1. Kể từ khi báo Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, khổ nhỏ, biên tập và in số lượng ít, từ nước ngoài đưa về trong nước, đến tháng 8-1945, chúng ta đã có trên dưới 380 tên báo và tạp chí.
Tham gia tất cả các trận chiến đấu lớn nhỏ, khi bị lùng bắt vì không hợp pháp, xuất bản công khai nửa hợp pháp và hợp pháp, cuối cùng, báo chí cách mạng đã giành được thắng lợi rực rỡ.
Những tờ báo và tạp chí sau đây ghi lại những dấu ấn lịch sử:
- Tờ báo đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam là Tranh đấu (15-8-1930).
- Tờ tạp chí đầu tiên của Đảng là Tạp chí Đỏ (5-8-1930).
- Tờ báo trong tù đầu tiên của những người cộng sản ở Hỏa Lò, Hà Nội, lấy tên Tù nhân báo (3-1930), sau đổi là Lao tù tạp chí.
- Hai tờ báo ra được nhiều số nhất đều do Nguyễn Ái Quốc sáng lập: Thanh niên, trên 200 số và Việt Nam độc lập 126 số. Riêng thời gian có sự chỉ đạo của Người, Thanh niên ra 88 số và Việt Nam độc lập ra trên 30 số.
- Tờ báo đi tiên phong trong phong trào đòi tự do báo chí là Dân chúng, cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương (22-7-1938).
- Tờ báo có số lượng in lớn nhất là Dân chúng, số Xuân 1939 in tới 15.000 bản.
- Tờ báo cách mạng ra bằng chữ dân tộc thiểu số đầu tiên là Lắc Mương, cơ quan của Hội người Thái cứu quốc ở tỉnh Sơn La.
- Hai tờ báo có nhiều cống hiến nhất vào việc tổ chức lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi là Cờ giải phóng và Cứu quốc (1942 – 1945).
2. Báo chí cách mạng tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin - một học thuyết có sức sống trong thực tiễn đấu tranh của các dân tộc ở Đông Dương, có khả năng kết hợp nhuần nhuyễn giữa đặc điểm hiện tại với truyền thống lịch sử dân tộc.
Những văn bản quan trọng của Quốc tế Cộng sản và các tổ chức trực thuộc quốc tế và cách mạng thế giới, về khu vực thuộc địa, đặc biệt là về cách mạng Đông Dương đều được giới thiệu, trích
dịch hoặc đăng bản dịch toàn văn lên các báo chí cách mạng của ta cho toàn Đảng và quần chúng biết, phối hợp hành động, ủng hộ cách mạng quốc tế.
Ngay từ đầu, báo chí đã tuyên truyền cho Liên Xô, Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Nhiều nghị quyết của đại hội và hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô được trích đăng;
nhiều bài báo tuyên truyền cho sự gắn bó giữa cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam với giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản Pháp là những người bạn chiến đấu ở ngay trong lòng kẻ thù trực tiếp của nhân dân ta; gắn bó với phong trào giải phóng dân tộc các nước, trước hết là phong trào giải phóng dân tộc ở các nước châu Á và các thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc Pháp; gắn Mặt trận Dân chủ Đông Dương với Mặt trận dân chủ thế giới chống phát xít.
Với sự tin cậy và yêu mến Liên Xô nhiệt thành, nhân dân ta vui mừng trước những thành tựu vẻ vang về mọi mặt của người anh cả vĩ đại, coi đó là nguồn động viên lớn, là niềm hy vọng mãnh liệt vào tương lai cách mạng nước mình tiến lên theo con đường của Cách mạng Tháng Mười, của kinh nghiệm có ý nghĩa quốc tế của Liên Xô trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Tất cả được thể hiện đậm nét và thường xuyên trên báo chí.
Tuyên truyền cho mục đích cuối cùng là xây dựng chủ nghĩa cộng sản Việt Nam, vạch rõ đó là quy luật phát triển tất yếu của xã hội Việt Nam, đồng thời làm sáng tỏ hai giai đoạn chiến lược và mục tiêu chiến lược của mỗi giai đoạn để đi tới mục đích cuối cùng.
Báo chí cổ động thực hiện các khẩu hiệu hành động trong từng thời kỳ lịch sử cụ thể, đoàn kết toàn dân, bênh vực quyền lợi hằng ngày cho nhân dân, trước hết là công nông, đồng thời chú ý đến quyền lợi chính đáng của các tầng lớp khác trong xã hội; báo chí tuyên truyền cho các quyền tự do dân chủ... Bằng việc giải thích chủ trương của Đảng và mặt trận về những hoạt động cụ thể của nơi này, nơi khác giành được thắng lợi hay uốn nắn những lệch lạc ''tả'', hữu khuynh, đã động viên quần chúng dũng cảm xông lên, thuyết phục người lầm đường, trừng trị kẻ phản bội, đẩy lùi kẻ thù, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.
Báo chí phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng Đảng Cộng sản về tư tưởng, chính trị và tổ chức, đấu tranh cho Đảng thống nhất và tập trung, bônsơvích hóa, chống tư tưởng địa phương, cục bộ, vô tổ chức, biệt phái, đề cao tự phê bình và phê bình, nâng cao trình độ lý luận Mác - Lênin, liên hệ chặt chẽ với quần chúng; xây dựng các đoàn thể quần chúng cho phù hợp với tình hình chính trị từng thời kỳ, mang tính giai cấp và tính quần chúng đông đảo; coi trọng Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế, tranh thủ xây dựng lực lượng ngay cả trong tổ chức của địch, như Viện Dân biểu, v.v..
Về chữ nghĩa, nhiều tờ báo của chúng ta thường viết không đầy đủ, như ''cơ quan tuyên truyền'' hoặc ''cơ quan tuyên truyền cổ động'', nhưng thực tế, các tờ báo đều làm đủ chức năng của báo chí cách mạng là tuyên truyền, cổ động và tổ chức tập thể.
3. Báo chí cách mạng tuyên truyền những luận điểm của Nguyễn Ái Quốc về cách mạng Việt Nam thể hiện trong đường lối chính trị của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Đảng Cộng sản dưới hình thức nghiên cứu lý luận, lịch sử hay bằng văn học, nghệ thuật, tin tức thời sự, công khai trực tiếp hay kín đáo, gián tiếp. Từ khi Đảng Cộng sản ra đời, các báo chí cách mạng đều đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, của Trung ương hay các cấp uỷ địa phương, do một, hai Uỷ viên Trung ương hay Xứ uỷ, Tỉnh uỷ trực tiếp chỉ đạo biên tập hoặc thông qua một số cán bộ do Đảng
chỉ định để bảo đảm cho quan điểm của Đảng được thấu suốt, không để cho một cá nhân, một nhóm nhỏ nào có ý đồ lợi dụng báo chí phục vụ cho lợi ích riêng biệt của họ.
Tuy vậy, trong một số trường hợp, trên một số tờ báo có lúc không quán triệt nguyên tắc trên đây, đã phạm phải sai lầm. Trên mặt báo, có khi xuất phát từ sai lầm trên một số chủ trương cụ thể;
cũng có khi chủ trương đúng nhưng ''nhà báo'' nắm chưa chắc nên thể hiện có phần lệch lạc. Và cũng có trường hợp do sự phát triển của tình hình đấu tranh chính trị phức tạp, một số cán bộ thiếu sáng suốt, chưa chủ động nhận ra vấn đề, hay khi đã có đường lối rồi nhưng vì kiêu ngạo, ý thức tổ chức và kỷ luật chưa tốt, nên viết bài mang dấu vết cá nhân, trái với quan điểm của Đảng, gây ảnh hưởng không tốt cho Đảng và trong quần chúng, thiệt hại cho cách mạng. Trong lịch sử đã xảy ra ba thời điểm như giữa Thanh niên và Búa liềm, năm 1929; giữa Tạp chí Đông Phương và Dân chúng, năm 1939; giữa Tiền phong và Giải phóng, năm 1945.
Đảng Cộng sản Đông Dương nhận định chính xác về những sai lầm của các phái tơrốtxkit ở Việt Nam trên các mặt tư tưởng, lý luận, chiến lược và sách lược cách mạng Việt Nam và phong trào cộng sản quốc tế từ năm 1930. Khi Quốc tế Cộng sản, Đảng Cộng sản Liên Xô và một số Đảng Cộng sản nói tơrốtxkit là tay sai của chủ nghĩa phát xít, Đảng Cộng sản Đông Dương cũng nói tơrốtxkit ở Việt Nam là tay sai của đế quốc Pháp và phát xít Nhật. Thực tế lịch sử cho ta biết nhận định ấy không hoàn toàn đúng ở Việt Nam. Sau cuộc đại khủng bố của chính quyền thực dân phát xít hóa năm 1939, một số tơrốtxkit vào tù, đi đày tập trung ở trại; một số trốn chạy về các vùng nông thôn ẩn mình. Ra tù do hết hạn hoặc được Nhật tha sau ngày 9-3-1945, tơrốtxkit cũng không làm tay sai cho Nhật, Huỳnh Văn Phương, một phần tử tơrốtxkit có tên tuổi, làm Phó Giám đốc Công an Nam Bộ dưới quyền điều khiển của Nhật sau ngày 9-3-1945, nhưng có liên lạc với cách mạng, đưa nhiều vũ khí của Nhật, cung cấp tin tức mật của chúng cho ta.
Một vài tờ báo của địa phương đôi khi không thấu suốt chủ trương của Đảng trên một số bài vở, chủ yếu là do sự hạn chế trình độ và điều kiện địa phương giới hạn tầm nhìn quá trình diễn biến của cách mạng trong cả nước, nên đã tuyên truyền cho những vấn đề của mình đề ra, khác với trung ương.
Quán triệt tính Đảng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản, vì lợi ích của quần chúng, nên báo chí cách mạng đã say sưa, nhiệt tình giáo dục, thuyết phục quần chúng tiến lên dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản, phân biệt rõ con đường cách mạng của giai cấp vô sản và con đường của Việt Nam Quốc dân Đảng, của các nhóm tư sản và tiểu tư sản nhất định sẽ phá sản; nhận rõ con đường cách mạng chân chính của Đảng Cộng sản và những thủ đoạn cách mạng giả dối, lừa bịp của phái tơrốtxkit; chống hành vi đầu hàng, tiêu cực, trốn đấu tranh vì khiếp sợ vũ lực tàn bạo của kẻ thù.
Báo chí vừa phản ánh tình hình các cuộc đấu tranh diễn ra hằng ngày, vừa tổng kết những cuộc đấu tranh lớn có tổ chức và chỉ đạo, biểu dương thành tích, hướng dẫn phát huy khí thế, đồng thời uốn nắn những lệch lạc, chỉ dẫn cách khắc phục khuyết điểm. Báo chí không ngừng phơi bày những mâu thuẫn, thối nát của xã hội thuộc địa, nửa phong kiến đương thời, vạch trầu bản chất dã man, hung bạo của kẻ thù, trình bày đúng sức mạnh của phong trào cách mạng và những nhược điểm cần khắc phục để đưa cuộc đấu tranh vượt qua mọi trở ngại, tiến hành đánh đổ quân thù, giành thắng lợi hoàn toàn cho cách mạng.
4. Kẻ thù của cách mạng rất sợ báo chí cách mạng. Chúng tìm mọi thủ đoạn mong bẻ gãy nó bằng các sắc lệnh, nghị định báo chí nghiệt ngã, phản động; huy động cả bộ máy khổng lồ mong đè bẹp
nó; đồng thời hình thành một hệ thống báo chí phản động với hàng trăm tờ; tăng cường mật thám, quân đội, tòa kiểm duyệt, quản lý giấy, mực in, v.v.. Nhưng tất cả chỉ gây cho chúng ta khó khăn, thiệt hại nhất thời. Người chiến thắng vẫn là báo chí cách mạng, kẻ thất bại chính là đế quốc và tay sai.
Trong 20 năm (1925 - 1945) có l7 năm báo chí cách mạng xuất bản trong vòng bí mật, bất hợp pháp. Có 3 năm trong thời kỳ vận động dân chủ, căn bản là nửa hợp pháp, đôi khi mang tính hợp pháp nhưng phải sử dụng nghệ thuật đấu tranh rất khéo léo mới tồn tại được và luôn luôn bị địch khủng bố, khám xét, gây trở ngại, tịch thu báo và cả tài sản của báo, cuối cùng là ra lệnh cấm.
Đến thời kỳ tiền khởi nghĩa năm 1945, báo chí cách mạng vẫn là bất hợp pháp nhưng lại công khai trước quần chúng ở những ''tổng hoàn toàn'', ''châu hoàn toàn'', ở các khu giải phóng, những nơi giáp đô thị nhưng chính quyền địch đã tê liệt trước cao trào quần chúng và Việt Minh đã nắm quyền quản lý mọi việc chính trị - xã hội ở địa phương.
Ngay trong thời kỳ vận động dân chủ, những vũ khí do tự tay chúng rèn để chống lại báo chí cách mạng đã giảm hiệu lực, và có những đòn chúng không đỡ nổi do chúng ta sử dụng ngay vũ khí của chúng để chống lại chúng: ra báo tiếng Pháp; lợi dụng báo chí đã được phép từ trước chuyển thành báo chí cách mạng và xin phép một đường, ra báo một nẻo. Sở dĩ có tình trạng đó là do có cao trào cách mạng của quần chúng làm chỗ dựa, có sự chỉ đạo tài tình của Đảng, khéo phát hiện và lợi dụng nhược điểm của địch để đánh địch.
Báo chí cách mạng đấu tranh gay gắt với kẻ địch đang nắm chính quyền, do đó không thể tuân theo những nguyên tắc thông thường, hướng dẫn theo sách vở về tính định kỳ xuất bản cũng như tính thời sự nhanh chóng, nhạy bén với tình hình được: định kỳ nhiều khi phá vỡ, ''tin'' bị chậm trễ vì phương tiện đưa tin và nhận tin bằng kỹ thuật hiện đại nhiều khi không có...
Người Việt Nam sẵn có lòng yêu nước trong dòng máu, do tổ tiên để lại. Sức hấp dẫn lớn của báo chí đôi với người đọc là những bài vở sôi sục tinh thần yêu nước, kích thích lòng tự hào dân tộc truyền thống. Tư tưởng yêu nước theo tinh thần cộng sản chủ nghĩa được thể hiện từ báo Thanh niên buổi ban đầu, dần dần lôi cuốn cả dân tộc vào trận tuyến cách mạng, tập hợp trong Mặt trận dân tộc thống nhất chống đế quốc dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản. Chủ nghĩa yêu nước đó xa lạ với chủ nghĩa yêu nước bài ngoại, kỳ thị chủng tộc của phong kiến và tư sản, vì nó kết hợp tài tình lợi ích dân tộc với lợi ích giai cấp, lợi ích dân tộc ta với lợi ích của các lực lượng chống chủ nghĩa đế quốc trên thế giới.
Báo chí cách mạng cổ vũ tinh thần yêu nước hiện đại đó một cách say sưa, nhưng cũng có lúc vì nhận thức không rõ, sợ nói yêu nước là không ranh giới với chủ nghĩa quốc gia tư sản, cho nên giáo dục truyền thống yêu nước bị coi nhẹ. Các anh hùng cứu nước trong lịch sử dân tộc không được kỷ niệm trên trang báo suốt từ năm 1930 đến năm 1939, tuy vẫn giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, một mục tiêu chiến lược của cách mạng nước ta. Đó cũng là một nhược điểm trong việc đoàn kết, tổ chức mọi nhân nhân tố chống kẻ thù và cũng có lúc kẻ thù lợi dụng nhược điểm đó để lừa gạt quần chúng.
5. Những chiến công to lớn, thành tích vẻ vang và trưởng thành nhanh chóng của báo chí cách mạng là nhờ có:
a) Đường lối chiến lược, phương pháp cách mạng và cả những chủ trương đấu tranh cụ thể do Đảng Cộng sản đề ra là đúng đắn và sáng tạo, chỉ đạo mọi công tác của Đảng, trong đó có lĩnh vực tuyên truyền, báo chí. Báo chí đã bám sát sự lãnh đạo của Đảng, phối hợp đấu tranh trên báo chí với các hình thức và phương pháp đấu tranh khác, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng.
Đảng có những chỉ thị, nghị quyết riêng về báo chí, đánh giá tình hình, phân tích ưu điểm và khuyết điểm, chỉ ra nhiệm vụ cụ thể cho báo chí hoạt động trong mỗi bước đi.
b) Các đồng chí lãnh đạo chủ yếu của Đảng rất quan tâm đến báo chí, trực tiếp quyết định ra báo, viết bài và sửa bài, tổ chức in và phát hành. Tấm gương của Hồ Chí Minh đối với báo chí được các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Trường Chinh v.v. ra sức học tập và đều là những cây bút xuất sắc của báo chí cách mạng.
Đó là một trong những nhân tố bảo đảm cho báo chí giữ vững tính Đảng và chất lượng của các bài vở, nhất là những bài mang tư tưởng chỉ đạo, vạch rõ phương châm, đường lối hành động, đồng thời cũng cổ vũ, tổ chức, bồi dưỡng cho các cán bộ tham gia làm báo.
c) Báo chí cách mạng được toàn thể đảng viên và quần chúng ủng hộ. Từ việc các cơ sở cách mạng hết sức đùm bọc, giữ bí mật, nuôi cán bộ viết báo, đến việc tìm mua phương tiện in báo, tổ chức cất dấu, phát hành, sẵn sàng chủ động đối phó khi địch phát hiện, không làm lộ bí mật báo chí của ta.
Các cán bộ và quần chúng còn đóng góp vào việc cung cấp tin tức, tình hình, vận động người đọc báo, góp tiền mua báo, ủng hộ báo... làm mọi việc để cho tờ báo sống, gắn bó với phong trào từ nội dung đến hình thức, đáp ứng đúng những suy nghĩ về yêu cầu của quần chúng. Quần chúng mong đợi báo sớm về, đem lại những điều mới mẻ, bổ ích mà cuộc sống không thể thiếu được.
d) Sự cố gắng phấn đấu và trưởng thành của những cán bộ làm báo, dù là kiêm nhiệm, nửa chuyên nghiệp hay chuyên nghiệp. Họ lo lắng cho tờ báo làm sao ngày càng phục vụ tốt hơn, bài viết hay hơn, trình bày đẹp hơn, có nhiều thể loại cho sức hấp dẫn ngày càng tăng. Mặc dù không được học hỏi về chuyên môn, ngay cả tài liệu tham khảo, học tập ở nước ngoài hầu như không có. Nhưng qua thực tiễn công tác, tự rút kinh nghiệm để cải tiến, không ngừng nâng cao chất lượng. Họ là những chiến sĩ cách mạng tham gia làm báo, nên một lòng một dạ phục vụ nhân dân, chịu đựng gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp báo chí cách mạng, do đó giàu sáng kiến, sẵn sang đảm nhiệm mọi khâu trong quá trình hình thành tờ báo cho đến tay người đọc. Họ không có tổ chức nhà báo, nhưng ai cũng đều có tổ chức, trong chi bộ đảng, trong đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội văn hóa, v.v.. Đó là trường học chính trị để bồi dưỡng, nâng cao trình độ và lập trường, quan điểm cho họ và thông qua họ mà nâng cao chất lượng tờ báo.
20 năm đầu của lịch sử báo chí cách mạng thật là phong phú. Nó để lại một di sản truyền thống chiến đấu, một nghiệp vụ báo chí vô sản, một lực lượng cán bộ làm báo vô cùng quý báu cho thế hệ báo chí sau khi giành được chính quyền năm 1945.
__________
1.Anbe Xarô: Việc khai thác các thuộc địa Pháp, Ed Payot et Compagnie, Pari, 1923, tr.463 (tiếng Pháp).