵn từ trước, và khó có ai có thể làm khác đi được : phần còn lại dành cho sự sáng tạo hay sự năng động của mỗi “diễn viên” có lẽ chỉ là ở chỗ “nhập vai” tốt hơn hay dở hơn, “với ít hay nhiều hứng khởi” hơn mà thôi.1

Vào phòng mạch của một bác sĩ chẳng hạn, chúng ta chờ đợi (kỳ vọng) là ông ta sẽ hỏi han về sức khỏe, về bệnh tình, cho toa thuốc... chứ chúng ta không thể tưởng tượng nổi là một bác sĩ lại có thể đề nghị chúng ta đánh một ván bài chẳng hạn. Ở các vai trò xã hội khác cũng đều như vậy : một cảnh sát giao thông, một người công nhân quét đường, một thầy giáo, một người cha... mỗi vai trò đều có sẵn những chuẩn mực và quy tắc riêng trong kịch bản mà người ta phải tuân theo, nếu không muốn bị xã hội lên án, chê cười (chế tài). Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta có thể phải đóng nhiều vai khác nhau, nhưng trong đa số các trường hợp, chúng ta đều buộc phải tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực và giá trị mà xã hội đã định đoạt cho từng vai trò đó.

Quá trình xã hội hóa chính là quá trình mà mỗi cá nhân học cách đóng các vai trò của mình trong xã hội, để gia nhập vào xã hội. Phần lớn quá trình học “đóng vai” này đều diễn ra một cách rất tự nhiên, không vất vả, và hầu như vô ý thức. Từ hồi còn rất nhỏ, mỗi đứa trẻ đều đã bắt đầu chơi làm nhà, giả đóng vai người cha hoặc người mẹ, vai cô giáo, vai bác sĩ, chơi các thứ đồ chơi như búp bê, chơi đồ hàng, nghe kể chuyện cổ tích, nghe cha mẹ nói chuyện... Qua tất cả những trò chơi và sinh hoạt ấy, đứa trẻ dần dà tiêm nhiễm về hình ảnh thế nào là vai trò người đàn ông, người cha, thế nào là vai trò người mẹ, người phụ nữ.

Trong quá trình xã hội hóa, xã hội có những hình thức chế tài khác nhau (nghĩa là cả khen thưởng lẫn trừng phạt) để buộc từng cá nhân phải tuân thủ theo quá trình này. Lẽ tất nhiên, có những biện pháp hình phạt nặng nhẹ khác nhau, tùy theo lĩnh vực và tùy theo mức độ vi phạm. Nhưng quá trình xã hội hóa có đặc điểm là làm cho các cá nhân dần dần tự giáctự nguyện tuân thủ các lề luật, quy tắc của xã hội. Họ thường “nội tâm hóa”

tốt đến mức coi các lề luật và quy tắc đó như của chính mình mà mình phải bảo vệ và đấu tranh với người khác để hệ thống chuẩn mực này được tôn

1 Xem P. Berger, sách đã dẫn, tr. 161.

trọng.

Cũng tương tự như quá trình học chơi nhảy lò cò của một đứa trẻ : lúc đầu, vì chưa biết và chưa thuộc luật chơi, nên nó thường phạm lỗi, thường bị bạn bè đồng lứa trách móc, chê cười, hay thậm chí đuổi ra, không cho chơi. Dần dà, một khi nó đã quen với trò chơi và thuộc nằm lòng các quy tắc, thì đến lượt nó, nó sẽ lên tiếng cảnh cáo nếu có đứa bạn nào đó chơi “ăn gian” hoặc vi phạm luật chơi – lúc này, nó bảo vệ luật chơi làm như thể luật chơi là của chính nó vậy.

Trong cuộc sống, do mỗi vai trò đều có những kỳ vọng riêng mà xã hội đòi hỏi, nên mỗi khi phải đảm nhận một vai trò mới, nhân cách của mỗi người cũng có thể thay đổi theo. Người phụ nữ sau khi lấy chồng thì ở vào một vị thế khác so với khi còn son trẻ ; do đó, với vai trò mới này, người phụ nữ có thể sẽ xử sự khác trước, “chững chạc” hơn chẳng hạn.

Trong một cuộc thí nghiệm nổi tiếng về sự “đóng vai” (role-taking) vào năm 1971, nhà tâm lý học Mỹ Philip Zimbardo ở Đại học Stanford (Mỹ) đã cho làm một nhà tù giả, có lính canh mặc sắc phục, và có thể thức sinh hoạt y như nhà tù thật.1 Những người tình nguyện tham gia cuộc thí nghiệm này được chia làm hai nhóm : “tù nhân”, và “lính cai ngục” ; đám

“lính cai ngục” được chỉ thị là phải tự họ nghĩ ra cách kiểm soát tù nhân.

Đám “tù nhân” không bao lâu sau bộc lộ những hành động chống đối, nổi loạn ; thế là “lính cai ngục” phản ứng lại, thậm chí đánh đập hung hăng đến nỗi những người tổ chức cuộc thí nghiệm phải hoảng sợ. Cuộc thí nghiệm dự tính kéo dài hai tuần bị buộc phải chấm dứt dở dang sau sáu ngày, vì nhiều “tù nhân” đã bắt đầu tỏ những dấu hiệu điên cuồng, khóc lóc... không kiểm soát nổi nữa, và người ta sợ là nếu kéo dài thì có nguy cơ dẫn những khủng hoảng về tâm thần.

Tuy đó chỉ là một cuộc thí nghiệm, tức mang tình huống giả tạo, và những người tham gia đều biết là sẽ không kéo dài, nhưng nó chứng tỏ rằng việc đóng một vai trò nào đó có thể ảnh hưởng rất lớn đến ứng xử và nhân cách của con người. (Chúng ta cũng có thể liên tưởng tới một số vở kịch trong đó có những màn mà diễn viên “nhập vai” tốt đến mức khóc thật, hoặc đánh thật…)

1 Xem https://en.wikipedia.org/wiki/Stanford_prison_experiment, truy cập ngày 14-1-2018.

Ở đây chúng ta bắt gặp một trong những chủ đề từng được tranh luận rất nhiều trong ngành xã hội học, đó là vấn đề “kiểm soát” và cưỡng chế của xã hội đối với cá nhân : những kỳ vọng và đòi hỏi của xã hội nơi mỗi vai trò có phải là những điều hoàn toàn áp đặt đối với mỗi cá nhân chúng ta hay không ? Người ta thường phân biệt ba loại kỳ vọng (kỳ vọng tất yếu, kỳ vọng nghĩa vụ, và kỳ vọng không cưỡng chế) mà xã hội và các nhóm xã hội thường có để thúc đẩy cá nhân tuân thủ các quy tắc xã hội.1

Kỳ vọng tất yếu (tiếng Pháp : attentes nécessaires, tiếng Anh : necessary expectations) là loại kỳ vọng mà xã hội buộc cá nhân phải tuân thủ bằng mọi giá : bất cứ công dân nào cũng đều được giả định là đã biết pháp luật và có nghĩa vụ tất yếu là phải tôn trọng pháp luật và trật tự công cộng. Ai vi phạm điều luật nặng nhẹ nào đó thì sẽ chịu hình thức chế tài tương ứng. Thí dụ, điều mà người kỳ vọng (mong đợi, hay đúng hơn là đòi hỏi) nơi vai trò người thủ quỹ ở một ngân hàng là không bao giờ “lem nhem” với công quỹ ; nếu xảy ra chuyện này, người thủ quỹ sẽ bị bắt giam và bị đưa ra toà án phán xử, và dĩ nhiên không còn được giữ “vai trò” thủ quỹ nữa.

Kế đến là loại kỳ vọng mang tính chất nghĩa vụ (tiếng Pháp : attentes obligatoires, tiếng Anh : compulsory expectations). Trong nhiều nhóm xã hội, các kỳ vọng đối với các thành viên trong nhóm tuy cũng là điều bắt buộc (nghĩa vụ của mỗi thành viên), nhưng không mang tính chất cưỡng bức và không dẫn tới những biện pháp gắt gao như trong trường hợp trên.

Chẳng hạn, các thành viên của Hội luật gia, hay các đoàn viên của một Đoàn công tác xã hội, đều có những nghĩa vụ và quyền lợi của mình, phù hợp với điều lệ và nội quy của tập thể. Những ai hành động ngược với kỳ vọng của tập thể, thì tùy theo mức độ nặng nhẹ của chuyện vi phạm nội quy này mà bị xử lý, phê bình hoặc khai trừ ra khỏi tập thể.

Cuối cùng là loại kỳ vọng không bắt buộc (tiếng Pháp : attentes facultatives, tiếng Anh : optional expectations). Trong một số nhóm xã hội, khi một thành viên đi ngược lại kỳ vọng của nhóm hoặc vi phạm nội quy của nhóm, người này sẽ không bị đe dọa hứng chịu biện pháp cưỡng bức cụ thể nào. Nhóm chỉ áp dụng những áp lực tinh thần để tác động vào thành viên (cá nhân sẽ sợ “mất uy tín” của mình trước mặt người khác, sợ gây ra

“xì-căng-đan”...).

1 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 86-87.

Bên cạnh những biện pháp chế tài mang tính chất trừng phạt như nói trên, xã hội còn có những biện pháp chế tài tích cực : khen ngợi, và thưởng.

Đối với những kỳ vọng bắt buộc, thì khi làm đúng theo kỳ vọng này, cá nhân chỉ làm tròn phận sự của mình : người ta không việc gì phải thưởng một người thủ quỹ không ăn cắp công quỹ. Nhưng còn đối với những kỳ vọng không bắt buộc, thì thường có kèm theo những hình thức khen thưởng tích cực. Nếu người thủ quỹ ấy làm việc tươi tỉnh, niềm nở và mau lẹ đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng, thì người ấy sẽ được khách hàng vui vẻ cám ơn, và có thể cuối tháng còn được phần thưởng của ban giám đốc...

Áp lực của xã hội thực ra được thực hiện chủ yếu thông qua những biện pháp tích cực hơn là tiêu cực. Những biện pháp chế tài về mặt hành chính hay pháp lý (đưa ra tòa án...) thường chỉ được áp dụng nhằm đạt được một trật tự xã hội tối thiểu nào đó ; trong khi đó, toàn bộ xã hội muốn vận hành tốt thì không thể thiếu nhiều biện pháp mang tính chất khuyến khích tích cực hơn. Bởi lẽ, biện pháp trừng phạt thường chỉ làm người ta sợ mà tránh, chứ không phải là biện pháp thúc đẩy người ta chu toàn tốt các vai trò trong xã hội. Mỗi cá nhân trong xã hội thường đều muốn “thành đạt” trong cuộc sống của mình, cố gắng chu toàn vai trò của mình để đáp lại kỳ vọng của người khác, và qua đó muốn người khác đánh giá tốt về mình, nghĩa là đạt được một uy tín xã hội nào đó.

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG NHẬP MÔN XÃ HỘI HỌC (Trang 94 - 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(186 trang)