Chương 3. Nhóm cơ bản trong xã hội
D. Người thủ lãnh trong nhóm
1 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 47.
2 Xem H. Bloch et al., sách đã dẫn, tr. 544.
3 Xem H. Bloch et al., sách đã dẫn, tr. 544 ; và B. Orfali, bài đã dẫn, tr. 247.
4 Thuyết ứng xử luận (behaviorism) là một trường phái tâm lý học vốn chủ trương chỉ quan tâm tới những ứng xử (behavior) có thể quan sát được, và xem nhẹ những yếu tố chủ quan của hoạt động con người như ý thức, ý định hoặc ý nghĩa của ứng xử đối với tác nhân có liên quan. Giới xã hội học thường không chấp nhận quan niệm tách biệt giữa ứng xử với ý nghĩa xã hội của ứng xử, và thường sử dụng thuật ngữ “hành động” (action) để phân biệt giữa một hoạt động có ý nghĩa với một ứng xử thuần túy (xem N. Abercrombie, 1988, tr. 19).
5 Xem R. Boudon và F. Bourricaud, sách đã dẫn, tr. 272-273.
Trước hết cần xác định ý nghĩa của khái niệm “thủ lãnh” hay “lãnh đạo”. Trong tiếng Anh, thuật ngữ leader (người thủ lãnh, người lãnh đạo) hay leadership (sự lãnh đạo, hay vai trò thủ lãnh) có gốc là động từ “to lead”, có nghĩa là dẫn đường (= đi trước), hay chỉ đường cho ai đó. Như vậy, “lãnh đạo” hoàn toàn khác với khái niệm “chỉ huy” (to command, to order) theo nghĩa là “ra lệnh”. Trong quân đội, người sĩ quan chỉ huy đơn vị của mình – anh ta ra lệnh và người lính thuộc cấp phải thi hành mệnh lệnh, nếu không sẽ bị trừng phạt. Nhưng trong sinh hoạt của một nhóm, chẳng hạn một nhóm bạn bè, thì người thủ lãnh nhóm không phải là người ra lệnh, cũng không phạt, mà chỉ là người có ảnh hưởng hay có uy tín nhiều nhất đối với ý kiến của cả nhóm.
Theo lối suy nghĩ thông thường, người ta thường định nghĩa thủ lãnh là người tài ba, vì nếu không tài ba thì không thể làm thủ lãnh. Rồi người ta còn nói tới một số phẩm chất tinh thần và đạo đức của người thủ lãnh, như thông minh, tận tụy, trung thực... Nhưng có phải người thông minh nhất lúc nào cũng trở thành người lãnh đạo ? Hiển nhiên là không.
Để thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn như trên, nhà xã hội học cần xem xét mối liên hệ giữa cá nhân với nhóm, chứ không phải là những đặc điểm thuần túy cá nhân của người thủ lãnh hay của các thành viên của nhóm. Bởi lẽ sự lãnh đạo là một hiện tượng tương giao giữa người và người trong một nhóm.1
Nhiều nhà nghiên cứu đã tìm cách thiết lập một bản danh mục liệt kê các đặc trưng vật chất và tinh thần của một người lãnh đạo, nhưng cuối cùng thì họ đều đi đến chỗ nhận ra rằng người lãnh đạo không phải là một cá nhân có được một số phẩm chất thiên phú nào đó nói chung, mà là một người có một số khả năng nào đó phù hợp với một hoàn cảnh nhất định. Do vậy chúng ta cần xem xét người lãnh đạo trong mối tương quan với các nhu cầu của nhóm.2
Lấy thí dụ một nhóm bạn sinh viên sau giờ học, người thì rủ đi uống cà-phê, người thì nói là nên đi coi phim gì đó, người khác lại đề nghị rằng hay nhất là đi kiếm cái gì ăn... Và rồi thế nào cũng có một người nào đó nêu ra ý kiến cuối cùng mà cả nhóm đều đồng ý. Nhưng cũng trong nhóm đó, có thể là trong mỗi lãnh vực (giải trí, học tập, ăn uống, văn nghệ...), lại xuất
1 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 47-48.
2 Xem M. Grawitz, sách đã dẫn, tr. 958.
hiện một người khác nhau có ảnh hưởng quyết định đến cả nhóm. Trong những trường hợp này, vai trò thủ lãnh xuất hiện do người này nắm bắt và diễn đạt được mục tiêu chung của mọi người trong nhóm. Vị thủ lãnh nào đưa ra một đề nghị xa lạ với mọi người, thường sẽ bị bác ngay, và nhóm sẽ tìm ra một vị thủ lãnh mới. Với thời gian, vai trò thủ lãnh này có thể trở nên ổn định : một nhóm bạn già có thể có thói quen là luôn luôn nghe theo ý kiến của ông A hay bà B.
Cái làm cho người thủ lãnh có uy tín ảnh hưởng tới nhóm không phải chỉ do người này có sáng kiến hay, phù hợp với nhóm, có kiến thức về chuyện gì đó, mà trước hết do người này có mối liên hệ tốt với mọi người trong nhóm ; “liên hệ tốt” ở đây có nghĩa là gần gũi và thấu hiểu những tâm tư của mọi người. Điều làm cho một người trở thành thủ lãnh của một nhóm là phương cách mà anh ta đưa ra đề nghị và được cả nhóm hưởng ứng. Điều quan trọng nơi một người thủ lãnh không phải là những phẩm chất cá nhân của anh ta, mà là vai trò xã hội của anh ta : chính người thủ lãnh làm cho nhóm nhất trí với nhau, cố kết với nhau, để hoàn thành được mục tiêu của nhóm.1
Theo R.M. Stodgill, người lãnh đạo là người mà các thành viên khác của nhóm nhìn nhận là người lãnh đạo, và là người giúp cho nhóm đạt được các mục đích của mình. Do đó, nếu có nhiều hoàn cảnh khác nhau hoặc nhiều chức năng khác nhau của nhóm, thì cũng sẽ có bấy nhiêu kiểu lãnh đạo hay chỉ huy khác nhau.2
Thông thường chúng ta biết rằng có những người thủ lãnh chỉ thích điều khiển, chỉ huy, chứ không thích nghe người khác ; ngược lại, cũng có những thủ lãnh vừa gợi ý người khác nói, vừa chịu khó lắng nghe trước khi quyết định. Như vậy, có thể tạm phân biệt ba kiểu lãnh đạo : dân chủ, độc đoán, và thả lỏng. Ba kiểu này hoàn toàn khác nhau về mặt cấu trúc truyền thông.
Để nghiên cứu về ba kiểu lãnh đạo ấy, R. Lippitt và R. K. White trong một cuộc thí nghiệm vào năm 1938-1939 đã tập hợp ba nhóm trẻ em thuộc cùng một tầng lớp kinh tế-xã hội và mang những đặc trưng tương đồng với nhau, hàng tuần chơi chung với nhau trong hai tiếng đồng hồ (làm mô hình máy bay, làm mặt nạ...), và đưa vào mỗi nhóm một người hướng
1 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 48-49.
2 Dẫn lại theo M. Grawitz, sách đã dẫn, tr. 958.
dẫn (người lớn) điển hình cho một trong ba kiểu lãnh đạo nói trên.1
Chẳng hạn trong trò chơi làm mô hình máy bay. Trong nhóm “độc đoán”, người hướng dẫn dĩ nhiên sẽ tìm cách hấp dẫn các em, nhưng chính anh ta là người quyết định là mọi người phải làm gì, và làm vào lúc nào.
Còn trong nhóm “dân chủ”, người hướng dẫn chỉ nêu câu hỏi gợi ý và tìm cách làm cho mọi em hoặc phần lớn mọi em đều đồng ý về cách tiến hành sao cho lý thú nhất ; sau đó các em tự phân công công việc với nhau sau khi bàn cãi và thỏa thuận chung ; và người hướng dẫn cũng tham gia vào một phần công việc như các em. Trong nhóm “thả lỏng”, người hướng dẫn không tham gia mà cũng chẳng hướng dẫn gì cả, ai muốn làm gì thì làm, người hướng dẫn chỉ trả lời khi có em nào hỏi mà thôi.
Thí nghiệm trên đây đưa lại mấy kết luận sau.
a. Về hiệu quả của mỗi loại lãnh đạo : nhóm “thả lỏng” là nhóm có năng suất thấp nhất ; ngược lại, nhóm độc đoán có năng suất cao nhất ; nhưng nhóm dân chủ thì làm ra sản phẩm có chất lượng đẹp và tốt nhất.
b. Nếu người hướng dẫn vắng mặt vài phút, các em trong nhóm độc đoán sẽ dừng công việc ngay lập tức và tận dụng ngay khoảnh khắc tự do ngắn ngủi này để tán chuyện và chạy nhảy tứ tung. Nhưng ngược lại, các em trong nhóm dân chủ vẫn tiếp tục cặm cụi làm máy bay khi vắng mặt người hướng dẫn ; rõ ràng là có một thứ “kỷ luật” nào đó mà các em đã thỏa thuận với nhau đã được “nội tâm hoá” và được tuân thủ tốt hơn là nhóm độc đoán, cho dù không có mặt người hướng dẫn.
c. Về mặt tâm lý nhóm, các em trong nhóm dân chủ tỏ ra hứng thú nhiều hơn, có động cơ làm việc mạnh hơn nhóm thứ nhất ; mặt khác, các em này còn nhắc đến chữ “chúng mình” nhiều lần – điều này bộc lộ một sự đoàn kết, một thứ ý thức cộng đồng, một ý thức về cái “chúng ta”.
Cuộc thí nghiệm này còn cho thấy rằng bầu không khí của nhóm hay đặc biệt là mức độ hung hăng (aggressiveness) của những đứa trẻ không phụ thuộc vào những biến số cá nhân, mà phụ thuộc vào những kiểu quản lý khác nhau. Kiểu “thả lỏng” và kiểu độc đoán dễ dẫn đến những hành vi hung hăng thường xuyên nhất và mạnh nhất. Còn với kiểu quản lý dân chủ
1 Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 49-51 ; xem thêm M. Grawitz, sách đã dẫn, tr. 958-959.
thì tuy không phải là không xuất hiện những hành vi hung hăng, nhưng loại hành vi này càng lúc càng giảm dần và không đạt đến mức độ kịch phát có thể gây nguy hại cho sự vận hành của nhóm.1
Thực ra, cuộc thí nghiệm trên đây đã diễn ra trong điều kiện giả tạo, nên những kết luận trên mang tính chất hết sức giản lược – thí nghiệm này chỉ nhằm cho thấy ba “típ” lãnh đạo xét một cách trừu tượng nhất. Thực tế xã hội phức tạp hơn nhiều. Chẳng hạn trong một số công trình nghiên cứu về xã hội học công nghiệp, người ta đã khám phá ra là mức độ hài lòng và năng suất của công nhân có liên hệ tương quan với một số nét dân chủ nơi lề lối tác phong của người đốc công ; nhưng những người đốc công được công nhân đánh giá cao nhất lại không phải là những người tham gia lao động cùng với công nhân, mà là những người dành hết thời gian vào việc điều khiển, lãnh đạo.2
Khi nghiên cứu về từng “típ” lãnh đạo, người ta thường xét đến những nhân tố như :
- cách ra quyết định,
- cách phân công công việc,
- có trực tiếp tham gia công việc cùng với nhóm hay không, - cách đánh giá, nhận xét.
Trong thực tế xã hội, không thể có những “típ” thuần túy như đã nêu trên kia (dân chủ, độc đoán, hay thả lỏng), mà là có nhiều mô hình biến thiên tùy thuộc vào sự kết hợp giữa các nhân tố vừa kể. Như vậy, điều quan trọng trong một công trình nghiên cứu xã hội học là sau khi đã xây dựng được khung lý thuyết (chẳng hạn về các “típ” lãnh đạo điển hình), cần trở về với thực tế xã hội để xem xét cách kết cấu giữa các nhân tố để từ đó mới có thể hiểu được và lý giải được những hiện tượng muôn hình vạn trạng trong xã hội.3