Vị trí và vai trò

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG NHẬP MÔN XÃ HỘI HỌC (Trang 89 - 94)

Chương 5. Vị trí, vai trò và vị thế xã hội

A. Vị trí và vai trò

Dưới con mắt xã hội học, bất cứ tổ chức hay định chế xã hội nào cũng đều bao gồm những “vị trí” (position) và tương ứng với chúng là những “vai trò” (role) nhất định mà mỗi người phải đảm nhiệm. Mỗi vị trí luôn luôn có những mối liên hệ với những vị trí và những vai trò khác trong cùng một định chế. Mỗi vị trí (hay mỗi “chức danh” trong một tổ chức, như chúng ta thường gọi) bao hàm một số nhiệm vụ nhất định. Những nhiệm vụ này cấu tạo nên vai trò mà mỗi người ở vào một vị trí nào đó phải đảm nhận.

Trong một trường trung học chẳng hạn, chúng ta thường thấy có những vị trí như sau : học sinh, giáo viên, hiệu trưởng, hiệu phó, ban đại diện học sinh, ban cán sự lớp, nhân viên văn phòng, nhân viên vệ sinh, v.v.

Mỗi vị trí đều có vai trò của mình. Vai trò của người giáo viên là giảng dạy.

Vai trò của người học sinh là học hành, rèn luyện. Còn vai trò của người hiệu trưởng là lãnh đạo và điều hành toàn thể các hoạt động của nhà trường.

Lấy thí dụ vai trò A là vai trò của một giáo viên. Vai trò này đã được định nghĩa một cách rõ rệt bởi một xã hội nào đó vào một thời kỳ nhất định.

Vai trò xã hội của giáo viên có những mối quan hệ với một số vai trò xã hội như : B, học sinh ; C, ban giám hiệu ; D, các giáo viên khác ; và E, phụ huynh học sinh.

Sơ đồ 5. Mối quan hệ giữa vai trò A (thí dụ : giáo viên) với các vai trò khác

Nguồn : Henri Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, nouvelle édition refondue, 2003, tr. 81.

Vai trò A (của người giáo viên) được xác định bởi những “kỳ vọng”

hay “mong đợi” của những vai trò khác. Học sinh chờ đợi nơi người giáo viên chuyện giảng bài, dạy dỗ, hướng dẫn, khuyên nhủ... và người giáo viên cố gắng đáp lại sự mong đợi ấy. Các giáo viên đồng nghiệp khác cũng mong mỏi nơi người giáo viên này một lề lối làm việc và tư cách xử sự nghiêm túc, đúng mực. Ban giám hiệu nhà trường lẫn phụ huynh cũng đều có những kỳ vọng và đòi hỏi nhất định nơi hiệu quả công việc của người giáo viên.

Dĩ nhiên cũng có thể có một vài giáo viên nào đó làm ngược lại với những điều mong đợi của học sinh hay của ban giám hiệu, nhưng những trường hợp này không hề phủ nhận sơ đồ các vai trò trên đây, bởi lẽ khi cố ý làm ngược lại, thì có nghĩa là họ cũng đã nhìn nhận là có những kỳ vọng nhất định đối với họ.

Học sinh mong đợi người giáo viên giảng dạy cho mình một cách hấp dẫn, hứng thú. Và ngược lại, giáo viên mong đợi học sinh cố gắng học hành, hiểu những điều mình giảng dạy, và đạt được kết quả tốt khi kiểm tra cuối năm để chứng tỏ với mọi người rằng mình cũng là một giáo viên dạy giỏi. Mối quan hệ này được coi là một mối “quan hệ đối xứng” (rapport symétrique) giữa vai trò giáo viên và vai trò học sinh vốn gắn liền chặt chẽ với nhau.1

Hiển nhiên là người ta không thể hình dung vai trò người thầy nếu không có học trò, và ngược lại cũng vậy. Tương tự như thế, không thể nói đến vai trò “người cha” hay “người mẹ” nếu không nói đến một “người con”. Tuy nhiên, nói như S. F. Nadel,2 cũng có một số vai trò trong xã hội

1 Xem H. Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, nouvelle édition refondue, 2003, tr 80-81.

2 S. F. Nadel, La théorie de la structure sociale, Paris, Minuit, 1970, dẫn lại theo

không nhất thiết phải đối xứng với, hay ràng buộc vào, một vai trò khác.

Chẳng hạn, đối diện với vai trò nhà văn, người ta có thể nói đến vai trò độc giả, nhưng thông thường người ta khó xác định được vai trò này một cách rõ rệt, vả lại, cũng có thể có nhà văn không có độc giả.

Khái niệm “vị trí xã hội” (status) được nhà nhân học Mỹ Ralph Linton (1893-1953) định nghĩa như “chỗ đứng mà một cá nhân chiếm giữ trong một hệ thống nhất định vào một thời điểm nhất định”.1 Còn vai trò

“tổng thể những khuôn mẫu văn hóa gắn liền với một vị trí nhất định. Do đó, nó bao hàm các thái độ, các giá trị và các lối ứng xử mà xã hội gán cho một cá nhân và tất cả những ai chiếm giữ vị trí ấy.”2

Chúng ta cũng có thể nói ngược lại : xã hội là một mạng lưới được dệt nên bởi các vị trí và vai trò. Thí dụ “trẻ em” là một vị trí : ai trong chúng ta cũng đều coi trẻ em không phải là người lớn, chúng còn phải học hành, phải được dạy dỗ, phải vâng lời cha mẹ (chẳng hạn trong các xã hội Á Đông)… Phụ nữ cũng có vị trí riêng của mình, tùy theo xã hội – mỗi xã hội đều có quan niệm cụ thể của mình về quan hệ giữa nam và nữ (xã hội này thì “trọng nam khinh nữ”, xã hội khác lại quan niệm ngược lại, và cũng có xã hội lại đề cao sự bình đẳng nam nữ). Tuổi tác, giới tính thường là những đặc trưng tạo nên các vị trí. Nhưng “vị trí” này không phải là do đặc trưng riêng của mỗi người mà có, mà là do quan niệm của xã hội định đoạt.

Thí dụ, đối với xã hội Việt Nam, thông thường chúng ta hiểu “người cha” là người sinh ra đứa con (cha ruột). Nhưng đối với một số tộc người ở châu Úc và châu Phi, thì họ lại phân biệt rõ “người cha” khác với “người đàn ông sinh ra đứa con”. Cũng trong số những dân tộc này, khái niệm “anh em” không phải là chỉ là anh em ruột (tức có cùng một người cha), mà bao gồm cả những người con của anh hay em trai của cha mình (tức anh em họ) – chẳng hạn, anh em họ tôi có quyền và có thể đến ở gia đình tôi bất cứ lúc nào, và ở luôn nếu muốn, và lúc ấy cha mẹ tôi phải coi họ như con ruột, cho ăn, nuôi nấng, dạy dỗ...

Đôi khi người ta không phân biệt rõ khái niệm vị trí với khái niệm vai trò, và cũng có người dùng lẫn lộn cả hai. Nhưng chúng ta cần phân

H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 90.

1 R. Linton, The Cultural Background of Personality, 1945, dẫn lại theo J.-P.

Durand, R. Weil (Dir.), Sociologie contemporaine, Paris, Ed. Vigot, 3e édition revue et augmentée, 2006, tr. 133.

2 R. Linton, dẫn lại theo J.-P. Durand, R. Weil, sách đã dẫn, tr. 133.

biệt : vị trí xã hội được hiểu như là chỗ đứng của mỗi người trong không gian xã hội. Còn vai trò xã hội là khái niệm dùng để chỉ toàn bộ những nghĩa vụ và quyền lợi vốn gắn liền với một vị trí xã hội nào đó. Nói cách khác, “vị trí” là cái cho biết mỗi người là ai (trẻ em, người cha, bác sĩ...) ; còn “vai trò” là cái cho biết những điều mà người ta phải làm ở vị trí ấy (trẻ em còn nhỏ nên phải đi học ; người cha phải nuôi nấng và giáo dục con cái ; bác sĩ phải chăm sóc, chữa trị bệnh nhân...).

Khi nói đến một vị trí nào đó, chúng ta luôn luôn nhìn vị trí này xét trong mối tương quan với các vị trí khác. Khi đứng ở một vị trí xã hội nào đó, những ứng xử của chúng ta chủ yếu được quy định bởi những đòi hỏi mà các vị trí xã hội khác đã gán cho vị trí ấy. Ở mỗi vị trí (công nhân, giám đốc, bác sĩ, bệnh nhân, giáo viên, học sinh...), chúng ta đều phải thực hiện vai trò của mình – theo những quy tắc và chuẩn mực mà xã hội đã quy định.

Vị trí và vai trò là những khái niệm khách quan, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của người nắm giữ vị trí và vai trò ấy. Trong thực tế, tùy theo tính khí và đặc điểm của mỗi người, người ta có thể đảm nhận vai trò của mình một cách nóng tính hơn hoặc điềm đạm hơn so với người khác, nhưng vẫn luôn phải tuân theo khuôn khổ chủ yếu của vai trò mà mình đang đảm nhận. Giả sử tôi giữ vai trò của một nhân viên cảnh sát giữ gìn trật tự giao thông, thì nếu ngày hôm nay tôi bị bệnh, hẳn sẽ phải có một người khác được phân công thay thế và đảm nhận nhiệm vụ này, không khác gì tôi. Như vậy, vai trò không phụ thuộc vào cá nhân, và thường tồn tại trong một thời gian khá dài : hết cá nhân này đến cá nhân khác cứ tuần tự luân phiên nhau mà đảm nhận một vai trò nhất định. Khi tôi mặc bộ đồng phục cảnh sát, thì lúc đó tôi phải ứng xử và hành động trong tư thế của một nhân viên công lực, chứ không phải với tư cách là cá nhân tôi nữa. Nếu tôi là một bác sĩ đang khám bệnh trong phòng mạch, với chiếc áo choàng trắng trên người, thì tự khắc tình huống này buộc tôi phải ứng xử như một bác sĩ, nghĩa là với tất cả mọi nghĩa vụ, mọi tác phong và cử chỉ của một người bác sĩ. Giả sử tôi phải chẩn đoán bệnh cho một người bạn của tôi, thì hẳn nhiên là trong lúc bắt mạch, đo huyết áp, cho toa thuốc... tôi phải coi người ấy trước hết như một bệnh nhân. Và lẽ tất nhiên, anh bạn ấy, lúc đang được tôi khám bệnh, cũng tự coi mình như một bệnh nhân, và mong mỏi tôi hành xử công việc của mình như một bác sĩ thực thụ, chứ không còn là một người bạn thường hay tán chuyện gẫu với anh ta.

Về mặt xã hội học, khái niệm “vai trò” thường được sử dụng làm đơn vị để phân tích các định chế xã hội. Thực ra, mối quan tâm của một

công trình nghiên cứu xã hội học không phải là bản thân các vị trí hay các vai trò, mà là mối quan hệ giữa các vị trí và vai trò ấy. Vai trò là một khái niệm quan trọng, vì nó chứng minh cho thấy rằng cuộc sống của cá nhân chủ yếu là do nhiều vai trò xã hội khác quy định, và do đó thường phải tuân theo một số khuôn mẫu có sẵn.

Mỗi người thường phải đảm nhận nhiều vị trí và vai trò. Chẳng hạn : một người đàn ông có thể là một người cha trong gia đình, là một nhân viên ở xí nghiệp, là một người bạn trong nhóm bạn thân, là thành viên của câu lạc bộ âm nhạc, là chủ tịch chi hội phụ huynh ở lớp học của đứa con của mình v.v. Và khi chuyển từ vai trò này sang vai trò khác, người ta thường cũng phải thay đổi nhanh chóng cung cách ứng xử và tác phong cho phù hợp. Người cha trong gia đình, buổi sáng sau khi âu yếm và đùa cợt với con cái một cách thảnh thơi trước lúc đi làm, thì khi đến sở làm, ông ta phải có ngay thái độ nghiêm túc, kỷ luật và tận tụy với công việc. Một người có thể sẽ hết sức ngạc nhiên khi tình cờ bắt gặp một người bạn của mình trong tư thế của một người lãnh đạo đang “hò hét” đối với nhân viên của mình : có thể anh ta không thể tưởng tượng người bạn hiền lành vui tính của mình lại có thể nghiêm khắc đến như vậy nơi sở làm...

Giữa những vai trò xã hội khác nhau, đôi khi xảy ra những tình huống xung khắc lẫn nhau đến mức khó xử. Những trường hợp này thường được gọi là tình trạng xung đột vai trò (role conflict). Thí dụ một người mẹ khi con mình bị bệnh thì thường hết sức khổ tâm vì không biết là nên ở nhà chăm sóc cho con hay là cứ phải đến sở làm như thường lệ. Nếu ở nhà thì e rằng ban giám đốc trừ lương, đánh giá xấu, thậm chí cho nghỉ việc. Còn nếu cố gắng đi làm thì cả ngày hôm ấy có lẽ bà ta sẽ áy náy vừa lo lắng cho con, vừa cảm thấy một cảm giác tội lỗi nào đó...

Đến đây, chúng ta thấy rằng khái niệm “các mối quan hệ xã hội”

trong xã hội học không hẳn được dùng để nói về các quan hệ giữa cá nhân này với cá nhân khác, mà là để chỉ những mối quan hệ giữa các vai trò xã hội. Con người ta sống và giao tiếp với nhau chủ yếu thông qua các vai trò của mình. Người thầy thuốc tiếp xúc với bệnh nhân, người giám đốc xí nghiệp quan hệ với công nhân, hay kể cả người mẹ trò chuyện với con gái...

đều phản ánh trước hết những mối quan hệ giữa vai trò này với vai trò khác.

Những lối ứng xử của mỗi vai trò ít nhiều đều đã được khuôn mẫu hóa. Và người ta không thể không tuân theo khuôn mẫu ấy, nếu không muốn bị xã hội chê trách, phê phán – chẳng hạn một người mẹ không thể bỏ

bê việc chăm sóc con cái, một vị tu sĩ thì phải đạo đức và mẫu mực, một vị bác sĩ thì phải biết tận tình chăm sóc bệnh nhân, một cầu thủ bóng đá thì phải tận lực tập luyện và đá giỏi...

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG NHẬP MÔN XÃ HỘI HỌC (Trang 89 - 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(186 trang)