Từ mô hình kim tự tháp tới mô hình con quay

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG NHẬP MÔN XÃ HỘI HỌC (Trang 170 - 176)

Chương 9. Giai cấp xã hội và sự phân tầng xã hội

F. Từ mô hình kim tự tháp tới mô hình con quay

Cho tới nay, theo H. Mendras, phần lớn giới khoa học xã hội trên thế giới đều thường nhìn cấu trúc xã hội dưới dạng kim tự tháp, trong đó người ta có thể phân ra chi tiết hoặc gộp lại các tầng lớp hoặc các bậc thang, tùy theo cách lập luận. Sự di động xã hội theo hướng đi lên chính là chiều hướng vận động chung của phần lớn các xã hội trên thế giới, chủ yếu nhờ vào thành quả của các hệ thống giáo dục ngày càng mở rộng (xem Sơ đồ 6).4 Trên đỉnh của kim tự tháp là giới ưu tú (hay tinh hoa, elite), nắm quyền lãnh đạo, tập trung vào tay mình hết mức có thể được của cải, văn hóa, quyền lực, và do đó vừa đóng vai trò cách tân, vừa đóng vai trò lãnh đạo xã hội. Tầng lớp trên có số người đông hơn so với giới ưu tú, tuy có của cải ít

1 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 216.

2 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 217.

3 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 217-218.

4 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 221.

hơn nhưng cùng chia sẻ nền văn hóa với giới ưu tú, đóng vai trò truyền đạt và chính đáng hóa quyền lực và những sự cách tân (của giới ưu tú) xuống cho các tầng lớp trung lưu. Các tầng lớp trung lưu thì thường cố gắng thích ứng với các chuẩn mực ứng xử từ tầng lớp trên đưa xuống, với hy vọng được thăng tiến về mặt xã hội. Trái lại, các tầng lớp bình dân, tức các tầng lớp dưới, với những nguồn lực kinh tế và tài chánh nghèo nàn hơn, thường có một nền văn hóa riêng và một ý thức hệ riêng nhằm cưỡng lại những ảnh hưởng đến từ bên trên, và thường hoài nghi hoặc đặt vấn đề về tính chính đáng của các tầng lớp bên trên.1

Sơ đồ 6. Cấu trúc xã hội theo mô hình kim tự tháp

Nguồn : Henri Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, nouvelle édition refondue, 2003, tr. 222.

Pierre Bourdieu đã từng trình bầy một nhãn quan về xã hội Pháp tương tự như mô hình trên đây trong cuốn sách mang tên là Sự biệt trội (La distinction, 1979), dựa trên kết quả của một cuộc điều tra tiến hành vào thập niên 1960.2

Tuy nhiên ngày nay, theo H. Mendras, cách nhìn theo mô hình kim tự tháp như trên không còn phù hợp nữa với những sự biến đổi xã hội đang diễn ra ngày càng mạnh trong cấu trúc xã hội của các xã hội Tây phương.

Các tầng lớp trung gian (tức những tầng lớp nằm ở khoảng giữa trong hệ thống phân tầng xã hội) ngày càng sinh sôi nảy nở phức tạp hơn, cùng với những cơ hội di động xã hội theo hướng đi lên ngày càng đa dạng hơn. Tất cả tình hình này khiến cho việc phân tích xã hội dưới góc độ giai cấp như từng thịnh hành trong thế kỷ XIX và thế kỷ XX đang dần dần không còn

1 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 221.

2 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 221.

thích hợp nữa.1

H. Mendras cho rằng có một số lý do như sau khiến cho lối nhìn cấu trúc xã hội theo dạng kim tự tháp không còn phù hợp đối với các xã hội Tây phương bây giờ. Trước hết, người ta càng ngày càng khó xếp hạng các nghề nghiệp trên một thang đo duy nhất, bởi lẽ hệ thống kinh tế ngày càng đa dạng hóa, xu hướng “tam đẳng hóa” (tertiarization)2 không những đang diễn ra mạnh, mà còn xuất hiện cả xu hướng “tứ đẳng hóa”

(quaternization),3 vốn không ngừng tạo ra những chuyên ngành mới và những nghề mới. Cách tổ chức sản xuất trong thời kỳ “hậu Ford”4 khiến xuất hiện những mạng lưới xã hội (dạng tổ ong), chứ không còn dạng trật tự thứ bậc theo kiểu kim tự tháp như trước nữa. Xét về mặt di động xã hội, người ta ngày càng khó so sánh vị trí nghề nghiệp của người cha với người con, vì sự phân loại nghề nghiệp đã hết sức khác biệt so với trước kia.

Thứ hai, nghề nghiệp là một chỉ báo thích đáng về vị thế xã hội nếu

1 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 220-221.

2 Lâu nay, các hoạt động kinh tế thường được phân chia ra làm ba khu vực : (a) nông nghiệp, đánh cá và khai thác tài nguyên thiên nhiên (thường được gọi là khu vực đệ nhất đẳng, primary sector), (b) công nghiệp chế biến và xây dựng (khu vực đệ nhị đẳng, secondary sector), và (c) dịch vụ (khu vực đệ tam đẳng, tertiary sector). “Tam đẳng hóa” (tertiarization) là khái niệm nói về xu hướng ngày càng giảm bớt các hoạt động của khu vực đệ nhất đẳng và khu vực đệ nhị đẳng để chuyển sang khu vực đệ tam đẳng (tức các dịch vụ), vốn chiếm tỷ lệ ngày càng áp đảo trong cơ cấu kinh tế của một quốc gia.

3 “Tứ đẳng hóa” (quaternization) là một thuật ngữ mới mẻ được M. Peneder, S.

Kaniovski và B. Dachs chế tạo ra (dựa trên khái niệm “tam đẳng hóa” vừa nêu trên) để nhấn mạnh xu hướng ngày càng quan trọng của những ngành dịch vụ thâm dụng tri thức (knowledge intensive services) vốn đang phát triển rất mạnh ở các nước phát triển kể từ cuối thế kỷ XX đến nay (M. Peneder, S. Kaniovski, B. Dachs, “What Follows Tertiarisation? Structural Change and the Role of Knowledge-Based Services”, The Service Industries Journal, Vol. 23, No. 2, 2003, tr. 47-66, dẫn lại theo Robert Stehrer et al., Convergence of Knowledge- intensive Sectors and the EU’s External Competitiveness, The Vienna Institute for International Economic Studies (WIIW), Research reports, No. 377, April 2012).

4 Mô hình sản xuất “hậu Ford” (Post-Fordism) là xu hướng diễn ra từ cuối thế kỷ XX tại hầu hết các nước công nghiệp phát triển. Một số đặc trưng của mô hình này là như sau : sản xuất những mặt hàng quy mô nhỏ ; sản phẩm được chuyên môn hóa ; quy trình sản xuất dựa trên công nghệ thông tin ; chú trọng đến từng loại người tiêu dùng nhất định... Mô hình “hậu Ford” đối lập với mô hình

“Ford” (Fordism, từng thống lãnh trong suốt thế kỷ XX) vốn là một mô hình tổ chức sản xuất hàng loạt do Henry Ford khởi xướng vào năm 1908 dựa trên những nguyên tắc tổ chức lao động một cách khoa học, trong đó công nhân làm việc trên từng dây chuyền sản xuất, mỗi người chỉ thực hiện một số thao tác được chuyên môn hóa nhằm nâng cao năng suất lao động.

nó tương đối trùng khớp với mức thu nhập và trình độ học vấn. Nhưng ngày nay, cả ba yếu tố này ngày càng không liên quan với nhau.

Thứ ba, trước kia, phụ nữ thường làm cùng nghề với người chồng (nông dân, tiểu thương, hoặc công nhân), hoặc chỉ làm nội trợ (nơi thị dân chẳng hạn) ; vì thế, người ta thường dễ xếp loại vị thế xã hội của gia đình thông qua nghề nghiệp của người chồng. Nhưng bây giờ, phụ nữ phần lớn đều đi làm, có nghề nghiệp riêng, và do đó có thể có sự khác biệt lớn về vị thế xã hội của hai người phối ngẫu trong một gia đình. Do đó, rất khó mà xếp loại được vị thế xã hội của từng gia đình.1

Đứng trước thực tế đang diễn ra nhiều biến đổi xã hội như vậy, Henri Mendras đã đề nghị đưa ra một sơ đồ khác để có thể nhận diện cấu trúc xã hội của các nước công nghiệp phát triển, đó là mô hình con quay (hay bông vụ). Mô hình này nhấn mạnh rằng sự vận động là nét chủ đạo trong xã hội, trong khi mô hình kim tự tháp thì dễ làm cho người ta có cảm giác về một sự ổn định nào đó của xã hội. Mô hình con quay cũng dựa chủ yếu trên tình hình phân bố thu nhập, vốn là chiều kích chính của sự xếp loại. Trong sơ đồ này, Mendras mô tả các tầng lớp xã hội như những

“chòm sao” (constellation), vì hình ảnh chòm sao gợi lên ý tưởng là có những tầng lớp có thể phình ra và trở nên năng động hơn, trong khi những tầng lớp khác thì có thể co lại, tương tự như các chòm sao trong các dải thiên hà (xem Sơ đồ 7).2

Sơ đồ này bao gồm những thành tố như sau. Trước hết là chòm sao bình dân, bao gồm công nhân và nhân viên có mức thu nhập và trình độ học vấn thấp. Công nhân gồm phần lớn là nam giới, còn nhân viên gồm phần lớn là nữ giới, và hai nhóm này có xu hướng lấy nhau làm vợ làm chồng (nhóm này chiếm khoảng 50% trong dân số).

Sau đó là chòm sao trung tâm, bao gồm các “cán bộ”3 thuộc khu vực công (từ giáo viên cho tới viên chức cao cấp) và khu vực tư nhân. Mức thu nhập của nhóm này hết sức phân tán (có thể chênh lệch nhau nhiều), nhưng hầu hết đều đạt trình độ học vấn trên Tú tài (Tú tài + hai năm học tiếp), và vị thế của họ trong thang bậc nghề nghiệp cũng tương đối ngang nhau.

1 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 221.

2 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 223.

3 “Cán bộ” (cadre) trong xã hội Pháp có nghĩa là người làm công ăn lương, thường tốt nghiệp đại học, và có thể giữ một chức trách quản lý hay điều hành nào đó trong một doanh nghiệp hoặc một cơ quan nhà nước.

Nhóm này được coi là trung tâm vì chính họ đưa ra và thực hiện những ý tưởng cách tân (nhóm này chiếm khoảng 25% dân số).

Sơ đồ 7. Cấu trúc xã hội theo mô hình con quay

Nguồn : Henri Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, nouvelle édition refondue, 2003, tr. 222.

Những người làm việc tự do (tiếng Anh : freelancers, tiếng Pháp : indépendants) có những điểm đặc thù của nghề nghiệp của mình ; đây là một chòm sao nhỏ trải dài từ trên xuống dưới (chiếm khoảng 15% dân số).

Hai đỉnh bao gồm đỉnh phía dưới cùng là những người nghèo (chiếm khoảng 10% dân số), và đỉnh trên cùng là giới ưu tú, giàu có nhất. Nhưng đỉnh trên cùng này không phải là giới ưu tú lãnh đạo giống như trong mô hình kim tự tháp : nó chỉ là một nhóm điều hành xã hội, tựa như những người kiểm soát không lưu có nhiệm vụ điều hành các chuyến bay. Thành viên của nhóm này không phải là những nhà cách tân xã hội, và họ cũng không còn cai trị xã hội theo nghĩa cũ. Chẳng hạn, những người chủ doanh nghiệp bây giờ luôn luôn phải theo dõi những kết quả khảo sát thị trường cũng như diễn biến của thị trường chứng khoán để điều hành doanh nghiệp của mình.1

Theo H. Mendras, mô hình con quay trên đây không phải là một sơ đồ mô tả xã hội. Nó chỉ là một sơ đồ giúp ta nhìn xã hội theo một quan

1 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 223.

điểm nhất định, và từ đó, giúp ta đặt ra những vấn đề xã hội đặc trưng của một xã hội công nghiệp phát triển mà cụ thể là xã hội Pháp ngày nay – vì một mô hình chỉ là một công cụ giúp ta “đọc” được, “hiểu” được một xã hội.1

Kết luận đầu tiên có thể rút ra từ mô hình con quay trên đây là không còn “tầng lớp trung lưu” mà ta thấy trong mô hình kim tự tháp. Theo Mendras, ta không thể rơi vào sự nhầm lẫn khi cho rằng cả một đất nước (như Pháp chẳng hạn) bây giờ là một tầng lớp trung lưu vĩ đại, bởi lẽ nói

“trung lưu” là nói rằng có những tầng lớp trên và những tầng lớp dưới ; nếu mọi người đều là “trung lưu” thì rõ ràng không còn ai là “trung lưu” nữa.

Mặt khác, ta thấy rằng trong mô hình con quay nêu trên, sự phân ly chủ yếu là giữa hai chòm sao chính (chòm sao trung tâm và chòm sao bình dân) – đây là điều kế tục sự phân ly trước đây giữa những người lao động trí óc với những người lao động chân tay, giữa những người đã tốt nghiệp trung học (có bằng Tú tài) với những người chưa đạt tới trình độ này (bây giờ thì ngưỡng phân ly là bằng Tú tài + hai năm học tiếp). Vậy sự phân ly ấy có biến mất hay không khi mà mọi người đều nâng cao trình độ học vấn nhờ vào hệ thống nhà trường ngày nay và nhờ những phương thức học tập xen kẽ và linh hoạt ? Liệu chòm sao trung tâm có bị chia nhỏ ra khi mà tri thức ngày càng đóng vai trò quan trọng và sự phân phối tài sản ngày càng trở nên bất bình đẳng ? Liệu sự phân bố về công ăn việc làm (ngày càng gia tăng) của phụ nữ có góp phần khiến cho sơ đồ con quay này phình ra thêm hay không ?2 Đấy là vài câu hỏi mà H. Mendras đặt ra khi ông thử hình dung những xu hướng biến đổi sắp tới có thể xảy ra trong cấu trúc phân tầng của xã hội Pháp.

1 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 223.

2 Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 223.

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG NHẬP MÔN XÃ HỘI HỌC (Trang 170 - 176)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(186 trang)