Giai đoạn 1945 - 1954 đã tạo nên một dấu ấn đặc biệt trong lịch sử Việt Nam. Trong khoảng chưa tròn hai mươi năm ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân đã nhất tề đứng dậy làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời, lở đất, giành lại chính quyền từ tay phát xít Nhật và thực dân Pháp, kết thúc đêm trường nô lệ 80 năm. Nhưng ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dân tộc ta đã bước vào một cuộc chiến đấu mới vô cùng gian khổ, ác liệt để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ đánh bại toàn bộ quân xâm lược Pháp dưới sự bảo trợ của bọn can thiệp Mỹ. Đây cũng là thời kỳ báo chí cách mạng Việt Nam có bước phát triển mới, đóng góp xứng đáng vào chiến thắng chung của dân tộc.
Từ nhận thức đúng đắn về vai trò to lớn của báo chí trong tuyên truyền chính sách, giác ngộ, nâng cao trình độ nhận thức của nhân dân, động viên, cổ vũ toàn dân tộc tham gia kháng chiến, kiến quốc, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo xây dựng hệ thống báo chí cách mạng công khai. Ngay sau ngày lễ Tuyên ngôn độc lập, dưới sự chỉ đạo của Hồ Chủ tịch, Thông tấn xã Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam đã ra đời. Đây là hai loại hình phương tiện báo chí đã tạo điều kiện đưa thông tin về cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc ta, vượt ra ngoài biên giới quốc gia, góp phần tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng hòa bình, tiến bộ trên thế giới.
Trong suốt toàn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, báo, tạp chí, đài phát thanh đã bám sát thực tiễn cuộc sống, cùng chia sẻ gian khổ, hiểm nguy với nhân dân, bộ đội, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của cuộc kháng chiến. Trong chiến tranh ác liệt, mỗi dòng tin báo chí, mỗi tiếng nói trên Đài Tiếng nói Việt Nam trở thành vô cùng quý báu, có sức mạnh to lớn trong việc củng cố niềm tin, động viên, cổ vũ đồng bào, chiến sĩ - đặc biệt là nhân dân vùng địch hậu.
Trong bài nói tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò của báo chí trong giai đoạn 1945 - 1954, đó là ''đã đóng góp vào cuộc kháng chiến thắng lợi”.
Kể từ sau ngày 19-12-1946, hệ thống báo chí của Đảng, Nhà nước, của Mặt trận Việt Minh, của các tổ chức, đảng phái yêu nước, của các cơ quan thuộc bộ máy quản lý chính quyền về cơ bản đã di chuyển lên các vùng chiến khu. Trong thời gian này, những người làm báo phải sống và làm việc trong môi trường rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Do phải sơ tán liên tục, hầu như mọi tờ báo đều sụt giảm số lượng bạn đọc. Vai trò của lực lượng cộng tác viên cũng bị suy giảm trầm trọng.
Nhà báo lúc này không chỉ làm nhiệm vụ thông tin đơn thuần mà nhiều khi họ là những chiến sĩ thực thụ trực tiếp cầm súng ra trận, không ít người đã hy sinh anh dũng trên chiến trường. Trước sức o ép ngày càng khốc liệt của kẻ thù, các cơ quan báo chí phải tự tổ chức lại. Có những tờ nhận thấy vai trò của mình không còn phù hợp với thực tiễn cách mạng đã tự đóng cửa hoặc sáp nhập với tờ khác. Các tòa soạn đều sắp xếp lại nhân sự cho gọn nhẹ, cơ động, phù hợp với tình hình thời chiến.
Trong điều kiện chiến tranh, giao thông liên lạc không thuận lợi, tình hình chiến sự mỗi nơi mỗi khác, Đảng và Nhà nước ta chủ trương khuyến khích phát triển loại báo địa phương. Để hạn chế tính quan liêu cửa quyền của một số cơ quan quản lý, từ năm 1948, Chính phủ đã ban hành một số văn bản, giao quyền cho cấp Uỷ ban hành chính kháng chiến tỉnh, liên khu cấp phép, kiểm duyệt, hàng tháng chỉ phải làm báo cáo gửi lên Bộ Nội vụ. Cách điều phối này đã tạo điều kiện cho dòng báo chí địa phương phát triển mạnh mẽ. Tình hình này cũng, làm nảy sinh một số vấn đề. Do báo ra ngày càng nhiều, địa phương lại không có khả năng bao cấp, nên để có thể tự nuôi sống mình, một số báo đã có những biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh, việc xử lý đánh giá thông tin không thống nhất, thậm chí có khi mâu thuẫn nhau. Có địa phương quá đề cao mình, coi hệ thống báo chí của mình là trên hết. Tờ nào cũng cố kéo các nhà lãnh đạo trung ương viết bài cho mình, nhiều khi chỉ để lấy tiếng chứ không hoàn toàn vì lợi ích địa phương. Vì hình thức, những tờ báo này cũng cố bắt chước ở các báo chí trung ương từ kiểu chữ, tên báo đến cách viết, đặt đề mục...
Cách làm này lúc đầu cũng được bạn đọc chú ý, nhưng dần dần họ thấy nhàm chán vì tính đơn điệu của chúng.
Nhìn chung, từ đầu năm 1947, báo chí cách mạng thu hẹp dần số lượng. Tới năm 1952, cả nước chỉ còn hơn 50 tờ báo các loại. Số đầu báo tuy giảm nhưng đối tượng phục vụ lại được mở rộng.
Chẳng hạn, báo Sự thật từ đầu năm 1948 trở đi không chỉ phục vụ cán bộ, đảng viên mà còn là tờ báo chung cho mọi tầng lớp nhân dân. Ngoài những bài có tính lý luận, tài liệu huấn luyện cán bộ, báo Sự thật còn rất coi trọng việc thông tin những vấn đề thời sự. Từ ngày lên chiến khu, nguồn cung cấp thông tin báo chí không còn được thuận lợi như trước. Các địa phương bị vây hãm, chia cắt làm cho thông tin, nếu có đến được với tờ báo nào đó thì cũng thường bị chậm, không ổn định, lúc có lúc không, Tin dành cho báo chí thời này chủ yếu lấy từ các nguồn như: Chính phủ, các ban ngành đoàn thể, đơn vị, các đài phát thanh trong và ngoài nước. Một số báo đã linh hoạt khai thác
thông tin của báo, đài phương Tây đưa tin về những thất bại, tổn thất của họ trong một số chiến dịch, trận đánh. Ở một mức độ nhất định, cách làm này đã giúp báo chí đưa tin kịp thời và tăng giá trị chiến thắng của ta vì địch thừa nhận các thất bại của họ. Cách làm này góp phần kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần kháng chiến của quân dân ta và làm cho người dân vùng tạm chiếm ngày càng tin tưởng nào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến. Trong những năm 1946 - 1954 do hoàn cảnh kháng chiến và nhiều nguyên nhân khác, báo chí cách mạng tại vùng chiến khu thường không bảo đảm đúng định kỳ và số trang ổn định. Một tờ tuần báo tuỳ theo tình hình, có thể tăng lên vài số một tuần, hoặc cũng có khi hàng tháng mới ra một số. Thông thường, một tờ báo thời kỳ này chỉ ra 4 trang, nhưng nếu cần thiết, để phục vụ mục tiêu tuyên truyền quan trọng, báo sẵn sàng ra hàng chục trang. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, báo chí tư nhân cũng khá phát triển tại các vùng chiến khu. Mặc dù chúng thuộc về cá nhân (của các nhân sĩ, trí thức, tiểu tư sản thành thị) nhưng hầu hết các tờ báo này đều mang màu sắc yêu nước, ít nhất là có thiện cảm với các chủ trương, đường lối, chính sách của Mặt trận Việt Minh, đối lập với báo chí vùng tạm chiếm. Nói cách khác, ở các vùng tự do, thời gian này không có báo đối lập với chính quyền nhân dân. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi cho công tác quản lý báo chí của Đảng và Nhà nước. Dù là báo tư nhân hay của chính quyền thì giữa chúng vẫn có một số điểm chung, thống nhất là ủng hộ triệt để nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc; chống kẻ thù ngoại xâm và chế độ phong kiến đến cùng;
hướng tới một chế độ tự do, công bằng, văn minh.
Những nội dung trên đã đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của toàn dân, được nhân dân ủng hộ.
Sức tác động của báo chí cách mạng giờ đây không chỉ bó hẹp trong các vùng tự do mà còn được mở rộng ra các vùng tạm chiếm lân cận, tới các thành phố lớn trong cả nước. Nhiều tờ báo tiến bộ trong vùng địch kiểm soát cũng tạm cách bày tỏ thiện chí đối với cuộc kháng chiến chống Pháp do Mặt trận Việt Minh phát động, phần nào bày tỏ được quan điểm yêu tự do của cả dân tộc. Nếu như vào những năm đầu của cuộc kháng chiến, báo chí cách mạng còn có những hạn chế về số lượng, chất lượng, chủ yếu tập trung tại các căn cứ Việt Bắc, Liên khu IV, Liên khu V, vùng Đồng Tháp Mười, thì từ những năm năm mươi, dòng báo chí này được mở rộng ra khắp cả nước, lấn át dần các đồng báo chí khác, lôi cuốn chúng đi theo mình, nếu không muốn hứng chịu sự thờ ơ, ghẻ lạnh của bạn đọc.
_________________
1.Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, tr.548.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.480.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.164.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.11, tr.199.
5. Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp – thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.202.
6,7. Đảng Cộng sản VIệt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.8, tr.202.
CHƯƠNG III
BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM THỜI KỲ 1954 - 1975