Bất bình đẳng xã hội. Đẳng cấp và giai cấp xã hội

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG NHẬP MÔN XÃ HỘI HỌC (Trang 157 - 160)

Chương 9. Giai cấp xã hội và sự phân tầng xã hội

A. Bất bình đẳng xã hội. Đẳng cấp và giai cấp xã hội

Trong hầu hết các xã hội cho đến nay, thực tế mà chúng ta luôn luôn chứng kiến là có những tình trạng bất bình đẳng nào đó giữa những cá nhân với nhau. Nói chính xác hơn, ta có thể nhận thấy giữa các vai trò khác nhau trong xã hội, có những sự khác biệt về lợi thế gắn liền với chúng. Có những vai trò chịu trách nhiệm chỉ huy hay điều khiển, còn những vai trò khác thì bị chỉ huy, bị điều khiển. Có những người làm giám đốc doanh nghiệp, làm cán bộ chuyên viên, và có những người làm công ăn lương. Mặt khác, cũng có những khác biệt về thu nhập : người bác sĩ không có cùng mức thu nhập như người thợ sửa xe, vị giám đốc lãnh một mức lương khác hẳn so với một nhân viên đánh máy... Ngoài ra, cũng có một số vai trò được người ta kính trọng hơn so với một số vai trò khác. Lẽ tất nhiên, lương tri thông thường cho rằng nghề nào cũng tốt, cũng cao quý như nhau ; nhưng trong thực tế thì người làm nghề hốt rác vẫn thường không được trọng vọng lắm so với một vị bộ trưởng chẳng hạn. Theo Henri Mendras, quyền hành (authority), thu nhập (income) và uy thế (prestige) chính là ba chiều kích chính của những sự bất bình đẳng trong xã hội.1

Trong lịch sử nhân loại, người ta thấy có nhiều loại chế độ xã hội với những kiểu bất bình đẳng khác nhau. Trong xã hội theo chế độ nô lệ (slavery), người nô lệ chỉ là một đồ vật của ông chủ, hoàn toàn không có chút quyền và chút tự do nào ; ông chủ có toàn quyền đối với người nô lệ của mình, kể cả quyền bán người này đi hoặc thậm chí quyền sinh sát.

Trong xã hội theo chế độ nông nô (serfdom), nông nô (serf) là người nông dân bị lệ thuộc vào vị lãnh chúa và đất đai của ông ta mà không thể nào rời bỏ được ; tuy nhiên, người nông nô vẫn có được một tư cách pháp nhân nào

1 Xem H. Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, nouvelle édition refondue, 2003, tr. 202.

đó (trong khi nô lệ thì hoàn toàn không có) vì vị lãnh chúa không thể bán anh ta đi.1

Một loại chế độ xã hội khác là chế độ đẳng cấp. Một hệ thống “đẳng cấp” (caste) là một hệ thống bao gồm những nhóm xã hội được phân định một cách hết sức rạch ròi theo một thứ bậc nhất định trong trật tự xã hội – thường đặt nền tảng trên tôn giáo, tín ngưỡng. Điển hình cho khái niệm này là hệ thống đẳng cấp trong xã hội Ấn Độ cổ truyền.2 Hệ thống này xuất phát từ bộ luật Manu (tiếng Phạn là Manu-Msrti), vốn là pho sách cổ nhất và quan trọng nhất của Ấn Độ giáo. Theo Lê Xuân Khoa, trong bộ luật này, có trình bày chi tiết về hệ thống tứ đẳng cấp (chaturvarna) trong xã hội và “qui định rõ các chức phận, quyền hạn cùng với các luật lệ phù hợp cho mỗi đẳng cấp ấy.”3 Hệ thống này bao gồm bốn đẳng cấp chính (theo thứ tự từ cao đến thấp) : Brâhmana (đẳng cấp tăng lữ Bà-la-môn), Kshatriya (đẳng cấp chiến binh và quý tộc, có nhiệm vụ cầm quyền), Vaishya (đẳng cấp thương nhân và địa chủ), và Shûdra (đẳng cấp thợ thuyền và tôi tớ). Đẳng cấp nào đứng trên được coi là “trong sạch” hơn đẳng cấp bên dưới. Ngoài ra, nằm dưới đáy xã hội là những người hoàn toàn bị gạt ra ngoài xã hội, ngoài hệ thống đẳng cấp, tức là những người thậm chí “không được đụng đến” (untouchable). Trật tự của hệ thống này dựa trên mức độ uy thế và mức độ “trong sạch” hay mức độ “ô uế” của mỗi đẳng cấp mà giáo lý Ấn Độ giáo đã quy định. Mỗi người đều sinh ra trong đẳng cấp của mình, và không thể thoát ra ngoài đẳng cấp của mình, chỉ được phép lập gia đình với người cùng đẳng cấp với mình ; mỗi người đều biết mình thuộc đẳng cấp nào. Đây là một kiểu hệ thống xã hội “đóng kín”. Lê Xuân Khoa mô tả đặc trưng của đẳng cấp tăng lữ Bà-la-môn như sau : “Việc tế tự chẳng phải ai cũng làm được. Chỉ có những tu sĩ Bà-la-môn hiểu biết các nghi thức và thần chú bí mật mới có đủ tư cách hành lễ, làm nhiệm vụ trung gian giữa loài người với thần linh.” Sự “độc quyền về tinh thần” cộng với những “đặc quyền” của đẳng cấp này đã khiến cho họ “sớm trở thành một đẳng cấp có thế lực nhất, nắm giữ vận mạng tâm linh của toàn thể nhân dân Ấn Độ.”4

Trong xã hội Rwanda (ở miền trung châu Phi), có hai đẳng cấp là Tutsi và Hutu ; hai đẳng cấp này thường xuyên xung đột với nhau, thậm chí đôi khi xung đột một cách đẫm máu. Tuy nhiên, xét trên bình diện cá nhân

1 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 203.

2 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 204.

3 Lê Xuân Khoa, Nhập môn triết học Ấn Độ, Sài Gòn, Trung tâm Học liệu, Bộ Giáo dục, tái bản, 1972, tr. 42 và 82.

4 Lê Xuân Khoa, sách đã dẫn, tr. 41 và tr. 63-64.

thì người Tutsi chuyên trồng trọt vẫn thường có những mối liên hệ trao đổi hoặc buôn bán với người Hutu vốn chuyên chăn nuôi và vốn nắm giữ quyền lực trong cả xã hội.1

Một khái niệm “đẳng cấp” khác từng tồn tại trong thời kỳ phong kiến ở châu Âu (tiếng Anh : estate ; tiếng Pháp : état hay ordre), cũng được dùng để chỉ những tầng lớp xã hội hoàn toàn khác biệt và ngăn cách nhau, nhưng chủ yếu đặt nền tảng trên pháp lý hơn là trên tín lý tôn giáo như trường hợp ở Ấn Độ. Người ta thường bắt gặp cách phân chia thành ba đẳng cấp chính : tăng lữ (hay giáo sĩ, clergy), quý tộc (nobles), và thứ dân (tiếng Anh : third estate, tiếng Pháp : tiers-état). Thứ dân bao gồm hai loại là thị dân và nông dân. Theo T. H. Marshall, một “đẳng cấp” (estate) là

“nhóm người có cùng một vị thế [status], hiểu theo nghĩa mà các nhà luật học gán cho từ này. Một vị thế theo nghĩa này là một vị trí gắn liền với một số quyền và nghĩa vụ, một số đặc ân và bổn phận, một số tư cách pháp lý hoặc không có tư cách pháp lý [trong một số lãnh vực], vốn được thừa nhận công khai và có thể được xác định và bắt phải tuân theo bởi cơ quan công quyền, và trong nhiều trường hợp, bởi tòa án.”2

Chẳng hạn ở Pháp trong thời kỳ Chế độ cũ (Ancien régime) (từ thế kỷ XV đến cuộc cách mạng năm 1789), tổ chức xã hội bao gồm ba đẳng cấp có địa vị pháp lý hoàn toàn khác biệt nhau. Giới tăng lữ được hưởng một số đặc quyền, chẳng hạn không phải đóng thuế ; nhưng vì họ không được phép lập gia đình, nên họ không được hưởng quyền thừa kế về chức vụ. Giới quý tộc ngược lại có được quyền thừa kế, cũng như nhiều đặc quyền đặc lợi khác, nhưng đồng thời cũng có một số lãnh vực hoạt động kinh tế mà một nhà quý tộc không được phép làm, nếu còn muốn mang tước quý tộc. Còn giới thứ dân (tiers-état) là những người còn lại, không phải là giáo sĩ, mà cũng chẳng phải là quý tộc.3 Khác với chế độ đẳng cấp của Ấn Độ giáo vốn mang tính chất hoàn toàn đóng kín, chế độ “đẳng cấp”

ở châu Âu phong kiến mang tính chất tương đối “mở” hơn : chẳng hạn giới tăng lữ ở Pháp là một “đẳng cấp mở” vì những người thuộc đẳng cấp khác cũng có thể tiến thân vào đây.4

1 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 204.

2 T. H. Marshall, “The Nature and Determinants of Social Status”, trong Class, Citizenship, and Social Development, 1964, dẫn lại bởi J. Scott, G. Marshall (Eds.), A Dictionary of Sociology, 3rd edition revised, New York, Oxford University Press, 2009, tr. 225.

3 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 204.

4 Xem J. Scott, G. Marshall, sách đã dẫn, tr. 225.

Đối lập với khái niệm đẳng cấp trên đây, người ta nói tới khái niệm giai cấp (class) khi mà sự phân chia xã hội ra thành những nhóm khác nhau không còn được thừa nhận về mặt pháp lý hay về mặt tôn giáo nữa. Ở Pháp, kể từ cuộc cách mạng năm 1789, hiến pháp minh định rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng như nhau, tức là không cho phép có gì khác biệt giữa một nhà quý tộc với một thị dân, xét về mặt pháp lý. Người ta cho rằng những sự khác biệt, nếu có, chỉ là những sự khác biệt về mặt thực tế, do năng lực cá nhân chênh lệch nhau. Tuy nhiên, trong thực tế, người ta vẫn thấy có những tình trạng bất bình đẳng rõ rệt, chẳng hạn đứa con của một người thợ thì ngay từ khi chào đời, đã có một thân phận hết sức khác biệt so với đứa con của một nhà tư sản. Theo H. Mendras, “sự bình đẳng ‘về mặt pháp lý’

theo bản Tuyên ngôn nhân quyền và sự bất bình đẳng kinh tế và xã hội nơi các công dân chính là hai nguyên tắc mâu thuẫn nhau chi phối sự vận hành của các xã hội tư bản chủ nghĩa.”1

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG NHẬP MÔN XÃ HỘI HỌC (Trang 157 - 160)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(186 trang)