Hoạt động báo chí của một số tờ báo tiêu biểu

Một phần của tài liệu Lịch sử báo chí cách mạng việt nam (Trang 153 - 164)

II. BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM GIAI ĐOẠN CẢ NƯỚC CÓ CHIẾN TRANH 1965 -

4. Hoạt động báo chí của một số tờ báo tiêu biểu

Trong 10 năm (1965 - 1975), báo Nhân dân luôn ở vị trí hàng đầu tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng, phản ánh kịp thời tình hình chiến tranh và tinh thần chiến đấu chống đế quốc Mỹ của quân và dân cả nước. Đồng thời, báo cũng chú trọng phản ánh phong trào thi đua lao động

sản xuất, xây dựng đất nước của nhân dân miền Bắc, những hoạt động ngoại giao, những thành tựu về văn hóa, giáo dục và khoa học...

Báo Nhân dân tiếp tục ra hàng ngày, 4 trang, khổ 75x42cm. Trên trang nhất, ở vị trí quan trọng báo đưa tin chiến thắng trên các chiến trường miền Nam, tin chiến đấu chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc và tin lao động sản xuất của nhân dân miền Bắc. Đầu đề tin được in cỡ chữ to, đậm.

Phần tin thời sự này thường chiếm 213 diện tích trang báo. Phần còn lại là xã luận và tin ngoại giao.

Trang 2 thường dành toàn bộ cho các bài viết về lao động sản xuất, các chuyên mục xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc như ''Xây dựng chi bộ bốn tốt'', “Sử dụng hợp lý sức lao động và chống lãng phí sức lao động'', ''Tăng năng suất trồng trọt và chăn nuôi, tăng năng suất lao động trong nông nghiệp''... bao gồm các bài phản ánh sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, phổ biến khoa học kỹ thuật, cung cách quản lý, xây dựng chế độ quản lý xã hội chủ nghĩa, những thành tựu về văn hóa, giáo dục, y tế...

Trang 3 dành để phản ánh hiện thực cuộc sống chiến đấu của quân và dân cả nước với nhiệm vụ đánh Mỹ và ngụy quân Sài Gòn; phong trào cách mạng quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ của nhân dân ta. ''Nhân dân anh hùng, thời đại anh hùng''; ''Bài từ miền Nam gửi ra'' là những chuyên mục chuyển tải những điển hình trong chiến đấu.

Trang 4 là trang tin quốc tế.

- Phản ánh phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc:

Lao động sản xuất để từng bước xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là một trong hai nhiệm vụ chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, nhân dân miền Bắc vừa phải chiến đấu đánh trả các cuộc ném bom phá hoại của không quân Mỹ, vừa phải tăng cường lao động sản xuất làm hậu cứ vững chắc, chi viện cho miền Nam đánh Mỹ, giữ nước. Bên cạnh các bài viết phản ánh những thành tích tăng năng suất lao động như Cánh đồng năm tấn;

Ngọn cờ Bắc Lý, Mỗi người thi đua làm việc bằng hai..., báo Nhân dân còn mở nhiều mục để trao đổi, thảo luận về các vấn đề đặt ra trong quá trình đi lên xây dựng nền kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa.

Năm 1966, báo Nhân dân mở mục trao đổi ý kiến về vấn đề: “Sử dụng hợp lý sức lao động và chống lãng phí sức lao động''. Trong bài mở đầu số ra ngày 9-4-1966, đồng chí Hoàng Tùng, Tổng biên tập báo Nhân dân nêu rõ:

''Trong thời bình vấn đề tiết kiệm sức lao động đã rất quan trọng, trong hoàn cảnh vừa sản xuất vừa chiến đấu hiện nay, vấn đề này lại trở nên bức thiết. Trên các công trường, cán bộ, công nhân, thanh niên xung phong đã có nhiều cố gắng nhằm hoàn thành đúng thời hạn các công trình.

Nhưng tình hình lãng phí sức lao động còn khá phổ biến và nghiêm trọng. Chúng ta phải làm sao gây được một dư luận xã hội thật rộng rãi, đấu tranh chống những hiện tượng lãng phí sức lao động và làm cho đông đảo cán bộ, công nhân, thanh niên xung phong và những người lao động khác trên các công trường có ý thức quý trọng và tiết kiệm sức lao động, tích cực góp phần tổ chức, phân phối sử dụng lao động tốt hơn, đạt năng suất cao và tiết kiệm sức lao động để đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn của sự nghiệp cách mạng cứu nước''.

Bài viết chỉ ra những nguyên nhân lãng phí sức lao động như: chưa thấu suốt nhiệm vụ, lấy lý do phục vụ chiến đấu, công việc để gấp rút lấy người, tuyển người ồ ạt mà không nghĩ đến cải tiến kỹ thuật, lao động sáng tạo. Trình độ quản lý, trình độ khoa học kỹ thuật của người cán bộ quản lý còn thấp. Có người trước đây là cán bộ chính trị nay chuyển sang quản lý công trường mấy nghìn người, làm việc theo lối gióng trống mở cờ, động viên cật lực mà không tổ chức lao động hợp lý, cải tiến công cụ lao động. Sự chỉ đạo của nhiều cơ quan cấp trên còn quan liêu, không sát thực tế, chỉ nhấn mạnh yếu tố tinh thần, tư tưởng, không tính toán cân nhắc kỹ các mặt tổ chức và kỹ thuật...

Báo đã có loạt bài đăng liên tục như: “Sử dụng hợp lý thời gian lao động trên các công trường xây dựng cơ bản'' của Tân Sắc (ngày 10-4-1966), ''Coi trọng việc tổ chức lao động trên các công trường thủy lợi'' của Phi Bằng (ngày 10-4-1966), “Năng suất lao động bình quân trong ngành xây dựng cơ bản 1965 còn thấp'' của Thần Thu (ngày 12-4-1966), “Kinh nghiệm quản lý công tác xây dựng cơ bản trong thời chiến của tỉnh Quảng Bình'' của Võ Văn Kinh (ngày 13-4-1966), ''Tăng cường công tác quản lý lao động trên các công trường'' của Nguyễn Đức Thụy (ngày 16- 4-1966).

Mục ''Tăng năng suất trồng trọt và chăn nuôi, tăng năng suất lao động trong nông nghiệp'' kéo dài trong sáu tháng cuối năm 1966 với 42 bài trao đổi ý kiến và kinh nghiệm. Báo đã tổ chức sơ kết, sau đó mục này còn kéo dài cả năm 1967. Các bài viết chú trọng việc tăng sản lượng cây trồng; tăng năng suất trên đơn vị diện tích canh tác, kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt, cải tạo sử dụng hợp lý ruộng đất, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, coi trọng công tác thủy lợi...

Những điển hình tăng năng suất lao động cao như hợp tác xã Nam Tiến (Phú Thọ); xây dựng đồng ruộng ở Hưng Yên; phát triển chăn nuôi trồng trọt ở Thổ Tang (Vĩnh Phúc); Gia Viễn (Ninh Bình); Tăng năng suất ngô màu ở Anh Sơn...

Bước sang năm 1967, mục này được duy trì với một cuộc trao đổi kinh nghiệm bổ ích giữa các huyện năm tấn “Huyện uỷ cải tiến sự chỉ đạo trong nông nghiệp như thế nào để đạt năm tấn thóc một hécta”. Bao gồm các bài viết về cuộc trao đổi giữa báo Nhân dân với lãnh đạo một số huyện thuộc các tỉnh Thái Bình, Phú Thọ, Hưng Yên, Hà Tây, Nghệ An... để tìm câu trả lời làm thế nào để đạt năm tấn thóc một hécta.

Sau cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ lần thứ hai, nhân dân miền Bắc tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, ra sức chi viện cho miền Nam, nên nội dung thông tin trên báo Nhân dân cũng có những thay đổi nhất định.

Báo ưu tiên thông tin về phong trào lao động sản xuất trong cả nước, nhất là nhân dân các địa phương miền Bắc. Ngoài ra, báo có nhiều bài viết phản ánh lao động sản xuất trong nông nghiệp, công nghiệp, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học. Tiêu biểu là các bài: ''Thêm một mùa gặt khảo cổ học”, số ra ngày 8-7-1973 của Phạm Huy Thông ''Tổ chức và hướng dẫn học sinh đại học nghiên cứa khoa học”, số ra ngày 14-8-1973 của Vũ Dương Ninh; “Gọi tên các dân tộc như thế nào cho đúng”, số ra ngày 25-7-1974 của Đặng Nghiêm Vạn; “Khám phá những mật của khí tượng nhiệt đới”, số ra ngày 28-7-1974 của Nguyễn Ngọc Thụy, v.v.. Đặc biệt, báo có loạt bài viết đăng nhiều kỳ của nhà báo Phan Quang trong dịp đi công tác tại các nước xã hội chủ nghĩa

như bài “Sức hấp dẫn mới của đất nước Đimitơrốp”, ''Việc áp dụng phương pháp công nghiệp vào sản xuất”, với loạt bài kèm theo như “Đi vào chiều sâu”; “Hóa học với nghề nông”, “Kỹ thuật quản lý và con người”.

- Phản ánh cuộc chiến đấu chống Mỹ của quân và dân ta trong cả nước:

Đây là mảng đề tài chính, được báo Nhân dân nói riêng và các phương tiện thông tin đại chúng nói chung dành vị trí trang trọng với diện tích trang báo đáng kể để chuyển tải. Ở trang nhất báo Nhân dân, bất kỳ số nào được xuất bản trong 10 năm giai đoạn 1965 - 1975 được kéo hàng tít chữ to đậm nổi bật về thời sự thắng lợi của quân dân hai miền Nam Bắc. Đặc biệt, năm 1967, 1968 quân và dân miền Nam anh hùng đã đập tan chiến lược ''Chiến tranh cục bộ'', ''Việt Nam hóa chiến tranh''. Tin chiến thắng bắn rơi hàng trăm máy bay Mỹ trong các cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại (1965 - 1966); (1969 - 1973). Hàng ngàn, hàng vạn lính Mỹ - ngụy phải đền tội, hàng trăm hàng ngàn máy bay Mỹ bị bắn rơi trên khắp chiến trường miền Bắc đã chứng tỏ chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta đã phát huy, thăng hoa cao độ. Thắng lợi đó là kết quả của ý chí kiên cường, không sợ hy sinh gian khổ, không chịu khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào. Sức mạnh đó thể hiện ý chí, tinh thần đoàn kết của mọi tầng lớp nhân dân, thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, đường lối nhất quán trong việc chỉ đạo toàn dân, toàn quân ta vì sự sống còn của dân tộc, với tinh thần ''Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do'' mà Bác Hồ đã ra lời kêu gọi.

Ngoài trang nhất là tin chiến sự nóng hổi hàng ngày, báo Nhân dân còn dành phần lớn trang 3 để đăng những bài viết của phóng viên, cộng tác viên phản ánh cuộc sống chiến đấu đầy hy sinh, vất vả nhưng cũng đầy vinh quang của nhân dân ta trên khắp mọi miền. Thông qua các bài phản ánh, bài phóng sự, ghi nhanh, bức tranh thành đồng Tổ quốc hiện lên sinh động trong máu lửa. Cuộc sống của nhân dân Củ Chi trong địa đạo sâu dưới lòng đất, của nhân dân Quảng Trị, đường 9, Khe Sanh bám trụ trên cát trắng những ngày hè đổ lửa, của nhân dân Nam Bộ thoắt ẩn, thoắt hiện giữa các miệt vườn, cánh đồng hoang, kênh rạch nhằng nhịt để bảo vệ mình, tìm địch mà đánh.

Đặc biệt, đầu năm 1967, báo Nhân dân đã dành 3 số (từ ngày 6-l-1967 đến ngày 8-1-1967) để tường thuật, tuyên truyền Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước được tổ chức tại Hà Nội. ''Một đại hội chiến đấu lớn nhất của miền Bắc trong một khung cảnh chiến đấu hùng tráng và một khí thế chiến đấu sục sôi của Thủ đô và của cả nước... Một cuộc gặp mặt to nhất và hào hứng nhất giữa những người và đơn vị mà sự tích anh hùng đã và đang cổ vũ tất cả chúng ta suốt hơn hai mươi năm chiến đấu chống Mỹ vừa qua''.

Đại hội đón chào hơn 500 anh hùng, chiến sĩ thi đua cả nước về dự.

Nhân dịp này, báo Nhân dân mở mục “Nhân dân anh hùng, thời đại anh hùng'' để giới thiệu những thành tích, những chiến công của các tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua, như chủ nhiệm hợp tác xã Mạnh Trữ (Vĩnh Phúc), Nguyễn Văn Tắc; Lớn lên với nhà máy xã hội chủ nghĩa (về anh hùng Đào Thị Hào); Những con đường trắng (về anh hùng đồng muối Hồ Thị Lượm); Nhằm thẳng quân thù mà bắn (về liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân); Suốt đời quên mình vì Đảng vì dân (về anh hùng Trần Văn Thọ); anh hùng dân quân Lê Đăng Tối; Tiểu đoàn 14 anh hùng Nguyễn Viết Xuân…

b) Tạp chí Học tập (1955 - 1976)

Với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cách mạng nước ta chuyển sang giai đoạn mới. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, từ căn bản hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa. Miền Nam còn ở dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, phải tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Nhiệm vụ chung của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn này là thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II họp tháng 3-1955 đã nhận định: qua 8 - 9 năm kháng chiến, Đảng ta đã được rèn luyện và lớn lên nhiều. Sự lãnh đạo của Đảng về các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức đều có tiến bộ rõ rệt. Tuy vậy, trước tình hình đang thay đổi mạnh mẽ, từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, từ nông thôn chuyển vào thành thị, từ phân tán chuyển đến tập trung, trong Đảng bộc lộ những biểu hiện hữu khuynh và ''tả'' khuynh.

Công tác tư tưởng và lý luận chưa đáp ứng đúng mức yêu cầu của nhiệm vụ chính trị. Để ''giúp vào việc nghiên cứu chính sách và giáo dục, tư tưởng, bước đầu xây dựng công tác lý luận của Đảng'', Hội nghị lần thứ bảy của Trung ương Đảng đã ra nghị quyết xuất bản Tạp chí Học tập.

Đề án xuất bản được Bộ Chính trị thông qua, đã nêu rõ tính chất nhiệm vụ, đối tượng và phương châm biên tập của tạp chí.

Tạp chí Học tập là ''cơ quan lý luận và chính trị của Đảng'', do Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo. Nhiệm vụ của tạp chí là ''lấy học thuyết Mác - Lênin làm cơ sở, kết hợp chặt chẽ lý luận Mác - Lênin với thực tiễn cách mạng nước ta để tuyên truyền, giáo dục đường lối, phương châm, chính sách của Đảng một cách sâu sắc''; tạp chí còn có nhiệm vụ ''hướng dẫn cán bộ học tập theo chương trình do Đảng quy định''. Đối tượng phục vụ của tạp chí là: ''Cán bộ Đảng từ trung cấp trở lên, những cán bộ ngoài Đảng và những người trí thức thích nghiên cứu chính trị và có trình độ đọc hiểu được''. Phương châm biên tập của tạp chí là ''căn cứ vào nhiệm vụ trung tâm và những công tác lớn của Đảng trong từng thời kỳ mà định trọng tâm biên tập làm cho nội dung tạp chí gắn chặt với chính sách và sinh hoạt chính trị, sinh hoạt tư tưởng của Đảng''. Tạp chí ''dựa trên cơ sở học thuyết Mác - Lênin để giải thích đường lối, phương châm, chính sách của Đảng, kết hợp với thực tế nước ta mà giáo dục lý luận. Cụ thể là căn cứ vào những chính sách và công tác lớn của Đảng, trình bày những vấn đề lý luận chung quanh chính sách và công tác ấy, nhằm vạch rõ cơ sở lý luận của nó, rồi lại căn cứ vào tình hình cụ thể của Việt Nam mà phân tích thêm, kết hợp lý luận Mác - Lênin với thực tế nước ta, làm cho cán bộ nắm vững nội dung, thực chất của các chính sách của Đảng, đồng thời đấu tranh chống những tư tưởng lạc hậu, sai lầm, trở ngại cho việc thực hiện các chính sách''; tạp chí cần tập trung vào những vấn đề chính trong nước, đồng thời dành một phần cần thiết cho những vấn đề quốc tế quan trọng.

Trong bài ''Việc xuất bản Tạp chí học tập và công tác xây dựng Đảng'' đăng trong số đầu tiên của tạp chí, đồng chí Trường Chinh viết: ''Tạp chí Học tập phải đóng một vai trò xứng đáng trong công tác tư tưởng và công tác tổ chức của Đảng, trong công tác xây dựng, phát triển và củng cố Đảng... Nó phải đem lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin mà soi sáng những chính sách lớn của Đảng, nâng cao nhận thức của cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng về tư tưởng, chính sách giúp cho họ tránh được những khuyết điểm, sai lầm trong khi thi hành những chính sách ấy. Ngược lại, nó phải góp phần làm cho cán bộ qua công tác cụ thể, chấp hành chính sách mà củng cố được lập trường, nâng cao được trình độ tư tưởng và lý luận... Mong rằng với Tạp chí Học tập ra đời, Đảng

ta sẽ đẩy mạnh phê bình, tự phê bình, đẩy mạnh đấu tranh chống mọi khuynh hướng sai lầm trong khi chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và của Chính phủ, chống mọi sự xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin và những lệch lạc về tư tưởng đã khá nhiều ở nước ta hiện nay. Đồng thời, Đảng sẽ làm cho tư tưởng, lý luận của mình tiến trước và chỉ đường cho công tác thực hành, khắc phục được chủ nghĩa sự vụ, hẹp hòi hiện đang phổ biến trong cán bộ, đảng viên và cán bộ ngoài Đảng''.

Bộ Chính trị đã cử ra một Ban biên tập tạp chí do đồng chí Trường Chinh làm Tổng biên tập, đồng chí Trần Quang Huy làm Thư ký tòa soạn.

Sau một thời gian ngắn khẩn trương chuẩn bị, Tạp chí Học tập ra số 1 vào tháng 12-1955 và kéo dài suốt từ năm 1955 đến năm 1976.

Trong những năm đầu, tạp chí tập trung phục vụ các nhiệm vụ công tác lớn của Đảng: đấu tranh đòi thi hành Hiệp nghị Giơnevơ nhằm thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà; hoàn thành cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, khôi phục kinh tế, tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Từ ngày 5 đến ngày 10-9-1960, Đảng ta họp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III tại Hà Nội. Đại hội chỉ rõ, trong giai đoạn hiện tại cách mạng nước ta có hai nhiệm vụ chiến lược: một là, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; hai là, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước. Hai nhiệm vụ ấy có quan hệ mật thiết với nhau và có tác dụng thúc đẩy lẫn nhau. Trong đó, tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng Việt Nam, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà. Đại hội chỉ rõ nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ ở miền Bắc nước ta là công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, mà mấu chốt là ưu tiên phát triển công nghiệp nặng. Đại hội đã thông qua phương hướng và nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) nhằm mục tiêu phấn đấu xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, thực hiện một bước công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa và hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, tiếp tục đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.

Trước tình hình mới và nhiệm vụ mới hết sức nặng nề, để tạp chí lý luận của Đảng làm tốt được vai trò của mình, Trung ương Đảng, đặc biệt là Bộ Chính trị và Ban Bí thư, hết sức quan tâm đến việc tăng cường lực lượng, nâng cao trình độ, cải tiến công tác của tạp chí.

Trong khoảng thời gian chưa đầy 5 tháng, từ ngày 20-10-1961 đến ngày 3-3-1962, Bộ Chính trị đã có hai cuộc họp và Ban Bí thư có một cuộc họp bàn về Tạp chí Học tập.

Cuộc họp Bộ Chính trị ngày 3-3-1962 có Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Chí Thanh, Trần Quốc Hoàn (Bộ Chính trị); tham dự có các đồng chí: Trần Quỳnh, Phạm Chung (Văn phòng Trung ương), Hồng Chương (Tạp chí Học tập).

Một phần của tài liệu Lịch sử báo chí cách mạng việt nam (Trang 153 - 164)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(261 trang)
w