Chương 7. Định chế xã hội
C. Những đặc điểm của định chế
Mỗi định chế xã hội bao gồm một số vai trò nhất định. Và, như đã nói, mỗi vai trò đều có những chuẩn mực ứng xử và quy tắc ứng xử nhất định. Các chuẩn mực ứng xử, các vai trò xã hội, và nói rộng ra là các định chế xã hội, đều tồn tại độc lập, nằm ngoài các ý thức cá nhân và không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của từng cá nhân ; hơn nữa, chúng còn được áp đặt lên trên các cá nhân, nghĩa là các cá nhân buộc phải tuân theo. Khi sinh ra và lớn lên trong xã hội, mỗi cá nhân đều được “xã hội hóa”, nghĩa là đều phải học các quy tắc ứng xử tương ứng với từng vai trò mà mình đảm nhận, trong khuôn khổ những định chế xã hội nhất định.
Mỗi vai trò, khi đã được định chế hóa (institutionalized role), đều
1 Xem R. Boudon, F. Bourricaud, Dictionnaire critique de la sociologie, Paris, PUF, 2e édition revue et augmentée, 1986, tr. 334.
bao gồm một loạt chuẩn mực mà xã hội đã đề ra và cá nhân phải tuân theo, dù muốn hay không muốn. Các vị thẩm phán một khi đã ngồi vào ghế quan tòa thì thường đều hành xử công việc của mình một cách rất giống nhau, dù cá tính giữa người này với người khác có khác nhau đến mấy đi nữa. Các vị sư sãi hay các vị linh mục trong các nghi lễ tôn giáo cũng y như thế : mỗi cá nhân không được phép làm khác hơn những điều đã được quy định (tức đã được định chế hóa) đối với vai trò mà mình đang đảm nhận. Kể cả những vị tổng thống hay những ông vua, dù đầy quyền thế đến mấy, cũng không thoát khỏi quy luật này và cũng bị những giới hạn nhất định trong ứng xử của mình. Vua nước Anh Edward VIII vì nhất định muốn cưới một người phụ nữ đã ly dị chồng (điều mà luật lệ của hoàng cung cũng như của giáo hội Anh giáo không cho phép) nên đã buộc phải thoái vị để nhường lại ngôi vua cho người khác (vào năm 1936).
Trong các định chế, ứng xử của mỗi vai trò (role behavior) đều được lèo lái và quy định bởi những kỳ vọng của xã hội đối với vai trò đó (role expectations). Nhiều nhân viên khi đã được đề bạt lên làm lãnh đạo thường mong muốn duy trì mối quan hệ thân thiện và hữu hảo với những nhân viên đồng nghiệp cũ, nhưng rất ít có ai làm được điều này, vì vai trò mới của họ đương nhiên buộc họ phải có những lối ứng xử thích hợp (với tư cách là người lãnh đạo) đối với nhân viên cấp dưới, trong đó có thể có cả những người bạn cũ của họ.
Trong thực tế, đúng là sự khác biệt về cá tính giữa các cá nhân có thể ảnh hưởng tới lề lối xử sự trong các hoạt động của một định chế nào đó.
Một vị giám đốc này có thể nóng tính, trong khi người giám đốc kia lại trầm tính, ôn tồn hơn. Vị giáo sư này có thể năng động, hoạt bát, trong khi một vị giáo sư khác lại có vẻ chậm chạp, ít nói hơn... Nhưng nhìn chung, cá nhân thường không có nhiều khoảng “tự do” lắm khi đang hành xử trong một vai trò nào đó, vì anh ta chủ yếu phải ứng xử theo những đòi hỏi của chức trách mà anh ta đang đảm nhận. Người ta nhận thấy những xung đột trong một tổ chức cũng có khi bắt nguồn từ những khác biệt về cá tính giữa người này với người khác, nhưng thông thường vẫn là do những va chạm giữa các vai trò trong định chế. Một vị quản đốc phân xưởng dễ bực tức với một cán bộ kiểm tra về chất lượng, vì người quản đốc thì phải lo sao cho bộ máy sản xuất đạt được chỉ tiêu đề ra, còn người cán bộ kiểm tra thì lại chú ý tìm những khuyết tật của sản phẩm để sửa chữa.
Các tổ chức (organization) thường có văn bản nội quy hoặc điều lệ rõ ràng để điều phối hoạt động của mình. Nhưng các định chế xã hội
thường chỉ dựa trên những quy định và luật lệ bất thành văn, những cái mà chúng ta thường gọi là “phong tục”, là “truyền thống”, là “nề nếp”... Phần lớn các chuẩn mực ứng xử của các vai trò trong các định chế xã hội (như cha mẹ, nhà giáo, người lính, người thầy thuốc...) đều thuộc loại này, nghĩa là không thành văn, không có văn bản, nhưng mọi người đều mặc nhiên hiểu là có những ràng buộc tinh thần chặt chẽ truyền từ đời này sang đời khác, mà mỗi người đã học được trong quá trình xã hội hóa. Trong thực tế, nhiều điều quy định trong các văn bản điều lệ của các tổ chức chính là cụ thể hóa, viết ra thành lời lẽ trên giấy trắng mực đen những điều vốn bàng bạc trong các định chế xã hội.
Định chế xã hội luôn luôn bao hàm sự kiểm soát xã hội. Theo P.
Berger và T. Luckmann, định chế “kiểm soát cách xử sự của con người bằng cách thiết lập các khuôn mẫu xử sự định sẵn, các khuôn mẫu này lèo lái cách xử sự đi theo một hướng nào đó nhất định chứ không đi theo những hướng khác.”1 Do các thế hệ đến sau thường gặp khó khăn trong chuyện tuân thủ các khuôn mẫu, nên trật tự định chế thường “phải thiết lập các biện pháp chế tài.”2 “Trẻ em phải được ‘dạy cách cư xử’, và một khi đã được dạy thì chúng phải ‘tuân theo khuôn phép’. Người lớn cũng buộc phải như vậy, lẽ dĩ nhiên.”3
Tuy nhiên, bên cạnh sự kiểm soát xã hội và tính chất cưỡng chế của các khuôn mẫu ứng xử trong các định chế xã hội, R. Boudon và F.
Bourricaud còn nhấn mạnh tới chiều kích tin cậy (confiance) trong các mối quan hệ diễn ra trong lòng các định chế xã hội. Sự tin cậy giữa bệnh nhân với thầy thuốc chắc hẳn phải là một điều kiện không thể thiếu cho sự thành công trong việc điều trị bệnh tật của các định chế bệnh viện. Và điều này cũng hoàn toàn đúng đối với mối quan hệ sư phạm giữa thầy và trò trong định chế nhà trường, hay mối quan hệ giữa luật sư với thân chủ của mình trong định chế tư pháp. Sự tin cậy lẫn nhau giữa vai trò này với vai trò khác trong từng định chế chính là nền tảng để thiết lập nên những mối quan hệ ổn định giữa các thành viên trong một cộng đồng vốn có chung những luật lệ và phong tục mà mọi người đều chia sẻ.4
Một đặc điểm cũng quan trọng nữa là các định chế xã hội có thể hết
1 P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 86.
2 P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 96.
3 P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 96.
4 Xem R. Boudon, F. Bourricaud, Dictionnaire critique de la sociologie, Paris, PUF, 2e édition revue et augmentée, 1986, tr. 333.
sức khác biệt nhau giữa xã hội này với xã hội khác, cũng như giữa thời điểm này với thời điểm khác trong cùng một xã hội. Để minh họa chuyện này, Alan Wells đề cập tới xã hội của người Nayar ở Malabar, miền nam Ấn Độ, mà nhiều người đã nghiên cứu và thảo luận.1 Phong tục trong xã hội đa phu của người Nayar này là phụ nữ thường có một người chồng ; nhưng người phụ nữ chỉ ở với người chồng này chừng ba ngày mà thôi, và sau đó thường không còn liên lạc gì với người này nữa. Bà thường có một số người tình mà mọi người đều thừa nhận, trong đó có những người tình thường xuyên và có những người thì thỉnh thoảng mới là người tình của bà. Vì thế, người ta thường không biết rõ ai là người cha ruột của đứa con của bà. Tuy vậy, trong số những người tình của bà, ai muốn được công nhận là cha của đứa con thì phải trả chi phí cho việc sinh đẻ. Nhưng điều này vẫn không hề làm cho người chồng hay bất cứ người tình nào có được bất cứ quyền gì đối với người mẹ và đứa con. Người mẹ và đứa con vẫn luôn luôn là thành viên thuộc về dòng họ của bà mẹ. Như vậy ở đây, người ta thấy hoàn toàn không có loại hình gia đình “hạt nhân” vốn phổ biến ở các xã hội Tây phương ; và mặt khác, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng hết sức khác biệt.2 Wells đặt ra câu hỏi là liệu có thể áp dụng thuật ngữ “hôn nhân” để nói chung cho cả tình huống của người Nayar trên đây lẫn tình huống hôn nhân của người Âu Mỹ hay không. Nói như E. R. Leach, làm điều này hoàn toàn không ổn chút nào.3 Hiển nhiên đây là vấn đề mà nhà nghiên cứu khoa học xã hội cần hết sức thận trọng trong việc định nghĩa những khái niệm mà mình sử dụng, nhất là những khái niệm vốn đã thông dụng trong môi trường văn hóa-xã hội mà mình đang sinh sống.
Mỗi định chế đều có tính độc lập tương đối, nhưng trên phạm vi toàn xã hội, các định chế đều không thể không có ảnh hưởng tương tác lẫn nhau. Những thay đổi trong định chế này có thể dẫn đến những thay đổi trong các định chế khác. Thí dụ mà chúng ta dễ thấy nhất là định chế gia đình. Trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, với những sự thay đổi lớn lao về sự phân công lao động trong định chế kinh tế, gia đình dần dần chuyển hóa, không còn giống như hình ảnh gia đình cổ truyền nữa. Hình thức “đại gia đình” (ba bốn thế hệ) từng bước nhường chỗ cho “gia đình hạt nhân” (hai thế hệ). Quá trình chuyển từ lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp làm mờ nhạt dần vai trò
1 Kathleen Gough, “The Nayars and the Definition of Marriage”, Journal of the Royal Anthropological Institute, Vol. 89, Pt. 1, 1959, pp. 23ff., dẫn lại theo A.
Wells, sách đã dẫn, tr. 12.
2 Xem A. Wells, sách đã dẫn, tr. 12.
3 E. R. Leach, Rethinking Anthropology, 1961, dẫn lại theo A. Wells, sách đã dẫn, tr. 13.
quyền lực chủ gia đình của người chồng, người cha : trong đô thị, người vợ có thể phải đi làm ở một nhà máy khác, có đồng lương riêng, những đứa con lớn lên cũng sẽ được học hành nhiều hơn, và có nhiều khả năng kiếm được việc làm và sớm độc lập về kinh tế. Từ đó, khi lập gia đình, thế hệ trẻ sẽ không còn quan tâm lắm tới phong tục “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” nữa... Gia đình lúc này không còn là một đơn vị sản xuất nông nghiệp trong đó người giám đốc đơn vị kinh tế này cũng đồng thời là người gia trưởng của gia đình, như trong xã hội nông thôn cổ truyền nữa. Hiển nhiên là sự chuyển biến trong định chế kinh tế đã gây ra những hệ quả thay đổi rõ rệt trong định chế gia đình.
Theo P. Berger và T. Luckmann, định chế xã hội có thể được hình dung qua ba giai đoạn hay đúng hơn là ba mô-men1 như sau. (a) Trước hết, lúc ban đầu, nó là “sản phẩm ngoại thể hóa [externalization] của hoạt động con người”.
(b) Nhưng rồi sau đó, nó trở nên khách quan do quá trình khách thể hóa (objectivation) – “[đ]iều nghịch lý là con người có khả năng tạo ra một thế giới mà rồi sau đó anh ta trải nghiệm nó như một cái gì đó không phải là một sản phẩm của con người.” Và (c) mô-men thứ ba là sự nội tâm hóa (internalization):
thế giới định chế vốn đã được khách thể hóa “sẽ được phóng chiếu ngược trở lại vào trong ý thức [con người cá nhân] trong suốt tiến trình xã hội hóa”.2
Nếu định chế là sản phẩm của xã hội, thì ngược lại, cũng có thể nói rằng hình thái phát triển của một xã hội hay của một nền kinh tế phụ thuộc phần lớn vào tính chất cũng như sự vận hành của các định chế.3 Theo D.
North, quá trình biến đổi xã hội theo thời gian chính là quá trình “biến đổi về mặt định chế” (institutional change), và đây là “chìa khóa để hiểu được biến chuyển lịch sử”.4
1 Thuật ngữ moment là một thuật ngữ khó dịch ra tiếng Việt. Khi dịch thuật ngữ das Moment của Hegel trong cuốn Hiện tượng học tinh thần, nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn đã sử dụng từ phiên âm ra tiếng Việt là “mô-men”, với lời giải thích như sau : mô-men “vừa là yếu tố bản chất hay phương diện (Seite) của một toàn bộ xét như một hệ thống tĩnh tại, vừa là một giai đoạn bản chất trong một toàn bộ xét như một tiến trình vận động biện chứng” (xem Georg W.F.
Hegel, Hiện tượng học tinh thần (1807), Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, Hà Nội, Nxb Văn học, 2006, tr. 4-5, xem chú thích số 8 của Bùi Văn Nam Sơn).
2 P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 94.
3 Xem thêm Trần Hữu Quang, “Phát triển các định chế xã hội : Một trong những tiền đề xã hội của quá trình phát triển ở thành phố Hồ Chí Minh”, Tạp chí Khoa học xã hội (TP.HCM), số 11 (87), 2005, tr. 20-26.
4 Xem D. North, sách đã dẫn, tr. 3.
Chương 8