Chương 2. Xã hội và cá nhân. Quá trình xã hội hóa
A. Con người với tư cách là thành viên xã hội
Từ ngàn xưa, người ta đã tranh luận với nhau rằng : trong mỗi con người, có những mặt nào là do trời phú bẩm sinh, và những mặt nào là do gia đình và xã hội giáo dục và rèn luyện mà “nên người” ? Mặt nào mang tính chất quyết định, mặt bẩm sinh hay mặt giáo dục ? Thực ra đấy là một vấn đề thuộc lãnh vực triết lý, và cũng có thể của cả tâm lý học, nhưng lại nằm ngoài mối quan tâm của xã hội học. Nhà xã hội học không đặt ra câu hỏi đó, và chỉ chú tâm nghiên cứu những cơ chế theo đó xã hội tác động đến cá nhân, chứ không bận tâm đến sự phân biệt giữa cái bẩm sinh và cái tiếp thụ được từ xã hội nơi từng con người. Nhà xã hội học cũng không tự hỏi xem giữa cá nhân với xã hội, cái nào quyết định cái nào ; bởi lẽ đối với ông ta, không có xã hội nào mà không bao gồm các cá nhân trong đó, và cũng không có những cá nhân nào tách biệt với xã hội của mình.1
Mối quan tâm của nhà xã hội học là tìm hiểu về những khía cạnh mang tính xã hội nơi các cá nhân, và nhờ đâu và trong chừng mực nào mà các cá nhân thuộc một xã hội hay cộng đồng nào đó lại cùng có chung một số đặc điểm về nhân cách và ứng xử.
Dưới con mắt của nhà xã hội học, dĩ nhiên “con người” không thể được định nghĩa như một đơn vị sinh học – đây là đối tượng của khoa sinh học hay y học. Cũng không phải chỉ là một đơn vị tâm lý vốn có ý thức, tiềm thức và vô thức, những đam mê và dục vọng... mà ngành tâm lý học
1 Xem H. Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, nouvelle édition refondue, 2003, tr. 19.
hay phân tâm học quan tâm nghiên cứu. Và cũng không phải chỉ là một
“sinh vật có lý trí”, biết làm điều thiện tránh điều ác... mà các nhà triết học hay đạo đức học thường định nghĩa. Tuy không phủ nhận tất cả những khía cạnh trên, nhưng ngành xã hội học quan tâm đến con người trước hết với tư cách là một sinh vật xã hội, một con người xã hội. Xã hội học không quan tâm đến con người với tư cách như một cá thể đơn lẻ, mà là con người trong mối tương quan với người khác, con người với tư cách là thành viên của một xã hội, một cộng đồng hay một tập thể nào đó.
Thí dụ sau đây mượn từ ngành nhân học sẽ giúp ta hình dung rõ hơn chuyện này. Ruth Benedict (1887-1948), nhà nhân học người Mỹ, trong cuốn Patterns of Culture (Những khuôn mẫu văn hóa, 1934) đã nghiên cứu một số xã hội Anh-điêng ở Bắc Mỹ và quần đảo Thái Bình Dương, trong đó đặc biệt có hai xã hội có nhiều đặc tính đối lập nhau, là xã hội người Zuni và xã hội người Kwakiutl.1
Người Zuni (tộc người bản địa sống ở bang New Mexico, Hoa Kỳ) là những người “hiền lành”, họ cho rằng hoạt động cơ bản của con người là sự chiêm ngưỡng, bởi vì điều quan trọng nhất trong cuộc sống là sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, và vì thế họ coi khinh những hành động chiến đấu và cạnh tranh. Ngược lại, người Kwakiutl (tộc người bản địa sống ở vùng tây bắc của Hoa Kỳ) lại quan niệm rằng con người chỉ xứng đáng là con người khi dám chống chọi lại người khác, khuất phục người khác và chiến thắng thiên nhiên.
Giả sử nếu ta đưa một người Zuni sang sinh sống trong xã hội Kwakiutl, chắc chắn người này sẽ bị coi như một trường hợp bệnh hoạn.
Ngay cả một người Zuni tương đối “hiếu chiến” nhất cũng vẫn sẽ bị xã hội Kwakiutl coi như người nhu nhược, quá ư hiền lành, thiếu tính chiến đấu.
Ngược lại, một người Kwakiutl trung bình không đến nỗi “hiếu chiến” lắm nếu đến sống trong xã hội Zuni sẽ là một trường hợp kỳ quặc và sẽ bị coi là điên. Như vậy, điều vốn dĩ bình thường đối với xã hội Zuni có thể trở thành điều bệnh hoạn “trái tai gai mắt” đối với xã hội Kwakiutl, và ngược lại cũng như vậy.
Rõ ràng con người là sản phẩm của các định chế và văn hóa của xã hội mà trong đó mình sinh trưởng. Nhân cách cá nhân được hun đúc chủ yếu theo một mẫu mực nào đó mà xã hội đã hình thành. Hệ quả là những lối
1 Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 20.
xử sự nào được coi là “bình thường” hoặc “bệnh hoạn” là hoàn toàn tùy thuộc vào nhân sinh quan và cách nhìn của từng xã hội nhất định, và có thể là ngược lại đối với một xã hội khác. Như vậy, đối với nhà xã hội học, không có ứng xử xã hội nào tự nó mang tính chất “bệnh hoạn” cả.1 Nhân cách và lối ứng xử của những đứa trẻ thuộc các tầng lớp lao động bình dân, thường nô giỡn la cà suốt ngày ngoài đường phố, chắc khác hẳn so với những đứa trẻ thường được nuông chiều trong những gia đình giàu có. Lối sống và tác phong của người nông dân hẳn khác xa so với người dân đô thị : cảm giác bỡ ngỡ, lạc loài của một bác nông dân mới lên thành phố chứng tỏ môi trường xã hội đô thị có những đặc trưng khác xa so với môi trường cộng đồng làng xã ở nông thôn, nơi mà bác ta sinh ra và lớn lên, và chắc hẳn bác ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn thích ứng với môi trường xa lạ này.
Người ta hay nói đến một trong những khám phá lớn trong các khoa học xã hội ở thế kỷ XX, đó là lý thuyết phân tâm học của trường phái Freud về vai trò của việc nuôi nấng ban đầu trong sự hình thành nhân cách của đứa trẻ từ lúc lọt lòng. Nhưng đối với nhà xã hội học, thì việc nuôi nấng này không phải là chuyện mang tính chất cá nhân, đơn lẻ, như các nhà tâm lý học cổ điển thường quan niệm, trái lại luôn luôn tuân theo một khuôn mẫu đã được mặc nhiên quy định trong khuôn khổ một cộng đồng hay một xã hội nhất định. Và đây cũng chính là một trong những giả thuyết nền tảng của xã hội học. Nhà xã hội học quan niệm rằng hệ thống giáo dục đóng vai trò quyết định trong việc truyền đạt hệ thống các giá trị, chuẩn mực và những khuôn mẫu nhân cách của một nhóm xã hội hay cộng đồng, và như vậy tức là làm cho nhóm xã hội hay cộng đồng ấy duy trì sự tồn tại của mình. Xã hội tái sản xuất chính mình thông qua sự dạy dỗ, giáo dục.
Một giả thuyết quan trọng của nhà xã hội học là : trong hoàn cảnh bình thường, con người bình thường ứng xử theo cách ứng xử bình thường mà họ đã được dạy dỗ. Vì thế, nhà xã hội học quan tâm trước hết đến khía cạnh xã hội này mà con người đã “học” được. Chính nhờ các thành viên có được những lối ứng xử chung như vậy mà một xã hội mới có thể hoạt động bình thường và kéo dài sự tồn tại của mình.
Ngay những hành vi thông thường nhất trong cuộc sống hằng ngày như ăn, mặc, ở, cử chỉ, lối đi đứng, chào hỏi... cũng đều mang dấu ấn của cộng đồng hay xã hội mà đương sự là thành viên. Các nhà dân tộc học đã
1 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 20.
cho thấy là cách ứng xử của con người trong các hoạt động sinh học, trong lúc bệnh tật, lúc đến tuổi dậy thì, lúc lập gia đình, lúc sinh con và dạy con, cũng như lúc qua đời... đều rất khác nhau giữa xã hội này với xã hội khác trên thế giới. Chúng ta thường gọi đấy là tập quán, là truyền thống, hay nói rộng ra, là văn hóa.
Lấy một thí dụ. Trong xã hội Pháp, người ta hay nói tới sự khủng hoảng của tuổi dậy thì, và coi đây như một biểu hiện sinh học “bình thường”, bởi lẽ khi tới tuổi dậy thì, đám thanh thiếu niên Pháp thường tỏ ra nổi loạn chống lại quyền lực. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của các nhà dân tộc học lại khám phá ra rằng ở nhiều xã hội khác, lại không có hiện tượng này. Nơi tộc người da đỏ Cheyenne ở Bắc Mỹ chẳng hạn, ngay từ nhỏ, những đứa con trai đã được dạy dỗ làm sao cho chúng giống với cha chúng nhất. Người ta làm cho chúng những cây cung nhỏ xíu, và khuyến khích chúng bắn những động vật nào dễ bắn nhất ; nếu bắn trúng, chúng sẽ được người lớn khen ngợi. Toàn bộ quá trình được dạy dỗ và lớn lên của những đứa trẻ này là một quá trình học cách làm giống y như người lớn, chứ chúng không hề có ý định “nổi loạn” hay tự khẳng định để chống lại cha mẹ của mình. Như vậy, tuổi dậy thì của thanh thiếu niên thuộc tộc người Cheyenne chính là một giai đoạn bắt chước, thích nghi và tuân thủ theo các quy tắc xã hội, chứ không phải “nổi loạn” giống như thanh thiếu niên ở Pháp.1