Chương 8. Chức năng, cấu trúc và con người tác nhân
A. Lý thuyết chức năng luận
Trong đời sống hàng ngày, người ta thường hiểu từ chức năng (tiếng Anh : function, tiếng Pháp : fonction) theo nghĩa là một tác dụng hữu ích nào đó của một đồ vật. Chẳng hạn một đôi đũa được dùng để ăn cơm, cái ghế là để ngồi ; như vậy, chức năng của đôi đũa là giúp ta ăn cơm, còn chức năng của cái ghế là giúp ta có chỗ ngồi.
Nhưng trong ngành sinh học, thuật ngữ chức năng được hiểu theo một nghĩa khác : mỗi cơ quan hay bộ phận trong một cơ thể có một chức năng nhất định cần thiết cho sự vận hành của toàn bộ cơ thể ; chẳng hạn, trái tim có chức năng là bơm máu đưa di khắp cơ thể, bao tử có chức năng tiêu hóa thực phẩm… Từ thế kỷ XIX, nhiều nhà khoa học xã hội đã chịu ảnh hưởng bởi cách nhìn này, và đưa hình ảnh này vào việc phân tích các xã hội : xã hội được nhìn giống như một cơ thể gồm nhiều cơ quan, bộ phận ; hoạt động của xã hội cũng có thể được so sánh tương tự như sự vận hành của một bộ máy, trong đó mỗi chiếc bánh răng hay mắt xích đều có vai trò của nó. Nhà khoa học xã hội người Anh Herbert Spencer (1820- 1903) không những coi xã hội giống như một cơ thể sống mà còn quan niệm rằng xã hội cũng sẽ tiến bộ theo định luật tiến hóa (tương tự như quan niệm “chọn lọc tự nhiên” của Darwin) trong đó cái gì mạnh nhất, khỏe nhất sẽ sống sót.1
Ngoài ảnh hưởng của cách nhìn sinh học và cách nhìn tiến hóa,
1 Xem J. Scott, G. Marshall (Eds.), A Dictionary of Sociology, 3rd edition revised, New York, Oxford University Press, 2009, tr. 723. Về lý thuyết tiến hóa luận trong khoa học xã hội, có thể xem thêm Bùi Thế Cường, “Đến với các lý thuyết xã hội học : Quan điểm tiến hóa”, Tạp chí Xã hội học, số 4 (84), 2003, tr. 75-85.
ngành xã hội học còn bị tác động bởi phương pháp tư duy trước đây của các nhà dân tộc học : vốn khảo sát những cộng đồng xã hội tộc người có quy mô hạn hẹp, các nhà dân tộc học trước đây thường có ấn tượng rằng mỗi xã hội là một chỉnh thể trong đó mỗi yếu tố đều có chức năng của nó, và mỗi chức năng đều hợp lý và cần thiết cho sự vận hành của toàn bộ xã hội.
Chính cách nhìn này đã làm phát sinh trường phái chức năng chủ nghĩa trong xã hội học.
Thực ra, cũng đã có không ít nhà tư tưởng từng rơi vào lối suy nghĩ giản đơn và đôi khi ấu trĩ ấy. Nhà văn Pháp Bernardin de Saint-Pierre (thế kỷ XVIII) từng cho rằng quả dưa tây sở dĩ có khía là để người ta dễ cắt thành miếng và phân chia trong gia đình. Còn nhà sử học Pháp J. Michelet (thế kỷ XIX) thì bày tỏ sự khâm phục thiên nhiên vì mỗi đứa trẻ đều có một người mẹ để chăm sóc khi nó chào đời.1
Nhà nhân học xã hội người Anh Alfred R. Radcliffe-Brown (1881- 1955) định nghĩa chức năng như sau : “Chức năng của mỗi tục lệ cụ thể trong xã hội chính là sự đóng góp của tục lệ này vào đời sống xã hội xét như toàn bộ sự vận hành của hệ thống xã hội. Định nghĩa này giả định rằng mỗi hệ thống xã hội [...] đều có một sự thống nhất nào đó, mà ta có thể gọi là sự thống nhất mang tính chức năng [unité fonctionnelle] và định nghĩa nó như một tình trạng cố kết hay hợp tác hòa hợp giữa tất cả mọi yếu tố của hệ thống xã hội – điều này loại trừ [khả năng xảy ra] những cuộc xung đột kéo dài và không thể hóa giải."2
Còn nhà nhân học người Ba Lan Bronisław K. Malinowski (1884- 1942) thì viết : “Phương pháp phân tích chức năng đối với văn hóa xuất phát từ nguyên lý cho rằng, trong tất cả các loại hình văn minh, mỗi phong tục, mỗi đồ vật vật chất, mỗi ý tuởng và mỗi niềm tin đều đảm nhiệm một chức năng thiết yếu nào đó.”3
Émile Durkheim là nhà xã hội học được coi là quan điểm gần gũi nhất với trường phái chức năng luận. Ông thường lấy những thí dụ trong ngành sinh học để mô tả những hiện tượng xã hội. Ông ví xã hội cũng tương tự như một cơ thể, trong đó mỗi thành tố vận hành để duy trì sự vận hành của các thành tố khác, cũng giống như mỗi bộ phận của một cơ thể
1 Dẫn lại theo H. Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, nouvelle édition refondue, 2003, tr. 116.
2 Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 116.
3 Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 116.
đều vận động nhằm duy trì sự vận động của các bộ phận khác và của toàn bộ cơ thể. Đây chính là nền tảng dẫn tới quan niệm của ông về sự “liên đới hữu cơ” trong xã hội.1
Theo Durkheim, trong xã hội học, có hai lối giải thích khác nhau : giải thích theo chức năng, và giải thích theo lịch sử ; và ông cho rằng cả hai lối giải thích này đều cần thiết. Lối thứ nhất (functional explanation) nhằm giải thích một sự kiện xã hội hoặc một hành động căn cứ trên các hệ quả của nó – tức là sự đóng góp của nó vào việc duy trì một tổng thể xã hội ổn định. Chẳng hạn các định chế tôn giáo thường có chức năng sản sinh và bảo tồn sự liên đới trong xã hội.2 Ngay hành vi tội phạm chẳng hạn, theo ông, có tác dụng phân định và củng cố (thông qua các hình phạt) những ranh giới của một lối ứng xử chuẩn mực mà xã hội đã thừa nhận, vì thế “hành vi phạm tội là [một hiện tượng] bình thường, bởi lẽ một xã hội không có tội phạm là điều tuyệt đối không thể có.”3 Durkheim viết : “Xếp hành vi phạm tội vào các hiện tượng xã hội học bình thường [phénomènes de sociologie normale], thì điều này không chỉ đơn giản là nói rằng nó là một hiện tượng không thể tránh khỏi, tuy rất đáng tiếc, do tính hung bạo bất trị nơi con người, mà còn khẳng định rằng nó là một nhân tố của trạng thái sức khỏe [của] xã hội, một phần không thể thiếu của bất cứ xã hội lành mạnh nào.”4 Hiện tượng tội phạm chỉ trở thành bất bình thường, hay “mang tính chất bệnh hoạn”, khi mà trong một xã hội nào đó, “nó đạt tới một tỉ lệ quá cao”.5 Còn lối giải thích theo lịch sử (historical explanation), theo Durkheim, là một lối giải thích một sự kiện hay một hành động bằng diễn trình (tức quá trình xảy ra) của sự kiện hay hành động ấy.6
Nhưng Durkheim cũng từng nhấn mạnh rằng trong xã hội, cũng có những yếu tố phi chức năng (afunctional), tức là những yếu tố tuy trước kia có chức năng, nhưng sau đó đã mất đi chức năng của chúng và vẫn tiếp tục
1 Durkheim quan niệm có hai loại liên đới : sự “liên đới máy móc” (mechanic solidarity) vốn tồn tại trong các xã hội cổ truyền, và sự “liên đới hữu cơ”
(organic solidarity) vốn tồn tại nơi các xã hội hiện đại.
2 Dẫn lại theo J. Scott, G. Marshall, sách đã dẫn, tr. 267.
3 É. Durkheim, Các quy tắc của phương pháp xã hội học (1895), Đinh Hồng Phúc dịch, Hà Nội, Nxb Tri thức, 2012, tr. 191.
4 É. Durkheim, sách đã dẫn, tr. 190.
5 É. Durkheim, sách đã dẫn, tr. 190.
6 Xem J. Scott, G. Marshall, sách đã dẫn, tr. 267.
tồn tại.1 Ấy thế mà có những người như nhà nhân học Mỹ Clyde Kluckhohn (1905-1960) vẫn cố giải thích “chức năng” của những yếu tố phi chức năng ấy, chẳng hạn như khi ông nói như sau : “Những chiếc cúc khâu ở đầu ống tay áo vét-tông của đàn ông, bây giờ tuy vô ích, nhưng có chức năng duy trì các tập tục và bảo tồn truyền thống. Nói chung, người ta thường cảm thấy thoải mái hơn khi người ta có cảm tưởng là có một sự liên tục nào đó trong ứng xử của mình và có ấn tượng là mình vẫn đang theo những tập tục chính thống mà xã hội đã công nhận”. Giải thích như thế thực ra chẳng giải thích được gì cả, vì “chức năng” nào cũng đều mang tính chất tự duy trì, và trấn an những ai tuân theo.2
Quan điểm chức năng luận về sau được khai triển mạnh mẽ bởi nhà xã hội học Robert Merton. Tác giả người Mỹ này phân biệt giữa những chức năng hiển hiện (manifest functions) (tức là những hệ quả được nhắm đến, hoặc những hệ quả mà các thành viên xã hội đều biết và quan tâm), với những chức năng tiềm ẩn (latent functions) (tức là những hệ quả không được nhắm đến, những hệ quả mà các thành viên không biết hay không có ý thức về chúng).
Trong xã hội, không những có những yếu tố phi chức năng, mà thường còn có những yếu tố mang chức năng rối loạn (tạm dịch từ chữ dysfunctional). Các tác giả theo trường phái chức năng luận trước đây không bao giờ đề cập tới những yếu tố này. Bởi lẽ cách nhìn của họ về một xã hội chỉnh thể, hòa hợp, đã không giúp họ nhận ra những yếu tố đi ngược lại trật tự chung.3
Michel Crozier (1922-2013), nhà xã hội học Pháp, đã phân tích những vấn đề liên quan tới chức năng (function) và chức năng rối loạn (dysfunction) trong bộ máy hành chánh. Trong xã hội hiện đại vốn ngày càng phức tạp và đòi hỏi ngày càng nhiều chuyên gia tham gia vào việc quản lý, bộ máy hành chánh tất nhiên cũng phát triển theo đà tiến triển ấy.
Nhưng một khi bộ máy này ngày càng “phình” ra, thì các nhà hành chánh cũng có thể có xu hướng trở nên quan liêu hơn, “rối loạn chức năng” hơn, bằng cách ngày càng gia tăng các loại thủ tục, giấy tờ, luật lệ... Cơ chế hành chánh vốn có chức năng phục vụ cho việc quản lý tốt một xã hội, đến một
1 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 116.
2 Dẫn lại theo H. Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, 1989, tr.
107.
3 Xem H. Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, nouvelle édition refondue, 2003, tr. 117.
lúc nào đó có thể quay ngược lại và cản trở chức năng này.1
Nhiều người đã chỉ trích lý thuyết chức năng luận, cho rằng trường phái này phản ánh một thứ ý thức hệ bảo thủ. Quả vậy, một khi quan niệm rằng cái gì trong xã hội cũng đều có chức năng của nó, thì người ta cũng dễ đi đến chỗ nghĩ rằng : bởi vì mọi chuyện đã như vậy, thì mọi chuyện cũng sẽ phải tiếp tục như vậy. Trường phái chức năng luận không thể giải thích được những xung đột xã hội hoặc chuyển biến xã hội, vì nó nhìn mọi hoạt động xã hội như những cái đang tương tác với nhau nhằm duy trì sự cân bằng và sự ổn định trong xã hội.2
Tuy nhiên, trong lúc cần tránh những nguy cơ của trường phái chức năng luận, nhà xã hội học vẫn có thể sử dụng khái niệm “chức năng” một cách có hiệu quả trong công việc nghiên cứu của mình. Việc phân tích theo phương pháp chức năng, nếu được tiến hành một cách tinh tế trong một cuộc khảo sát thực nghiệm, vẫn có thể đi đến những kết quả không những không mang tính bảo thủ, mà còn mang tính cách mạng. Chẳng hạn khi nhà xã hội học đặt lại vấn đề về những chức năng hiển hiện của một số định chế xã hội nào đó, và từ đó khám phá ra những định chế xã hội khác có khả năng thay thế... Ở đây, ta thấy việc đặt lại vấn đề về hiện trạng xã hội chính là một thế mạnh của ngành xã hội học.