Chương 8. Chức năng, cấu trúc và con người tác nhân
B. Phương pháp phân tích chức năng
Để thoát khỏi những cái bẫy của lý thuyết chức năng luận, đồng thời để hiểu rõ hơn sự vận hành của xã hội, nhà xã hội học cần chú ý tới một số nguyên tắc nêu ra sau đây. Phương pháp phân tích chức năng (functional analysis) không phải là một kỹ thuật nghiên cứu ; nó thực sự là một thái độ tinh thần của nhà nghiên cứu.3
1. Trước hết, bất kỳ yếu tố xã hội nào cũng phải được đặt trong mối liên hệ với một đơn vị xã hội nhất định. Không thể có chức năng nào có liên quan tới toàn bộ xã hội, một cách trừu tượng và chung chung, mà luôn luôn là chức năng của một cái gì đó, đối với một cái gì đó. Chức năng rối loạn (dysfunction) cũng vậy : một yếu tố có thể mang chức năng rối loạn của một cái gì đó đối với một cái gì đó. Cùng một yếu tố có thể có chức năng đối
1 Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 117.
2 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 117.
3 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 117-119.
với một đơn vị xã hội này, nhưng có chức năng rối loạn đối với một đơn vị xã hội khác, và đồng thời lại phi chức năng đối với một đơn vị xã hội thứ ba.
Thí dụ, nhiều tác giả từng cho rằng một trong những chức năng xã hội chủ yếu của tôn giáo là hội nhập xã hội, củng cố sự đoàn kết hay sự cố kết trong xã hội. Điều này có thể đúng, chẳng hạn đối với giáo hội Công giáo vốn là tôn giáo của đại đa số người dân trong xã hội Pháp vào thế kỷ XIX. Tuy nhiên, đối với xã hội Mỹ, vốn bao gồm nhiều tôn giáo và nhiều giáo phái khác nhau, thì mỗi tôn giáo và giáo phái có thể có chức năng hội nhập đối với các tín đồ của mình, nhưng lại mang tính chất chức năng rối loạn đối với xã hội Mỹ nói chung, xét trong chừng mực mà các tôn giáo và giáo phái thường tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau – trừ phi ta cho rằng những xung đột tôn giáo cũng là một nhân tố hội nhập của xã hội Mỹ. Dù gì đi chăng nữa thì ta vẫn thấy là cùng một yếu tố (tôn giáo chẳng hạn) có thể mang tính chức năng đối với một đơn vị xã hội này, nhưng lại là chức năng rối loạn đối với một đơn vị xã hội khác. Tình hình xung đột tôn giáo ở Liban hay Ireland là những thí dụ điển hình về chuyện này.1
2. Nguyên tắc thứ hai trong phương pháp phân tích chức năng : khả năng hoán đổi về chức năng trong xã hội. Cùng một chức năng có thể được đảm nhiệm bởi những yếu tố xã hội hay những định chế xã hội khác nhau, tùy theo không gian và thời gian ; và cùng một yếu tố xã hội cũng có thể thay đổi chức năng của mình theo thời gian.
Về điểm này, Durkheim đã đưa ra thí dụ sau.2 Luật cổ La-mã quy định : đứa con sinh ra trong gia đình hôn nhân nhất thiết phải là đứa con của người chồng của mẹ nó. Mục đích của điều luật này là nhằm dành cho người cha quyền được có những đứa con do vợ mình sinh ra. Luật lệ ở Pháp hiện nay vẫn còn giữ quy định này, nhưng chức năng của quy định ấy đã hoàn toàn khác xưa. Điều luật ấy bây giờ nhằm mục đích kiếm cho đứa trẻ một người cha, vì đứa trẻ nào cũng cần phải có cha. Trong xã hội La-mã cổ đại, người ta chỉ trở thành một người đàn ông thực sự khi làm cha ; còn trong xã hội Pháp hiện nay, trẻ con không thể sống thiếu cha, cho nên người ta tìm đủ mọi cách để cho chúng có cha. Như vậy, chúng ta thấy là một điều luật pháp lý – mà ta coi là một yếu tố xã hội – có thể mang một chức năng nào đó trong xã hội này, nhưng ở một xã hội khác nó lại mang một chức
1 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 117-118.
2 Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 118.
năng trái ngược lại.
Mặt khác, chúng ta cũng có thể nhận thấy một chức năng có thể được đảm nhận bởi nhiều định chế xã hội khác nhau. Thí dụ : trong những xã hội “nguyên thủy” cổ xưa, việc dạy dỗ và xã hội hóa trẻ em chủ yếu được thực hiện thông qua gia đình và buôn làng ; nhưng trong xã hội ngày nay, thì việc này vừa do gia đình, vừa do trường học, các phương tiện truyền thông, lẫn các tổ chức đoàn thể...
3. Nguyên tắc thứ ba là cần phân biệt và phân tích những chức năng tiềm ẩn (latent) và những chức năng hiển hiện (manifest). Ngoài những chức năng hiển hiện mà thường mọi người thành viên trong định chế đều biết, đều ý thức, còn có những chức năng tiềm ẩn, tức bị giấu kín, mà họ không biết, không ý thức được.1 Robert Merton đã từng nhắc tới trường hợp những người Anh-điêng Hopi (sinh sống ở miền Arizona, Mỹ) : họ có những nghi lễ nhảy múa nhằm cầu cho trời mưa ; bất kể dù việc này có ảnh hưởng thế nào đối với thời tiết, thì nghi thức nhảy múa của họ tạo ra một hậu quả mà chính họ không ý thức (tức là chức năng tiềm ẩn), đó là chức năng đoàn kết bộ tộc của họ.2
Điều cần chú ý ở đây là phương pháp phân tích chức năng luôn luôn đặt các yếu tố xã hội trong khuôn khổ một tổng thể xã hội, một hệ thống xã hội : nhằm mục đích tìm những liên hệ chức năng giữa các yếu tố xã hội, khảo sát xem xã hội vận hành thế nào. Có thể nói đây là cách phân tích đứng từ góc độ bên trong của hệ thống. Chính vì thế mà mối nguy cơ của phương pháp này là : do cố gắng tìm hiểu sự vận hành của hệ thống, nên nhà xã hội học dễ sa đà vào chỗ vượt ra khỏi phạm vi giải thích thực tại để đi đến thái độ biện minh cho trật tự vận hành sẵn có của thực tại. Vì vậy, phương pháp phân tích chức năng thường rất khó mà hiểu được và lý giải được sự chuyển biến của xã hội. Trong khi đó, điều mà xã hội học quan tâm là không chỉ lý giải cách vận hành của xã hội vào một thời điểm T, mà còn là cố gắng tìm hiểu xem bằng cách nào mà một xã hội có thể thay đổi từ thời điểm T sang thời điểm T ' – nói khác đi, là làm sao một hệ thống chức năng có thể chuyển biến theo dòng thời gian.3
1 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 119.
2 Dẫn lại theo M. Grawitz, Méthodes des sciences sociales, 8e édition, Paris, Dalloz, 1990, tr. 477-478.
3 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 120. Về phương pháp phân tích chức năng trong khoa học xã hội, có thể xem thêm Bùi Thế Cường, “Phân tích chức năng trong nghiên cứu xã hội”, trong Bùi Thế Cường (chủ biên), Phương pháp