I- BÁO CHÍ HOẠT ĐỘNG TRONG ĐIỀU KIỆN MỚI CỦA ĐẤT NƯỚC
4. Diện mạo của một số cơ quan báo chí
Cuối tháng 8-1975, báo Nhân dân lập bộ phận thường trực ở miền Nam. Với tinh thần làm việc khắc phục khó khăn, đồng thời phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam và Tổng cục Bưu điện, ngày 20-4-1976, báo Nhân dân đã thực hiện in và phát hành báo ở Sài Gòn cùng lúc với phát hành ở Hà Nội. Trong thời gian này, Nhà in báo Nhân dân được cải tạo, bỏ hẳn xếp chữ bằng tay để chuyển sang công nghệ in ốp sét với những máy móc hiện đại, công suất in lớn, đáp ứng yêu cầu số lượng báo in. Đồng thời, báo cũng xây dựng thêm một nhà máy in và một cơ sở truyền báo ở Đà Nẵng đảm bảo in và phát hành báo Nhân dân ở miền Trung cùng ngày với thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Những hoạt động này đã góp phần tăng cường sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Trung ương Đảng trên toàn quốc.
Thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình trong thời kỳ này, đặc biệt đối mặt với những phức tạp ở biên giới, báo Nhân dân tập trung vào phân tích nguyên nhân, tình hình của sự kiện, động viên tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế, đồng thời hàng ngày phải đấu tranh, luận chiến trước báo chí nước ngoài và một số giới cầm quyền bao che cho bọn phản động. Trước những khó khăn của đất nước vào cuối giai đoạn này, báo Nhân dân mạnh dạn nêu lên hàng loạt những giải pháp như chế độ khoán sản phẩm, đổi mới tư duy kinh tế... đồng thời, báo đi vào biểu dương những điển hình kinh tế mới góp phần đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng.
Đây là thời kỳ báo Nhân dân có những tiến bộ về đưa tin nhanh, viết xã luận, bình luận, điều tra, phóng sự sắc nét. Bên cạnh đó, báo cũng bắt đầu đăng thông tin phản hồi bằng cách đưa nhiều ý kiến của nhân dân về tình hình, kinh tế - xã hội của đất nước. Không chỉ viết về những vấn đề mang tầm lý luận, tư tưởng, báo Nhân dân còn dành chỗ cho các mục bóng đá quốc tế, thơ, giải trí, tranh vẽ châm biếm, hướng dẫn du lịch, nấu ăn... Báo tăng xuất bản hàng ngày từ 4 trang lên 6 trang với số lượng 25 vạn bản/ngày. Năm 1985, báo Nhân dân ra đặc san hàng tháng và nội san
“Người làm báo Nhân dân”, trở thành tờ báo đầu tiên xuất bản đặc san hàng tháng.
b) Tạp chí Cộng sản
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã giành thắng lợi trọn vẹn, nước nhà được thống nhất. Đại hội IV của Đảng họp vào tháng 12-1976 đã vạch ra đường lối của cách mạng xã hội chủ nghĩa trong phạm vi cả nước. Đại hội cũng quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên cơ sở tình hình và nhiệm vụ trong giai đoạn mới, ngày 5-1-1977 Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IV) ra Nghị quyết Số 01-NQ/TW đổi tên Tạp chí Học tập thành Tạp chí Cộng sản bắt đầu từ tháng l-1977 và giữ tên tạp chí là Tạp chí Cộng sản từ đó đến nay.
Trong lịch sử tạp chí Đảng, đây là lần thứ 5 tạp chí Đảng lấy tên là Tạp chí Cộng sản. Việc lấy tên đó là để phù hợp với tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới và phù hợp với việc đổi tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tại Đại hội IV, đồng chí Đào Duy Tùng, Tổng biên tập tạp chí, được bầu là Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng.
Ngày 7-1-1978, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 32-TT/TW về nhiệm vụ của Tạp chí Cộng sản. Chỉ thị nêu rõ: ''Nhiệm vụ của Tạp chí Cộng sản là đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm cơ sở, kết hợp chặt chẽ lý luận Mác - Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam để tuyên truyền đường lối, chính sách và các quan điểm của Đảng một cách sâu sắc.
Tạp chí Cộng sản phải vận dụng lý luận Mác - Lênin, phân tích những chủ trương, chính sách của Đảng nâng cao nhận thức của cán bộ và đảng viên về tư tưởng, chính sách và quan điểm của Đảng phê phán những khuyết điểm, sai lầm trong khi thi hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tạp chí phải giáo dục tư tưởng xã hội chủ nghĩa, chống tư tưởng tư sản và tàn dư phong kiến, phê phán tư tưởng tiểu tư sản, quét sạch ảnh hưởng của tư tưởng thực dân mới. Tạp chí phải đi hàng đầu trong việc bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, bảo vệ đường lối cách mạng và các quan điểm của Đảng, đồng thời làm nổi bật việc Đảng ta vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam để lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác …''.
Sau khi nêu rõ “Trước mắt, Tạp chí Cộng sản phải căn cứ vào chức năng của mình và tuyên truyền sâu sắc Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng và các nghị quyết quan trọng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Quốc hội và Hội đồng Chính phủ'', chỉ thị đã đề ra sáu phương hướng cụ thể cho việc tiến hành công tác biên tập của tạp chí:
1. Kết hợp lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam để giải thích đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa và đường lối xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới ở nước ta.
2. Căn cứ vào chủ nghĩa Mác - Lênin và Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng mà trình bày có hệ thống và hướng dẫn những công tác lớn của Đảng như: xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, vận động quần chúng, kinh tế tài chính, văn hóa giáo dục, khoa học - kỹ thuật, văn học nghệ thuật, tăng cường củng cố quốc phòng, bảo vệ trật tự, an ninh, v.v..
3. Nêu bật một cách sâu sắc và có tính tổng kết những kinh nghiệm tốt, những sáng kiến mới, phê phán những khuynh hướng và biểu hiện tư tưởng sai lầm trong phong trào quần chúng nhân dân đang phấn đấu để thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, kế hoạch và pháp luật của Nhà nước.
4. Góp phần tổng kết những kinh nghiệm của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa và của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở Việt Nam, đi đến những kết luận có tính chất lý luận.
5. Tuyên truyền các chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, quan điểm của Đảng về các vấn đề quốc tế quan trọng. Giới thiệu có chọn lọc những kinh nghiệm chủ yếu của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, và của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Thông qua bình luận thời sự mà phê phán chiến lược toàn cầu của đế quốc Mỹ, bóc trần những âm mưu đen tối của bọn đế quốc và tay sai.
6. Dùng những hình thức trình bày trực diện vấn đề mà bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Chỉ thị cũng ghi rõ: ''Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản là một ban của Trung ương Đảng đặt dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị''.
Mặc dù còn có những hạn chế trong tư duy lý luận, nhưng nhìn chung nội dung của tạp chí đã về cơ bản đáp ứng đúng những yêu cầu của công tác lý luận trong thời kỳ cách mạng, đồng thời đã phản ánh sự tìm tòi nhằm vận dụng ngày càng sát hợp lý luận Mác - Lênin vào thực tiễn nước ta, thúc đẩy cách mạng Việt Nam tiến tới. Những bài viết của tạp chí phục vụ Nghị quyết 6 (khóa IV) và Nghị quyết 8 (khóa V) của Trung ương Đảng vừa thể hiện đúng những quan điểm của Đảng, vừa có những tìm tòi, phù hợp với tình hình thực tế. Cũng do biết kết hợp lý luận với thực tế, tạp chí đã có những bài viết kịp thời, có tác dụng tốt trong chỉ đạo thực tiễn về các vấn đề:
khoán trong nông nghiệp; kế hoạch ba phần, v.v.. Chính sự tìm tòi đó là những cơ sở để góp phần cùng toàn Đảng tìm ra định hướng đúng và những quan điểm đúng của công cuộc đổi mới trong giai đoạn tiếp theo của cách mạng Việt Nam.
Tạp chí cũng đã đứng ở tuyến đầu của cuộc đấu tranh tư tưởng của Đảng. Tạp chí đi đầu trong cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái của nhóm Nhân văn - Giai phẩm; chống thuyết nhân vị - duy linh của tập đoàn Ngô Đình Diệm; chống chủ nghĩa xét lại hiện đại và chủ nghĩa giáo điều; chống tư tưởng phản động của chủ nghĩa thực dân mới chống hệ tư tưởng tư sản cùng các trào lưu tư tưởng phi vô sản khác. Tạp chí đã góp phần tích cực bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, bảo vệ đường lối và quan điểm cách mạng của Đảng ta.
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 30 ngày xuất bản số đầu tiên của Tạp chí Học tập - Tạp chí Cộng sản (1955 - 1985), Tạp chí Cộng sản đã được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, vì ''Trong 30 năm qua đã có nhiều cống hiến vào việc giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin và tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng cho cán bộ và nhân dân''. Cũng nhân dịp này, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đến thăm và nói chuyện với Bộ biên tập của tạp chí.
Ngày 3-12-1985, tại Trung tâm báo chí Hà Nội, Lễ kỷ niệm 30 năm xuất bản Tạp chí Cộng sản và trao tặng Huân chương cao quý của Đảng và Nhà nước - Huân chương Hồ Chí Minh cho tạp chí, đã được tổ chức trọng thể. Đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã có thư gửi Bộ biên tập Tạp chí Cộng sản nhân buổi lễ này. Thư có đoạn viết: Ba mươi năm qua, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Trung ương Đảng, Tạp chí Cộng sản đã cố gắng kết hợp lý luận Mác - Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam để tuyên truyền đường lối, phương châm chính sách của Đảng và Nhà nước ta một cách sâu sắc. Tạp chí đã góp phần nâng cao trình độ lý luận và chính trị của cán bộ, đảng viên, động viên phong trào hành động cách mạng của quần chúng. Đông đảo cán bộ
trong Đảng và ngoài Đảng coi tạp chí là tài liệu tin cậy để hoạt động, nghiên cứu đường lối chính sách và quan điểm của Đảng và Nhà nước ta. Tạp chí Cộng sản xứng đáng là ngọn cờ lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam.
c) Thông tấn xã Việt Nam
Tính đến năm 1975, Thông tấn xã Việt Nam đã đảm bảo 300% năng lực thu phát quốc tế với vô tuyến điện báo thế hệ 2 tự động, công suất phát 150 triệu từ/năm, kịp thời khai thác thông tin phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước. Ngày 24-5-1976, Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã giải phóng thống nhất thành Thông tấn xã Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mới của ngành Thông tấn xã Việt Nam. Ngày 18-6-1977, Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết số 165/CP đổi tên Việt Nam Thông tấn xã thành Thông tấn xã Việt Nam thuộc Hội đồng Chính phủ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Thông tấn xã Việt Nam được quy định: ''là cơ quan thông tin chính thức đối nội, đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có trách nhiệm bằng tin, ảnh, tài liệu thời sự và các loại hình thông tấn khác, thực hiện việc thông tin từ trung ương đến cơ sở cho nhân dân cả nước và nhân dân thế giới''. Nhiệm vụ của Thông tấn xã Việt Nam là cung cấp tin, ảnh tư liệu, tài liệu chính thức về các lĩnh vực cho các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và nước ngoài...
Thông tấn xã Việt Nam đã không ngừng nâng cao trang thiết bị kỹ thuật phục vụ tốt cho nhiệm vụ của mình: việc thu phát tin dần dần được trang bị máy móc điện tử, bán dẫn, sử dụng ăngten lôga có chất lượng cao, truyền tin qua hệ thống viba, hệ thống truyền ảnh được trang bị những bộ thu phát tự động. Từ năm 1980, Thông tấn xã Việt Nam bắt đầu nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật vi tính vào việc điện tử hóa công tác thông tin (hệ thống thu phát tin và in). Sau 4 năm, Thông tấn xã việt Nam trở thành cơ quan đầu tiên cài đủ 5 dấu tiếng Việt thành công trong máy vi tính. Điều đó đã giúp Thông tấn xã Việt Nam đưa hệ thống truyền tin điện tử tốc độ cao giữa Hà Nội và Mátxcơva, Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh thay cho máy truyền chữ.
Thời kỳ này, Thông tấn xã Việt Nam bắt đầu tăng cường công tác đổi mới thông tin, đa dạng nội dung và loại hình thông tấn, đồng thời vẫn đảm bảo cung cấp đều đặn, đầy đủ thông tin cho các phương tiện truyền thông khác... Từ năm 1980 trở đi, Thông tấn xã Việt Nam từng bước đi vào hạch toán kinh tế từng phần rồi đến toàn phần. Có thể nói việc Thông tấn xã Việt Nam tự trang trải kinh phí, chủ động thử nghiệm in và bán có lãi Bản tin nhanh nhân dịp giải bóng đá thế giới năm 1982 là một bước tập dượt thành công, mở đầu cho việc ra mắt hàng loạt các tờ báo, bản tin trong những năm tiếp theo. Đặc biệt sự ra đời của hai bản tin đối ngoại ''Vietnam Heb'' và ''Vietnam Weekly'' năm 1985 là bước khởi đầu cho sự xuất hiện báo đối ngoại. Thông tấn xã Việt Nam đã mạnh dạn đổi mới thông tin bằng cách đa dạng hóa thông tin, thực hiện thông tin không bù lỗ. Từ một bản tin trong nước và thế giới chung cho các đối tượng, từ một bản tin phát sóng giống nhau dịch ra nhiều ngôn ngữ, Thông tấn xã Việt Nam đã nhanh chóng chuyển đổi thành những bản tin riêng theo yêu cầu của các đối tượng khác nhau, xuất bản nhiều tờ tin hàng ngày, hàng tuần...
d) Đài Tiếng nói Việt Nam
Sau khi thống nhất đất nước, việc thống nhất hệ thống phát thanh không gặp nhiều khó khăn vì có chung hệ thống cả nước nên hoạt động được ngay. Đến cuối năm 1976, hệ thống các đài miền Nam được phục hồi hoàn toàn, tuy nhiên trang thiết bị của Đài Phát thanh ở Sài Gòn bị hỏng nặng. Bên cạnh đó, việc mở rộng diện phát sóng của các đài phát thanh đã tạo nên một hệ thống các trạm phát lại ở các tỉnh phía Nam như: Vĩnh Long, Cần Thơ, Côn Đảo…
Năm 1977, Chính phủ ra nghị định thành lập Uỷ ban Phát thanh và truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam trở thành một bộ phận trọng yếu của tổ chức này. Đến năm 1984, theo thông báo của Ban Tuyên huấn Trung ương, Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Trung ương tách ra khỏi cơ cấu của Uỷ ban Phát thanh truyền hình, trực thuộc Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Thời kỳ này, Đài phát 13 giờ/ngày bằng tiếng Việt (riêng chủ nhật 15 giờ/ngày), và 35 giờ/ngày với 11 ngôn ngữ trên 5 hệ thống với nhiều làn sóng khác nhau phục vụ cho nhân dân trong nước và một số đối tượng nước ngoài26. Đài Tiếng nói Việt Nam đã xây dựng hàng loạt các hệ chương trình cho các đối tượng khác nhau, bao gồm: chương trình thời sự, là chương trình chủ lực, quan trọng nhất giúp cho mọi người theo dõi được tình hình trong nước và thế giới, theo dõi các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước; chương trình dành cho nông nghiệp; chương trình dành cho công nhân chuyên đi sâu vào vấn đề sản xuất công nghiệp; chương trình văn hóa - xã hội; chương trình phát thanh cho thanh niên; chương trình phát thanh cho quân đội nhân dân.
Hệ chương trình phát thanh đối ngoại trong thời kỳ này vẫn được xem là mũi xung kích hàng đầu trong mặt trận thông tin đối ngoại của đất nước. Nhiệm vụ đặt ra lúc này là: “Làm cho thế giới hiểu rõ và tin yêu dân tộc Việt Nam hơn, giới thiệu cho nước ngoài thấy rõ thành quả của cách mạng ta, đồng tình với đường lối của chính sách của Đảng và Nhà nước ta, qua đó mà tăng thêm tình hữu nghị và sự ủng hộ đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta trong giai đoạn mới. Cũng qua những thông tin này, cần phải từng bước xóa dần những đám mây mù vẩn đục của hàng chục đài phát thanh nước ngoài đang ngày đêm phun nọc độc vào Việt Nam với âm mưu ''diễn biến hòa bình''''27.
Cùng với sự phát triển của Đài Tiếng nói Việt Nam, hệ thống các đài truyền thanh địa phương thời kỳ này hoạt động nở rộ. Các đài truyền thanh ở các tỉnh, huyện ngoài các chương trình tiếp âm của Đài Tiếng nói Việt Nam còn có các chương trình của địa phương nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc của địa phương... Vào thời điểm tháng 7-1977, tỉnh Bình Trị Thiên đã xây dựng 70 hệ thống truyền thanh, trong đó có 25 hệ thống cấp nhà nước, 45 hệ thống nhân dân tự làm để tiếp sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam và cung cấp những tin tức của địa phương. Trong sự phát triển đó, hầu hết các địa phương đều xây dựng riêng cho mình hệ thống truyền thanh rộng khắp đến tận các xã, thôn.
đ) Đài Truyền hình Việt Nam
Chương trình thử nghiệm đầu tiên của Truyền hình Việt Nam được phát vào ngày 7-9-1970 do Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện. Sau một thời gian làm thử trong nội bộ, Bộ Biên tập Đài quyết định phát chương trình đầu tiên cho nhân dân thủ đô xem truyền hình vào tối 30 Tết Tân Hợi (27- 1-1971). Trong khi những chương trình truyền hình của Đài Tiếng nói Việt Nam được dự kiến phát thử nghiệm đến giữa năm 1976 thì ở Sài Gòn, nhân dân đã có thói quen xem truyền hình từ