Mạng lưới xã hội

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG NHẬP MÔN XÃ HỘI HỌC (Trang 62 - 69)

Chương 3. Nhóm cơ bản trong xã hội

F. Mạng lưới xã hội

Trong các thập niên 1990 và 2000, nhiều nhà nghiên cứu đã trở lại với câu hỏi mà Bavelas và các đồng nghiệp đã nêu ra – đâu là mạng lưới tối ưu cho hiệu suất của nhóm ? –, nhưng lần này họ mở rộng ra nghiên cứu ở thực địa chứ không chỉ giới hạn trong phòng thí nghiệm.3

1 Xem N. Katz, et al., bài đã dẫn, tr. 318.

2 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 52-53.

3 Xem N. Katz, et al., bài đã dẫn, tr. 320.

Theo S. Wasserman và K. Faust (1994), mạng lưới xã hội (social network) là một tập hợp bao gồm những tác nhân (= những cái mấu, nodes) và những mối liên hệ (= những “sợi dây nối”, ties hay edges) giữa những tác nhân này. Những cái mấu có thể là các cá nhân, nhóm, tổ chức, hoặc các xã hội. Những sợi dây nối có thể nằm ở một cấp độ phân tích mà thôi (chẳng hạn những sợi dây nối giữa cá nhân với cá nhân), hoặc nằm trên nhiều cấp độ phân tích (chẳng hạn những sợi dây nối giữa cá nhân với nhóm).1

Các mối liên hệ (ties) có thể xuất hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau : không định hướng (Joe tham dự một cuộc họp cùng với Jane) hoặc có định hướng (Joe khuyên can Jane, hoặc Joe nhận lời khuyên của Jane), khác biệt về nội dung (Joe nói chuyện với Jack về thời tiết, và nói với Jane về thể thao), về tần số (hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng...), về phương tiện truyền thông (nói chuyện trực diện, viết thư, gởi e-mail, nhắn tin qua điện thoại di động...), hay khác biệt về tính chất, từ tích cực (Joe thích Jane) tới tiêu cực (Joe ghét Jane).2

Trong thực tiễn xã hội, những mạng lưới xã hội có thể được hình thành nhằm mở rộng hoặc củng cố hiệu quả của các mối liên hệ xã hội của mình, chẳng hạn như mạng lưới đồng nghiệp, mạng lưới bạn bè thân hữu…

Mỗi mạng lưới có một kiểu cấu trúc hoặc một dạng tập hợp xã hội nào đó.

Việc nghiên cứu về mạng lưới xã hội có thể được coi như khởi sự từ môn trắc lượng học xã hội (sociometry) của Moreno. Vào năm 1943, Moreno đã tiến hành khảo sát các trẻ em trong cùng một lớp học và hỏi xem

“Em muốn ngồi cạnh ai ?” nhằm phân biệt được những mạng lưới bao gồm những đứa trẻ ưa thích nhau. Dựa trên một sơ đồ trắc lượng học xã hội, nhà nghiên cứu có thể tìm cách xác định tính chất của những sự chọn lựa của những đứa trẻ (ưa thích, không ưa thích, bàng quan), mức độ thân thiện và các thái độ giữa chúng với nhau. Về sau, các nhà nghiên cứu đã mở rộng phương pháp khảo sát này vào việc phân tích những mạng lưới có những cấu trúc đa dạng và phức tạp hơn như bạn bè, xí nghiệp, cộng đồng địa phương, hiệp hội, láng giềng, khu phố.3

1 Dẫn lại theo N. Katz, et al., bài đã dẫn, tr. 308.

2 Xem N. Katz, et al., bài đã dẫn, tr. 309.

3 Xem P. Ansart, “Réseau”, trong A. Akoun, P. Ansart (Dir.), Dictionnaire de sociologie, Paris, Le Robert, Seuil, 1999, tr. 452.

Mặc dù cụm từ social network được sử dụng từ lâu theo ý nghĩa khá lỏng lẻo là tập hợp những mối liên hệ giữa các thành viên của các hệ thống xã hội ở mọi cấp độ, từ cấp độ liên cá nhân tới cấp độ quốc tế, nhưng thuật ngữ social network này chỉ thực sự được xác lập nội hàm chặt chẽ kể từ khi John A. Barnes sử dụng nó một cách có hệ thống vào năm 19541 để mô tả những mô thức liên kết giữa con người với nhau, thâu tóm được những khái niệm còn chung chung mà trước đó giới khoa học xã hội thường sử dụng như những “nhóm có đường ranh giới” (bounded groups) như bộ tộc, gia đình, hay những “phạm trù xã hội” (social categories) như giới tính, dân tộc.

Lĩnh vực nghiên cứu về các mạng lưới xã hội có một thời gian suy thoái trong những thập niên 1970 và 1980, nhưng được chú ý khai triển mạnh trở lại trong thập niên 1990, nhất là xét trong mối liên quan với khái niệm vốn xã hội sau công trình của Putnam năm 1993.2

Phương pháp phân tích mạng lưới xã hội (social network analysis), dựa trên lý thuyết về mạng lưới (network theory), đã trở thành một trong những kỹ thuật chủ đạo trong lĩnh vực xã hội học hiện đại. Phương pháp này thường sử dụng các kỹ thuật biểu đồ để sau đó tiến hành phân tích xã hội học về các mạng lưới xã hội. Phương pháp phân tích mạng lưới xã hội cũng đã thu hút được sự quan tâm của các ngành khoa học xã hội và được sử dụng khá rộng rãi trong các ngành như nhân học, sinh học, nghiên cứu truyền thông, kinh tế học, địa lý học, tin học, khoa học về tổ chức, tâm lý học xã hội, và ngôn ngữ học xã hội.

Có nhiều loại liên hệ (ties) khác nhau mà nhà nghiên cứu có thể khảo sát, chẳng hạn như : liên hệ truyền thông (chẳng hạn : ai nói với ai, ai cung cấp thông tin hoặc đưa ra lời khuyên cho ai), liên hệ chính thức (ai phải báo cáo cho ai), liên hệ tình cảm (ai thích ai, hoặc tin ai), liên hệ lưu chuyển vật chất hay quy trình lao động (ai đưa tiền cho ai, ai cung cấp vật tư cho ai...), liên hệ gần gũi về mặt không gian (proximity ties) (ai ở gần ai về mặt không gian vật lý hoặc trong không gian điện tử), liên hệ hiểu biết (chẳng hạn : ai biết rằng ai biết ai).3

Hình dạng của một mạng lưới xã hội có thể giúp chúng ta phân tích

1 John A. Barnes, “Class and Committees in a Norwegian Island Parish”, Human Relations, Vol. 7, No. 1, Feb. 1954, pp. 39-58.

2 Xem N. Katz, et al., bài đã dẫn, tr. 319.

3 Xem N. Katz, et al., bài đã dẫn, tr. 308.

mức độ hiệu quả hay lợi ích đem lại cho các cá nhân thành viên của một mạng lưới. Những mạng lưới nhỏ, hẹp và chặt chẽ thường ít đem lại những mối lợi cho cá nhân hơn so với những mạng lưới có nhiều mối liên hệ lỏng lẻo (không chặt) với những cá nhân nằm ngoài mạng lưới chính. Những mạng lưới càng mở rộng, càng có nhiều mối liên hệ xã hội lỏng lẻo, thì càng có nhiều khả năng du nhập những ý tưởng mới và những cơ hội mới cho các thành viên của mình hơn là những mạng lưới khép kín có những mối quan hệ rườm rà và nặng nề. Một nhóm bạn bè chẳng hạn nếu chỉ chơi thân với nhau mà thôi thì cũng chỉ chia sẻ với nhau một số vốn kiến thức chung và một số cơ hội nào đó mà thôi. Nhưng một nhóm cá nhân có liên hệ với nhiều giới xã hội khác với mình thì có nhiều khả năng tiếp cận được những nguồn thông tin rộng rãi hơn. Đối với một cá nhân, thà có những mối liên hệ với nhiều loại mạng lưới thì hay hơn là có nhiều mối liên hệ bên trong chỉ một mạng lưới duy nhất. Một cá nhân cũng có thể tạo ra ảnh hưởng bằng cách làm môi giới để nối kết mạng lưới của mình với một mạng lưới khác.1

Mark Granovetter (1943-) là tác giả đã có công phân biệt giữa mối liên hệ mạnh (strong tie) (gia đình, bạn bè) với mối liên hệ yếu (weak tie) (liên hệ quen biết), trong đó cường độ của mối liên hệ được đo lường một cách tổng hợp từ những chỉ báo như khối lượng thời gian, cường độ tình cảm, mức độ thân thiện, và những dịch vụ mà hai bên làm cho nhau (ở đây, Granovetter chỉ đề cập tới loại liên hệ tích cực [thích nhau], chứ không đề cập tới loại liên hệ tiêu cực [ghét nhau]).2

Sơ đồ 4. Hai thí dụ về “sơ đồ xã hội” (sociogram) : những sợi dây liên hệ “bắc cầu” giữa hai nhóm trong một mạng lưới xã hội ở cấp độ vi mô

1 Xem J. Scott, Social Network Analysis, London, Sage, 1991.

2 Xem M. Granovetter, “The Strength of Weak Ties”, American Journal of Sociology, Vol. 78, Issue 6, May 1973, tr. 1361-1362.

Chú thích : Hình (a) : Cây cầu địa phương ở cấp độ 3 ; Hình (b) : Cây cầu địa phương ở cấp độ 13.

Mỗi điểm A, B, C... biểu hiện cho một người.

–––––– = mối liên hệ mạnh – – – – = mối liên hệ yếu.

Nguồn : Mark S. Granovetter, “The Strength of Weak Ties”, American Journal of Sociology, Vol. 78, Issue 6, May 1973, tr. 1365.

Theo Granovetter, “cây cầu” (bridge) là khái niệm dùng để chỉ sợi dây liên hệ nào biểu hiện lối đi duy nhất nối kết giữa hai điểm trong một mạng lưới. Trong Sơ đồ 4a, đường nối A-B không hẳn là một cây cầu, bởi lẽ người ta còn có thể nối hai điểm A với B bằng con đường A-E-I-B. Tuy vậy, đường A-B là con đường ngắn nhất để F, D và C có thể đi đến B ; do đó, chúng ta có thể coi đường A-B là một cây cầu. Chức năng bắc cầu của đường A-B được thể hiện rõ nét hơn trong Sơ đồ 4b : đường A-B là cây cầu giúp cho các điểm C, D, E và các điểm khác có thể đến được điểm B.1 Nói cách khác, chúng ta có thể hiểu “cây cầu” chính là sợi dây liên hệ A-B mà nếu ta xóa đi trong sơ đồ thì hai khu vực không còn liên hệ với nhau được nữa.

Theo Granovetter, đây là sơ đồ phản ánh chu trình quảng bá thông tin xảy ra trong phần lớn các trường hợp trong thực tế xã hội.

1 Xem M. Granovetter, bài đã dẫn, tr. 1364.

Granovetter đặt tên cho đường nối A-B là “cây cầu địa phương ở cấp độ n” (local bridge of degree n), với điều kiện n là con đường ngắn nhất giữa hai điểm, và n > 2. Trong Sơ đồ 4a, đường A-B là một cây cầu địa phương ở cấp độ 3, còn trong Sơ đồ 4b thì nó ở cấp độ 13. Granovetter giải thích thêm rằng cây cầu trong một mạng lưới xã hội có chức năng cũng tương tự như những chiếc cầu trong một hệ thống đường sá : chiếc cầu nào (nối liền hai khu vực) mà càng nhiều người dân (tức là ở cấp độ càng lớn) buộc phải đi qua vì không có lối đi nào khác, thì chiếc cầu ấy càng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống.1

Granovetter đã chứng minh rằng sợi dây liên hệ mang tính chất “bắc cầu” (bridging) giữa các nhóm khác nhau trong xã hội luôn luôn là một mối liên hệ yếu – lẽ tất nhiên, không phải mối liên hệ yếu nào cũng đều mang tính chất bắc cầu, nhưng các “cây cầu” hầu như luôn luôn đều là những mối liên hệ yếu, vì những mối liên hệ mạnh thường có xu hướng chỉ co cụm lại vào trong nội bộ nhóm của mình mà thôi.2

Những mối liên hệ mạnh có hiệu quả trong trường hợp mà một cá nhân cần tìm đến những ai mà họ tin cậy để có được sự hỗ trợ về mặt tình cảm. Nhưng những mối liên hệ yếu lại có hiệu quả hơn trong trường hợp mà cá nhân muốn đi tìm những thông tin mới lạ từ những người nằm ngoài vòng tiếp xúc thân cận.

Qua kết quả phỏng vấn những người đã tìm được việc làm qua những mối liên hệ quen biết cá nhân (với mẫu điều tra là 54 người ở vùng ngoại ô thành phố Boston), Granovetter nhận thấy như sau : 16,7% trả lời là nhờ những người mà họ thường tiếp xúc (gặp ít nhất hai lần mỗi tuần), 55,6% nhờ những người mà họ thỉnh thoảng tiếp xúc (gặp trên một lần mỗi năm, nhưng ít hơn hai lần mỗi tuần), và 27,8% nhờ những người mà họ rất ít tiếp xúc (gặp mỗi năm một lần hoặc ít hơn). Những con số này cho thấy chiều hướng ngả hẳn về phía những mối liên hệ yếu. Trong nhiều trường hợp, họ tìm được việc làm là nhờ vào một người nằm ở ngoài rìa của mạng lưới tiếp xúc hiện tại, tình cờ có dịp gặp lại, chẳng hạn như một người bạn học cũ, một đồng nghiệp xưa hoặc một người chủ trước mà họ rất ít khi liên lạc.3

1 Xem M. Granovetter, bài đã dẫn, tr. 1365

2 Xem M. Granovetter, bài đã dẫn, tr. 1363-1364, 1376.

3 Xem M. Granovetter, Changing Jobs: Channels of Mobility Information in a Suburban Community, Doctoral dissertation, Harvard University, 1970, tr. 76- 80, dẫn lại trong M. Granovetter, bài đã dẫn, tr. 1371.

Khi phân tích kết quả nhiều cuộc khảo sát dựa trên sự phân biệt giữa mối liên hệ mạnh với mối liên hệ yếu, Granovetter đã khám phá ra rằng thông tin có thể phát tán thông qua các mối liên hệ yếu rộng rãi hơn nhiều so với khi thông qua các mối liên hệ mạnh – bởi lẽ trong các nhóm có mối liên hệ thân thiết với nhau như gia đình hay bạn bè (có mối liên hệ mạnh), sự truyền thông thường chỉ dừng lại trong nội bộ nhóm chứ ít khi lan tỏa ra ngoài.1 Granovetter viết như sau : “Bất cứ cái gì cần được quảng bá thì đều có thể lọt đến tai nhiều người hơn, và đi xuyên qua những không gian xã hội lớn hơn (tức là độ dài của con đường truyền thông), nếu được truyền tải thông qua những mối liên hệ yếu hơn là những mối liên hệ mạnh.” Chính vì vậy mà tin đồn thường phát tán mạnh thông qua những mối liên hệ yếu (những người không thân thiết), chứ không phải qua những mối liên hệ mạnh (những người thân thiết).2

Khác với Louis Wirth là người cho rằng những mối liên hệ yếu thường sản sinh ra những tình trạng tha hóa vì tình trạng quan hệ lỏng lẻo trong xã hội, Granovetter cho rằng chính những mối liên hệ yếu đã tạo ra những điều kiện cần thiết để các cá nhân có thể hội nhập vào các cộng đồng rộng lớn hơn, trong khi đó, những mối liên hệ mạnh, do nuôi dưỡng và củng cố sự cố kết cục bộ, thường có xu hướng dẫn đến tình trạng “phân mảnh” trong toàn bộ xã hội (overall fragmentation).3

Granovetter đã áp dụng nguyên tắc phân tích này để giải thích hiện tượng lan truyền thông tin trong xã hội, những cơ hội di động nghề nghiệp, và sự hình thành những tổ chức cộng đồng.

Vào khoảng năm 2001, Sparrowe và một số đồng nghiệp đã tiến hành khảo sát những nhóm lao động phải làm những công việc phức tạp và khám phá ra rằng những nhóm nào có kiểu truyền thông phi tập trung hóa (decentralized communication) thì có hiệu suất công việc cao hơn hẳn so với những nhóm theo dạng truyền thông tập trung. Cummings và Cross trong một công trình khảo sát 182 nhóm lao động làm những công việc phức tạp thuộc một tổ chức toàn cầu (công bố năm 2003) cũng cho thấy những nhóm có dạng truyền thông phi tập trung đạt hiệu suất cao hơn so

1 Xem M. Granovetter, bài đã dẫn, tr. 1368-1369.

2 M. Granovetter, bài đã dẫn, tr. 1366.

3 Xem M. Granovetter, bài đã dẫn, tr. 1378.

với những nhóm truyền thông tập trung.1

Các công trình nghiên cứu về mạng lưới xã hội cho thấy các mạng lưới xã hội có thể vận hành ở nhiều cấp độ khác nhau, từ cấp độ gia đình cho tới cấp độ quốc gia, và thường đóng một vai trò hết sức mấu chốt trong việc xác định cách thức giải quyết các vấn đề, trong sự vận hành của các tổ chức, cũng như về mức độ và cách thức mà các cá nhân đạt được các mục tiêu của mình.

Mạng lưới xã hội có thể được dùng để đo lường vốn xã hội, tức là những giá trị mà cá nhân có thể thu nhận được từ mạng lưới xã hội.

Ngoài ra, mạng lưới xã hội cũng có thể được vận dụng để khảo sát mối quan hệ tương tác giữa các công ty, bằng cách tìm hiểu xem có những mối liên hệ phi chính thức nào đã liên kết các nhà lãnh đạo doanh nghiệp với nhau, cũng như những hiệp hội hay những sợi dây liên kết giữa cá nhân nhân viên các công ty với nhau. Những mạng lưới này có thể tạo điều kiện cho các công ty thu thập thông tin, thúc đẩy hoặc ngăn chặn khả năng cạnh tranh lẫn nhau, hay kể cả trường hợp có thể đụng độ nhau trong các chiến lược xác định giá cả sản phẩm hoặc thậm chí cả chiến lược kinh doanh.

Phương pháp phân tích mạng lưới xã hội cũng còn được áp dụng vào lĩnh vực công tác xã hội khi mà những người làm công tác xã hội cố gắng giúp cho đối tượng của mình thoát ra khỏi hoàn cảnh “bị loại trừ” (cô đơn,

“cá biệt”) hay hoàn cảnh thụ động (chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ nhà nước hay của cán bộ công tác xã hội) bằng cách đưa họ vào những mạng lưới đoàn kết hoặc tương trợ nhau, trong đó các thành viên chấp nhận nhau và cùng coi nhau như thành viên của một nhóm.2

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG NHẬP MÔN XÃ HỘI HỌC (Trang 62 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(186 trang)