2.3. Các lý thuyết của nghiên cứu
2.3.7. Các lý thuyết liên quan đến động cơ tài trợ
Động cơ thúc đẩy một người hành động theo một cách nào đó hoặc ít nhất cũng có xu hướng nghiêng về quá trình thực hiện hành vi cụ thể (Kast và Rosenzweig, 1985, theo Pardee, 1990). Động cơ là sự khao khát và mong muốn của con người để
thực hiện một hành động nhằm đạt được mục đích cụ thể (Kocel, 2010, theo Turabik và Baskan, 2015).
Động cơ là những động lực trong một cá nhân, khuyến khích hoặc thúc đẩy cá nhân đó hành động nhằm thỏa mãn những nhu cầu hoặc mong muốn cơ bản (Yorks, 1976, theo Pardee, 1990). Goncalves và cộng sự (2018) chứng minh các động cơ và mục tiêu cá nhân của nhà quản lý trong một tổ chức có ảnh hưởng đến mục tiêu của tổ chức đó.
Hầu hết các nhà tâm lý học tin rằng, tất cả động cơ cuối cùng xuất phát từ sức ép về một hoặc nhiều nhu cầu quan trọng của con người không được đáp ứng (Dessler, 1986, theo Pardee, 1990). Quá trình của động cơ được giải thích bởi nhiều lý thuyết, nhưng nó được xác lập qua 4 quá trình cơ bản sau: Nhu cầu, tiềm thức, hành động và sự thỏa mãn. Chỉ có những nhu cầu không được đáp ứng mới cung cấp nguồn động lực, nhu cầu đã được đáp ứng không tạo ra sức ép và không có động lực (Burke, 1987, theo Pardee, 1990).
Một cách cụ thể, quá trình của động cơ chỉ ra rằng mỗi một cá nhân có những nhu cầu mà mỗi cá nhân đó cố gắng để được thỏa mãn. Những nhu cầu cá nhân này thể hiện thông qua lợi ích tinh thần và vật chất. Những nhu cầu này tạo sự thôi thúc trong tiềm thức và tạo ra nguồn năng lượng. Nguồn năng lượng này hướng cá nhân đến những hành động cụ thể nhằm thỏa mãn nhu cầu và cuối cùng là đạt được sự thỏa mãn (Ozkalp và Kırel, 2005, theo Turabik và Baskan 2015).
Trong bối cảnh tài trợ thể thao, động cơ tài trợ là sự khao khát và mong muốn thực hiện việc tài trợ của nhà quản lý đối với một hoạt động thể thao nhằm đạt được mục đích cụ thể. Các mục đích cụ thể ở đây bao gồm: Hiệu quả chung cho công ty, mục đích xã hội và các mục đích cá nhân (Kocel, 2010, theo Turabik và Baskan, 2015).
2.3.7.2. Lý thuyết kỳ vọng (Expected utility theory)
Lý thuyết kỳ vọng cho rằng con người bị thúc đẩy hành xử theo nhiều cách vì hành vi của con người được tạo ra từ việc kết hợp những kỳ vọng (Kreitner và Kinicki, 1998). Lý thuyết kỳ vọng của Victor H. Vroom được xây dựng vào năm 1964 lập luận rằng, con người sẽ được thúc đẩy để thực hiện những công việc nhằm đạt tới mục tiêu nếu họ tin vào giá trị của mục tiêu đó. Mặt khác, con người có xu hướng tin tưởng rằng những công việc họ làm sẽ giúp họ đạt được mục tiêu. Nói cách khác, Vroom chỉ ra động cơ là sản phẩm của giá trị mong đợi mà con người đặt mục tiêu và những cơ hội mà họ thấy sẽ hoàn thành được những mục tiêu đó (Turabik và Baskan, 2015).
Vận dụng nội dung lý thuyết kỳ vọng vào lĩnh vực tài trợ thể thao cho thấy, nếu nhà quản lý tin vào kết quả kỳ vọng có thể đạt được thông qua việc tài trợ, như giúp công ty tạo được lợi thế cạnh tranh, tăng doanh số và lợi nhuận, tăng mức độ nhận diện thương hiệu, hay những mục tiêu khác mang tính xã hội, như đóng góp vào sự
phát triển một môn thể thao và gắn kết cộng đồng, thì nhà quản lý sẽ có động cơ tham gia tài trợ thể thao. Ngược lại, nếu nhà quản lý không nhận thấy việc tài trợ thể thao đem lại những giá trị mong đợi cho doanh nghiệp, họ sẽ không có động cơ thúc đẩy đi đến hành vi tài trợ.
2.3.7.3. Lý thuyết nhu cầu thành tựu (Need for achievement theory)
Lý thuyết nhu cầu đạt được thành tựu cho rằng, con người chọn những thử thách nhằm được ghi nhận mình là chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó. Từ đó, hình thành động cơ thực hiện các nhiệm vụ để mong chờ sự đánh giá cao của mọi người xung quanh (McClelland, 1967). Động cơ đạt được thành tựu là vượt qua những khó khăn, những nỗ lực và ham muốn nhằm thực hiện công việc khó khăn một cách tốt nhất.
Lý thuyết nhu cầu đạt được thành tựu là một trong những lý thuyết quan trọng để hiểu được động cơ đối với các nhà quản lý (Turabik và Baskan, 2015).
Ba điều cần thiết cơ bản mà con người có được từ kinh nghiệm cuộc sống của họ là: Nhu cầu ràng buộc, nhu cầu trao quyền và nhu cầu thành tựu. Nhu cầu ràng buộc là nhu cầu cần xây dựng mối quan hệ của mỗi người trong giao tiếp xã hội với người khác và được chấp nhận vào một nhóm. Nhu cầu về sự trao quyền là xu hướng đạt được sự hài lòng của bản thân thông qua quá trình ảnh hưởng đến hành động của người khác. Những cá nhân có nhu cầu cao về trao quyền được khẳng định là luôn luôn mong muốn mở rộng quyền lực của họ và muốn kiểm soát tất cả các nguồn lực tinh thần và vật chất trong tổ chức.
Nhu cầu đạt được thành tựu thể hiện khả năng giải quyết vấn đề bằng cách đứng ra đảm nhận trách nhiệm cá nhân, muốn quản lý các dự án, hoàn thành tốt công việc, đòi hỏi những công việc khó khăn ở một mức độ nhất định. Các cá nhân có động cơ thúc đẩy thành tích cao sẽ chọn các mục tiêu khó khăn nhưng có thể tiếp cận và cố
gắng đạt được kiến thức và kỹ năng cần thiết để thực hiện được các nhiệm vụ này (Turabik và Baskan, 2015).
Trong tài trợ thể thao, dự định tài trợ có thể xuất phát từ nhu cầu ràng buộc, nhu cầu trao quyền và nhu cầu thành tựu của nhà quản lý. Một dự án tài trợ thường đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn và thường gắn liền với những rủi ro nhất định. Vì vậy, nhà quản lý phải có khả năng giải quyết vấn đề, quản lý rủi ro tốt, cũng như đòi hỏi nhà quản lý phải nỗ lực hết mình nhằm đạt được kết quả cao nhất cho công ty. Khi các nhà quản lý doanh nghiệp càng có động cơ mạnh mẽ đạt được thành tựu, khẳng định giá trị bản thân, thì càng có dự định tham gia những dự án có cơ hội tốt và nhiều thử
thách trong hoạt động tài trợ thể thao.