Chương 8. Chức năng, cấu trúc và con người tác nhân
G. Nhân tố con người và hành động của tác nhân
Cho đến hậu bán thế kỷ XX, phần lớn các lý thuyết xã hội học đều dựa trên các phương pháp phân tích nêu trên đây (phân tích hệ thống, phân tích cấu trúc, phân tích chức năng, xây dựng mô hình). Nét đặc điểm chung của các lối tiếp cận ấy là luôn tìm hiểu về những cách sắp xếp (agencement) giữa các yếu tố trong xã hội. Người ta thường gọi đấy là lối tiếp cận theo xu hướng tổng thể luận (holism) – vì nó luôn luôn coi xã hội như một tổng thể, hay như một hệ thống trong đó các yếu tố tương tác với nhau ; nhà xã hội học vì thế phải nghiên cứu những mối quan hệ giữa các yếu tố hay các định chế ấy, chứ không dựa trên lối ứng xử của các cá nhân. Xu hướng “tổng thể luận” này có một điểm bất tiện quan trọng là không giúp ta hiểu được những cơ chế của sự chuyển biến xã hội, và thường cho rằng việc phân tích các ứng xử cá nhân chỉ thuộc lãnh vực tâm lý học xã hội.2
Đối lập với các lý thuyết tiếp cận trên đây, người ta thấy trong nền xã hội học Mỹ có những trường phái chủ trương tiếp cận đối với xã hội chủ yếu từ góc độ cá nhân và quan hệ tương tác giữa các cá nhân. Đó là trường phái “phương pháp luận thường nhân” (ethnomethodology) và trường phái
“tương tác biểu tượng” (symbolic interactionism). Theo hai trường phái này, xã hội được phân tích thông qua sự tương tác giữa các cá nhân, vốn diễn ra không ngừng, và người ta cần chú ý tới ý nghĩa của các biểu tượng vốn được sản sinh ra trong các quá trình tương tác. Vì ý nghĩa được hình thành trong sự trao đổi và tương giao giữa các cá nhân với nhau, nên ta cần quan sát các cá nhân ngay trong các tình huống của họ bằng cách tham gia vào cuộc sống của họ. Quan sát tham dự là một kỹ thuật nghiên cứu đã
1 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 129.
2 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 131.
được sử dụng từ khá lâu, chẳng hạn được Whyte áp dụng để nghiên cứu về những băng nhóm thanh thiếu niên người Ý ở Boston (Mỹ), hay R.
Sainsaulieu trong công trình xã hội học về lao động (nhà nghiên cứu vào làm việc trong phân xưởng y như một công nhân bình thường), hay những công trình nghiên cứu về tình trạng lệch lạc và tình trạng ngoài lề trong xã hội.1
Thực ra, lối tiếp cận nhấn mạnh tới con người cá nhân đã từng được đề xướng bởi Max Weber, Georg Simmel, hay Alexis de Tocqueville.2 Trong một lá thư gởi cho nhà kinh tế học Robert Liefmann vào năm 1920, Max Weber khẳng định rằng xã hội chỉ có thể được lý giải từ góc độ hành động của các cá nhân và các nhóm ; ông viết như sau : “Xã hội học cũng vậy, nó chỉ có thể được tiến hành từ những hành động của một hoặc một vài hoặc nhiều cá nhân riêng lẻ. Chính vì thế, nó buộc phải áp dụng những phương pháp cá nhân luận một cách nghiêm túc.”3
Đó chính là nền tảng của “phương pháp luận cá nhân chủ nghĩa”
(tiếng Anh : methodological individualism, tiếng Pháp : individualisme méthodologique) mà nhà xã hội học Pháp Raymond Boudon đề cao. Khái niệm “cá nhân chủ nghĩa” ở đây hoàn toàn không phải là khái niệm thường được hiểu trong lãnh vực đạo đức. Đây cũng không phải là một phương pháp hoàn toàn dựa trên các cá nhân, mà là phương pháp phân tích chú trọng đến vai trò của các tác nhân xã hội, dù đó là những cá nhân, những nhóm hay những tập thể cá nhân vốn hành động giống nhau trong những hoàn cảnh nào đó, và/hoặc cùng có chung những giá trị, chuẩn mực hoặc động cơ nào đó. Mặt khác, đây cũng không phải là một thứ xu hướng “duy tâm lý” (psychologism) – vốn là xu hướng muốn giải thích các hiện tượng xã hội bằng tính tình hay bằng những đặc trưng tâm lý của các cá nhân –, vì điều này vi phạm nguyên tắc mà Durkheim đã nêu, đó là cần giải thích một sự kiện xã hội này bằng một sự kiện xã hội khác.4
Trong nền xã hội học Pháp sau Thế chiến thứ hai, hầu hết giới nghiên cứu đều bị cuốn theo xu hướng tổng thể luận. Nhưng kể từ thập niên 1960, một số nhà xã hội học bắt đầu đề cập đến khái niệm hành động cá nhân và hành động tập thể, và bổ sung khái niệm này vào trong khuôn khổ
1 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 131.
2 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 131.
3 Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 131.
4 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 131.
phân tích xã hội học của mình. Có thể nói xu hướng này được đánh dấu từ cuốn sách Xã hội học về hành động (Sociologie de l'action) của Alain Touraine vào năm 1965.1
Ở Pháp, chính các nhà xã hội học nông thôn và các nhà kinh tế học nông thôn là những người đầu tiên nhấn mạnh trở lại lối tiếp cận cá nhân luận nói trên. Chúng ta biết là mỗi người chủ hộ nông dân cá thể đều là chủ của một doanh nghiệp riêng, vì thế ông ta hầu như hoàn toàn tự do trong các quyết định của mình. Do đó, cái gọi là quá trình hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp không bao giờ diễn ra một cách bằng phẳng, đồng loạt. Có những nông dân áp dụng máy móc và kỹ thuật mới rất nhanh, nhưng cũng có những nông dân chần chừ lâu hơn ; vả lại, mỗi nông dân có thể có một chiến lược hiện đại hóa riêng : thâm canh hay quảng canh, đổi giống lúa mới hoặc áp dụng biện pháp bón phân mới, trồng lúa hay chuyển sang cây công nghiệp hay chăn nuôi... Khả năng lựa chọn hành động của nông dân trong thực tế là vô cùng đa dạng. Nhưng nhìn chung, chính sự tích hợp của vô vàn những hành động riêng lẻ ấy đã cấu tạo nên toàn bộ quá trình hiện đại hóa nông nghiệp ở Pháp. Tuy vậy, quá trình này nhanh hay chậm, mang đặc điểm này hay đặc điểm khác, cũng hết sức dị biệt giữa địa phương này với địa phương kia.2
Trong các công trình nghiên cứu về một số làng xã do Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS) của Pháp vào đầu thập niên 1960,3 các dự đoán đều bị bác bỏ 10 năm sau đó, bởi lẽ các nhà nghiên cứu đã chưa lượng giá đủ những khả năng hành động tập thể của từng làng xã.
Chẳng hạn, có những làng chấp nhận ký hợp đồng nuôi gà công nghiệp, có những làng khác lại không chịu. Mặt khác, trong những năm đó, hầu như làng nào cũng phát triển rất nhiều dạng hoạt động kinh tế phi nông nghiệp, và nhờ đó mà đa số nông dân đều chịu ở lại nông thôn – vì thế, quá trình di dân hàng loạt bỏ nông thôn đổ về đô thị đã không xảy ra như các nhà nghiên cứu đã dự đoán. Như vậy, người ta có thể phân tích mỗi làng với tư cách là một tác nhân tập thể (acteur collectif) có thể có chiến lược riêng và những chọn lựa riêng của mình ; và sự tích hợp (agrégation) của 32.000 ngôi làng trên cả nước Pháp đã tạo nên toàn cảnh bức tranh hiện đại hóa nông thôn hết sức mạnh mẽ và sinh động vào thập niên 1970.
1 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 132.
2 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 132.
3 Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 132-133.
Trong bộ môn xã hội học về tổ chức, người ta chỉ có thể hiểu rõ hơn sự vận hành của cả một bộ máy nếu khảo sát được các chiến lược của các cá nhân trong lòng tổ chức, những mối quan hệ quyền lực giữa cấp trên với cấp dưới, hay giữa các phòng ban.
Trong việc nghiên cứu về sự di động xã hội, người ta ngày càng chú ý hơn tới các chiến lược của các cá nhân, nhất là khi phân tích về hệ thống nhà trường đại học. Việc phân tích các bảng thống kê về sự di động xã hội phân theo các tầng lớp xã hội cần được bổ sung bằng việc nghiên cứu các chiến lược học hành, cũng như các chiến lược nghề nghiệp và xã hội của các cá nhân. Nhà xã hội học cần tự đặt mình vào vị trí của tác nhân, để hiểu được những thế mạnh và thế yếu của anh ta, những điều ràng buộc, những khó khăn, cũng như những mục tiêu và động cơ của anh ta...
Ta có thể nhận thấy sự phong phú của lối tiếp cận cá nhân luận, và sự thích đáng của lối tiếp cận này trong việc phân tích những xã hội hiện đại vốn ngày càng phức tạp và đa dang hóa – điều mà một lối tiếp cận tổng thể luận khó lòng đáp ứng.
Tuy nhiên, xét về mặt lý thuyết, ngày nay giới khoa học xã hội không còn tranh luận giữa lối tiếp cận tổng thể luận với lối tiếp cận cá nhân luận nữa, mà đã chuyển sang thảo luận nhiều hơn về mối quan hệ giữa hai khái niệm : khái niệm “cấu trúc” (structure), và khái niệm “hành động của tác nhân” (agency).1 Thuật ngữ agency (tạm dịch là “hành động của tác nhân”) thường được đặt bên cạnh thuật ngữ structure (cấu trúc) để hàm ý nhấn mạnh tới tính chất bất định của các hành động của con người, tương phản với tính chất tất định (hay quyết định luận) của các lý thuyết cấu trúc luận. Khái niệm agency khiến chúng ta chú ý hơn tới bản chất tâm lý và tâm lý xã hội của các tác nhân, và mang hàm ý về khả năng hành động tự giác và chủ động của các tác nhân trong xã hội.2
Phần lớn các lý thuyết xã hội học ngày nay thường khác biệt nhau là do chú trọng tương đối nhiều hơn vào một trong hai khái niệm vừa nêu :
“cấu trúc” hoặc “hành động của tác nhân”.3 Quan điểm khách thể luận (objectivism) nhấn mạnh tới khái niệm cấu trúc, cho rằng thực tại xã hội
1 Xem J. Scott, G. Marshall, sách đã dẫn, tr. 343.
2 Xem J. Scott, G. Marshall, sách đã dẫn, tr. 11.
3 Xem J. Scott, G. Marshall, sách đã dẫn, tr. 11. Có thể xem thêm Bùi Thế Cường,
“Các lý thuyết về hành động xã hội”, Tạp chí Khoa học xã hội (TP.HCM), số 6 (94), 2006, tr. 57-71.
bao gồm những mối quan hệ và những lực áp đặt lên trên các cá nhân, không phụ thuộc vào ý thức và ý chí của họ. Ngược lại, quan điểm chủ thể luận (subjectivism) nhấn mạnh tới khái niệm “hành động của tác nhân”, cho rằng thực tại xã hội chỉ là tổng thể của vô số hành vi lý giải mà thông qua đó người ta cùng nhau kiến tạo nên các ý nghĩa của các hành động tương giao trong xã hội.1
Một số nhà xã hội học đã tìm cách vượt qua tình trạng nhị nguyên luận này, điển hình như nhà xã hội học người Pháp Pierre Bourdieu (1930- 2002). Theo Bourdieu, những khía cạnh khách quan và chủ quan của đời sống xã hội là không thể tách rời nhau, vì thế ông cho rằng không thể đối lập giữa cái vĩ mô với cái vi mô, giữa “cấu trúc” với “hành động của tác nhân”.2 Theo Lọc Wacquant, nhằm vượt qua sự đối lập giữa quan điểm khách thể luận với quan điểm chủ thể luận, Bourdieu đã xây dựng một lý thuyết dựa trên những khái niệm chính sau đây : tập tính (habitus), vốn (capital), và trường lực (field).3
Tập tính là một hệ thống những thiên hướng (disposition) mà nhờ đó chúng ta tri nhận, phán đoán và hành động trong thế giới xã hội. Tập tính là cái mà mỗi cá nhân chúng ta đã sở đắc được trong suốt quá trình xã hội hóa, phụ thuộc vào các điều kiện xã hội và dòng đời của mỗi người, thông qua việc nội tâm hóa những sự câu thúc và những khả thể của đời sống xã hội bên ngoài. Như vậy, tập tính vừa có những nét chung (chẳng hạn tập tính của một chủng tộc, một giai cấp, một giới tính...), vừa có những nét riêng biệt của từng cá nhân (vì tiểu sử dòng đời của mỗi người mỗi khác). Tập tính được hình thành do vị trí mà từng cá nhân chiếm giữ trong xã hội, tức là phụ thuộc vào số vốn mà mỗi người có được (bao gồm vốn kinh tế, vốn văn hóa và vốn xã hội).
Còn trường lực, theo Bourdieu, là những lãnh vực xã hội khác nhau như nghệ thuật, khoa học, tôn giáo, luật pháp, chính trị, v.v. – mỗi lãnh vực là một không gian được cấu tạo bởi những vị trí (vị trí của mỗi cá nhân được xác định bởi số vốn mà mình có) và những quy tắc nhất định mà mỗi cá nhân phải tuân thủ nếu muốn tồn tại trong đó ; do đó, mỗi trường lực cũng là một đấu trường trong đó các vị trí và các định chế luôn luôn đấu
1 Xem Lọc Wacquant, “Chapter 16. Pierre Bourdieu”, trong Rob Stones (Ed.), Key Sociological Thinkers, New York, Palgrave Macmillan, 2nd edition, 2007, tr. 266-267.
2 Xem J. Scott, G. Marshall, sách đã dẫn, tr. 11.
3 Xem L. Wacquant, bài đã dẫn, tr. 267.
tranh và giành giật lẫn nhau để khẳng định chỗ đứng của mình. Hành động xã hội của con người không phải chỉ do tập tính, mà cũng chẳng phải chỉ do trường lực quyết định, nhưng chính là hệ quả của mối quan hệ giữa tập tính và trường lực, giữa các thiên hướng (của cá nhân) và vị trí (của cá nhân trong trường lực); hành động xã hội của con người là hệ quả của sự tương hợp (hoặc sự bất tương hợp) giữa các cấu trúc tinh thần (của cá nhân) với các cấu trúc xã hội.1
Do vậy, Bourdieu cho rằng tập tính (habitus) vừa là cái đã được cấu trúc hóa (structured) (bởi các lực và các khuôn mẫu xã hội sẵn có), vừa là cái đang cấu trúc hóa (structuring) (vì nó định hình và sản sinh ra những hoạt động đa dạng của cá nhân trong những lãnh vực khác nhau của đời sống xã hội).2 Chính vì thế, theo Bourdieu, tập tính “[vừa là] sản phẩm của cấu trúc, [vừa là] cái sản xuất ra hành động thực tiễn, và [vừa là] cái tái sản xuất ra cấu trúc.”3
Nhà xã hội học người Anh Anthony Giddens (1938-) cũng là người muốn vượt qua sự đối lập nhị nguyên giữa quan điểm khách thể luận với quan điểm chủ thể luận thông qua lý thuyết structuration (tạm dịch là “sự hình thành cấu trúc”) của ông.4 Giddens phê phán và bác bỏ cả thuyết chức năng luận lẫn thuyết tiến hóa luận mà ông cho là đều quá “đóng kín”, vì theo ông, các hiện tượng xã hội và các sự kiện xã hội luôn luôn mang tính ngẫu nhiên, “mở” (open-ended), tức khó lòng đoán định trước được. Ông tìm cách vượt qua sự phân chia cổ truyền của ngành xã hội học giữa hành động và cấu trúc bằng cách tập trung vào khái niệm “hành động thực tiễn xã hội” (social practices) của các tác nhân ; theo ông, các thực tiễn xã hội vừa sản xuất ra, vừa được sản xuất bởi, các cấu trúc. Theo Giddens, các cấu trúc không phải nằm bên ngoài hành động của các tác nhân xã hội, nhưng chúng
1 Xem L. Wacquant, bài đã dẫn, tr. 267-269.
2 Xem L. Wacquant, bài đã dẫn, tr. 268.
3 Dẫn lại theo L. Wacquant, bài đã dẫn, tr. 268. Nguyên văn câu của Wacquant ở đây như sau : “This is why Bourdieu defines it [i.e. habitus] variously as ‘the product of structure, producer of practice, and reproducer of structure’, the
‘unchosen principle of all choices’, or ‘the practice-unifying and practice- generating principle’ that permits ‘regulated improvisation’ and the
‘conductorless orchestration’ of conduct” (L. Wacquant, bài đã dẫn, tr. 268). Về tư tưởng của P. Bourdieu liên quan tới tập tính (habitus), có thể xem thêm Nguyễn Xuân Nghĩa, Lý thuyết xã hội đương đại. Một số nhà tư tưởng quan trọng từ nửa cuối thế kỷ XX đến nay, TP.HCM, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2017, tr. 74-83, và 291-294.
4 Xem J. Scott, G. Marshall, sách đã dẫn, tr. 11.
chính là những quy tắc và những nguồn tài nguyên luôn luôn được sản xuất và được tái sản xuất bởi các tác nhân trong hành động thực tiễn của họ.1 Ông cho rằng “[c]ấu trúc vừa là phương tiện, vừa là kết quả của các hoạt động của con người mà nó [tức cấu trúc] không ngừng tổ chức”, và các thành viên của xã hội luôn luôn có khả năng “hiện thể hóa [instantiating]
những đặc trưng của cấu trúc”;2 chính vì thế, cấu trúc chính là cái đã được hóa thân vào trong hành động của con người thành viên xã hội.3
1 Xem J. Scott, G. Marshall, sách đã dẫn, tr. 740.
2 Anthony Giddens, Social Theory and Modern Sociology, Stanford (California), Stanford University Press, 1996, tr. 61.
3 Về tư tưởng của A. Giddens liên quan tới lý thuyết structuration, có thể xem thêm Nguyễn Xuân Nghĩa, sách đã dẫn, tr. 241-249, và 297-302.
Chương 9