Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát và thanh tra thẩm quyền được phân cấp

Một phần của tài liệu Phân cấp quản lý nhà nước giữa trung ương với chính quyền thành phố trực thuộc trung ương (Trang 167 - 170)

Chương 4. ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC GIỮA TRUNG ƯƠNG VỚI CHÍNH QUYỀN THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

4.2. NHÓM GIẢI PHÁP CHUNG VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC GIỮA TRUNG ƯƠNG VỚI CHÍNH QUYỀN THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC

4.2.3. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát và thanh tra thẩm quyền được phân cấp

157

Thứ nhất, tăng cường và phát huy vai trò công tác kiểm tra của Đảng đối với các thẩm quyền được phân cấp đối với thành phố trực thuộc trung ương

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn diện Nhà nước và xã hội thông qua nhiều phương thức, trong đó hoạt động kiểm tra của Đảng đối với TCBM nhà nước có vai trò quan trọng để kiểm soát quyền lực nhà nước từ cơ quan cấp trên đối với cơ quan cấp dưới. Công tác kiểm tra của Đảng đối với các thẩm quyền đã được phân cấp cho chính quyền thành phố trực thuộc trung ương thông qua các tổ chức đảng, cấp ủy đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng tham gia vào bộ máy nhà nước. Thông qua hoạt động kiểm tra đảng để phát hiện những biểu hiện sai trái, lạm quyền, không đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; từ đó kịp thời có những điều chỉnh, xử lý nghiêm những hành vi sai trái của chính quyền cấp dưới. Các thẩm quyền được phân cấp được kiểm soát hiệu quả nhờ vào công tác kiểm tra của Đảng. Bởi vì, Đảng lãnh đạo bằng đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, bằng công tác cán bộ, bằng công tác kiểm tra, giám sát. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng không chỉ đóng góp vai trò quan trọng đối công tác xây dựng Đảng mà còn làm trong sạch bộ máy nhà nước, phát huy vai trò của tổ chức đảng trong lãnh đạo hoạt động quản lý nhà nước, kiểm soát quyền lực nhà nước.

Thứ hai, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước từ trên, bên trong và dưới lên đối với thẩm quyền được phân cấp

Cơ cấu tổ chức quyền lực nhà nước Việt Nam được tổ chức theo hình tháp từ trung ương đến địa phương. Cơ quan nhà nước địa phương phục tùng mệnh lệnh của cơ quan trung ương. Cơ quan nhà nước cấp trên có quyền kiểm soát và giám sát, thanh tra cơ quan cấp dưới. Quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Với cơ chế này đã tạo nên sự thống nhất, tập trung trong hoạt động quản lý nhà nước. Tuy nhiên, cần xây dựng được cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên trong cơ quan nhà nước ở trung ương cũng như cơ quan nhà nước ở địa phương. Giữa các cơ quan nhà nước phải có sự kiểm soát lẫn nhau, cơ quan nhà nước ở trung ương phải kiểm soát các cơ quan cấp dưới, đồng thời cơ quan cấp dưới cũng có quyền kiểm soát thẩm quyền của các cơ quan trung ương thông qua cơ chế, thể chế được phân cấp, giao thẩm quyền. Trong điều kiện được

158

phân cấp ngày càng nhiều thẩm quyền cho chính quyền địa phương thì vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước càng đặt ra cấp thiết và quan trọng.

Thứ ba, tăng cường hoạt động thanh tra nhà nước đối với thẩm quyền được phân cấp

Hoạt động thanh tra nhà nước được thực hiện thường xuyên trong quá trình quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước cấp trên đối với cơ quan cấp dưới thông qua thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành. Hoạt động thanh tra nhà nước cần được tăng cường hơn trước các nhiệm vụ, quyền hạn được chính phủ trung ương phân cấp cho chính quyền địa phương. Thực tế, việc giao quyền, phân cấp, ủy quyền cho cấp dưới nhưng buông lỏng kiểm tra, giám sát sẽ dẫn đến nguy cơ lộng quyền, giảm hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước. Do đó, càng giao quyền, phân cấp cho thành phố trực thuộc trung ương, chính quyền trung ương cần tăng cường hoạt động thanh tra nhà nước, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra. Trong thời gian tới cần tập trung thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật của thành phố trực thuộc trung ương trong các lĩnh vực quan trọng; thanh tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là các ngành, lĩnh vực có dấu hiệu vi phạm, dư luận xã hội phản ánh tiêu cực, tham nhũng, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo ở thành phố trực thuộc trung ương trong thời gian vừa qua. Đồng thời, tăng cường hoạt động thanh tra chuyên ngành trên các lĩnh vực, tập trung những nội dung, vấn đề gây bức xúc trong đời sống xã hội, các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành, thực thi pháp luật chuyên ngành tại địa phương.

Thứ tư, phát huy vai trò giám sát của đại biểu, cơ quan dân cử và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Hoạt động giám sát là chức năng của Quốc hội, HĐND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đại biểu cơ quan dân cử. Trong bộ máy nhà nước, Quốc hội và HĐND các cấp đã phát huy vai trò giám sát hoạt động của các cơ quan hành pháp và tư pháp. Trong bối cảnh tăng cường phân cấp của trung ương cho chính quyền thành phố trực thuộc trung ương thì chức năng giám sát của Quốc hội, HĐND, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp càng được tăng cường, phát huy vai trò và nâng cao chất lượng. Thẩm quyền được phân cấp càng nhiều thì càng được giám sát chặt chẽ, đầy đủ và đủ sức phát hiện, chỉ ra những sai lầm, hạn chế trong hoạt động quản

159

lý nhà nước của các cơ quan nhà nước, nhất là ở địa phương. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên được tổ chức hệ thống, chặt chẽ từ trung ương đến địa phương cần thực hiện tốt hơn chức năng giám sát, phản biện chính sách cho Đảng, Nhà nước, đặc biệt là những vấn đề nổi cộm, phát sinh gây bức xúc dư luận tại địa phương. Để phát huy vai trò giám sát, phản biện của đại biểu, cơ quan dân cử và Mặt trận Tổ quốc cần tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan này;

xem xét lại địa vị pháp lý, trách nhiệm của các đại biểu, cá nhân trong tổ chức thực hiện chức năng giám sát để mang lại hiệu quả giám sát.

Một phần của tài liệu Phân cấp quản lý nhà nước giữa trung ương với chính quyền thành phố trực thuộc trung ương (Trang 167 - 170)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(224 trang)