NHẬN ĐỊNH VÀ KẾT LUẬN

Một phần của tài liệu Lịch sử báo chí cách mạng việt nam (Trang 249 - 252)

1. Báo chí cách mạng Việt Nam ra đời trong một bối cảnh đặc biệt, đó là khi xã hội Việt Nam phải sống trong môi trường thuộc địa. Trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản thực dân đang ở thời kỳ hoàng kim với việc bóc lột sức lao động, khai thác tài nguyên, sự hình thành những cơ cấu xã hội giai cấp mới và đồng thời cũng là lúc cách mạng giải phóng dân tộc nước ta đang chuyển giai đoạn theo hướng chủ nghĩa xã hội, theo xu hướng cách mạng vô sản mà người đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng thời lại là một nhà báo lớn, đã kinh qua những kinh nghiệm báo chí ở châu Âu.

Thanh niên, tờ báo cách mạng của tổ chức tiền thân quan trọng nhất có xu hướng mácxít ở Việt Nam, đã xuất hiện ngày 21-6-1925 ở nước ngoài (Quảng Châu, Trung Quốc) đã hội tụ đủ các tiêu chí một tờ báo cách mạng đầu tiên của giai cấp vô sản và nhân dân Việt Nam. Và ngay từ đầu, tờ báo này đã hoạt động theo phương thức mácxít về báo chí. Tờ báo không chỉ là người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể mà còn là người tổ chức tập thể.

Báo Thanh niên là dấu son cho cả một dòng báo chí mới, báo chí cách mạng của Đảng ta, trang bị một thế giới quan và phương pháp cách mạng mới, là hơi thở, là sự phản ánh, sự ra đời và phát

triển của khuynh hướng dân tộc xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Thanh niên trở thành người mở đường cho nền báo chí cách mạng của nước Việt Nam mới.

2. Báo chí cách mạng Việt Nam bắt nguồn trước hết từ khuynh hướng yêu nước, dân chủ trong báo chí hợp pháp, đặc biệt từ khi báo chí quốc văn ra khỏi giai đoạn phôi thai, nặng chất công báo để dần dần trở thành một hệ thống báo chí mới đầy đủ những đặc trưng của các cơ quan thông tin ngôn luận, như xuất bản định kỳ, lưu hành rộng rãi, có độc giả ổn định, có đội ngũ người làm báo chuyên nghiệp. Tuy nhà cầm quyền luôn tìm cách đối phó, ngăn ngừa, đàn áp, nhưng tiếng nói yêu cầu, dân chủ, tiến bộ phản ánh ý chí quật cường của dân tộc ta không vì thế bị dập tắt mà ngược lại, vẫn tiếp tục vang lên ngày càng rõ ràng hơn, dõng dạc hơn dưới nhiều hình thức.

Cùng với tư tưởng yêu nước, chống thực dân và bè lũ phong kiến tay sai trên báo chí công khai, những tác phẩm báo chí, thơ văn yêu nước và cách mạng hoặc được công bố qua các phương tiện thông tin, hoặc lưu truyền trong nhân dân qua nhiều kênh khác, đều là những cội nguồn trực tiếp và nội tại của báo chí cách mạng Việt Nam.

Báo chí cách mạng Việt Nam đã tiếp thét và kế thừa di sản báo chí cách mạng, dân chủ và tiến bộ trên thế giới. Nó học tập và chịu ảnh hưởng khá sâu đậm của nền báo chí ấy, nhưng trước sau vẫn giữ được đậm đà tính cách dân tộc của mình.

Báo chí cách mạng Việt Nam là sản phẩm tất yếu của quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ của nhân dân Việt Nam. Là đội quân đi đầu trong công tác chính trị - tư tưởng - văn hóa, với chức năng tuyên truyền, cổ động, tổ chức nhân dân đứng lên làm cách mạng vì độc lập, tự do, gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, báo chí Việt Nam là con đẻ của cách mạng Việt Nam đồng thời cũng là vũ khí cách mạng vô cùng lợi hại, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến lên chủ nghĩa xã hội, đổi mới, chấn hưng đất nước như ngày nay.

3. Báo chí cách mạng Việt Nam là báo chí kiểu mới, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng chính trị tư tưởng, lấy việc phục vụ nhân dân làm mục tiêu cao cả của mình. Lý tưởng, mục tiêu, tôn chỉ cao nhất của báo chí cách mạng là góp phần vào sự nghiệp đấu tranh lật đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến, xóa bỏ các hình thức bóc lột; giành độc lập dân tộc, mang lại tự do hạnh phúc cho nhân dân; xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Do tính chất và mục tiêu, tôn chỉ của nó, trải qua bao sóng gió, trước những thủ đoạn tinh vi cũng như sự đàn áp khốc liệt của các thế lực thù địch, báo chí cách mạng Việt Nam vẫn vượt qua được mọi tình huống hiểm nghèo để tồn tại và phát triển.

4. Báo chí cách mạng Việt Nam ngày nay là một hệ thống các cơ quan thông tin đại chúng gồm đủ các loại hình, phát triển từ trung ương đến cơ sở, do nhiều tổ chức, cơ quan khác nhau làm chủ quản, được thực hiện bằng tiếng Việt, tiếng các dân tộc thiểu số và bằng ngoại ngữ, với những chức năng, nhiệm vụ cụ thể hết sức đa dạng, nhằm vào nhiều loại đối tượng và dùng nhiều công nghệ khác nhau, xuất bản và lưu hành ở trong nước và ở ngoài nước.

Nó trở thành một nền báo chí lớn, phát triển toàn diện, đang từng bước tiến lên hiện đại, rộng khắp cả nước và vươn ra mở rộng giao lưu, hợp tác với nước ngoài. Báo chí đang được sắp xếp lại theo quy hoạch tổng thể, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong vài thập niên đầu của

thế kỷ XXI. Cơ sở kỹ thuật và công nghệ của báo chí ngày càng lớn mạnh, khai thác cấu trúc hạ tầng chung của đất nước về thông tin, viễn thông, lại có một số cơ sở riêng của báo chí, nhằm tranh thủ tiếp thu sử dụng công nghệ thông tin hiện đại nhất trên thế giới vào tác nghiệp hằng ngày. Làm việc trong ngành báo chí hiện nay có một đội ngũ đông đảo nhà báo chuyên nghiệp, không chuyên, nhà văn, nghệ sĩ, cán bộ quản lý, cán bộ và công nhân kỹ thuật, những người chuyên làm công việc quảng bá, phát hành, dịch vụ, v.v. đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng vì sự phát triển của đất nước, vì lợi ích lâu dài của dân tộc Việt Nam, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

5. Điểm đặc sắc mà báo chí Việt Nam đang thể hiện và không ngừng phát huy là ở vai trò diễn đàn nhân dân của nó.

Báo chí ta thực hiện chức năng làm diễn đàn của nhân dân không chỉ thể hiện ở chỗ thường xuyên đăng tải nhiều ý kiến độc giả, ý kiến bạn nghe và xem đài, truy cập báo mạng. Quan trọng hơn, thực chất hơn là báo chí phải thể hiện được ý chí, trí tuệ, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng đa dạng của các tầng lớp nhân dân trong nước cũng như của người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần xây dựng đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; thu hút nhân tài cống hiến tri thức và trí tuệ cũng như bày tỏ tâm huyết của mình vì lợi ích của Tổ quốc Việt Nam; tham gia đấu tranh chống các âm mưu, thủ đoạn, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, đẩy lùi và bài trừ các tệ nạn tham nhũng, lãng phí, ma túy, mại dâm, mê tín, hủ tục...; đặc biệt qua diễn đàn báo chí, nhân dân thực hiện quyền giám sát tối cao đối với mọi công việc của đất nước, thực hiện quyền làm chủ của mình.

6. Nhiệm vụ tổng quát của báo chí ngày nay là phục vụ mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Báo chí cần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin của nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy phát triển xã hội, mở rộng giao lưu quốc tế.

Sự nghiệp phát triển của đất nước, bối cảnh quốc tế cũng như sự phát triển của bản thân báo chí đặt ra yêu cầu báo chí cần phát huy ưu điểm, sửa chữa thiếu sót, khuyết điểm để tiếp tục phát triển.

Nhà nước cần sớm hoàn thiện chiến lược thông tin, hoàn thiện hệ thống pháp lý, kiện toàn các cơ quan quản lý báo chí, quy hoạch hệ thống cơ quan báo chí, xây dựng kế hoạch đào tạo cơ bản, lâu dài, có hệ thống đội ngũ người làm báo có tài năng, đủ kiến thức và đức độ đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của báo chí đương đại.

Qua ba phần tư thế kỷ làm đội quân xung kích trong công tác tư tưởng, phục vụ tiến trình đấu tranh cách mạng của dân tộc, báo chí Việt Nam hòa nhập vào cuộc đấu tranh ấy và trở thành một bộ phận quan trọng của cuộc đấu tranh ấy.

Trong thế kỷ XXI, chắc chắn xã hội loài người sẽ có nhiều biến đổi lớn, khó lường. Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã đề ra mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vài chục năm đầu của thế kỷ là, trong mười năm (2001 - 2010) đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, nâng cao rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Những năm tới, tuy khó khăn còn nhiều, nhưng đất nước ta có cơ hội lớn để tiến lên. Đòi hỏi bức bách của toàn dân tộc ta lúc này là phải tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ hơn, phát

triển với tốc độ nhanh hơn và bền vững hơn. Cũng như mọi ngành hoạt động khác, báo chí đang đứng trước cơ hội lớn và thách thức lớn. Trên cơ sở một nền kinh tế ngày càng phát triển, dân trí ngày càng cao, nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân chắc chắn sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ. Từ những thành tựu và kinh nghiệm thu được qua 85 năm tồn tại và phát triển trong những điều kiện cực kỳ đa dạng trước đây, nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, báo chí Việt Nam chắc chắn sẽ ngày càng phát triển nhịp nhàng và vững chắc hơn.

Một phần của tài liệu Lịch sử báo chí cách mạng việt nam (Trang 249 - 252)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(261 trang)
w