Sự tuân thủ và sự lệch lạc

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG NHẬP MÔN XÃ HỘI HỌC (Trang 110 - 116)

Chương 6. Sự điều tiết xã hội : giá trị, chuẩn mực và nghi thức

C. Sự tuân thủ và sự lệch lạc

Trong bất cứ hoàn cảnh xã hội nào, thông thường thế nào cũng có những người không tôn trọng hoặc làm trái với các chuẩn mực. Đó là hiện

1 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 102-103.

tượng mà xã hội học gọi là sự lệch lạc (deviance), đối lập với sự tuân thủ (conformity). Hai khái niệm này hoàn toàn không hàm ý phán đoán về giá trị, mà chỉ đơn giản ghi nhận hành vi làm theo hay không làm theo những chuẩn mực nào đó.

Thí nghiệm nổi tiếng của nhà tâm lý học xã hội người Mỹ Stanley Milgram (1933-1984) đã cho thấy rằng khi một cá nhân được đưa vào hoàn cảnh thí nghiệm thì họ có thể tuân theo những mệnh lệnh mà họ thường không tán thành trong hoàn cảnh bình thường. Thí nghiệm này được ông tiến hành vào đầu thập niên 1960 : Milgram đề nghị người sinh viên tham gia cuộc thí nghiệm áp dụng những hình phạt bằng sốc điện đối với một người khác (thực ra đây là kẻ thông đồng với cuộc thí nghiệm) ; nếu người này càng đưa ra những câu trả lời sai, thì người sinh viên tham gia thí nghiệm càng phải tăng mạnh số hiệu điện thế (volt). Mặc dù nghe thấy những lời la hét đau đớn (giả tạo) và những lời van xin của kẻ trả lời sai, nhưng người sinh viên tham gia thí nghiệm vẫn “tuân theo” quy định và tăng càng mạnh sốc điện : kết quả là có 62% sinh viên tham gia thí nghiệm đã chấp nhận áp dụng sốc điện lên tới 450 volt.1

Hành vi “lệch lạc” hiểu theo nghĩa xã hội học ở đây không phải là hành vi phạm pháp, vốn là đối tượng của ngành tội phạm học. Thật vậy, có nhiều loại ứng xử mà xã hội chê trách, không chấp nhận, nhưng vẫn không mang tính chất bất hợp pháp hay phạm pháp. Chẳng hạn như nói tục, rượu chè be bét, kết bè kết đảng để ăn chơi...

Thực ra, trong xã hội, hầu như không có tổ chức nào ép buộc thành viên phục tùng tuyệt đối tất cả mọi chuẩn mực và quy tắc của mình. Trong một nhà trường, nếu chúng ta liệt kê ra tất cả các chuẩn mực của một người học sinh gương mẫu, thì chắc hẳn sẽ kiếm được rất ít học sinh đạt hết các chuẩn mực này. Ngay trong tôn giáo, người ta cũng không thể đòi hỏi mọi người phải trở thành “thánh” cả. Mức độ nương nhẹ, dễ dãi hay lơi lỏng (laxism) đối với các chuẩn mực đến mức nào, là tùy theo từng nhóm xã hội, hoặc từng tổ chức xã hội.2

Trước hết, mức độ “dễ dãi” (hay “châm chước”) đối với các chuẩn mực phụ thuộc vào dộ thâm niên của thành viên trong nhóm. Người mới gia

1 S. Milgram, Obedience to Authority, 1974, dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 103.

2 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 103.

nhập nhóm thường hăng hái tuân thủ mọi quy tắc của nhóm, hơn nhiều so với các thành viên cũ. Người công nhân mới được tuyển, người tân sinh viên, người tín đồ mới, người lính tân binh... hay bị những người cũ nhìn với con mắt hoài nghi, bởi vì những người mới thường cố gắng chấp hành rất đầy đủ các quy định để chứng tỏ mình cũng là thành viên – tích cực một cách “quá đáng” dưới con mắt của các thành viên cũ.1 Và cũng chính là trong bầu không khí này mà “ma cũ nhát ma mới” : “ma cũ” đã quá rành rẽ cách vận dụng các quy tắc nên có nhiều cách để hù dọa “ma mới” !

Mặt khác, mức độ “dễ dãi” đối với các chuẩn mực cũng phụ thuộc vào vị trí trong nhóm. Trong phần lớn các nhóm, ở vị trí càng cao thì càng phải gương mẫu, tức càng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc, chuẩn mực. Việc tuân thủ các chuẩn mực thường được hiểu như một tiêu chuẩn để tiến thân, đạt đến vị trí cao hơn trong một nhóm. Nhưng cũng có những nhóm trong đó mức độ thâm niên và uy tín lại cho phép người ta khỏi cần chú ý đến các quy tắc, và ngược lại, chính những người mới vào và những người có uy thế thấp mới là những kẻ buộc phải tuân thủ đầy đủ các quy tắc.2

Trong thực tế, bất cứ hệ thống hay tổ chức xã hội nào cũng đều có những “vùng tối” – những phạm vi trong đó người ta có thể tự cho phép mình vi phạm quy tắc mà không sợ bị trừng phạt cách này cách khác. Đấy cũng là cái may, bởi lẽ, trong cuộc sống bình thường hàng ngày, nếu bất cứ hành vi nào cũng bị soi mói, bị tố giác và chỉ trích ngay mỗi khi vượt ra ngoài chuẩn mực, thì e rằng người ta thật “khó sống” ! Thật vậy, “vùng tối”

cũng là một điều cần thiết để một nhóm hay một định chế có thể vận hành bình thường. Nếu một người thủ trưởng biết hết mọi thứ xảy ra trong đơn vị của mình, thì e rằng ông ta sẽ khó mà điều khiển nổi ; nếu cha mẹ muốn biết hết mọi chuyện mà con mình đã làm, thì, thứ nhất, đó là điều không thể làm được, và thứ hai, không khí gia đình sẽ trở nên hết sức nặng nề đối với đứa con.3

Hành vi lệch lạc là hành vi mà vào lúc nào đó, người ta làm khác hoặc làm trái với chuẩn mực. Còn “kẻ lệch lạc” là kẻ thường xuyên có những hành vi lệch lạc so với các chuẩn mực xã hội. Thường trong nhóm nào cũng có những người ít quan tâm tới công việc của nhóm, chẳng trông

1 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 103.

2 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 103-104.

3 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 104.

đợi gì ở nhóm, và nội tâm hóa các chuẩn mực kém hơn so với những người khác. Trong một lớp học, người học sinh “lười” là kẻ thường ngồi ở cuối lớp, đó là kẻ không chấp nhận các quy tắc của nhà trường, thậm chí lãnh đạm trước những hình thức chế tài của kỷ luật.

Kẻ “lệch lạc” hay kẻ “ngoài lề” ấy có thể xuất phát từ nhiều động cơ khác nhau. Chẳng hạn, vốn là con của gia đình nông dân hay gia đình lao động rất nghèo, người học sinh ấy không có hy vọng gì là có đủ điều kiện để được học tiếp hoặc kiếm được nghề nghiệp gì sau khi tốt nghiệp phổ thông ; vì thế, chuyện phấn đấu học cho hết cấp là điều vô nghĩa đối với người này : đằng nào thì cũng phải trở về làm ruộng, hoặc buôn thúng bán bưng giúp cha mẹ. Nhưng cũng có những học sinh con nhà khá giả, quen được cha mẹ nuông chiều và cho tiền, nên cũng chẳng thiết học để làm gì, vì về sau, thế nào cha mẹ cũng kiếm được cho một chỗ làm… Đối với cả hai trường hợp ấy, chuyện học hành đều là vô nghĩa.1

Cũng có những trường hợp lệch lạc do mâu thuẫn giữa các chuẩn mực hay các vai trò. Chẳng hạn người giáo sư đại học, với hai vai trò chính của mình là giảng dạy và nghiên cứu. Với tư cách là người nghiên cứu, ông ta có quyền được tự do trình bày các ý kiến riêng của mình, dù là đối lập với các quan niệm chung của xã hội ; nhưng đồng thời, với tư cách là giáo sư nằm trong một tổ chức giáo dục của quốc gia, nên dù muốn hay không muốn, ông ta cũng là một nhân vật mà mọi người xem như một nhà mô phạm, gương mẫu, nghĩa là phải có những quan niệm và ứng xử phù hợp với khuôn mẫu mà xã hội đã quy định.2

Cũng có những kẻ có hành vi lệch lạc hay tự gạt mình ra “ngoài lề”

của nhóm, vì đang có tham vọng gia nhập hay đồng hóa với một nhóm khác (thường được gọi là “nhóm quy chiếu”, reference group). Trong một xí nghiệp chẳng hạn, có những công nhân đang có cơ hội được đề bạt hoặc đang muốn thăng tiến lên những chức vụ quản lý, nên dù vẫn còn là công nhân, nhưng họ tự đồng hóa mình với những cách suy nghĩ của ban giám đốc : thí dụ, cho rằng xí nghiệp cần có lời nhiều, kỷ luật lao động còn quá lỏng lẻo, nghiệp đoàn đòi hỏi quá đáng cho quyền lợi công nhân... Người ta gọi đây là quá trình xã hội hóa “diễn ra trước thời hạn” (anticipated socialization).

1 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 104.

2 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 104.

Cuộc khảo sát của Seymour Lieberman (đã đề cập ở Chương 4) cho thấy là những công nhân nào trở thành đốc công thì đều thay đổi thái độ của họ đối với ban giám đốc, và ngược lại, khi họ trở về vị trí công nhân bình thường, thì lại có lại những thái độ như trước kia.1 Công trình nghiên cứu của Odile Benoit Guilbot cũng cho thấy công nhân thuộc những nhà máy hiện đại thường đều hiện đại hóa lối sống của họ, trong khi công nhân đang làm việc tại những nhà máy cổ truyền thì thường không thay đổi tập quán của mình.2

Ngoài ra, đáng chú ý là có những hình thức “lệch lạc” do bản thân những mâu thuẫn trong cấu trúc xã hội gây ra. Robert K. Merton3 đã đặc biệt phân tích điều này : trong xã hội Mỹ, giá trị lớn nhất, được mọi người đề cao hơn hết, đó là sự thành công về kinh tế – với mẫu mực là một con người tự mình giành được sự thành đạt (self-made man). Nhưng không phải ai trong xã hội cũng dễ dàng đạt được điều này ; không phải ai cũng lên làm tổng thống hay làm tổng giám đốc được. Chính mâu thuẫn giữa giá trị xã hội và khả năng hiện thực hóa giá trị này đã khiến cho nhiều người, nhất là những tầng lớp nằm ở dưới đáy bậc thang xã hội, dễ đâm ra ấm ức, bực bội, vì ý thức rằng hầu như không có chút hy vọng gì thành công về công danh sự nghiệp. Do đó, đối với đại đa số người dân, thì giá trị thành đạt ấy chỉ được coi như một lý tưởng xa vời, và họ đành chấp nhận thái độ tuân thủ các chuẩn mực của nhóm của mình (người nhân viên văn phòng, người công chức...); đặc trưng của lối sống này là rập khuôn, hay “nghi thức chủ nghĩa”. Đồng thời, cũng có những trường hợp có năng lực và điều kiện phấn đấu, và cuối cùng thành công ; nhưng cũng có những trường hợp sử dụng những con đường và những phương tiện bất hợp pháp để giành lấy thành công về kinh tế, như buôn lậu (mafia), hoặc kinh doanh với những thể thức bất chính, lường gạt. Đây là một thí dụ điển hình về hậu quả có thể có của sự mâu thuẫn giữa giá trị xã hội và những phương tiện mà các tầng lớp xã hội khác nhau có thể sử dụng để đạt tới giá trị ấy.

Để đối phó với mâu thuẫn giữa giá trị thành đạt của xã hội với khả năng hiện thực, một kiểu ứng xử nữa mà Merton nêu ra là thoát ly : từ chối mọi giá trị của xã hội và mọi chuẩn mực của nhóm. Đó là trường hợp những kẻ sống lang thang mà trong xã hội Pháp, người ta gọi là clochard,

1 S. Lieberman, “The Effects of Changes in Roles on the Attitudes of Role Occupants”, Human Relations, Vol. 9, No. 4, pp. 385-402, dẫn lại theo H.

Mendras, sách đã dẫn, tr. 105.

2 Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 105.

3 Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 105.

hoặc trường hợp những kẻ ẩn tu ở Ấn Độ – tuy hoàn toàn thoát ly khỏi xã hội, nhưng cả hai loại nhân vật này thường đều được xã hội kính trọng, vì họ là hiện thân cho một số giá trị cao cả của xã hội. Những kẻ sĩ ở Việt Nam thời xưa vì bất mãn với triều đình mà rũ áo từ quan, lui về cuộc sống ẩn dật, thường càng được người dân quý phục, nể trọng.

Theo Merton, đối lập với thái độ thoát ly, là thái độ phản kháng, hoặc nổi loạn : phủ nhận hoàn toàn các giá trị và chuẩn mực của xã hội đương thời bằng cách nổi loạn và đấu tranh để thay đổi xã hội.

Cũng tương tự như những cách đối phó và thích ứng khác nhau mà Merton nêu ra trong trường hợp có những mâu thuẫn giữa các giá trị xã hội và những khả năng hiện thực hóa các giá trị ấy, nhà kinh tế học và chính trị học Mỹ gốc Đức Albert O. Hirschman (1915-2012) đã nói đến ba khả năng điển hình, đó là exit (thoát ly), voice (nổi loạn), và loyalty (trung thành).1

Trong các xã hội Tây Âu, người ta thấy thanh thiếu niên thường lâm vào hoàn cảnh phạm pháp hoặc nghiện ngập ma túy. Theo H. Mendras, thông thường người ta hay đặt ra câu hỏi là tại sao kẻ phạm pháp lại phạm pháp, hay tại sao kẻ nghiện ma túy lại đâm ra nghiện ngập ma túy, và người ta thường đi tìm những nguyên nhân tâm lý và xã hội của những hiện tượng này. Đây cũng chính là cách thức mà luật sư thường nêu ra để biện hộ cho hoàn cảnh của thân chủ nhằm giảm án cho họ. Nhưng đối với nhà xã hội học, thì cần đặt ra câu hỏi ngược lại : tại sao mọi người không đi ăn trộm, ăn cắp ? tại sao mọi người lại không đi vào con đường nghiện ngập ma túy ? Nếu đặt câu hỏi theo kiểu này, ta sẽ có thể nhận thấy là, trong phần lớn các trường hợp, thanh thiếu niên sở dĩ không sa vào con đường phạm pháp hay nghiện ngập ma túy là do được sự chăm sóc, nâng đỡ và bảo vệ của gia đình. Như vậy, chính là do thiếu sự chăm sóc và nâng đỡ của gia đình mà một số thanh thiếu niên đã sa vào những con đường ấy.2

Trong một công trình nghiên cứu mang tính cổ điển về tình trạng lệch lạc, nhà xã hội học Mỹ Howard S. Becker (1928-) đã phân tích con đường làm thế nào mà người ta trở thành một kẻ hút cần sa. Lúc đầu, người ta phải tập cách hút, sau đó tập cách cảm nhận các hiệu ứng, và cuối cùng là tập cách thưởng thức các hiệu ứng của cần sa. Tuy nhiên, sau cả ba giai đoạn ấy (trong đó người tập hút cảm thấy có những lúc chóng mặt, khó

1 Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 105-106.

2 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 106.

chịu, ngứa ngáy, khát nước, mất cảm giác về không gian và thời gian…), theo Becker, người hút cần sa chỉ thực sự quyết định tiếp tục hút nếu được ủng hộ bởi một nhóm bạn luôn thuyết phục rằng chẳng có việc gì phải sợ và cứ hút thì sẽ thấy khoái lạc.1

Liên quan tới điểm vừa nêu trên, P. Berger và T. Luckmann cũng từng nhấn mạnh vai trò của cộng đồng xã hội khi nói tới kinh nghiệm hoán cải tôn giáo ở Damas của thánh Phao-lô : “Chỉ có trong lòng cộng đồng tôn giáo, tức ecclesia [giáo hội], sự hoán cải mới có thể thực sự được bảo tồn như một điều khả tín. Điều này không có nghĩa là phủ nhận rằng sự hoán cải có thể diễn ra trước khi gia nhập cộng đồng – ông Saul gốc ở Tarsus chỉ tìm ra cộng đồng Ki-tô giáo sau ‘kinh nghiệm Damas’ của ông ta. Nhưng [...] [đ]iều quan trọng thực sự là [ông ta] có khả năng tiếp tục nhìn nhận kinh nghiệm ấy một cách nghiêm túc hay không; nghĩa là có duy trì được một sự ý thức về tính khả tín của kinh nghiệm ấy hay không. Đây chính là chỗ mà cộng đồng tôn giáo phải can dự vào. Cộng đồng này mang lại cái cấu trúc khả tín thiết yếu cho thực tại mới. Nói cách khác, ông Saul có thể trở thành Phao-lô trong sự cô đơn của kinh nghiệm xuất thần tôn giáo, nhưng ông ta chỉ có thể tiếp tục là Phao-lô trong bối cảnh cộng đồng Ki-tô giáo vốn đã công nhận ông ta như vậy và đã xác nhận ‘con người mới’ mà bây giờ ông ta định vị căn cước của mình vào đó. [...] Người ta không thể tiếp tục là một tín đồ Islam nếu nằm ngoài cộng đồng umma của đạo Islam, không thể tiếp tục là một Phật tử nếu nằm ngoài sangha,2 và có lẽ không có tín đồ Ấn Độ giáo nào bên ngoài Ấn Độ. Tôn giáo luôn luôn phải có một cộng đồng tôn giáo, và muốn sống trong một thế giới tôn giáo thì người ta buộc phải gia nhập vào cộng đồng này”3

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG NHẬP MÔN XÃ HỘI HỌC (Trang 110 - 116)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(186 trang)