Khái niệm “định chế xã hội”

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG NHẬP MÔN XÃ HỘI HỌC (Trang 121 - 125)

Chương 7. Định chế xã hội

A. Khái niệm “định chế xã hội”

Định chế xã hội là gì ? Định chế, theo nghĩa đen, là một hệ thống hay một chế độ đã được thiết lập, đã được đặt định sẵn.1 Hiểu trong khuôn khổ xã hội học, thì định chế xã hội2 không phải là một nhóm người, cũng không phải là một tổ chức hay một hiệp hội, như người ta thường dùng trong một số lĩnh vực khác. Ở đây, chúng ta có thể hiểu định chế xã hội là một hệ thống các quan hệ xã hội, bao gồm những vai trò đã được thiết lập theo những chuẩn mực ứng xử nhất định mà xã hội đã thừa nhận. Nó được định hình theo thời gian, khi mà các mối quan hệ xã hội và một số ứng xử nhất định được lặp đi lặp lại, rồi dần dần biến thành tập quán, và cuối cùng

1 Đào Duy Anh định nghĩa định chế là “chế độ đã nhất định từ trước” (Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển giản yếu [1932], Sài Gòn, Nxb Trường Thi tái bản, 1957, tr. 283).

2 Thuật ngữ “định chế xã hội” tương ứng với cụm từ tiếng Anh “social institution”. Trong tiếng Việt, khái niệm này cũng còn được một số tác giả gọi là “thiết chế xã hội” hoặc đôi khi là “thể chế xã hội”.

kết tinh thành một khuôn mẫu, tức là một tập hợp các vai trò, với những chuẩn mực và quy tắc của từng vai trò, mà phần lớn mọi thành viên của một cộng đồng xã hội nhất định đều mặc nhiên thừa nhận và tự nguyện tuân thủ.

Lấy thí dụ về định chế gia đình : nói tới “định chế gia đình”, không phải là ta nói tới gia đình ông X hay gia đình bà Y, mà là đề cập tới một khuôn mẫu gia đình của một xã hội nhất định trong một thời đại nhất định.

Nếu “vai trò” là thuật ngữ dùng để chỉ những khuôn mẫu ứng xử, thì

“định chế” là một khái niệm tổng quát hơn, bao gồm nhiều vai trò. Nhà trường, chẳng hạn, là một định chế xã hội, trong đó bao gồm các vai trò học sinh, vai trò giáo viên, vai trò hiệu trưởng...

Nhiều tác giả trong giới khoa học xã hội trên thế giới đã đưa ra nhiều cách định nghĩa khác nhau về khái niệm định chế xã hội, tùy theo từng góc độ quan tâm. Émile Durkheim coi định chế là “tất cả các niềm tin và phương cách ứng xử do tập thể thiết lập”, và do đó, xã hội học chính là môn

“khoa học về các định chế, về sự hình thành và sự vận hành của chúng”.1 Theo Talcott Parsons trong cuốn The Social System (1951), định chế xã hội là một “phức hợp các vai trò đã được định chế hóa vốn mang một ý nghĩa cấu trúc chiến lược trong một hệ thống xã hội nhất định”.2 John Scott thì nhấn mạnh đến khía cạnh giá trị và chuẩn mực khi ông định nghĩa định chế xã hội là một “hệ thống các chuẩn mực có liên hệ hỗ tương vốn bắt nguồn từ những giá trị mà mọi người đều thừa nhận và được phổ biến trong một xã hội hay một nhóm xã hội nhất định như là những cách thức hành động, tư duy và cảm xúc chung”.3

Douglass North (1920-2015), nhà kinh tế học Mỹ thuộc trường phái định chế luận, định nghĩa “các định chế là những luật chơi [rules of the game] trong một xã hội, [...] là những điều bó buộc [constraints] do con người đặt ra” – những điều bó buộc này định hình và chi phối các mối tương giao giữa con người với nhau trong toàn bộ các lãnh vực chính trị, xã hội và kinh tế.4

1 É. Durkheim, Các quy tắc của phương pháp xã hội học (1895), Đinh Hồng Phúc dịch, Hà Nội, Nxb Tri thức, 2012, tr. 79.

2 Dẫn lại theo G. Ritzer, J.M. Ryan (Eds.), The Concise Encyclopedia of Sociology, Chichester, U.K., Wiley-Blackwell, 2011, tr. 323.

3 J. Scott, Sociology. The Key Concepts, London, Routledge, 2006, tr. 90.

4 Xem D. North, Institutions, Institutional Change and Economic Performance, Cambridge, Cambridge University Press, 1990, tr. 3.

Khi nói tới một trường trung học X nào đó, chúng ta coi đó là một

“tổ chức xã hội” ; nhưng còn khi nói tới “định chế nhà trường”, thì chúng ta đề cập tới một mô hình nhà trường nói chung trong một xã hội nhất định.

Khái niệm định chế trừu tượng hơn khái niệm tổ chức. Định chế không phải là một tổ chức, cũng chẳng phải là một hiệp hội.

Theo Alan Wells, “các định chế xã hội phục vụ cho sự điều tiết chuẩn tắc đối với ứng xử của con người.”1 Ông nói chẳng hạn nếu quan sát xứ Ruritania,2 ta sẽ thấy rằng theo tục lệ thì người ta phải cưới nhau trước khi có con, và đây được coi là điều “bình thường”. Ai cũng phải quan tâm chăm sóc con cái của mình, nếu không, sẽ bị trừng phạt. Vợ chồng và con cái buộc phải có nghĩa vụ với nhau hơn bất cứ ai khác, và phần lớn đều sống như thế. Người ta buộc phải chăm sóc cha mẹ già của mình, nếu không thì hàng xóm sẽ chê bai. Vợ và chồng phải sống với nhau ; nếu không, họ sẽ cảm thấy áy náy, và sẽ bị người ta đàm tiếu. Họ phải sống hòa thuận với nhau, bởi nếu không, láng giềng sẽ thấy tội nghiệp cho họ hoặc chê cười họ.3

Các định chế xã hội không bao giờ có “thành viên” (members), nhưng chúng lại luôn luôn có những người thực thi (followers). Đây là một sự phân biệt hết sức quan trọng mà Paul Horton và Chester Hunt nhấn mạnh, vì có nắm rõ được sự phân biệt này thì chúng ta mới hiểu được thế nào là định chế. Lấy một thí dụ minh hoạ : một tôn giáo không phải là một tập hợp người, nhưng đó là một hệ thống các tư tưởng, tín lý, niềm tin, nghi thức, và các mối quan hệ. Còn một giáo hội mới là một tập hợp người, tức là một tổ chức bao gồm các thành viên tin theo các tín lý và tuân thủ theo các nghi thức của tôn giáo ấy.4 Như vậy ở đây, sự khác biệt chủ yếu là như sau : định chế là một hệ thống tư tưởng, vai trò và ứng xử (xét về mặt trừu tượng); còn tổ chức (hay hiệp hội) là một nhóm các thành viên đảm nhiệm những vai trò ấy theo những chuẩn mực ứng xử ấy (xét về mặt cụ thể). Khi nào không còn ai tham gia các vai trò này nữa, thì định chế đang nói đây sẽ tiêu vong.

Cũng tương tự như chúng ta phải phân biệt giữa trò chơi bóng đá và

1 A. Wells, Social Institutions, London, Heinemann, 1970, tr. 6.

2 Ruritania là tên của một xứ sở tưởng tượng nằm ở miền trung châu Âu trong các tiểu thuyết của Anthony Hope.

3 Xem A. Wells, sách đã dẫn, tr. 6.

4 Xem P.B. Horton, C.L. Hunt, Sociology, 6th edition, New York, McGraw-Hill Book Company, 1984, tr. 211.

một đội bóng đá. Trò chơi bóng đá là một tập hợp các luật lệ, quy tắc, kỹ thuật và thủ thuật. Trò chơi bóng đá không thể không có cầu thủ bước ra sân thi đấu ; nhưng cầu thủ bóng đá không phải trò chơi bóng đá, họ chỉ là một nhóm người tham gia chơi trò này.

Do vậy, theo A. Wells, định chế xã hội bao hàm ba thành tố chính, đó là vai trò, nhóm xã hội, và chương trình.1 Nó bao gồm một số vai trò nào đó (thí dụ vợ, chồng, con…) thuộc một nhóm xã hội nào đó (thí dụ gia đình) và tiến hành thực hiện một chương trình hành động nào đó (thí dụ cuộc sống gia đình).

Đối với Peter Berger và Thomas Luckmann, định chế được ví như một “kịch bản chưa được viết ra của một vở kịch”, trong đó các hành động và xử sự của các vai trò đều “đã được lập trình” sẵn.2 “Sự hiện thực hóa vở kịch phụ thuộc vào việc các diễn viên/tác nhân [actors] còn-đang-sống diễn đi diễn lại những vai [roles] đã được ấn định trong vở kịch. Các diễn viên/tác nhân là hiện thân của các vai và hiện thực hóa vở kịch bằng cách trình diễn nó trên sân khấu hữu quan. Cả vở kịch lẫn định chế đều không tồn tại thực sự bên ngoài sự trình diễn trở đi trở lại này.”3 Nói khác đi, nếu không có diễn viên, nếu vở kịch không được trình diễn, thì sẽ không có vở kịch, không có định chế. “[C]hính các vai trò làm cho các định chế có thể tồn tại và luôn luôn tồn tại như một sự hiện diện có thực trong kinh nghiệm của các cá nhân đang sống.”4

Bàn về tâm thế của con người cá nhân trong lòng các định chế xã hội, P. Berger viết như sau : “Các cấu trúc của xã hội trở thành các cấu trúc của ý thức của chính chúng ta. Xã hội không dừng lại ở mặt ngoài lớp da của chúng ta. Xã hội thẩm thấu vào chúng ta cũng chẳng khác gì như nó bao bọc chúng ta. Sự giam hãm của chúng ta vào xã hội được thiết lập bằng sự khuất phục cũng không mạnh gì hơn bằng sự thông đồng [của chính chúng ta]. Quả là đôi khi chúng ta bị ép phải phục tùng. [Nhưng] thông thường thì chúng ta bị mắc bẫy bởi chính cái bản chất xã hội của chúng ta.

Những bức tường giam cầm chúng ta [tức các định chế xã hội] đã có sẵn ở đấy trước khi chúng ta xuất hiện trên sân khấu [cuộc đời], nhưng chúng

1 Xem A. Wells, sách đã dẫn, tr. 8-11.

2 Xem P. Berger, T. Luckmann, Sự kiến tạo xã hội về thực tại (1966), Trần Hữu Quang chủ biên dịch thuật, giới thiệu và chú giải, Hà Nội, Nxb Tri thức, 2015, tr. 113.

3 P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 113.

4 P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 114.

cũng luôn luôn được xây dựng lại bởi chính chúng ta. Chúng ta bị phản bội và rơi vào vòng cầm tù với sự hợp tác của bản thân chúng ta.”1

Con người không thể sống ngoài các định chế. Con người-sinh vật không thể trở thành con người-xã hội nếu thiếu các định chế. P. Berger đã nhắc tới ý tưởng của nhà khoa học xã hội Đức Arnold Gehlen (1904-1976) khi ông này cho rằng định chế đối với con người đóng vai trò cũng giống như bản năng đối với các động vật, vì định chế chính là “một cơ quan điều tiết”, nhằm “định hướng cho hành động của con người”, nó “cung cấp những thể thức thủ tục để qua đó đưa hành vi con người vào khuôn khổ, thành mẫu hình, và buộc phải đi theo những lối mòn mà xã hội mong muốn.”2

Mỗi định chế đáp ứng một số nhu cầu nhất định của xã hội. Người ta thường phân biệt bốn loại định chế xã hội cơ bản sau đây. (1) Các định chế chính trị, điều tiết việc nắm giữ và sử dụng quyền lực trong xã hội. (2) Các định chế kinh tế, mang chức năng sản xuất và phân phối các sản phẩm và dịch vụ. (3) Các định chế thân tộc, liên quan đến hôn nhân, gia đình, dòng họ, và quá trình xã hội hóa trẻ em. Và (4) các định chế văn hóa, liên quan đến tôn giáo, phong tục, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, khoa học, truyền thông đại chúng...3

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG NHẬP MÔN XÃ HỘI HỌC (Trang 121 - 125)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(186 trang)