Các tờ báo cách mạng ra đời trước tháng 8-1945 tiếp tục xuất bản

Một phần của tài liệu Lịch sử báo chí cách mạng việt nam (Trang 87 - 95)

II. BÁO CHÍ CÁCH MẠNG TRONG NHỮNG NĂM 1945 - 1946

2. Các tờ báo cách mạng ra đời trước tháng 8-1945 tiếp tục xuất bản

Cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh lãnh đạo vào tháng 8-1945 diễn ra nhanh chóng, thuận lợi. Lúc này, báo Cứu quốc chưa kịp chuyển về Hà Nội nên phải nhờ tờ Tin mới (là tờ báo hàng ngày, công khai của Mặt trận do ông Nguyễn Văn Luyện quản lý) đưa tin và đăng các văn bản của chính quyền mới. Việc ra báo Cứu quốc công khai được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm. Sau khi nhận được chỉ thị, đồng chí Xuân Thủy đã cùng một số anh em trước đã cùng làm báo Cứu quốc bí mật gấp rút chuẩn bị. Để tiện cho công việc, họ quyết định đặt tòa soạn báo tại số nhà 114 phố Hàng Trống, trụ sở chính của Mặt trận Việt Minh. Đây là cơ quan cũ của tờ Action dưới thời Pháp thuộc, nay là phố Lê Thái Tổ, tòa soạn báo của Hà Nội mới. Thời gian đầu, báo Cứu quốc dự kiến in tại Taupin, một trong những nhà in lớn của Hà Nội thời bấy giờ. Đến tháng 1-1946, nhà in riêng của báo Cứu quốc mới chính thức được thành lập.

Ngày 24-8-1945, báo Cứu quốc ra số 31 (số công khai đầu tiên) in bằng giấy tốt, 2 trang. Trang 1 của số báo này hình lá cờ đỏ sao vàng chiếm gần hết khổ báo do nhà thơ Thâm Tâm thể hiện. ''Lời chào cứu quốc'' được đăng trang trọng: ''Để đạt mục đích cứu quốc, hơn ba năm nay Cứu quốc sống âm thầm trong hang núi rừng sâu và trong những túp lều tranh u uất, hôm nay nó đã vươn mình ra trước ánh sáng. Hơn ba năm nay nó đã vượt qua muôn trùng nguy hiểm để đến tay đồng bào và giờ đây, nó đường hoàng đứng trước mắt độc giả''.

Với những lời lẽ tha thiết, hùng hồn, ngay từ những số báo đầu tiên, Cứu quốc đã được đông đảo bạn đọc trong cả nước nồng nhiệt chào đón ủng hộ. Báo in trên dưới 2 vạn bản mà vẫn không đủ để bán. Nhu cầu của các địa phương là rất lớn. Một số người đã tìm cách đầu cơ báo Cứu quốc mang đi các vùng xa bán với giá cao hơn gấp nhiều lần, buộc pháp luật phải ra tay can thiệp.

Trong nhiều số liền, báo Cứu quốc đăng thông báo cho ai phát hiện, tố giác những kẻ đầu cơ báo, nhưng cũng không đạt hiệu quả là mấy. Cứu quốc lúc này do đồng chí Xuân Thủy (tên thật là Lê Trọng Nhân, Trưởng ban Tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh) làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Vì những lý do tài chính, nhân sự, nên thời gian đầu Cứu quốc không có điều kiện ra hàng ngày. Đến ngày 10-9-1945, Cứu quốc bắt đầu ra hàng ngày. Chữ Cứu quốc trước in màu đỏ giờ chuyển sang màu đen. Dưới tên báo là hàng chữ in đậm ''Cơ quan tuyên truyền tranh đấu của Việt Minh''. Báo bán giá 3 hào sau tăng lên 5 hào, góc bên trái phía trên cùng bao giờ cũng có một bài xã luận viết

rất ngắn gọn, súc tích, chủ yến do đồng chí Xuân Thủy chấp bút. Tính tới thời điểm cuối năm 1945 đầu năm 1946, Cứu quốc sử dụng chủ yếu tin tức trong nước. Tin ngoài nước, nếu có cũng liên quan ít nhiều đến tình hình chính trị Việt Nam, Cứu quốc công khai ra khổ lớn (580mm x 420mm), in typô, cách trình bày rất hiện đại, ấn tượng, Báo thường dùng ''tít'' lớn, kiểu chữ chân phương, nghiêm túc, gói gọn nội dung toàn bài hoặc nhấn mạnh vào chi tiết đáng lưu ý nào đó, kích thích mạnh vào sự chú ý của độc giả. Ví dụ như: ''Phải phân biệt chính quyền nhân dân với Việt Minh'', ''Tây đói thì Tây ăn gì?'' v.v.. Do dung lượng thông tin nhiều trong khi báo chỉ có 2 trang, nên Cứu quốc phải dùng kiểu chữ rất nhỏ, bài vở ken dày vào nhau. Thông thường, báo dùng giấy trắng hoặc ngả vàng nhưng cũng có khi vì không được cung cấp đủ mà Cứu quốc phải sử dụng cả giấy màu tím, xanh thẫm. Từ số 49 ngày 22-9-1945, Cứu quốc ra thử nghiệm 4 trang, nhưng chỉ được một số, đến số 50 lại quay về 2 trang. Từ số 51, báo bắt đầu sử dụng ảnh minh họa, nhưng do phóng viên ảnh chưa có, máy móc thiết bị thiếu, nên báo chỉ dùng ảnh của cộng tác viên gửi về. Từ đầu tháng 10-1945 trở về sau, vào những ngày diễn ra nhiều sự kiện có tác động xã hội lớn, báo lại ra 4 trang. Vào ngày nổ ra cuộc kháng chiến của đồng bào Nam Bộ, báo ra ngày 2 kỳ, một số phát hành vào buổi sáng, số kia ra vào chiều tối.

Có thể nói, Cứu quốc là một trong những tờ báo thời bấy giờ quy tụ được nhiều cây bút xuất sắc nhất trong làng báo cách mạng nước ta. Ngoài Xuân Thuỷ ra, bạn đọc còn rất quen thuộc với những tên tuổi như: Nguyễn Thành Lê, Như Phong, Văn Tân, Tô Hoài, Trần Huy Liệu, Nguyễn Ngọc Kha, Quốc Thụy, Nguyễn Văn Hảo, họa sĩ Trần Đình Thọ v.v.. Mặc dù đứng trên danh nghĩa cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh, nhưng thực chất Cứu quốc là một tờ báo Đảng, đặc biệt kể từ sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố tự giải tán, rút vào hoạt động bí mật vào tháng 11-1945 báo được Tổng Bí thư Trường Chinh quan tâm chỉ đạo trực tiếp. Chính vì thế mà các nội dung của Cứu quốc đều gắn liền với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhân dân và nhất là hành động theo báo, một sai sót nhỏ dù về quan điểm sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Đây là vinh dự cũng như trách nhiệm nặng nề cho anh em phóng viên, biên tập viên của báo Cứu quốc. Người làm cho báo Cứu quốc chỉ với nhiệt tình cách mạng thôi chưa đủ, mà còn phải có trình độ cao về mọi mặt, nhất là nhận thức, về chính trị, tư tưởng. Công tác đào tạo luôn được lãnh đạo của báo quan tâm. Người đến trước dạy người đến sau, người lâu năm trong nghề truyền đạt lại kinh nghiệm cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, Cứu quốc còn được Hồ Chủ tịch và Tổng bộ Việt Minh tin tưởng giao nhiệm vụ đứng ra lo liệu tổ chức lớp dạy về báo chí có tên Huỳnh Thúc Kháng diễn ra từ tháng 4 đến tháng 7-1949 tại chiến khu Việt Bắc. Từ lò đào tạo này, nhiều phóng viên đã trưởng thành để lại tên tuổi của mình trong lịch sử báo chí cách mạng của đất nước.

Để thực hiện tốt chủ trương đoàn kết toàn dân kháng chiến, kiến quốc của Đảng và Mặt trận, Cứu quốc mở rộng hoạt động bằng cách ra báo Cứu quốc địa phương. Cụ thể là, ngoài tờ Cứu quốc trung ương, năm 1947 có thêm:

- Cứu quốc khu II - ra tuần 5 số trừ thứ 5 - chủ nhật.

- Cứu quốc khu III- ra hàng ngày.

- Cứu quốc khu IV ra hàng ngày.

- Cứu quốc khu V.

- Cứu quốc khu X - ra hàng ngày.

- Cứu quốc khu XII.

- Cứu quốc khu Việt Bắc.

Vào năm 1948 có sự thay đổi sau:

- Cứu quốc Liên khu III - ra hàng ngày, là sự sáp nhập Cứu quốc khu II và Cứu quốc khu III.

- Cứu quốc liên khu V- ra hàng ngày, là sự sáp nhập Cứu quốc khu IV và Cứu quốc khu V.

- Cứu quốc Liên Việt Nam Bộ ra hàng ngày.

Trong những năm từ 1952 đến 1954 có một số tờ cứu quốc cấp tỉnh ra đời, tồn tại cạnh Cứu quốc Liên khu là:

- Cứu quốc của Mặt trận Liên - Việt Mỹ Tho; - Cứu quốc của Mặt trận Liên - Việt Cần Thơ; - Cứu quốc của Mặt trận Liên - Việt Bến Tre; - Cứu quốc của Mặt trận Liên - Việt Bà Rịa,..

b) Báo Sự thật

Trước sức ép của kẻ thù, tháng 11-1945 Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố giải tán, thực chất là rút vào hoạt động bí mật. Tờ báo Cờ giải phóng (số 1 ra ngày 10-10-1942) đã hoàn thành sứ mệnh của mình cũng đóng cửa, ra số cuối cùng vào ngày 18-11-1945. Để lãnh đạo trực tiếp cách mạng nước ta, Đảng chủ trương thành lập “Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương'', do đồng chí Trường Chinh làm chủ nhiệm Hội. Cơ quan ngôn luận chính của Hội (Đảng Cộng sản Việt Nam) là tờ Sự thật, số đầu tiên ra ngày 5-12-1945, là sự kế tục Cờ giải phóng và những tờ báo Đảng trước đó.

Báo Sự thật ra vào thứ 7 hàng tuần, tòa soạn lúc đầu ở 65 Hàng Đào, sau chuyển đến 187 Bà Triệu, rồi 24 phố Phan Chu Trinh, Hà Nội. Công việc quản lý nhân sự được giao cho Lê Hữu Kiều và Lê Đăng Linh. Báo Sự thật in tại nhà in riêng, ra 12 trang, không theo khuôn khổ nhất định.

Vào những dịp kỷ niệm, báo ra từ 16 đến 20 trang, bìa in màu, chữ Sự thật màu đỏ tươi, trang 2 đảng hàng loạt khẩu hiệu cách mạng dùng riêng cho những ngày kỷ niệm đó, trang 3 là các bức thư ngỏ của Bác Hồ, của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước là bài xã luận. Mặc dù là cơ quan ngôn luận của Đảng, nhưng Sự thật rất ít khi nhận được trợ cấp. Để tự nuôi sống mình, báo phải sử dụng nhiều quảng cáo, rao vặt. Thông thường phần quảng cáo đặt ở trang cuối cùng, nhưng cũng có khi theo yêu cầu của khách hàng, chúng được đưa vào những trang trong, gây cảm giác khó chịu cho bạn đọc. Tình trạng này về sau đã được khắc phục. Vì là một tờ báo khổ nhỏ, số lượng trang có hạn trong khi bài vở lại nhiều nên báo Sự thật không có điều kiện mở nhiều chuyên mục, chuyên trang. Lực lượng phóng viên, biên tập viên của báo lúc này còn mỏng, nhiều người là cán bộ kiêm nhiệm bị điều động công tác luôn nên việc giữ mục là rất khó. Hơn nữa, các bài viết trên Sự thật thường rất dài, chúng sẽ bị cắt vụn nếu như vấp phải quá nhiều chuyên mục, làm cho bạn đọc khó theo dõi. Trong những năm 1945 - 1946, về cơ bản Sự thật chỉ duy trì thường xuyên vài chuyên mục thiết yếu như Xã luận (trang 1), Bình luận (trang 2), Kinh nghiệm kháng chiến miền Nam... Tuỳ theo tình hình, Sự thật đưa ra chuyên mục nào đó và chúng thường biến mất sau vài số. Tính cơ động này còn được Sự thật duy trì trong cả thời kỳ báo chuyển lên vùng kháng chiến Việt Bắc.

Ngoài những bài của Bác Hồ, của Tổng Bí thư Trường Chinh, Sự thật đăng rất nhiều bài của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Lê Thanh Nghị, Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng... Bài của các tác giả này cũng mang tầm chiến lược cách mạng rất cao, có tính định hướng tư tưởng sâu sắc. Trên trang nhất của Sự thật thường có bài xã luận đề cập đến một vấn đề chính trị lớn nào đó đang được cả xã hội quan tâm. Những bài này do đồng chí Trường Chinh trực tiếp chấp bút. Trong số 1, Sự thật có lời ''Phi lộ”, trình bày tôn chỉ, mục đích của mình:

''Nhân dân Đông Dương đang kháng chiến, muốn thắng lợi phải chống các bè phái và mọi mưu mô chia rẽ Đảng, củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất chống thực dân Pháp xâm lược''.

''Sự thật ra đời cốt để góp phần vào công cuộc ấy''.

Sự thật sẽ kiên quyết, thẳng thắn nói thật những điều đáng nói, mặc dù phải làm mất lòng những kẻ vì hoài nghi hay sự ích kỷ không chịu thừa nhận rằng: khối đoàn kết giữa các tầng lớp nhân dân, giữa các dân tộc Đông Dương là một sự thật, cuộc kháng chiến anh dũng và có kết quả của đồng bào Nam Bộ, của liên quốc Việt - Lào là một sự thật. Sự ủng hộ của giai cấp cần lao và các dân tộc yêu chuộng tự do, hòa bình thế giới đối với cục diện kháng chiến của nhân dân Đông Dương và Nam Dương là một sự thật''.

Có thể nói Sự thật là một trong những tờ báo bấy giờ có tính bao quát nhất về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Mặc dù là một tờ báo, nhưng các bài viết trên Sự thật thưởng dài, nghiên cứu chuyên sâu về một vấn đề hay lĩnh vực nào đó, rất gần với tạp chí hay dạng sách huấn luyện.

Việc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng luôn được báo đặt lên hàng đầu. Trước sự chống phá ngày càng ác liệt của Việt Quốc, Việt Cách, Sự thật đã tự nhận trách nhiệm chống lại luận điệu vu khống, xuyên tạc của kẻ thù, làm cho nhân dân thấy rõ bản chất xấu xa của bọn đế quốc, ngày càng tin tưởng hơn vào cách mạng. Ngay trong số đầu tiên (5-12-1945), Sự thật đã có bài ''Bức thư ngỏ cùng anh em Việt Nam Quốc dân Đảng trong nhóm Việt Nam'' - Báo Việt Nam. Bài báo đã lột mặt nạ đạo đức giả của những kẻ tự nhận là Đảng quốc dân: ''Không kể chi những chuyện xa xôi, hãy nói tới những cuộc khởi nghĩa hay tranh đấu cách mạng từ chiến tranh đến giờ: Bắc Sơn - Nam Kỳ - Đô Lương, kháng Nhật cứu nước 9-3, khởi nghĩa 19-8. Trong những giờ phút thiêng liêng ấy các anh ở đâu. Biết bao lần các đoàn thể cứu quốc trong Việt Minh gọi các anh không thấy. Vắng các anh, người ta tự đoàn kết cứu nước, cứu nòi. Nay quốc dân do Việt Minh lãnh đạo đã giành được chính quyền. Cơ hội thuận tiện các anh nhảy ra hô hào hợp tác, tán thành lắm. Bây giờ các anh mới đòi hợp tác, kể cũng hơn muộn, nhưng muộn còn hơn không. Vậy xin mời các anh hãy lên đường cùng chúng tôi Nam tiến ngăn quân giặc''. Mặc dù rất bao dung, nhún nhường, nhưng Sự thật cũng khá cương quyết với các nguyên tắc:

“1. Đoàn kết hợp tác giữa tất cả các đoàn thể chân chính yêu nước nhưng không đoàn kết vô nguyên tắc với bọn phản quốc.

2. Sự đoàn kết thành thực giữa các đảng phái cách mạng chỉ có thể đặt trên nền tảng hành động chung.

3. Cấm chỉ mọi hành động có hại cho đất nước, có lợi cho địch, nhất là việc gièm pha cuộc kháng chiến và mạt sát chính phủ kháng chiến, thì là cơ quan ngôn luận của Đảng (trên danh nghĩa là của Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương), Sự thật luôn đi đầu trong việc đấu tranh, bảo vệ

chủ trương, đường lối của chính quyền Việt Minh, bênh vực cho quyền lợi hợp pháp của người dân Việt Nam. Báo đã dành dung lượng rất lớn tuyên truyền cho cuộc bầu cử Quốc hội, coi đây là bổn phận, quyền lợi, trách nhiệm của mỗi người dân đang sống trong môi trường tự do, dân chủ.

Ngoài những nội dung chính trị trên, Sự thật không xem nhẹ mảng đề tài kinh tế, văn hóa - xã hội.

Hàng chục năm chịu sự cai trị hà khắc của Pháp và Nhật, nền kinh tế Việt Nam đã kiệt quệ. Hàng triệu người chết đói từ thành thị đến thôn quê, chính quyền cách mạng non trẻ cùng một lúc phải đương đầu với ba kẻ thù: giặc đói, giặc đốt và giặc ngoại xâm. Trên tinh thần phong trào ''Nhịn ăn một bữa trong một tuần'' do Hồ Chủ tịch phát động, Sự thật đã cùng các tờ báo cách mạng khác ra sức hô hào, vận động cán bộ nhân dân hưởng ứng với những khẩu hiệu truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam như ''Lá lành đùm lá rách'', ''Bầu ơi thương lấy bí cùng'', ''Một miếng khi đói bằng một gói khi no''... Với tinh thần đùm bọc trên, chỉ trong một thời gian ngắn, nạn đói đã được đẩy lùi.

Ngay sau ngày giành được chính quyền, Hồ Chủ tịch đã nhận thức rõ kẻ thù tiềm ẩn, lâu dài nhất đối với dân tộc ta không phải là giặc đói, giặc ngoại xâm mà là giặc dốt. Sau ngày đọc Tuyên ngôn độc lập 1 tuần, ngày 8-9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập cơ quan Bình dân học vụ, ra lời kêu gọi toàn dân tham gia xóa nạn mù chữ. Từ chỗ hơn 90% dân số không biết chữ, đến đầu tháng 3-1946 riêng ở Bắc Bộ và Trung Bộ đã có gần 3 vạn lớp học với 81 vạn học sinh.

Để đạt được điều đó, có vai trò rất lớn của báo chí. Trong ''bước đầu tiên trong công cuộc chống nạn mù chữ'', trên báo Sự thật, tác giả Dương Quang đã viết: ''Người chưa biết chữ hăng hái đi học như đi giết giặc, người biết chữ rồi thì vợ dạy chồng, em dạy anh, chủ nhà dạy đầy tớ. Lớp học ở đình chùa, ở trong nhà, ở giữa chợ, ở gốc cây, ở bờ ruộng, ở xưởng thợ, ở bệnh viện, ở bến xe, ở xóm ả đào, ở cả nhà tù. Kết quả sau 4 tháng các chiến sĩ xã hội đã đưa trên dưới 1 triệu người ra khỏi mù chữ''... Sự thật đã góp phần vận động trí thức đi về nông thôn, đề ra các phương pháp truyền đạt kiến thức sao cho có hiệu quả nhanh nhất. Việc xây dựng nếp sống mới được Sự thật hết sức chú trọng. Báo có nhiều bài phê phán lối sống cũ để lại, đề cao các hình thức cưới xin, ma chay lành mạnh, tiết kiệm, góp phần làm thay đổi lối sống của người dân.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, báo Sự thật chuyển lên Việt Bắc, tiếp tục là cơ quan ngôn luận chính của Đảng. Khi Đảng ra hoạt động công khai (1951) báo Sự thật hoàn thành sứ mệnh lịch sử, nhường vị trí vinh dự của mình cho báo Nhân dân.

c) Báo Độc lập

Báo Độc lập là cơ quan ngôn luận của Đảng Dân chủ Việt Nam, xuất bản bí mật từ năm 1944. Có thể nói, ngay từ đầu, những người sáng lập Đảng Dân chủ mà cơ quan ngôn luận của nó là báo Độc lập nói riêng đã tự coi mình là thành viên của Mặt trận Việt Minh. Tuy nhiên vì những lý do lịch sử, từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trở về trước, báo Độc lập chưa bộc lộ thái độ chính trị rõ ràng, tuy đặt mình ở thế yêu nước nhưng trung lập. Mối liên hệ trực tiếp giữa Đảng Dân chủ với Đảng Cộng sản Việt Nam hầu như chưa được xác lập. Quan điểm này đã hoàn toàn thay đổi khi báo chuyển về Hà Nội sau ngày Việt Minh giành được chính quyền trong cả nước. Lúc đầu báo đặt trụ sở tại số 9 phố Ngô Quyền, sau chuyển sang số 5 phố Một Cột, đến khi toàn quốc kháng chiến lại chuyển lên Việt Bắc.

Một phần của tài liệu Lịch sử báo chí cách mạng việt nam (Trang 87 - 95)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(261 trang)
w