Chương 5. Vị trí, vai trò và vị thế xã hội
D. Vị thế/địa vị xã hội
Trong xã hội học Mỹ, thuật ngữ “social status” (vị thế xã hội) thường được hiểu theo hai nghĩa : (1) một vị trí (position) cụ thể nào đó trong cấu trúc xã hội, chẳng hạn như vị trí người cha, vị trí một luật sư (mỗi vị trí này tương ứng với một vai trò, như đã nói trên) ; (2) một vị thế xã hội bao quát hơn (global status), theo nghĩa là toàn bộ những đánh giá của xã hội (social evaluations) đối với một cá nhân hay một nhóm – đánh giá về mặt uy tín, thế lực, trọng vọng, danh giá (có lẽ tương đương với khái niệm
“công danh sự nghiệp”). Hiểu theo nghĩa thứ hai này, thuật ngữ social status có lẽ cần được dịch là vị thế xã hội, hay địa vị xã hội. Như vậy, vị thế/địa vị xã hội là thuật ngữ được dùng để chỉ chỗ đứng của một người trong một hệ thống phân tầng xã hội (social stratification), trong đó nó được xếp thứ hạng căn cứ trên các tiêu chuẩn kinh tế, chính trị, nghề nghiệp và văn hóa.1
Theo nhà luật học và sử học người Anh Henry Maine (1822-1888), chúng ta có thể hình dung lịch sử của các xã hội Tây phương như một sự
1 Xem J. Scott, G. Marshall, sách đã dẫn, tr. 730.
chuyển dịch từ vị thế (status) sang khế ước (contract) : nghĩa là, từ một cách tổ chức xã hội theo kiểu phong kiến trong đó các tầng lớp xã hội nằm trong một trật tự thứ bậc nhất định, sang một kiểu xã hội của các mối quan hệ thị trường giữa các cá nhân, vốn ràng buộc với nhau thông qua các khế ước.1
Khác với nhiều tác giả khác, Max Weber trong cuốn Kinh tế và xã hội (1921) cho rằng việc sở hữu tài sản hay việc nắm giữ những vị trí quản lý nào đó hoàn toàn chưa đủ để ta có thể gán cho một người nào đó một vị thế xã hội nhất định (mặc dù những điều này có thể dẫn tới một vị thế xã hội), bởi lẽ xác định như vậy thì chưa tính đến yếu tố học vấn và đào tạo của người này, cũng như yếu tố uy tín của nghề nghiệp hoặc của gia đình xuất thân của người ấy. Theo Weber, có ba yếu tố quan trọng nhất để xác định những nguồn gốc của một vị thế xã hội, đó là : (a) một lối sống (style of life) đặc thù, trong đó đặc biệt là lối sống của một loại nghề nghiệp nào đó ; (b) một vị trí có uy thế (hay uy tín, thanh thế, prestige) xuất phát từ gia đình xuất thân ; và (c) việc nắm giữ một quyền hành chính trị hoặc tôn giáo xét như là sự độc quyền của những nhóm xã hội riêng biệt.2 Như vậy, ta có thể thấy đối với Weber, khái niệm vị thế xã hội có liên hệ mật thiết với khái niệm uy thế xã hội (hay thanh thế xã hội) của một tầng lớp xã hội nhất định, chứ không chỉ căn cứ trên các tiêu chuẩn kinh tế mà thôi.
Gerhard Lenski cho rằng người ta có thể giải thích thái độ chính trị bằng sự tương hợp giữa các vị thế xã hội (status congruence).3 Và ông đi đến kết luận như sau : trong xã hội Mỹ, sự tương hợp giữa các vị thế xã hội của một cá nhân nào đó thường khiến cho người này thiên về lập trường cánh hữu. Nói cách khác, nếu một người có vị trí nghề nghiệp tương đối cao, cư trú ở một khu sang trọng, thuộc một giáo phái Tin lành nào đó, và có gốc gác Mỹ lâu đời (đây là bốn nhân tố quan trọng nhất thường được các nhà xã hội học Mỹ sử dụng để xếp loại một người nào đó trên thang bậc phân tầng xã hội), thì người này có nhiều khả năng sẽ bầu cho đảng cánh
1 Xem Henry Maine, “Từ vị thế tới khế ước” (“From Status to Contract”, trích từ cuốn của H. Maine, Ancient Law, Dent, 1917, tr. 99-100, in lại trong V. Aubert [Ed.], Sociology of Law. Selected Readings, Harmondsworth, Penguin Books, 1969, tr. 30-31), Trần Hữu Quang dịch (xem https://www.academia.edu/
31730286/Từ_vị_thế_tới_khế_ước).
2 Xem M. Weber, The Theory of Social and Economic Organization (1947), translated by A. M. Henderson and T. Parsons (from Wirtschaft und Gesellschaft [1921] of M. Weber), New York, The Free Press, 1964, tr. 428- 429.
3 Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 91-92.
hữu. Đồng thời, nếu một người nằm ở đáy bậc thang phân tầng xã hội (về các mặt nghề nghiệp, tôn giáo, chủng tộc, và môi trường sống), thì người này cũng sẽ bầu cho đảng cánh hữu. Nhưng trong trường hợp có sự bất tương hợp giữa các nhân tố trên (chẳng hạn một người có vị trí nghề nghiệp rất cao, cư trú ở một khu nhà giàu, nhưng lại theo đạo Công giáo, và có gốc gác người Ý) thì người này có nhiều khả năng sẽ bầu cho đảng cánh tả.
Lẽ tất nhiên, kết luận trên đây của Lenski chỉ có hiệu lực đối với xã hội Mỹ, chứ khó mà áp dụng được vào những xã hội khác. Tuy nhiên, người ta có thể sử dụng thuật ngữ “bất tương hợp giữa các vị thế xã hội”
(status inconsistency) để chỉ những tình trạng trục trặc hoặc không ổn về mặt vị thế xã hội (mâu thuẫn giữa các vị thế xã hội). Chẳng hạn, những người tuy có bằng cấp cao (tức có khả năng đạt địa vị cao trong xã hội), nhưng vì chỉ kiếm được việc làm với lương thấp và uy thế thấp, nên nằm ở địa vị xã hội tương đối thấp. Hay một người thuộc dòng dõi quý tộc nay sa sút, nên phải mở quán nước bình dân để kiếm sống. Một sinh viên mới tốt nghiệp không tìm được việc làm, phải phụ việc nhà hoặc đi làm lao động chân tay. Người đàn ông đứng tuổi nào nếu “tán tỉnh” các cô gái trẻ thì sẽ dễ bị đàm tiếu, chê cười... (Thông thường, tuổi tác, giới tính, và nghề nghiệp là ba loại vị thế dễ xảy ra mâu thuẫn nhất trong một xã hội.) Một nữ bác sĩ khi phải khám bệnh cho một nam bệnh nhân, có thể gặp lúng túng, khó xử, nếu mối quan hệ giữa hai vị trí bác sĩ-bệnh nhân lại bị xen vào bởi mối quan hệ giữa hai vị trí giới tính. Vị bác sĩ này khi đó sẽ tìm cách thoát ra khỏi tình huống này, hoặc bằng cách từ chối không khám bệnh cho người này, hoặc thay đổi thái độ và trở nên hết sức khô khan, cáu kỉnh...
Công trình nghiên cứu của F. Miyamoto và S. Dornbusch (1956) đã chứng minh cho thấy là việc tự đánh giá của mỗi người về vị thế xã hội (hay địa vị xã hội) của mình thực ra cũng phản ánh cách đánh giá của người khác về mình. Họ đề nghị những người được điều tra lượng giá về chính mình và về những người xung quanh trong nhóm của mình (bằng cách cho điểm) xét về mức thông minh, tính dễ mến, sức thu hút, và về mức độ tin cậy. Kết quả cho thấy cách lượng giá của mỗi người về chính mình có hệ số tương quan rất chặt chẽ với cách đánh giá của người khác về mình.1
1 S. Frank Miyamoto and Sanford M. Dornbush, “A Test of Interactionist Hypotheses of Self-Conception”, American Journal of Sociology, Vol. 61, No.
5 March, 1956, pp. 399-403.