Chuẩn mực và quy tắc

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG NHẬP MÔN XÃ HỘI HỌC (Trang 105 - 110)

Chương 6. Sự điều tiết xã hội : giá trị, chuẩn mực và nghi thức

B. Chuẩn mực và quy tắc

1 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 97.

2 M. Weber, Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản (1904- 1905), Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Nghị, Nguyễn Tùng và Trần Hữu Quang dịch, Hà Nội, Nxb Tri thức, 2008, tr. 91 (chỗ nhấn mạnh là do M. Weber).

Khi điều tiết cuộc sống của các cá nhân và các nhóm trong một xã hội, các giá trị được biểu hiện (tức là được cụ thể hóa) thông qua những chuẩn mực, quy tắc và tập tục xã hội. Nói cách khác, những chuẩn mực là những quy tắc sống và ứng xử, cụ thể hóa các giá trị mà xã hội đang đề cao.

Theo H. Mendras, “các giá trị [values] là những cái định hướng cho hành động xã hội ; còn các chuẩn mực [norms] thì áp đặt các quy tắc [rules] ứng xử.”1

Một chuẩn mực là “một kỳ vọng ứng xử mà mọi người [trong một xã hội nhất định] đều đồng ý – đây được coi là điều đáng mong muốn, nên làm, và là điều phù hợp xét về mặt văn hóa.”2 Khái niệm kỳ vọng luôn luôn đi đôi với khái niệm vai trò, vốn thường được định nghĩa là một tập hợp những chuẩn mực gắn liền với một vị trí xã hội nào đó.3 Erving Goffman định nghĩa chuẩn mực là “một cách thức hướng dẫn cho người ta hành động một cách đều đặn [tức là một cách giống nhau] bằng những biện pháp chế tài xã hội ; những biện pháp chế tài tiêu cực trừng phạt những ai vi phạm, còn những biện pháp chế tài tích cực thì tưởng thưởng cho những ai tuân thủ một cách mẫu mực.”4

Cũng giống như đối với các thái độ, ở đây, đối với các chuẩn mực, chúng ta thường không thể quan sát trực tiếp, mà là suy luận ra thông qua những ý kiến và hành vi cụ thể.

Một thí dụ : mọi người trong một tổ học tập đều cho rằng hút thuốc lá là điều có hại cho sức khỏe, và trong thực tế, không bao giờ có người nào hút thuốc trong mỗi lần họp tổ. Vậy đó có phải là một chuẩn mực của tổ hay không ? Không nhất thiết, bởi lẽ nếu ngày nào đó tự nhiên có một tổ viên hút một điếu thuốc thì chắc là cũng không có ai cấm đoán. Điều này khác với tình hình trong một lớp học : hút thuốc trong giờ học là điều cấm kỵ (lúc này, rõ ràng không hút thuốc là một chuẩn mực) ; dù là nhà trường có thể không nêu ra hình phạt trong nội quy, nhưng nếu có ai đó bỗng phì phèo một điếu thuốc giữa giờ học thì tức khắc những người xung quanh sẽ quay lại tìm xem ai đang phà khói thuốc bằng con mắt trách móc, và thường

1 H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 98.

2 J. Scott, G. Marshall (Eds.), A Dictionary of Sociology, 3rd edition revised, New York, Oxford University Press, 2009, tr. 518.

3 Xem J. Scott, G. Marshall, sách đã dẫn, tr. 518.

4 E. Goffman, La mise en scène de la vie quotidienne, tome 2, Les relations en public, traduit de l’anglais par Alain Kihm, Paris, Ed. Minuit, 1973, tr. 101.

thường như thế cũng đủ để “kẻ thủ phạm” này phải nhanh chóng dụi tắt điếu thuốc đi.1

Như vậy là ta thấy có sự khác biệt giữa một ý kiến chung và một chuẩn mực : chuẩn mực được hình thành khi các thành viên trong nhóm bắt đầu phản ứng và có hình thức trừng phạt nào đó mỗi khi có ai vi phạm. Một chuẩn mực cũng có thể phai nhạt dần với thời gian, và lúc này không còn ai nghĩ đến chuyện trừng phạt nữa.

Theo một cuộc điều tra trước đây,2 thì trong xã hội Pháp, đại đa số (80%) người dân đều quan niệm rằng sự trinh tiết là điều hết sức quan trọng đối với người thiếu nữ ; thế nhưng sau đó, khi người ta hỏi tiếp là, theo như họ biết, thì các cô thiếu nữ có những quan hệ tình dục với một người nam giới hay với người chồng tương lai trước khi cưới hay không, khoảng 40- 50% nói là có. Điều hiển nhiên là trong xã hội, có thể có những quy tắc đạo đức và những chuẩn mực ứng xử không được mọi người tuân thủ trong xã hội ; và có những chuẩn mực dần dà bị phai nhạt theo đà chuyển biến xã hội. Ngày nay, trong xã hội Tây Âu, quan niệm về sự trinh tiết không còn như trước, và chuẩn mực này chỉ còn tồn tại nơi một số nhóm nhỏ. Tuy vậy, điều này không hề có nghĩa là bây giờ mọi người đều chuyển sang quan niệm tự do tình dục : theo điều tra, phần lớn thiếu nữ chỉ có quan hệ tình dục với một người “bạn” của mình mà thôi (họ gọi nhau là “bạn”, chứ không phải “chồng” hoặc “vợ”, vì chưa cưới nhau). Mô hình “sống chung”

(tiếng Pháp : concubinage) mà không cưới hay chưa cưới (nghĩa là có thể làm lễ cưới sau 5-7 năm sống chung) đang ngày càng lan truyền trong hầu hết các tầng lớp thanh niên trẻ tuổi ở Tây Âu. Có lẽ đây là một thứ chuẩn mực mới đang hình thành (đang được định chế hóa) nơi các xã hội ấy, để thay thế những chuẩn mực cũ về sự trinh tiết và hôn nhân vốn từng được đề cao và tôn trọng trong xã hội cổ truyền.3

Thí nghiệm của Kurt Lewin (đã trình bầy ở mục C của Chương 3) trong việc chuyển từ tập quán ăn thịt bít-tết sang thịt nạm nơi các bà nội trợ ở Mỹ trong thời kỳ Thế chiến thứ hai đã cho thấy một số cơ chế hình thành và thay đổi các chuẩn mực trong các nhóm xã hội.

1 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 98-99.

2 Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 99.

3 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 99.

Một thí dụ khác nổi tiếng, từng được Robert Merton trích dẫn,1 chứng minh ảnh hưởng quan trọng của các chuẩn mực. Vào thời gian Thế chiến thứ hai, ở Mỹ, trong không quân, nói chung người lính được đề bạt thăng cấp rất nhanh, trong khi đó ở các đội hiến binh thì lại rất chậm. Thế nhưng một cuộc điều tra về tâm tư nơi các sĩ quan và hạ sĩ quan hiến binh cho thấy là họ tương đối hài lòng về khả năng thăng cấp của mình, và ngược lại, nơi không quân thì lại rất ấm ức, bực bội. Nếu nhìn trên bình diện tâm lý cá nhân thì đây là hiện tượng khó hiểu, bởi lẽ chính những người được hưởng nhiều cơ may nhất lại là những người bất mãn nhất.

Nhưng nếu xét về phương diện chuẩn mực của nhóm, thì chúng ta thấy là người lính hiến binh coi thời gian chờ được thăng cấp là chuyện bình thường vì mọi người cũng đều phải chờ đợi như nhau, trong khi đó, trong lực lượng không quân, thời gian chờ đợi quả là nặng nề vì người ta thấy bạn bè xung quanh cứ được thăng cấp liên tục...

Các cuộc điều tra của Renaud Sainsaulieu2 về các mối quan hệ trong xí nghiệp đã cho thấy là mỗi môi trường lao động đều có những chuẩn mực ứng xử riêng biệt mà cá nhân buộc phải biết và tuân theo, nếu không sẽ bị đồng nghiệp tẩy chay. Tại phân xưởng, nơi mà các thao tác của người thợ thường mang tính chất máy móc và làm theo dây chuyền, đặc trưng ứng xử của công nhân là thiên về tính chất “đồng loạt” (unanimism) ; ai làm điều gì khác với tập thể thì thường dễ bị nghi ngờ là muốn xa rời tập thể hoặc có nguy cơ làm mất tính đoàn kết, thống nhất chung. Đối với cán bộ quản lý thì ngược lại, do đặc điểm công việc quản lý là mỗi người phải tự đảm đương trách nhiệm của mình chứ không thể dựa vào tập thể, và vì mỗi chức vụ thường chỉ có một người đảm trách, trong cả một hệ thống tôn ti phẩm trật, nên mỗi người phải xác định cho mình một chiến lược riêng biệt để ứng xử, không giống với những người khác. Còn các nhân viên hành chánh văn phòng thì thường đều chỉ lo bảo vệ vị trí và đồng lương của mình, do đó, dù không hợp nhau đi nữa, họ cũng buộc phải “hòa thuận và thỏa hiệp

với nhau để cùng tồn tại.

Khi các điều kiện lao động thay đổi, thì khuôn mẫu ứng xử cũng thay đổi theo. Chẳng hạn, nơi những xí nghiệp trang bị công nghệ hiện đại, người thợ thường không còn lối ứng xử “đồng loạt” như trước, bởi vì lúc này yêu cầu của lối sản xuất kỹ thuật cao đòi hỏi mỗi người đều phải chủ động tự mình có kế hoạch riêng để nâng cao không ngừng về trình độ

1 Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 100.

2 Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 100.

chuyên môn, và nếu có thể, để thăng tiến cả về cấp bậc.1

Một hệ thống chuẩn mực mà ai cũng đều biết là các chuẩn mực hay quy tắc xã giao. Cách bắt chuyện với ai, cách xin lỗi hoặc cảm ơn, cách chào hỏi, bắt tay hay cúi đầu thế nào, cách ăn mặc, cách ăn uống... bất cứ hành vi nào cũng đều thường phải tuân theo những quy tắc nhất định mà chúng ta đã được dạy dỗ từ nhỏ. Thông thường, chúng ta thực hiện những hành vi này gần như theo phản xạ, nhưng mỗi lần vô ý làm sai, thì thế nào chúng ta cũng đâm ra áy náy. Như vậy có nghĩa là, để tuân thủ các quy tắc, chính mỗi người chúng ta cũng áp dụng những hình phạt cho chính mình, chứ không phải chỉ có hình phạt từ bên ngoài, từ phía người khác.2

Chính kết quả nội tâm hóa ấy làm cho chúng ta thường rất khó mà thay đổi chuẩn mực của mình, và khó mà chấp nhận những chuẩn mực khác. Khi gặp những người nước ngoài với những cung cách ứng xử và xã giao riêng của họ, về mặt chủ quan, chúng ta thường khó mà tránh được cảm giác cho rằng họ “thô lỗ”, “hững hờ” hoặc “làm quá đáng”...3

Các chuẩn mực thường có thể khác biệt tùy theo các vai trò. Chẳng hạn, trong sinh hoạt gia đình, chuẩn mực dành cho người con chắc chắn khác với chuẩn mực đối với người cha hay người mẹ.

Vả lại, cách tuân thủ cũng còn tùy thuộc vào mức độ nội tâm hóa các chuẩn mực. Chẳng hạn định chế hôn nhân bao hàm một hệ thống chuẩn mực nhất định, quy định các mối quan hệ giữa vợ chồng với nhau. Tuy nhiên, trong thực tế, người ta tuân theo những quy tắc này một cách ít nhiều lỏng lẻo, tùy theo mức độ tiếp thu những quy tắc ấy. Dĩ nhiên ở đây, sự chung thủy được coi là quy tắc hệ trọng nhất ; nhưng còn chuyện người vợ có thường xuyên làm bữa ăn sáng cho chồng mình hay không, thì điều này ít hệ trọng hơn và tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa đôi bên. Chuyện người chồng đi chơi một mình với bạn bè mà không đưa vợ mình theo là một chuyện kỳ quặc không thể chấp nhận được đối với một số cặp vợ chồng nào đó ; nhưng ngược lại, đối với nhiều cặp khác, thì đấy lại là chuyện bình thường.4

1 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 100-101.

2 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 101.

3 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 101.

4 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 102.

Như vậy, ở cấp độ tổng quát, là các giá trị, như lòng chung thủy, sự thành công, sự lương thiện, tình đoàn kết v.v. Còn ở cấp độ hành động của các vai trò, là các chuẩn mực. Mỗi giá trị được biểu hiện ra bằng những chuẩn mực nào đó. Thực tế cũng hay thường xảy ra những mâu thuẫn trong ứng xử : chẳng hạn, trong một kỳ thi, nội quy phòng thi thường là học sinh không được chép bài hay hỏi bài lẫn nhau ; trong khi đó, yêu cầu trong quan hệ giữa học sinh với nhau là phải giúp đỡ, tương trợ nhau. Trong trường hợp này, kết quả ứng xử ngả theo khuynh hướng nào là tùy thuộc vào giá trị (lương thiện, hay đoàn kết) mà từng nhóm học sinh coi là quan trọng hơn hết.1

Cuối cùng, nói đến chuẩn mực, chúng ta không thể không nói tới định chế (institution). Định chế thường được dùng theo hai nghĩa. Thứ nhất là theo nghĩa thông dụng : người ta thường hiểu định chế là một tổ chức xã hội. Nghĩa thứ hai : thuật ngữ “định chế” được dùng để chỉ một tập hợp những thói quen hay tập tục mà người ta thường xuyên lặp đi lặp lại trong một hệ thống xã hội nào đó – những thói quen này được duy trì bởi những chuẩn mực xã hội, và có ý nghĩa quan trọng trong cấu trúc xã hội. Nói cách khác, định chế là tổng thể các chuẩn mực được áp dụng trong một hệ thống xã hội ; những chuẩn mực này quy định cái gì là đúng đắn, chính đáng (legitime), và cái gì không đúng đắn hay không chính đáng trong hệ thống ấy.

Nếu “vai trò” là thuật ngữ dùng để chỉ những khuôn mẫu ứng xử, thì

“định chế” là một khái niệm tổng quát hơn, bao gồm nhiều vai trò. Nhà trường là một định chế xã hội, trong đó bao gồm các vai trò học sinh, các vai trò giáo viên... Một trường tiểu học X nào đó là một “tổ chức xã hội” ; còn “định chế giáo dục” là toàn bộ hệ thống các nhà trường trong một xã hội nhất định.

Cả hai khía cạnh của định chế (tổ chức và chuẩn mực) đều quan trọng khi người ta muốn nghiên cứu về sự vận hành của một tổ chức, lẫn động thái của các chuẩn mực trong tổ chức này.

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG NHẬP MÔN XÃ HỘI HỌC (Trang 105 - 110)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(186 trang)