Vai trò của báo chí trong công cuộc xây dựng đất nước

Một phần của tài liệu Lịch sử báo chí cách mạng việt nam (Trang 175 - 182)

I- BÁO CHÍ HOẠT ĐỘNG TRONG ĐIỀU KIỆN MỚI CỦA ĐẤT NƯỚC

3. Vai trò của báo chí trong công cuộc xây dựng đất nước

Giai đoạn lịch sử mới đã mở ra cho báo chí Việt Nam những điều kiện và nhiệm vụ mới. Từ đó, nội dung phản ánh trên báo chí thời kỳ này cũng có những thay đổi. Nếu như trong giai đoạn trước, chủ đề trung tâm của báo chí Việt Nam là ''Tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân” thì nay là:

a) Củng cố tình cảm thống nhất đất nước

Phản ánh thắng lợi của đại thắng mùa Xuân năm 1975, báo chí Việt Nam đã tận đụng triệt để ưu thế của mình để tuyên truyền và cổ vũ khí thế hào hùng của dân tộc. Trên các trang báo sau ngày thống nhất đất nước đã xuất hiện thường xuyên các mục tuyên truyền và giải thích ý nghĩa của cuộc thắng lợi chống Mỹ, cứu nước. ''Trong bốn nghìn năm lịch sử, không có xuân nào vui bằng xuân 1976 này. Dân tộc ta vừa đánh thắng một tên đế quốc mạnh nhất thế giới, đất nước ta vừa làm nên một bản anh hùng ca của thời đại. Nhân dân ta vừa giành lại được hòa bình, độc lập và

thống nhất trọn vẹn, Bắc Nam sum họp một nhà, mở ra giai đoạn cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội''8.

Các trang báo, các chương trình phát thanh truyền hình trong thời kỳ này có dịp kể lại những trận đánh hào hùng, những giai đoạn phát triển của cuộc đại chiến mùa Xuân đầy ý nghĩa. Từ ngày l- 4-1976 đến ngày 23-5-1976, trên báo Nhân dân có đăng loạt bài nhiều kỳ của Đại tướng Văn Tiến Dũng, người trực tiếp tham gia chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, kể chuyện về những ngày chiến đấu cuối cùng giải phóng miền Nam. Loạt bài này cung cấp lượng thông tin hấp dẫn cho bạn đọc trong cả nước, đồng thời cũng mở ra cho người đọc cái nhìn chiến lược về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vừa qua. Báo Sài Gòn giải phóng từ số 212 (ngày 8-1-1976) cũng đưa tin về những chiến công oanh liệt của binh chủng không quân vận tải vào những giờ phút lịch sử của Chiến dịch Hồ Chí Minh: ''30 năm qua, quân đội và nhân dân ta đã tiến những bước dài. Từ những chiến sĩ quân giải phóng đi chân đất băng rừng vượt suối tiếp tế cho đơn vị tiến công đồn bốt phát xít Nhật, những đoàn xe đạp thồ tải đạn lên mặt trận Điện Biên Phủ đến những phi đoàn máy bay vận tải cất cánh từ Hà Nội tham gia cuộc tổng tiến công giải phóng Sài Gòn... cách mạng lớn lên và chiến thắng để lại cho lịch sử những chuyện thần kỳ''.

Một loạt bài viết của báo chí trong thời kỳ này đã đề cập tới những đơn vị anh hùng, những chiến sĩ anh hùng trong cuộc chiến tranh như: “Một thắng ba trăm'' viết về trận đánh cuối cùng của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Trần Kiệt; ''Từ đường dây chiến thắng đến đường dây thống nhất'' viết về trung đoàn 132 thông tin9. Báo chí cũng trở thành cầu nối thông tin cho bạn đọc về nghệ thuật sử dụng lực lượng, chỉ đạo chiến lược tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như những tư liệu quý về các phương pháp chiến đấu của các binh chủng quân đội, của quân dân du kích mà trước đây chưa có điều kiện công bố. Dưới những thể loại hồi ký, điều tra, hay là những câu chuyện lịch sử, báo chí đã tạo dựng lại được một bức tranh toàn cảnh về sự chiến đấu, hy sinh anh dũng của nhân dân Việt Nam để giành lại cho được độc lập, tự do. Hàng loạt bài báo của báo chí nước ngoài nói về ý nghĩa cuộc đại thắng của dân tộc Việt Nam cũng được báo chí Việt Nam đăng tải. Điều này góp phần khẳng định ý nghĩa to lớn của công cuộc giải phóng thống nhất đất nước và vị trí của Việt Nam trên trường thế giới. Các báo, đài trong thời kỳ này bên cạnh ý nghĩa của chiến thắng vĩ đại của dân tộc đã không ngừng ca ngợi và khẳng định ý nghĩa, vai trò to lớn của sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Có thể nói, một mảng màu tươi sáng trong bức tranh báo chí Việt Nam giai đoạn 1976 - 1986 là những trang viết, những chương trình phát thanh truyền hình ôn lại thắng lợi của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, về ý nghĩa to lớn và về lòng tin đối với đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Những mảng màu đó đã phần nào tái hiện được không khí hào hùng, niềm vui chiến thắng, và cả những niềm tin về một tương lai tươi sáng và tốt đẹp của người dân Việt Nam.

b) Vận động xây dựng chủ nghĩa xã hội

Nhiệm vụ đặt ra cho báo chí trong thời kỳ này ngoài việc tuyên truyền cho thắng lợi của cuộc chiến tranh giải phóng đất nước còn phải cổ vũ cho công cuộc thống nhất đất nước. Cuộc bầu cử Quốc hội chung trong cả nước đã trở thành ''ngày hội hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp thống nhất nước nhà''. Vì thế, báo chí đã tưng bừng tuyên truyền cho ý nghĩa to lớn của ngày hội toàn dân này: ''Đây là ngày hội của lịch sử của non sông đất nước ta, ngày hội thống nhất sơn hà, ngày hội chói sáng tinh thần, nghị lực và ý chí cách mạng của dân tộc ta... Cuộc tổng tuyển cử này cũng

khẳng định chân lý: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý ấy không bao giờ thay đổi''. Nhân dân ta đã đập tan mọi âm mưu chia cắt, hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp thống nhất thiêng liêng của nước Việt Nam ta10. Báo chí đã gợi lên được không khí háo hức, vui mừng của người dân trên cả nước, đặc biệt những người dân Sài Gòn trong ngày hội bầu cử: ''Những nơi niêm yết danh sách cử tri đều được trang trí cờ, biểu ngữ, và khẩu hiệu nền đỏ, chữ vàng trang trọng, khiến mỗi cử tri đến dò tìm tên mình trên danh sách đều cảm thấy tự hào là công dân của Tổ quốc thống nhất và chế độ mới”11. Khắp mọi miền của đất nước đều được tái hiện lại bức tranh tươi mới của ngày vui thống nhất đất nước của người dân Việt Nam: ''Những cuộc thông xe cuối cùng đã kết thúc. Dù nắng hay mưa, đoạn đường nào những ngày ấy đều có cờ đỏ và lòng ai cũng lồng lộng những suy nghĩ tốt lành; tiếng cười vui gần muốn biến thành nức nở; người già và con trẻ trên mọi miền đất nước đã tranh nhau nâng niu từng đầu máy, toa xe... với tuyến đường Thống Nhất, toàn dân ta đều có chung một động thái thống nhất, suốt từ khi mới nghĩ về nó cho tới khi nó đã hoàn thành''12.

Trong khi tiếp quản và xây dựng các vùng đất mới, vấn đề đặt ra cho các tờ báo phải vừa đồng thời đấu tranh những lại những luận điệu phản động còn sót lại. Báo chí Việt Nam đặc biệt 1à báo chí Sài Gòn trong thời kỳ này đã góp sức mình vào nhiệm vụ xóa bỏ những tàn dư cũ bằng cách phản ánh một cách chân thực những tệ nạn xã hội còn sót lại của bọn phản động. Đồng thời, báo chí phân tích những hành động đó để cho nhân dân thấy rõ bản chất của chúng: ''Bọn phản động cách mạng ở nhà thờ Vinh Sơn là những bọn nào? Đó là những tên sĩ quan ngụy không chịu ra nộp súng và đăng ký trình diện, vẫn ngoan cố chống lại chính quyền cách mạng. Đó là những tên đội lốt Thiên chúa giáo, lợi dụng nhà thờ để hoạt động chống phá cách mạng, chống phá nhân dân. Chúng tung ra những tin đồn nhảm, đặc biệt đã in giấy bạc giả, tung ra thị trường phá hoại nền kinh tế tài chính của đất nước, phối hợp với bọn đầu cơ làm cho vật giá tăng vọt, trực tiếp ăn cướp của nhân dân ta, nuôi dưỡng những tên phản loạn, mua chuộc cám dỗ một số người đi vào con đường tội lỗi''13.

Xã luận trên báo chí một lần nữa tập trung vào đề tài tuyên truyền cho khối đại đoàn kết Bắc Nam, cho những cảnh đoàn tụ gia đình của nhân dân sau ngày giải phóng. Những bài báo đó đã góp phần phục vụ tốt công tác tuyên truyền của báo chí theo định hướng của Đảng. Báo chí trong các tỉnh miền Nam cũng không ngừng phổ biến cho đường lối của Đảng, Nhà nước và chủ động lựa chọn con đường đi cho bản thân mình dưới sự định hướng chung. Báo Sài Gòn giải phóng đã đi đầu trong công tác này với loại bài như: ''Cục diện mới ở thành phố chúng ta'', “Chung sức đắp xây Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam đời đời cường thịnh''…

Song song với việc bài trừ các tệ nạn báo chí Việt Nam tuyên truyền cho những hình thức sinh hoạt văn hóa lành mạnh và bổ ích, đáp ứng được nhu cầu giải trí, văn hóa văn nghệ cho nhân dân:

“Gần như đã thành thường lệ, vào giờ nghỉ công nhân được nghe đài truyền thanh nhà máy kết hợp giới thiệu nội dung tóm tắt các quyển sách cần đọc. Những sự kiện lịch sử như các ngày lễ lớn, Đại hội toàn quốc của Đảng, Đại hội Đảng bộ thành phố, tên các quyển sách nói về Đảng còn được viết lên bảng để công nhân tìm đọc''14. Các chuyên mục của báo chí cũng xuất hiện các chuyên mục, vụ việc tuyên truyền về những giá trị văn hóa – xã hội gắn liền với sự phát triển của đời sống.

c) Xây dựng kinh tế trong thời kỳ mới

Cùng vời các chủ đề đã được phản ánh trong thời kỳ này, báo chí đã tập trung sức cổ vũ chiến đấu của mình vào phong trào khôi phục kinh tế. Đại hội lần thứ IV của Đảng (1976) đề ra đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa và đường lối xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa của nước ta. Đây là những vấn đề có tính nguyên tắc lớn như vai trò làm chủ tập thể của nhân dân, sự kết hợp chặt chẽ ba cuộc cách mạng... đã đưa ra thảo luận và trở thành chủ đề chính của báo chí thời kỳ này.

Báo chí đã phản ánh không khí lao động sôi nổi của nhân dân trong việc khôi phục lại các tuyến đường sắt, đường bộ, đường biển, các khu công nghiệp, chỉnh trang lại các thành phố, thị xã mới giải phóng, đồng thời cũng duy trì và phát triển các cơ sở sản xuất, kinh doanh, truyền bá những chủ trương, chính sách kinh tế. Những bài báo vừa gợi lên không khí xây dựng mới, vừa đưa ra những phương hướng, chủ trương nhiệm vụ mới của phong trào xây dựng kinh tế. ''Dấy lên một cao trào lao động trong cả nước nhằm thực hiện tốt kế hoạch nhà nước, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và công nghiệp là nhiệm vụ trung tâm của cách mạng trong cả nước… Xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp chung của mấy chục triệu nhân dân ta. Phong trào lao động sản xuất sẽ có một khí thế mới, một sức mạnh mới khi nào hàng chục triệu người lao động chân tay và trí óc thật sự tham gia vào công cuộc đẩy mạnh sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội''15.

Trong điều kiện xây dựng kinh tế đất nước thời kỳ này, khẩu hiệu ''Tất cả cho sản xuất, tất cả cho chủ nghĩa xã hội'' đã trở thành dòng tít lớn của nhiều tờ báo. Báo chí không ngừng cổ vũ cho những người công nhân, nông dân, những tầng lớp trí thức và cả những con người tình nguyện đi xây dựng các vùng kinh tế mới: ''Giờ đây, trước mắt giai cấp công nhân và nhân dân là cuộc chiến đấu mới không kém gian khổ để quyết định ''ai thắng ai'' giữa ''hai con đường''. Nền sản xuất nhỏ nghèo nàn, lạc hậu là một thách thức lớn đối với chúng ta. Hậu quả của chủ nghĩa thực dân mới thật là nghiêm trọng đòi hỏi sự nỗ lực phi thường của chúng ta để thanh toán. Công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội yêu cầu chúng ta phát huy trí tuệ và sức mạnh để gánh vác''16.

Năm 1980, có nhiều chuyển biến tích cực trong việc điều hành nền kinh tế. Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đã đề ra phương pháp mới, phương châm mới và chính sách mới soi sáng việc giải quyết hàng loạt vấn đề đang bế tắc ở hầu khắp mọi nơi. Nhiều hợp tác nông nghiệp, thủ công nghiệp, nhiều cơ sở công nghiệp và cơ sở kinh tế nói chung đạt được kết quả tốt về tăng năng suất lao động, hạ giá thành, làm thêm sản phẩm, vừa đảm bảo lợi ích của người lao động, vừa làm lợi một cách thiết thực cho Nhà nước và cho tập thể. Báo chí tập trung tuyên truyền những đơn vị đó, đồng thời bắt đầu đi sâu vào cuộc sống, phát hiện những điển hình và những nhân tố mới có tính đột phá để mở rộng thành phong trào của quần chúng. Thời gian này, đã có nhiều địa phương, nhiều xí nghiệp tự tìm tòi, thử nghiệm, có nơi đã tự phát ''phá rào'' để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và đời sống. Trên Tạp chí Cộng sản có một số bài báo kinh tế đã đoạt giải của Hội Nhà báo Việt Nam như xã luận “Phát triển nông nghiệp, nhiệm vụ hàng đầu hiện nay”, “Bài học Quỳnh Lưu”, “Khoán mầu ở Vĩnh Phú”…

Để góp phần giải quyết hàng loạt những vấn đề mâu thuẫn và vướng mắc trong điều hành kinh tế đất nước, báo chí không ngừng tìm tòi, nghiên cứu những cơ chế quản lý mới, đồng thời nêu lên những hạn chế của hình thức kinh tế hiện tại. Những năm 1979 - 1980, tình trạng thiếu lương

thực, thực phẩm kéo dài đã dẫn đến nạn đói xảy ra vào năm 1979. Một vấn đề được mở ra trên báo chí trong thời kỳ này là “Làm gì để giải quyết vấn đề ăn của xã hội?”. Hàng loạt bài báo đi vào phân tích những vấn đề liên quan đến bữa ăn của người dân. Một hoạt động rất thiết thực của báo Nhân dân trong thời kỳ này là đã tổ chức cuộc hội thảo ở Côn Sơn về vấn đề ăn của xã hội, với những bài tham luận như: Vấn đề số dân và lương thực, thực phẩm ở nước ta; Đề nghị một số chủ trương, chính sách; Cá nước ngọt ở Hà Nội...

Những bài tham gia hội thảo đã trở thành một diễn đàn trên báo. Sau khi cuộc hội thảo kết thúc, báo Nhân dân đi tới kết luận: Phải đưa nông thôn lên sản xuất lớn, đưa các hợp tác xã lên quy mô lớn, đưa máy móc cơ khí to về hợp tác xã là chưa thích hợp, nên cho làm thử khoán sản phẩm cây lúa tới đơn vị, cá nhân và gia đình. Từ những yêu cầu đặt ra trên báo chí, từ tháng 10-1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 100 với chủ trương khoán sản phẩm đến nhóm người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp và sau đó là ''Khoán tới các hộ xã viên”. Từ những phương hướng này, trên khắp các loại hình báo chí trong cả nước đã mở rộng việc tuyên truyền khoán sản phẩm, hoàn chỉnh khoán, đấu tranh với những quan điểm muốn xóa bỏ hình thức khoán sản phẩm trong nông nghiệp.

d) Bước đầu đề cập tới cụm từ “Đổi mới''

Bắt đầu từ những năm 1980, nền kinh tế Việt Nam xuất hiện những biểu hiện của cuộc khủng hoảng kinh tế. Chế độ quản lý tập trung quan liêu bao cấp đã bộc lộ những hạn chế rất lớn của mình, xã hội bắt đầu xuất hiện những hiện tượng tiêu cực ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Trên báo chí dần có những bài điều tra kinh tế nêu lên những hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội. ''Những bài chống tiêu cực đầu tiên đăng trên báo Lao động xuất hiện vào tháng 6- 1986, một thời điểm có ý nghĩa trước khi tiến hành Đại hội VI của Đảng... Chính trong bối cảnh đó, các bài điều tra đã xuất hiện đều tập trung vạch rõ những bất hợp lý của chế độ ''Đặc quyền, đặc lợi'' mà một số cán bộ có chức đã mắc phải''17.

Mở đầu là những bài như “Nhà khách Bộ Giao thông biến đi đâu” (ngày 21-8-1986), ''Tòa nhà cao tầng đó xây cho ai”, “Mắc tội tham ô, trù dập người ngay vẫn được bầu vào Đảng uỷ''18, báo Lao động đã cùng các tờ báo khác sử dụng thành công thể loại bài điều tra trong việc xây dựng lên những tác phẩm có tính chiến đấu cao và trở thành lực lượng tiên phong trong công cuộc chống tập trung quan liêu bao cấp của đất nước. Hàng loạt bài điều tra được đăng tải trên các báo thời kỳ đó hầu hết đều được đi thẳng từ những phát hiện của quần chúng: ''Theo bạn đọc thì ông đã móc một số nguyên vật liệu ở kho H và hơn một ngàn tấn tôn loại có bề dày 1,2 - 1,5 mm, bạn đọc còn cho biết rõ một xe ô tô đã chở số tôn này về cho ông''19.

Lần đầu tiên báo chí đề cập mạnh dạn đến cụm từ đổi mới kinh tế đất nước. Như đã nói ở trên, những hạn tiêu cực của cơ chế quản lý quan liêu bao cấp đã ngày càng bộc lộ rõ rệt. Vì thế, báo chí mở ra hàng loạt trang bài với những dòng tít lớn: “Xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, chuyển hẳn sang hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa”. Tiêu chí được đặt ra là ''Chống tập trung quan liêu bao cấp là cuộc đấu tranh vô cùng gian khổ giữa cái mới và cái cũ, giữa tính năng động của yêu cầu đổi mới và tư tưởng bảo thủ, sức ì của những thói quen, giữa yêu cầu cấp thiết lập quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa thật sự của đoàn thể nhân dân lao động với chủ nghĩa cá nhân trong một số người nhân danh bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa để cố bám giữ đặc quyền, đặc lợi''20.

Một phần của tài liệu Lịch sử báo chí cách mạng việt nam (Trang 175 - 182)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(261 trang)
w