III- BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ MẶT TRẬN DÂN CHỦ 1936 –
4. Báo chí cách mạng
a) Những đặc điểm ra đời, tồn tại và phát triển của báo chí cách mạng xuất bản công khai
Báo cách mạng xuất bản công khai ra đời không giản đơn như các báo khác, mà là cả một nghệ thuật chỉ đạo tài tình, linh hoạt của Đảng. Ra đời rồi, nhưng chiến đấu như thế nào để có thể tồn tại, phát triển, chống lại các thế lực thù địch muốn bóp chết nó khi mới xuất hiện hay ít nhất kiềm chế nó.
Sau đây là một số phương pháp.
- Ra báo chữ Pháp:
Theo các văn bản pháp quy đã ban hành, báo chữ Pháp do người Pháp hay người Việt chủ trương đều phải xin phép, chỉ cần làm một số thủ tục đơn giản. Ra báo chữ Pháp có nhược điểm là người đọc ít, số lượng in thấp nên giá bán cao. Lợi dụng điều kiện thuận lợi mới, thông qua lớp người đọc hiểu thông Pháp để tác động vào dư luận xã hội ta, gây tiếng vang đến dư luận Pháp, góp thêm vào tiếng nói đấu tranh chung với những tờ báo tiếng Việt. Mỗi tờ báo chữ Pháp in nhiều không quá 2.000 bản, 4 trang, bán bảy xu. Chúng ta đã ra tất cả 6 tờ báo chữ Pháp: Le Travail, Rassemblement! L’Avant garde, En avant!, Le Peuple, Notre voix. Từ ngày 16-3 đến 16-4-1937, Xứ uỷ Bắc Kỳ chỉ đạo đồng thời hai tờ: Le Travail và Rassemblement!
Trên măng sét, có tờ không nói cơ quan ngôn luận của ai. Có tờ đề là của lao động, của ''dân chúng'', của “các lực lượng dân chủ''. Bài viết nhiều khi không có tên tác giả; có khi một tên bất kỳ, lúc ký tên này, lúc ký tên khác, vẫn là một người.
- Chuyển báo đã được phép từ trước, không cách mạng thành cách mạng, bằng cách thuê, mua lại:
Báo Hồn trẻ xuất bản từ ngày 15-4-1935 đến ngày l2-12-1935 được 10 số, rồi ngừng. Sáng suốt bắt mạch tình hình chính trị bắt đầu chuyển động thuận lợi, Nguyễn Thế Rục và một số đảng viên hoạt động ở Hà Nội vận động Nguyễn Mạnh Đang quản lý tờ Hồn trẻ cho sử dụng, lấy tên Hồn trẻ tập mới để kịp thời bắt tay vào cuộc đấu tranh cho dân chủ, hoan nghênh thắng lợi của Mặt trận nhân dân Pháp, tích cực hưởng ứng cuộc vận động Đại hội Đông Dương. Hồn trẻ tập mới trở thành báo cách mạng do những người cộng sản giữ vai trò chủ yếu. Đương lúc cuộc vận động Đại hội Đông Dương lên cao, thực dân Pháp hoảng sợ liền ra lệnh thu hồi giấy phép xuất bản, sau khi báo ra số 12, ngày 21-8-1936.
Về sau, nhiều tờ báo đã được xuất bản theo cách như thế, hoặc giữ tên gốc, Sông Hương, thêm tục bản, thành Sông Hương tục bản, hoặc giữ nguyên tên cũ: Tiếng trẻ, Hà thành thời báo, Thời thế, Việt dân, Kịch bóng, Phổ thông, Đời nay.
Dùng cách này, mua hẳn tên báo thì gọn, đỡ phiền nhiễu. Thuê thì có khi chủ nhân đòi lại cho người khác thuê với giá cao hơn, tờ báo từ cách mạng rơi vào tay phản cách mạng như tờ Phổ thông (1938).
Về mặt pháp lý, những tên người viết đơn xin phép vẫn còn nguyên trên măng sét nên giữ được tính hợp pháp, cứ việc xuất bản như là một sự tiếp nối, mặc dù nội dung đã khác hẳn, không phải xin phép lại.
Báo Tân xã hội được phép xuất bản theo Nghị định số 2339, ngày 29-4-1936, nhưng chưa ra số nào, lại có đơn xin thay đổi nội dung và được chuẩn y báo Khỏe, danh nghĩa là tờ báo thể thao.
Đây là một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử quản lý báo chí chính quyền thực dân ở Đông Dương và cũng là bài học về tổ chức một tờ báo cách mạng phải có phương pháp tế nhị, kín đáo, không gây ồn ào.
- Xin phép ra báo:
Trung ương và các xứ uỷ của Đảng đưa người tốt, cảm tình Đảng làm đơn đứng tên xin phép ra báo tư nhân một cách bí mật. Nội dung trong đơn chỉ viết chung chung không cụ thể, rõ ràng. Ta đã làm như thế và có kết quả như: Nguyễn Văn Lữ với Nhành lúa, Hồ Cát với Kinh tế tân văn, Đỗ Kiết Triệu với Tiến hóa tạp chí, Lương Văn Tuân với Tin tức, Nguyễn Xuân Các với Dân.
Sau khi nộp đơn, trong thời gian chờ đợi xét duyệt, ta đã chuẩn bị đầy đủ để khi nhận được nghị định là ra được nhanh Tin tức, l tháng 10 ngày sau ra số 1; Nhành lúa, 2 tháng 20 ngày; Kinh tế tân văn, 8 tháng; Dân, 3 tháng 10 ngày.
- Báo của một xứ, in và phát hành ở một xứ khác:
Ở Trung Kỳ, chế độ vua quan Nam triều phản động, thẳng tay đàn áp báo chí. Một tờ báo cách mạng, biên tập, in và phát hành tất cả ở ngay trên đất Trung Kỳ nên gặp nhiều khó khăn, có khi không thực hiện được. Để khắc phục tình hình đó ta dùng nhiều cách đối phó.
Nhành lúa được biên tập ở Huế, gửi ra in ở nhà in Đông Tây, 193 phố Hàng Bông, Hà Nội, do một đồng chí của Xứ uỷ Bắc Kỳ được phân công lo liệu, giúp đỡ. In xong, phát hành ngay ở Hà Nội, đi các nơi trong nước và đi Pháp. Riêng số 5 ra ngày 12-2-1937, đặc biệt, biếu không, chỉ có một trang nhỏ như truyền đơn là in ở Huế.
Sau khi báo Dân bị cấm, Xứ uỷ Trung Kỳ cho ra tờ Dân tiến, biên tập ở Trung Kỳ, tòa soạn và trị sự đặt ở 16D, đường Nguyễn Tấn Nghiệm, Sài Gòn. Xứ uỷ Nam Kỳ cử Huỳnh Văn Thanh đứng tên quản lý. Lúc này (tháng 12-1938) luật tự do báo chí đã được thực hiện ở Nam Kỳ. Dân tiến xuất bản được 5 số rồi đình bản. Dân muốn ra thay Dân tiến cũng biên tập ở Trung Kỳ, Phan Văn Tạo được Xứ uỷ Nam Kỳ cử ra làm quản lý, in và phát hành ở Sài Gòn.
- Ra báo tiếng Việt không xin phép:
Trung ương Đảng chủ trương ra báo tiếng Việt không xin phép, dựa trên hai yếu tố:
Một là, dựa vào Luật tự do báo chí ngày 29-7-188l đã ban hành ở Nam Kỳ, nơi có tự do báo chí như ở Pháp. Tuy bị sắc lệnh ngày 30-12-1898 xóa bỏ phi pháp, nay có điều kiện buộc chính quyền phải thực hiện theo đúng luật. Đây là văn bản pháp lý cao nhất, và chỉ có khả năng thực hiện ở Nam Kỳ;
Hai là, dựa vào phong trào quần chúng đang lên cao trong cả nước, hàng loạt tờ báo cách mạng đã ra đời, được sự ủng hộ mạnh mẽ của Mặt trận nhân dân Pháp.
Sau một thời gian ngắn chuẩn bị, ngày 22-7-1938, báo Dân chúng, cơ quan trung ương của Đảng, dưới danh nghĩa: “cơ quan của lao động và dân chúng Đông Dương'', xuất bản công khai ở Sài Gòn, không xin phép, chỉ làm thủ tục khai báo như quy định của Luật tự do báo chí năm 1881, đi ngược với mọi thể lệ vẫn phải theo đối với một tờ báo mới xuất bản từ gần 40 năm qua.
Dân chúng mở đường cho hành loạt tờ tự do xuất bản không phải xin phép, trong đó có các tờ báo cách mạng như Lao động, Dân tiến, Dân muốn, Đông Phương tạp chí, Tiến tới.
Có người cho rằng Dân quyền, Tiếng chuông mới là những tờ báo ra không xin phép trước hết. Sự thật là thế nào?
Báo Dân quyền do S. Xăngđriơ, người Pháp, chủ trương được phép xuất bản từ ngày 23-3-1935.
Nhân phong trào Đại hội Đông Dương, Dân quyền đăng bài hưởng ứng. Ngày 23-8-1936, Dân quyền nhận được lệnh thu hồi giấy phép. Ngày 8-9-1936 Dân quyền vẫn xuất bản, lập tức cả bộ máy đàn áp được điều động đến đối phó: báo bị tịch thu, chủ nhân bị truy tố trước tòa án Sài Gòn.
Xăngđriơ chống án về Tòa nhượng thẩm Pari. Sau hơn một năm xem xét, Tòa nhượng thẩm Pari tuyên bố trắng án cho Xăngđriơ ngày 29-12-1937.
Tiếng chuông của Hoàng Minh Đầu xuất bản không xin phép, ra số l ngày 13-5-1937, liền bị Cục Biện ký và Sở Mật thám gọi lên thẩm vấn. Trước cường quyền, không có thế và lực Hoàng Minh Đầu xin nhận tội và thôi ra báo.
Thực tế lịch sử đó cho ta đủ cơ sở để khẳng định rằng: Dân chúng là tờ báo đi tiên phong, mở đường cho tự do báo chí thắng lợi.
Báo chí cách mạng ra sức lợi dụng mọi điều kiện thuận lợi, mọi phương tiện kỹ thuật có thể có để thu nhập thông tin, đến tận nơi điều tra sự việc và đưa lên báo tương đối nhanh. Máy thu thanh, điện thoại, điện báo được sử dụng để lấy tin và liên lạc; xe lửa, ô tô, tàu thủy, xe đạp được sử dụng để phát hành báo. Dân chúng bị khủng bố ngày 7-3-1939, từ Sài Gòn điện cho Notre voix ở Hà Nội, nhận được ngay trong ngày 8-3-1939, số 0990/3/8/1014 của Dương Trí Phú. Trên mặt trận báo Notre voix số 9, ra ngày 12-3-1939, tin đưa và tố cáo nhà cầm quyền vi phạm Luật tự do báo chí ở Nam Kỳ.
Về tin thế giới, chúng ta nhận qua máy thu thanh và bản tin của ARIP26 do Pháp quản lý, vì vậy phải dựa vào đó mà phân tích, bình luận cho đúng sự thật, bóc được cái vỏ che đậy và xuyên tạc của họ.
Một số tờ báo từ khi mới xuất bản đã công bố kỳ hạn, nhưng nhiều tờ kể cả khi xin phép và không xin phép đều không nói kỳ hạn. Thực tiễn đấu tranh làm kỳ hạn công bố thay đổi. Trước hết là do nhiệm vụ chính trị mà ta chủ trương ra mau hơn, ví dụ tờ Tin tức, lúc đầu ra cách nhau 7 ngày, sau đó khoảng cách còn 3, 4 ngày, như các số 12, 13, 14, 15, v.v.. Dân chúng có khi cách nhau 7 ngày, có khi cách nhau 3, 4 ngày, như các số 30, 31, 32; thậm chí cách nhau 1, 2 ngày như các số 58, 59, 60. Có khi do địch khủng bố, ta phải có thời gian ổn định để tổ chức, kiểm vốn mới lại ra được báo, như Dân chúng, số 53 sau số 52 ba tuần.
Ta cố gắng phấn đấu đưa số lượng in của mỗi tờ báo lên cao dần để đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, nhưng địch lại tìm cách dìm số lượng xuống: tăng giá giấy lên làm cho ta hụt vốn; thu hẹp phạm vi độc giả bằng cách ra lệnh cấm lưu hành trong từng xứ...
Những số có nội dung đặc biệt và số tết thường in cao vọt lên, ví dụ Tin tức thường dao động giữa con số 5.500 và 6.000 bản, nhưng số 26, đặc biệt, ủng hộ hòa bình (từ ngày 17 đến ngày 20-8- 1938) in 8.000; Dân chúng thường in trên dưới 6.000 bản, số đặc biệt kỷ niệm ngày thành lập Đảng (3-1 và 7-l-1939) in 10.000 bản, số xuân 1939 in 15.000 bản.
Ta giác ngộ và tổ chức công nhân; nâng cao cảnh giác; phát hiện tay sai của địch; chép lại các bài báo của các đồng chí có cương vị quan trọng rồi mới đưa đến nhà in, không đưa nguyên bản viết tay của tác giả; tranh thủ chủ nhà in để đối phó lại hoạt động của địch.
Trước khi phát hành, báo phải nộp lưu chiểu theo quy định của nhà cầm quyền. Ở cuối mỗi số báo hay tạp chí, có chữ viết tay ngày nộp lưu chiểu, số lượng in, chữ ký của giám đốc hoặc chủ nhiệm.
Số lượng báo in ra của mỗi số đã nói lên một phần thế mạnh của báo chí nước ta. Những thế mạnh còn biểu hiện nhiều ở tổ chức đọc báo. Các tổ đọc báo, thư viện bình dân được lập ra ở nhiều nơi do Đảng đề xuất và chỉ đạo hoạt động, thường tập trung người đến nghe đọc, trao đổi và bình luận, làm cho số lượng bạn đọc nhiều lên mấy chục lần so với con số phát hành.
b) Nội dung chủ yếu và những hình thức thể hiện của báo chí cách mạng
Báo chí được dịp đăng nhiều bài công khai tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin với tính cách là vũ khí chiến đấu của giai cấp công nhân và nhân dân ta trên con đường giải phóng.
Sông Hương tục bản đăng liền trên 3 số: 8, 9, 10, ra ngày 26-8, ngày 2 và ngày 11-9-1937, bài ''Văn học và chủ nghĩa duy vật” của Hải Triều. Mới đăng từ số 2 đến số 5, ra từ ngày 15-5 đến
ngày l-7-1939, bài ''Ý tưởng và học thuyết nhân quả” của Sơn Trà. Tô Vệ dịch “Kinh tế học mácxít'' của G. Baby đăng trên tờ Đời nay.
Những bài văn chính luận là một loại hình văn học có tính khoa học, tính chiến đấu mạnh mẽ.
Những bài lý luận chính trị trên Notre voix như ''Chủ nghĩa dân tộc và chúng tôi'' (số l, 2), “Lênin và mặt trận nhân dân'' (số 4), “Lênin bàn về chiến tranh và hòa bình'' (số 12, l3); trên Dân chúng, như: ''Chiến tranh và quyền tự do dân chủ'' (số 19), ''Cách mạng và cải lương'' (số 34, 35) v.v..
Những bài chính trị mang tính lý luận, trên Tin tức có “Đi tới Mặt trận Bình dân Đông Dương'' (số 7, 8), “Mặt trận Bình dân hay Mặt trận Dân chủ (số 9), “Đi tới Mặt trận Dân chủ Đông Dương'' (số 11), ''Chính sách lập Mặt trận Dân chủ (số 25); trên Notre voix, có “Nền hòa bình mà chúng ta muốn'' (số l), Bảo vệ hòa bình như thế nào?” (số 2), ''Với nhân dân Pháp'' (số 6). Nhân kỷ niệm lần thứ 150 ngày cách mạng dân chủ tư sản Pháp (1789). Võ Nguyên Giáp với bút danh Hồng Thạch, viết một bài nghiên cứu tính chất, ý nghĩa của cuộc cách mạng tư sản, liên hệ với tình hình đấu tranh cho tự do dân chủ, cải thiện đời sống hiện tại, đăng trên Notre voix 5 số liền (từ số 18 đến số 22) với nhan đề “Kỷ niệm lần thứ 150 cuộc cách mạng Pháp và chính sách của chúng ta để phòng thủ Đông Dương một cách vững chắc”, v.v..
Lần đầu tiên văn kiện của Đảng được đăng công khai trên báo Le Peuple số 26, ngày 23-6-1938, với nhan đề “Bức thư công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương gửi Đảng Cộng sản Pháp”; sau đó lại đăng ''Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với thời cuộc''. Dân chúng là tờ báo thứ hai, sau Le Peuple, đăng “Bức thư công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương gửi Đảng Cộng sản Pháp'' (số 31) và ''Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với thời cuộc'' (số 62), còn các tờ báo khác chỉ nói đường lối, quan điểm của Đảng dưới hình thức trình bày tinh thần với danh nghĩa Mặt trận Dân chủ.
Nhân kỷ niệm lần thứ chín ngày thành lập Đảng, lần đầu tiên Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương công bố một tài liệu nghiên cứu về lịch sử, đăng trọn 4 trang số 41 và phần lớn số 42 trên báo Dân chúng, nhan đề ''15 năm vận động cộng sản và 9 năm thành lập Đảng Cộng sản ở Đông Dương”; “Lịch sử cộng sản vận động ở Đông Dương''. Notre voix số 2 và 3 đăng bài “Đảng Cộng sản Đông Dương 9 tuổi''. Đây là những bài viết có hệ thống, mang tính lý luận và có giá trị về lịch sử.
Về vấn đề quốc tế cùng với việc giới thiệu Quốc tế Cộng sản, báo chí có bài giới thiệu về G.
Đimitơrốp, Tổng Bí thư của Quốc tế Cộng sản qua tiểu sử (Thế giới, từ số 3 đến số 9) và cuộc đấu tranh chống phát xít trước tòa án Laipxích, nhan đề ''Vụ án lớn nhất trong thời đại chúng ta”
(Notre voix, số 9 và số 32), tạo nên lòng kính trọng sâu sắc và biết ơn của nhân dân ta đối với người cộng sản lỗi lạc, người anh hùng của thời đại.
Báo chí làm rõ ranh giới giữa ''Đệ tam quốc tế” (Quốc tế III - Quốc tế Cộng sản) là cách mạng với ''Đệ tứ'' là phản cách mạng, bảo vệ ''Đệ tam'', chống lại “Đệ tứ'' và đồ đệ của chúng là các phái tơrốtxkit ở Đông Dương.
Liên Xô từ lâu đã là niềm tin, niềm hy vọng của nhân dân ta. Trong thời kỳ này, báo chí cách mạng mở rộng tuyên truyền thường xuyên về Liên Xô, như trích đăng báo cáo của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô ngày 3-3-1937 (L’Avant garde). Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ
XVIII Đảng Cộng sản Liên Xô ngày 10-3-1939 (Notre voix), giải thích đúng đắn Hiệp ước Xô - Đức ký ngày 23-8-1939; giới thiệu, nghiên cứu, dịch thuật, sáng tác về văn học, ca ngợi Liên Xô.
Với Đảng Cộng sản Pháp và Mặt trận nhân dân Pháp, báo chí giới thiệu những chủ trương cải cách tiến bộ ở Pháp và các thuộc địa của Pháp, qua các bài phát biểu của M. Tôrê (M. Thorez), G.
Đuyclô (J. Duclos), H. Lôđơray (H. Lozeray) đấu tranh trong nghị trường. Những hoạt động của Ônen (Honel), nghị sĩ cộng sản, uỷ viên Trung ương, phái viên trong thời gian sang Đông Dương được tường thuật, gây thiện cảm cho nhân dân. Việc Ônen đến Nhà hát lớn Sài Gòn xem diễn vỡ
“Đời cô Lựu”, từ chối không tiếp đại diện phái tơrốtxkit được dư luận hết sức hoan nghênh.
Với mặt trận chống phát xít của các nước Tây Ban Nha, Trung Quốc, Ba Lan, Tiệp Khắc v.v., báo chí đưa tin, bình luận với thái độ tích cực ủng hộ các phong trào chống phát xít. Đối với Trung Quốc, báo chí không những ủng hộ bằng tinh thần mà còn vận động giúp đỡ quần áo, thuốc men, tiền bạc, đùm bọc những người chạy sang Việt Nam để tránh chiến tranh của phát xít Nhật.
Báo chí cổ động quần chúng tham gia những cuộc đấu tranh, đáng chú ý là những sự kiện lớn sau đây:
1. Cuộc vận động Đại hội Đông Dương tháng 9-1936. Phong trào mở đầu và phát triển trước hết ở Nam Kỳ, sau lan ra khắp Đông Dương. Hồn trẻ tập mới nhạy bén hưởng ứng say sưa, nhiệt tình, kịp thời thất. Le Travail và Tân xã hội hăng hái cổ động.
2. “Đón'' Gôđa và Brêviê đưa kiến nghị. Tháng 1-1937, Chính phủ Pháp cử Gôđa sang điều tra tình hình và Brêviê nhậm chức Toàn quyền Đông Dương, Đảng Cộng sản Đông Dương đã tổ chức, huy động, hướng dẫn quần chúng mang khẩu hiệu, viết nguyện vọng, đến nơi tập trung và đi có trật tự đến gặp Gôđa.
Cũng trong dịp này, báo chí hướng dẫn quần chúng tổ chức và làm kiến nghị đưa lên Toàn quyền và phản ánh tin tức về khí thế sôi nổi của quần chúng trong cả nước.
3. Bầu cử và đấu tranh nghị trường. Cuộc tranh cử đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương đưa người ra là cuộc bầu bổ sung vào Viện Dân biểu Bắc Kỳ tháng l-1937, thay cho Trần Quang Vinh chết cuối năm 1936. Trịnh Văn Phú nhân danh nhóm Le Travail, đại biểu thương mại Hà Nội, dùng báo và truyền đơn cổ động, kết hợp với các hình thức vận động khác do Xứ uỷ Bắc Kỳ trực tiếp chỉ đạo đã thắng cử, làm nghị viện, đánh bại Phúc Đình tay sai của địch.
Trong cuộc bầu cử Hội đồng thành phố Hà Nội tháng 7-1937, Khuất Duy Tiến nhân danh nhóm Tin tức được giới thiệu ra ứng cử, là người của Mặt trận Dân chủ, đã từng viết trên tất cả các tờ báo xuất bản ở Hà Nội mà địch gọi là ''báo cộng sản''. Đơn của Khuất Duy Tiến bị bác, vì anh đã ''can án'' cộng sản từ Côn Lôn (Côn Đảo) về. Nhưng cử tri vẫn bỏ phiếu cho anh cùng với Phan Thanh và những người khác được Đảng vận động.
Cuộc bầu cử Viện Dân biểu Trung Kỳ tháng 8-1937, ta sử dụng tờ Sông Hương tục bản giải thích cho quần chúng hiểu quyền lợi của mình, chọn người xứng đáng để bầu, vạch mặt, chỉ tên những kẻ sâu mọt, thối nát. Kết quả, Mặt trận Dân chủ thắng lớn, gây được uy tín cao, nắm được cả chức viện trưởng, viện phó. Sau đó, Xứ uỷ Trung Kỳ sử dụng tờ Dân để chỉ đạo cuộc đấu tranh trong nghị trường, lập một chiến công lớn là làm phá sản dự án thuế thân thứ nhất và dự án thuế điền thổ do Khâm sứ đưa ra.