Quan niệm của Max Weber

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG NHẬP MÔN XÃ HỘI HỌC (Trang 162 - 165)

Chương 9. Giai cấp xã hội và sự phân tầng xã hội

C. Quan niệm của Max Weber

Khác với quan điểm phân tích của Marx về giai cấp vốn dựa trên nền tảng quan hệ kinh tế, nhà xã hội học Max Weber quan niệm rằng có ba loại phân tầng xã hội khác nhau : (a) các giai cấp xã hội (dựa trên chiều kích kinh tế), (b) trật tự thứ bậc của các vị thế xã hội (chiều kích xã hội), và (c) trật tự thứ bậc của các quyền lực chính trị (chiều kích chính trị).3

Trong lãnh vực kinh tế, Weber cũng sử dụng khái niệm “giai cấp”

tương tự như Marx đã dùng, nhưng xuất phát điểm của định nghĩa về giai cấp của Weber không phải là vị trí trong quá trình sản xuất (như Marx quan niệm), mà là khả năng tiếp cận các hàng hóa và dịch vụ trên thị trường.

Các cá nhân, do có những khác biệt về nguồn gốc gia đình, về nghề nghiệp, năng lực, trình độ học vấn, vốn liếng, khác biệt về nơi cư trú hay về những yếu tố khác, nên có những cơ may khác nhau, không đồng đều, trong việc tiếp cận và hưởng dụng của cải.

1 Karl Marx, Friedrich Engels, Hệ tư tưởng Đức (1845-1846), trong C. Mác, Ph.

Ăng-ghen, Tuyển tập, tập I, Hà Nội, Nxb Sự thật, 1980, tr. 314-315 (những chỗ nhấn mạnh là do K. Marx và F. Engels).

2 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 207.

3 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 209.

Định nghĩa của Weber về giai cấp gắn liền hoàn cảnh giai cấp với sự tồn tại của một thị trường. Trong những nền kinh tế chưa có kinh tế thị trường, thì chưa có giai cấp và đấu tranh giai cấp. Những người nô lệ trong xã hội cổ đại chẳng hạn không phải là một giai cấp, mà là một thứ đẳng cấp, sự tồn tại của họ mang tính chất pháp lý trong xã hội, và không có quan hệ gì với thị trường. Mỗi giai cấp được xác định bởi vị trí của mình trong khung cảnh cạnh tranh, và mỗi hoàn cảnh giai cấp là một hoàn cảnh xét trong mối quan hệ với thị trường.1

Weber không lần nào đưa ra rõ rệt một danh sách đầy đủ các giai tầng,2 nhưng người ta thấy ông thường phân biệt những giai tầng sau đây : giai tầng công nhân ; giai tầng thống trị ; giai tầng tiểu tư sản (bao gồm những người lao động tự do, buôn bán nhỏ, thợ thủ công, v.v. vốn có một hoàn cảnh kinh tế giống nhau trong thị trường, trong đó các cá nhân có thể có chung một số quyền lợi); giai tầng trí thức (đây là những người tuy không có tài sản, nhưng có một vị trí xã hội nào đó do đã được đào tạo về chuyên môn, chẳng hạn kỹ sư, cán bộ, viên chức hành chánh… kể cả khu vực công lẫn khu vực tư).3

Theo Weber, lợi ích giai tầng có thể không dẫn đến một hành động chung nào cả, mà chỉ có những hành động quần chúng (actions de masse) – đây chỉ là kết quả trùng hợp ngẫu nhiên về hành vi của những người có cùng hoàn cảnh giai tầng như nhau, mà hoàn toàn không có ý thức gì về hoàn cảnh chung này. Nhưng trái lại, hành động giai tầng (actions de classe) theo Weber là những hành động trong đó mọi người đều có ý thức là mình có quyền lợi giống nhau và đồng lòng cùng nhau bảo vệ những quyền lợi ấy. Trong những xã hội tiền tư bản (chẳng hạn những xã hội có đẳng cấp), nếu đại đa số mọi người đều coi trật tự xã hội là chuyện “tự nhiên”

hay đương-nhiên-phải-như-vậy, thì những người thuộc một đẳng cấp dưới sẽ chẳng bao giờ thắc mắc đi tìm nguyên nhân của hoàn cảnh hiện tại của họ, và do đó họ sẽ không có những “hành động giai tầng”.4

Đây là một điểm khác biệt giữa Marx và Weber : Weber quan niệm rằng các cuộc đấu tranh giai cấp chỉ có thể xảy ra khi người ta có ý thức về

1 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 209.

2 Ở đây, theo thiển ý chúng tôi, có lẽ khái niệm “class” của Max Weber nên được dịch bằng thuật ngữ “giai tầng” thì thích hợp hơn là thuật ngữ “giai cấp” (hiểu theo nghĩa mác-xít).

3 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 209-210.

4 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 210.

lợi ích giai cấp của mình ; Marx, ngược lại, cho rằng chính là thông qua các cuộc đấu tranh mà ý thức giai cấp được hình thành.

Xét về chiều kích xã hội của sự phân tầng xã hội, Weber đưa ra khái niệm mà ông gọi là các vị thế xã hội (status). Weber định nghĩa vị thế xã hội là vị trí trong một trật tự thứ bậc về uy thế (prestige) hay về “danh giá xã hội” (social honor). Mỗi vị thế đều có đặc trưng về lối sống, về cách tiêu dùng, ăn mặc, cư trú, cưới hỏi, cũng như một kiểu giáo dục nào đó riêng biệt. Ngay trong các xã hội Tây phương ngày nay, người ta vẫn có thể ghi nhận rõ nét hiện tượng phân biệt giữa các vị thế xã hội. Cụ thể nhất là thông qua cách ăn mặc. Thời trang (hay “mốt” y phục) ban đầu thường do những tầng lớp xã hội thượng lưu tung ra, sau đó lan ra các tầng lớp xã hội khác.

Nhưng không phải vì thế mà cứ hễ có tiền mua sắm quần áo chẳng hạn là leo lên được nấc thang “danh giá xã hội”. Các nhóm vị thế xã hội cũng được xác định thông qua khả năng hôn nhân : người ta thường có xu hướng cưới nhau giữa những người nằm trong cùng một vị thế xã hội với mình.

Mặt khác, mỗi vị thế xã hội thường có những kiểu cách ứng xử và ngôn ngữ riêng, không những để phân biệt với các tầng lớp xã hội khác mà còn để bảo vệ những đặc quyền đặc lợi của mình : chẳng hạn nếu muốn gia nhập vào một nhóm nghề nghiệp thuộc hạng “danh giá”, người sinh viên mới tốt nghiệp không phải chỉ cần chứng minh khả năng chuyên môn của mình là đủ, mà còn phải chứng tỏ những dấu hiệu cho thấy mình là thành viên của giai tầng này (cách ăn mặc, lối ăn nói, cách dùng thuật ngữ chuyên môn...).1

Chiều kích thứ ba trong cách phân tầng xã hội của Weber là sự phân chia theo quyền lực chính trị. Ở đây, ông đề cập tới các đảng phái chính trị.

Khác với hai cách phân tầng xã hội trên (theo hoàn cảnh kinh tế và theo vị thế xã hội), ở đây, đối với các đảng phái chính trị, cá nhân hoàn toàn có thể tự do gia nhập hay không gia nhập. Đảng phái là một hiệp hội nhằm giành quyền lực cho một nhóm người lãnh đạo, với mục tiêu là tranh thủ và đảm bảo những lợi ích vật chất và uy thế cho các thành viên của đảng phái.

Trong các xã hội Tây Âu, người ta thấy có những chính đảng được lập ra để đấu tranh cho quyền lợi của một giai cấp nhất định, thí dụ đảng cộng sản (đại diện cho quyền lợi của giai cấp công nhân) hay đảng nông dân ; nhưng cũng có những chính đảng chỉ đại diện cho những nhóm quyền lợi hoặc những nhóm có những xu hướng cá biệt và thường đối lập nhau.2

1 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 210.

2 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 210.

Nói tóm lại, Max Weber quan niệm sự phân tầng xã hội theo ba chiều kích khác nhau : kinh tế (cơ may và hoàn cảnh kinh tế của các cá nhân), xã hội (vị thế xã hội và uy thế xã hội của các cá nhân), và chính trị (vị trí của họ trong trật tự chính trị). Nhưng người ta không thể nhập làm một cả ba cách phân tầng trên, bởi lẽ tùy vào mỗi xã hội cụ thể mà mỗi chiều kích phân tầng có tầm quan trọng khác nhau : chẳng hạn có những xã hội mang chiều kích kinh tế mạnh hơn, có những xã hội khác lại mang chiều kích chính trị nhiều hơn, và cũng có những xã hội khác lại coi uy thế hay danh giá xã hội là điều quan trọng nhất.1

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG NHẬP MÔN XÃ HỘI HỌC (Trang 162 - 165)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(186 trang)