Chương 2. Xã hội và cá nhân. Quá trình xã hội hóa
B. Quá trình xã hội hóa
Khái niệm “xã hội hóa” (socialization) được các nhà xã hội học dùng để chỉ quá trình theo đó con người học cách thích ứng với xã hội, tiếp thu các giá trị của xã hội, và tuân thủ các quy tắc xã hội – quá trình này cho phép xã hội tồn tại và luân chuyển nền văn hóa của mình từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và quá trình này thường được xem như diễn ra hầu như trong suốt cuộc đời mỗi người.
Theo nhà xã hội học Mỹ gốc Áo Peter Berger (1929-2017) và nhà xã hội học Mỹ-Áo Thomas Luckmann (1927-2016), lúc sinh ra đời, cá nhân chưa phải là con người, hiểu theo nghĩa là thành viên của một xã hội : “... cá nhân không chào đời là một thành viên của xã hội. Anh ta chào đời với một bẩm tính thiên về xã hội tính [sociality], và rồi anh ta trở thành một thành
1 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 23-24.
viên của xã hội.”1 Chính là nhờ quá trình xã hội hóa mà cá nhân trở thành một thành viên của xã hội : xã hội hóa là “quá trình dẫn dắt một cá nhân một cách toàn diện và bền bỉ bước vào trong thế giới khách quan của một xã hội hay một khu vực của xã hội.”2
Berger và Luckmann là những nhà xã hội học đầu tiên đưa ra phân biệt giữa xã hội hóa cơ bản (hay sơ cấp) và xã hội hóa thứ cấp (hay thứ yếu). Xã hội hóa cơ bản (primary socialization) là “quá trình xã hội hóa đầu tiên mà mỗi cá nhân trải qua trong thời thơ ấu, nhờ đó anh ta trở thành một thành viên của xã hội.” Còn xã hội hóa thứ cấp (secondary socialization) là
“bất cứ quá trình tiếp theo nào dẫn dắt một cá nhân đã-được-xã-hội-hóa bước vào những khu vực mới của thế giới khách quan của xã hội của anh ta.”3
Cũng tương tự như trên, người ta thường còn phân biệt ba giai đoạn xã hội hóa nơi cuộc sống con người.
1. Giai đoạn xã hội hóa ban đầu nơi đứa trẻ trong gia đình : đây là môi trường mà, lần đầu tiên trong cuộc đời mình, đứa trẻ có được những kinh nghiệm về quan hệ giữa người với người. Theo Berger và Luckmann, đây là giai đoạn quan trọng nhất đối với mỗi cá nhân.4 Người ta dạy cho nó cách ăn nói với người khác, cách chào hỏi... Nó học được thế nào là “lễ phép”, là “ngoan”... cũng như phải biết được cái gì là điều xấu phải tránh.
Qua quan sát, nó cũng học được những cách ứng xử giữa cha với mẹ nó, giữa cha mẹ nó với con cái tức là anh chị em của nó. Nói tóm lại, đứa trẻ ở giai đoạn này học biết được thế nào là một gia đình, và quan hệ giữa những người thân thuộc diễn ra thế nào.
2. Sau đó là giai đoạn xã hội hóa diễn ra nơi nhà trường (có thể bắt đầu từ nhà trẻ hoặc mẫu giáo) : ở môi trường này, lần đầu tiên đứa trẻ tiếp xúc với những người không phải thân thuộc của mình, với thế giới nằm bên ngoài khuôn khổ gia đình. Lần đầu tiên, đứa trẻ phải ra khỏi môi trường nhóm cơ bản (gia đình) để bước vào làm quen với những nhóm thứ cấp của xã hội. Nó được học cách giao tiếp và ứng xử với người lạ. Nó đồng thời
1 P. Berger, T. Luckmann, Sự kiến tạo xã hội về thực tại. Khảo luận về xã hội học nhận thức (1966), Trần Hữu Quang chủ biên dịch thuật, giới thiệu và chú giải, Hà Nội, Nxb Tri thức, 2015, tr. 192.
2 P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 193.
3 P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 193.
4 P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 194.
cũng bắt đầu học đánh vần, học viết, tập làm toán, cũng như dần dà học những kiến thức và kỹ năng khác cần thiết cho cuộc sống trưởng thành của nó sau này.
3. Và sau cùng là giai đoạn xã hội hóa khi mà con người trưởng thành bước vào đời, thực sự đảm nhận những vai trò mà hai giai đoạn trước chưa thể chuẩn bị đầy đủ (như làm chồng hay làm vợ, làm cha mẹ, làm một nhân viên nơi sở làm...).
Thí nghiệm về phản xạ có điều kiện của Pavlov cho thấy là nếu ta lặp đi lặp lại nhiều lần một kích thích nơi một con vật, thì dần dà ta sẽ tạo được nơi con vật ấy một thứ phản xạ tự động. Cũng tương tự như vậy, quá trình giáo dục xã hội, với những biện pháp chế tài của nó (kể cả khen thưởng và trừng phạt hoặc chê trách), dẫn đến kết quả là tạo nên nơi đứa trẻ một số phản xạ và ứng xử mà xã hội mong muốn khi nó đứng trước những tình huống nhất định. Thí dụ như mỗi lần vâng lời cha mẹ, hoặc tỏ thái độ kính cẩn khi gặp người già, giúp đỡ người tàn tật... thì được khen ngợi, khuyến khích ; còn khi ăn vụng, đi đánh lộn, hoặc ăn trộm ăn cắp thì bị phạt, bị chê cười.
Mặc dù có tính chất ít nhiều cưỡng chế, nhưng đặc trưng cơ bản mà ta có thể nhận xét trong các quá trình xã hội hóa, đó là việc các cá nhân thường dần dần tự giác “nhập tâm” những giá trị và quy tắc mà xã hội đã đề ra, để biến chúng thành những giá trị và quy tắc của chính mình. Một trong những cơ chế quan trọng nhất của quá trình xã hội hóa ban đầu nơi trẻ em là bắt chước. Trẻ em 4-5 tuổi thường hay chơi với nhau bằng cách chia nhau ra đóng những vai trò người lớn, đứa thì đóng vai cô giáo, đứa đóng vai người cha, vai bác sĩ... – diễn tập lại những vai trò mà chúng đã từng chứng kiến. Chúng bắt chước người lớn trong trò chơi : thực ra là chúng đang học bước vào thế giới người lớn. Nói về mặt chữ nghĩa thì nghe có vẻ nghịch lý, nhưng quả thực quá trình xã hội hóa được thực hiện chủ yếu thông qua quá trình “cá nhân hóa”, hay nói cách khác là “nội tâm hóa” (internalization) các giá trị đạo lý và xã hội, các quy tắc ứng xử.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy điều này khi quan sát quá trình một đứa trẻ học một trò chơi mới. Thí dụ chơi lò cò, hoặc chơi rượt bắt...
Lúc đầu, vì còn quá nhỏ, nên đứa trẻ không được nhóm bạn lớn tuổi hơn cho tham gia trò chơi, viện cớ là “nó không biết chơi”. Dần dà, sau một thời gian đứng “chầu rìa” để quan sát, đứa trẻ cũng hiểu ra ít nhiều cách chơi, và đến một lúc nào đó, nó được chấp nhận cho chơi thử. Hẳn nhiên, mọi việc
không bao giờ suông sẻ ngay. Vì chưa nắm rõ hết mọi quy tắc và luật lệ của trò chơi, đứa trẻ sẽ phạm những lỗi lầm sơ đẳng, rồi tất nhiên là bị “phạt”, bị chê cười... cho đến khi nào nó chơi được một cách thành thục. Kể từ đó trở đi, tức là kể từ khi đứa trẻ đã là thành viên đầy đủ của cuộc chơi và đã
“nhập tâm” toàn bộ quy tắc luật lệ của trò chơi, thì nó sẽ phản ứng với những hành vi vi phạm luật chơi của những đứa trẻ khác, nhân danh luật chơi, làm như thể nó chính là người đại diện của luật chơi, thậm chí làm như thể luật lệ của cuộc chơi này chính là của nó, chứ không phải của ai khác áp đặt cho nó. Và đối với nó, luật lệ của cuộc chơi đương nhiên phải như vậy, không có gì phải bàn cãi, và những ai muốn chơi thì đều phải tuân theo luật chơi.
Trước đây, khi nghiên cứu về khái niệm xã hội hóa, nhiều nhà xã hội học thường dừng lại ở cấp độ vĩ mô và quan niệm rằng đây là một quá trình quyết định hoàn toàn nhân cách cá nhân. Nhưng về sau, người ta có xu hướng chú ý hơn đến góc độ vi mô, và cho rằng xã hội hóa là một quá trình còn mang tính chất tương tác và thương lượng giữa cá nhân với xã hội, chứ không diễn ra một cách máy móc hay rập khuôn.
Henri Mendras cho rằng quá trình xã hội hóa của mỗi cá nhân bao gồm ba yếu tố then chốt : (a) yếu tố sinh học của cá nhân (có một số đặc trưng xuất phát từ di truyền, chẳng hạn có sức khỏe tốt hoặc yếu ớt, mập hay ốm, cơ thể có tật hay lành lặn... – đây là những điều kiện ảnh hưởng ít nhiều đáng kể đến quá trình hình thành nhân cách của cá nhân); (b) sự dạy dỗ của xã hội (xã hội truyền đạt những quy tắc ứng xử cho đứa trẻ thông qua một số cá nhân và một số định chế) ; và (c) tiểu sử cuộc đời của chính cá nhân.1
Về yếu tố thứ nhất : yếu tố sinh học. Đề cập tới tầng nền sinh học của mỗi con người, cũng như mối liên hệ giữa con người với thân thể của mình trong quá trình xã hội hóa, Berger và Luckmann cho rằng “thú tính của con người được chuyển hóa trong quá trình xã hội hóa, nhưng nó không bị triệt tiêu.”2 Ngay từ thời thơ ấu, đứa trẻ không phải là không gặp những khó khăn trong quá trình xã hội hóa, do chính những đặc trưng của cơ thể sinh học của nó : “Phải nói là con thú bé nhỏ [tức đứa trẻ] luôn chống trả lại. Định mệnh của nó là phải thua cuộc trong cuộc chiến này – nhưng thực tế này vẫn không hề loại trừ sự kháng cự của thú tính của nó trước cái lực
1 Xem H. Mendras. sách đã dẫn, tr. 26-27.
2 P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 261-262.
ảnh hưởng càng lúc càng sâu đậm hơn của thế giới xã hội. Thí dụ, đứa trẻ sẽ chống cự lại việc áp đặt cái cấu trúc thời gian của xã hội lên thời gian tính tự nhiên của cơ thể của nó. Nó không chịu ăn và ngủ theo giờ khắc của cái đồng hồ, chứ không phải theo những nhu cầu sinh học nhất định của cơ thể của nó. Sức kháng cự sẽ từng bước bị bẻ gãy trong suốt tiến trình xã hội hóa, nhưng nó sẽ vẫn còn đó mãi như một sự ấm ức mỗi lần mà xã hội cấm không cho nó ăn khi nó đói và cấm không cho nó lên giường khi nó buồn ngủ.”1
Về yếu tố thứ hai : sự dạy dỗ của xã hội trong quá trình xã hội hóa.
Berger và Luckmann cho rằng “[b]ất cứ cá nhân nào cũng đều được sinh ra trong lòng một cấu trúc xã hội khách quan mà trong đó anh ta bắt gặp những người thân [significant others] vốn là những người đảm trách việc xã hội hóa cho anh ta.”2 Thông thường, “những người thân” này chính là cha mẹ của đứa trẻ, họ đóng vai trò “làm trung giới để chuyển thế giới này” đến với đứa trẻ. Cha mẹ của đứa trẻ sẽ “lựa chọn những khía cạnh nào đó của thế giới tùy theo địa điểm của bản thân họ trong cấu trúc xã hội, và cũng tùy theo các đặc điểm phong cách cá nhân bắt nguồn từ tiểu sử cuộc đời của họ.
Thế giới xã hội được ‘lọc lại’ [filtered] để đến với cá nhân xuyên qua hai bộ lọc ấy. Như vậy, đứa trẻ thuộc tầng lớp dưới không chỉ hấp thụ một nhãn quan của tầng lớp dưới về thế giới xã hội, mà nó còn hấp thụ nhãn quan ấy theo sắc màu đặc trưng mà cha mẹ nó [...] gán vào đấy.”3
Trong quá trình xã hội hóa, nhân cách của mỗi cá nhân được hình thành qua quá trình tiếp nhận và nội tâm hóa những giá trị và quy tắc mà các định chế xã hội như gia đình, trường học truyền đạt lại : nếu đứa trẻ tuân thủ theo cách xử sự mà mọi người chấp nhận, nó sẽ được người ta khen thưởng, ngược lại, nếu nó không tuân thủ, nó sẽ bị mọi người chê trách, uốn nắn. Tầm quan trọng của nhân tố xã hội trong việc hình thành nhân cách là điều không ai bàn cãi ; trường hợp đứa bé-sói là một trường hợp cực đoan nhưng minh họa rõ nét cho chuyện này. Người ta kể rằng, ở một ngôi làng tại Ấn Độ, có một đứa bé sơ sinh được một bầy sói cứu sống và nuôi nấng như một con sói con, nhưng sau đó vài năm, khi người ta tìm thấy và đưa đứa bé này trở lại xã hội con người, nó không thể trở thành người được nữa.
1 P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 264-265.
2 P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 194 (chỗ nhấn mạnh là do chúng tôi, T.H.Q.).
3 P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 194.
Về yếu tố thứ ba : tiểu sử cuộc đời của cá nhân. Nhân cách của một đứa trẻ không chỉ phụ thuộc vào môi trường xã hội của đứa trẻ, mà còn tùy thuộc vào lịch sử cuộc sống của bản thân đứa trẻ – nó lớn lên thế nào, học giỏi hay kém, đã trải qua những biến cố gì trong cuộc sống gia đình... Đứa trẻ không biết đến một “tha nhân” hay một “xã hội” trừu tượng và mơ hồ, mà là biết cha nó, mẹ nó, bè bạn xóm giềng cụ thể của nó... Như vậy cũng có nghĩa là “tha nhân” hay xã hội không tác động đến mọi đứa trẻ một cách trừu tượng hay đồng loạt như nhau, mà điều đó còn tùy thuộc vào những đặc điểm của từng hoàn cảnh gia đình, từng cộng đồng, vào tính nết của người cha, người mẹ, vào môi trường khu xóm, vào hoàn cảnh ra đời và trưởng thành của đứa trẻ...
Ba yếu tố chủ yếu nói trên (yếu tố sinh học, giáo dục xã hội, và tiểu sử cá nhân) làm cho mỗi cá nhân, xét về phương diện nào đó, là một cá nhân độc nhất vô nhị, nhưng xét theo một phương diện khác, mỗi cá nhân cũng có thể được coi như là một bản mẫu, một trường hợp điển hình cho một xã hội hay một cộng đồng nào đó. Khía cạnh cá nhân và duy nhất của mỗi một con người có thể là đối tượng quan tâm nghiên cứu của một nhà tâm lý học, hoặc của một nhà văn. Còn nhà xã hội học thì lại chú ý khảo sát những cơ chế tác động của sự dạy dỗ và giáo dục của xã hội đối với cá nhân, cũng như tầm mức của tác động này đối với các tầng lớp cư dân khác nhau trong một xã hội nào đó.