l. Các cơ quan báo chí trung ương a) Báo Nhân dân
Giữ vị trí hàng đầu, phải kể đến báo Nhân dân ra hàng ngày. Xuất bản từ ngày 13-l-1951 trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, sau năm 1954 đóng trụ sở tại số 71 Hàng Trống. Tổng biên tập đầu tiên của báo là Hoàng Tùng, đến năm 1982 là Hồng Hà, rồi Hà Đăng (1987), Hữu Thọ (1992), Hồng Vinh (từ 1996), Đinh Thế Huynh (từ 2001 đến nay) đều là Uỷ viên Trung ương Đảng.
Là cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, sau ghi thêm là ''Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam'', báo Nhân dân là tờ báo có uy tín nhất trong nước, là cơ quan phát ngôn chính thức của Đảng và Chính phủ. Báo thông tin thận trọng, chính xác, các bài xã luận, bình luận (trong nước và quốc tế), phê bình văn học nghệ thuật... có tính chỉ đạo, định hướng cao. Khẩu hiệu ''Đọc và làm theo báo Đảng'' ứng trước hết với báo Nhân dân. Báo phát hành rộng rãi, hầu như mỗi cơ quan nhà nước, mỗi đơn vị tổ chức xã hội, mỗi chi bộ cơ sở đều mua báo Nhân dân (bằng kinh phí của Đảng và Nhà nước), nên báo càng phát huy sức mạnh. Báo có những đợt tuyên truyền tập trung vào các công tác trọng tâm, cổ vũ phong trào lớn của quần chúng. Mọi người đều nhớ những đợt tuyên truyền phong trào thi đua yêu nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc với những điển hình như ''Gió Đại Phong”, “Sóng Duyên Hải”, “Cờ Ba Nhất”... sôi nổi một thời.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các xã luận, phóng sự của báo có sức cổ vũ lớn với những hình tượng “Nguyễn Viết Xuân, nhằm thẳng quân thù mà bắn”, “Lê Mã Lương, cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Ngày 26-12-1972, trong khí thế hào hùng của quân dân Hà Nội đánh cả máy bay B52 của giặc Mỹ, báo ra bài xã luận “Hà Nội, Thủ đô của phẩm giá con người''. Đầu đề này đã trở thành khẩu ngữ dùng phổ biến trong nước và thế giới.
Sau giải phóng miền Nam năm 1975, báo nhanh chóng phát hành trên cả nước, đặc biệt khi có cơ sở ấn loát riêng ở thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, in theo chế bản từ Hà Nội gửi vào, thì báo được bảo đảm phát hành đồng thời ở cả ba miền.
Ngày 12-2-1969, Nhân dân chủ nhật ra số đầu tiên, khổ nhỏ bằng tờ báo hằng ngày gấp tư. Tháng 2-1995, Nhân dân chủ nhật đổi tên thành Nhân dân cuối tuần, số Nhân dân chủ nhật vẫn ra thường lệ với khổ lớn. Tháng 5-1997, báo ra thêm số Nhân dân hàng tháng. Với tất cả những ấn phẩm trên, cùng với Nhân dân hàng ngày ra với 8 trang khổ lớn (trước chỉ có 4 trang), báo có điều kiện mở rộng thông tin, đề cập toàn diện đến các vấn đề thời sự chính trị - xã hội và cả văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao.
Ngày 21-6-1998, báo Nhân dân điện tử bằng tiếng Việt ra số đầu hòa mạng internet, đến ngày 11- 3-1999 lại có bản bằng tiếng Anh, đáp ứng nhu cầu thông tin của hàng chục triệu bạn đọc là người Việt Nam ở nước ngoài, cũng như người ngoại quốc.
Báo đều đặn xuất bản tờ Nội san báo Nhân dân nhằm mục đích trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp trong cán bộ, phóng viên.
b) Tạp chí Cộng sản
Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986), sau khi đánh giá những thắng lợi mà Đảng và nhân dân ta đã giành được, và thẳng thắn phân tích những sai lầm, khuyết điểm, trong đó có những sai
lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện, đã quyết định phải tiến hành đổi mới toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trọng tâm của công cuộc đổi mới là lĩnh vực kinh tế, bao gồm bố trí lại cơ cấu sản xuất, cơ cấu đầu tư, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, kiên quyết xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp, chuyển mạnh sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, sử dụng đầy đủ và đúng đắn các đòn bẩy kinh tế trong kế hoạch hóa và quản lý kinh tế, v.v.. Về mặt chính trị - xã hội, Đại hội nhấn mạnh việc phát huy mọi khả năng của con người, lấy việc phục vụ con người làm mục đích cao nhất, do đó phải dân chủ hóa đời sống xã hội, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể quần chúng theo tinh thần ''lấy dân làm gốc'', không ngừng suy nghĩ, tìm tòi để đổi mới đúng hướng. Ngày l0-1-1987, Ban biên tập đã có dự án về đổi mới các mặt của tạp chí. Cuối năm 1987, đồng chí Đào Duy Tùng thay mặt Ban Bí thư đã làm việc với Ban biên tập tạp chí.
Ngày 29-3-1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra chỉ thị về công tác của Tạp chí cộng sản. Chỉ thị viết: ''Tạp chí Cộng sản cần phân tích một cách khoa học những quan điểm của Lênin về chủ nghĩa xã hội, vận dụng những nguyên lý cơ bản, nhất là phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác - Lênin mà phân tích tình hình thực tế nước ta một cách sâu sắc, từ đó làm sáng tỏ tính đặc thù của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nội dung biên tập của tạp chí cần tập trung vào các vấn đề: đổi mới tư duy, đổi mới tổ chức, cán bộ, phong cách và đổi mới cơ chế quản lý trong kinh tế dân chủ hóa, xây dựng Đảng, xây dựng nền văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa, đồng thời phê phán những quan điểm ấu trĩ, sai lệch về chủ nghĩa xã hội. Tạp chí Cộng sản phải tiên phong đấu tranh cho sự đổi mới tư duy theo tinh thần của Đại hội VI, kiên quyết chống mọi sự bảo thủ, trì trệ, mọi biểu hiện của khuôn sáo, đồng thời đấu tranh chống chủ nghĩa duy ý chí, chống mọi biểu hiện của nóng vội, chủ quan''.
“…Tạp chí Cộng sản phải đổi mới cả nội dung và hình thức. Tạp chí phải kết hợp chặt chẽ lý luận với thực tế, hết sức coi trọng yêu cầu của đông đảo bạn đọc. Tạp chí cần có hình thức và biện pháp khuyến khích sự tìm tòi sáng tạo của các nhà khoa học, của những cán bộ quản lý có kinh nghiệm, mở ra những mục tranh luận dân chủ trên những vấn đề lớn mang tính lý luận và thực tiễn cao.
Nói chung các bài cần ngắn gọn, súc tích, có hàm lượng thông tin lớn, có chất lượng lý luận. Tạp chí cần dành một tỷ lệ trang nhất định dể đăng những ý kiến của bạn đọc góp phần xây dựng Đảng và hoàn chỉnh đường lối, chính sách của Đảng. Tạp chí có những mục giới thiệu kinh nghiệm của các nước anh em, đọc sách báo nước ngoài, thông tin kịp thời và có chọn lọc những vấn đề mới về lý luận cũng như về thực tiễn trong cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa cũng như trong phong trào cộng sản quốc tế. Tạp chí cần tiến tới mở mục điểm sách, báo trong nước có tác dụng thông tin và hướng dẫn bạn đọc theo đường lối của Đảng...''.
Đổi mới thật sự và đúng hướng, một mặt tạp chí kiên quyết giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của mình như bám chắc đường lối và các chính sách của Đảng và Nhà nước, kiên quyết bảo vệ các quan điểm của Đảng, đấu tranh chống những quan điểm sai trái, nâng cao vai trò lý luận của tạp chí, bám sát thực tế của đất nước và thế giới. Mặt khác, tạp chí cố vượt ra ngoài các khuôn sáo cũ cả về nội dung và hình thức, tạo nên một không khí cởi mở, tự do tư tưởng, dân chủ thảo luận trên tạp chí, dám nhìn thẳng vào sự thật, mạnh dạn phân tích, góp phần tích cực vào việc làm sáng tỏ đường lối và các quan điểm của Đảng.
Để đáp ứng yêu cầu của công tác tư tưởng và lý luận trong giai đoạn mới, thực hiện quyết định của Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư, bắt đầu từ tháng 7-1995, Tạp chí Cộng sản ra hai kỳ một tháng. Đây là một quyết định đúng đắn và cần thiết, bởi vì trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, trong điều kiện bùng nổ thông tin, trình độ dân trí ngày càng cao, đòi hỏi của bạn đọc ngày càng lớn, yêu cầu của công tác lý luận rất nặng nề, nếu tạp chí ra mỗi tháng 1 kỳ như trước thì không còn thích hợp. Cuộc sống đòi hỏi tạp chí phải có những thông tin nhanh hơn, phong phú hơn, kịp thời hơn.
Trong bài ''Cùng bạn đọc thân mến'' nhằm thông báo sự kiện trên, Bộ biên tập Tạp chí Cộng sản một lần nữa lại khẳng định Tạp chí Cộng sản ra hai kỳ một tháng và tiếp tục đổi mới nhưng trên cơ sở theo đúng tôn chỉ, mục đích và chức năng là cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, bảo đảm không ngừng nâng cao chất lượng mọi mặt của tạp chí. Tạp chí đổi mới nhưng kế thừa những truyền thống tốt đẹp và giữ đúng bản sắc của mình.
Từ khi ra hai kỳ một tháng, tạp chí có điều kiện đăng nhiều bài hơn, chuyển tải kịp thời hơn đến bạn đọc những thông tin lý luận cần thiết, những quan điểm, đường lối của Đảng, tăng thêm những bài nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, giới thiệu những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến cùng nhiều nội dung khác theo chức năng của tạp chí.
Ngoài Tạp chí Cộng sản (bản in), từ ngày 2-9-2001, Bộ biên tập Tạp chí Cộng sản, thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị Trung ương Đảng khóa VIII về công tác của Tạp chí Cộng sản trong giai đoạn mới, đã phát hành thử nghiệm Tạp chí Cộng sản điện tử trên mạng internet. Sau 5 tháng phát hành thử nghiệm, vào dịp kỷ niệm 72 năm thành lập Đảng (3-2-2002) và đón Xuân Nhâm Ngọ, Tạp chí Cộng sản điện tử phát hành chính thức bằng tiếng Việt trên mạng. Và một năm sau, vào dịp kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Đảng (3-2-2003) và đón Xuân Quý Mùi, Tạp chí Cộng sản điện tử chính thức phát hành trên mạng bằng hai thứ tiếng Việt và Anh.
Tạp chí Cộng sản điện tử được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp giấy phép hoạt động số 420 ngày 20- 8-2001 và được Tổng cục Bưu điện chính thức cấp phát trên miền internet là w.w.w.tapchicongsan.org.vn.
Tạp chí Cộng sản điện tử là tạp chí lý luận và chính trị trên mạng internet, là ''cánh tay nối dài'' của Tạp chí Cộng sản (bản in). Tạp chí có nhiệm vụ tuyên truyền có định hướng những vấn đề lý luận chính trị trong nước và quốc tế, tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, mở rộng thông tin đối ngoại, giới thiệu về đất nước, con người, truyền thống lịch sử và văn hóa Việt Nam, nhằm tăng cường sự hiểu biết và tình cảm của bạn bè quốc tế đối với đất nước và con người Việt Nam. Tạp chí Cộng sản điện tử còn có nhiệm vụ đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Vào dịp kỷ niệm 73 năm ngày xuất bản số tạp chí đầu tiên của Đảng (5-8-1930 – 5-8-2003), một vinh dự lớn đến với Tạp chí Cộng sản là được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta “vì đã có công lao to lớn đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc''. Vinh dự này không chỉ là của lớp lớp thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên của tạp chí Đảng trong suốt 73 năm qua, mà còn là của các thế hệ cộng tác viên và bạn đọc của tạp chí khắp cả nước. Có được vinh dự này trước hết là nhờ có
sự quan tâm lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp giúp đỡ chặt chẽ của bộ, ban, ngành, các địa phương.
c) Đài Tiếng nói Việt Nam - Về nội dung các chương trình:
Sự đổi mới về đường lối trong Đại hội VI năm 1986 kéo theo sự đổi mới về báo chí (cả báo viết, báo nói, báo hình). Trước đó, kể từ Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng, tư tưởng xóa bỏ cơ chế quản lý quan liêu hành chính, bao cấp đã được đưa vào Nghị quyết. Đồng chí Trường Chinh phát biểu một bài rất quan trọng về vấn đề này, được cả nước hoan nghênh. Tư tưởng đổi mới tư duy ngày càng rõ thêm, nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh. Có nhiều nơi thành công nhưng cũng không ít nơi thất bại vì chưa biết vận dụng. Đài Tiếng nói Việt Nam luôn luôn ủng hộ những nhân tố mới, phổ biến những kinh nghiệm tốt của những điển hình tiên tiến.
Đến Đại hội lần thứ VI năm 1986 của Đảng, đường lối đổi mới được hoàn chỉnh, cuộc tranh luận xung quanh nhiều vấn đề cơ bản về lý luận và thực tiễn mới kết thúc ''về cơ bản''. Trong lúc đó, lại phải đấu tranh với một thiểu số có ý kiến muốn rập khuôn theo kiểu ''cải cách'' của Liên Xô và Đông Âu, muốn xóa sạch cái cũ, bỏ chế độ Đảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo, đòi cải cách kinh tế và cải cách chính trị (đa nguyên, đa đảng, có đảng đối lập) phải ngang nhau, phê phán Đảng ta nặng về cải cách kinh tế mà không cải cách chính trị (theo kiểu nói trên) là đi chân dài chân ngắn, khập khiễng v.v..
Đài Tiếng nói Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi luồng tư tưởng ngược chiều này. Có thể nói là đường lối đổi mới của Đảng, đã tạo ra cho các nhà báo, trong đó có báo điện tử, một sự đổi mới toàn diện cả về quan điểm, nội dung và hình thức, thể tài.
Đài Tiếng nói Việt Nam đã tham gia tích cực vào việc chống tư tưởng bảo thủ, chống cách làm ăn trì trệ, chống những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Đài cũng đổi mới thông tin từ ngoài vào, từ trong ra. Trước kia đưa tin về các sự kiện trên thế giới, chủ yếu chỉ đưa ra những thành tựu của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa mà không phản ánh những mặt yếu kém, những sai lầm của họ. Đưa tin về phương Tây, thì chỉ đưa mặt xấu mặt hư hỏng, không đưa những mặt mạnh của họ như phương thức quản lý kinh tế có hiệu quả, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới v.v. đã làm cho bạn nghe Đài hiểu thế giới một cách méo mó, không chính xác. Đưa tin từ trong nước ra ngoài, cũng chỉ nói về thành tựu, có tính chất thổi phồng, giấu diếm những mặt yếu kém. Chính vì thông tin phiến diện, một phần theo định kiến chủ quan, nên nội dung có phần nghèo nàn, thiếu tính chân thật, thiếu tính chiến đấu và thiếu tính thuyết phục.
Từ lúc có quan điểm đổi mới, thông tin của Đài trở nên phong phú hơn, toàn diện hơn, chân thực hơn, hấp dẫn hơn và có hiệu quả cao hơn, giúp cho bạn nghe Đài ngày càng quán triệt đường lối đổi mới của Đảng. Thông tin của Đài nêu cả mặt được, mặt chưa được, chủ động góp phần vào việc hoàn thiện từng bước chính sách theo con đường đổi mới.
- Sự đổi mới tư duy, đổi mới quan điểm báo chí một cách có hệ thống:
Do có sự tăng cường sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại và đổi mới tư duy một cách có hệ thống, đã giúp cho tính sáng tạo của các phóng viên, biên tập viên cũng phát triển làm nảy nở nhiều thể tài, tiết mục mới sinh động, hấp dẫn và gần gũi với cuộc sống. Với trung tâm âm thanh
mới được xây dựng, đưa vào sử dụng từ năm 1988, với những thiết bị hiện đại hơn, gọn nhẹ hơn, lại tận dụng được vệ tinh, đường cáp quang và đường viba theo kỹ thuật số, thông tin nhanh được cả hai chiều, nên Đài Tiếng nói Việt Nam đã có thể đưa rất nhanh các phóng sự phỏng vấn từ các tỉnh thành ở xa qua đường điện thoại để phát ngay trên sóng. Tính toàn quốc của Đài được thể hiện ngày một tốt hơn, xóa được định kiến là ''Đài đồng bằng sông Hồng''.
Việc sử dụng phóng viên nói trực tiếp trước micrô những bài của mình thay cho phát thanh viên cũng được sử dụng mạnh dạn hơn trước, có sức truyền cảm mạnh hơn, có tính thuyết phục cao hơn.
Số lượng các chương trình phát thanh cũng tăng lên nhanh chóng, thỏa mãn ngày càng cao cho nhu cầu thông tin của các tầng lớp nhân dân khác nhau. Từ khi Đài Tiếng nói Việt Nam phát chương trình bằng sóng FM hằng ngày thì việc thỏa mãn nhu cầu giải trí, thưởng thức ca nhạc và nâng cao kiến thức của nhân dân trở lên tốt hơn. Tuy nhiên, Đài vẫn chưa xóa bỏ được hết cách làm chương trình theo kiểu đường mòn, công thức, dễ dãi, thiếu sáng tạo trong một số bộ phận, mặc dù có phương tiện hiện đại trong tay. Trong cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới thì tư duy theo kiểu mới đang ngày càng thắng thế.
- Sự thay đổi tổ chức bộ máy:
Năm 1987, để thống nhất đường truyền tín hiệu bằng các phương tiện kỹ thuật hiện đại như vệ tinh, viba số, cáp quang cùng máy phát sóng vào một mối với vô tuyến viễn thông, Chính phủ đã ra quyết định chuyển đường truyền tín hiệu và các đài phát sóng phát thanh sang cho Tổng cục Bưu điện quản lý, theo cơ chế Đài Tiếng nói Việt Nam thuê bao của bưu điện. Nhưng tháng 8- 1993, Chính phủ ra quyết định tổ chức Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam - hai cơ quan trực thuộc Chính phủ thành hai ngành quản lý nghiệp vụ hệ thống các Đài phát thanh và hệ thống các Đài Truyền hình các địa phương trong cả nước. Chính phủ cũng quyết định giao cho Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam quản lý các máy phát sóng của toàn hệ thống do Tổng cục Bưu điện chuyển sang Đài Tiếng nói Việt Nam (cũng như Đài Truyền hình Việt Nam). Hai đài có trách nhiệm làm dự án kế hoạch chiến lược phát triển toàn ngành cho đến năm 2000 và xa hơn nữa. Đến năm 2000, Đài Tiếng nói Việt Nam phủ sóng 95% dân cư bảo đảm 14 triệu hộ gia đình có rađiô nghe tốt chương trình của đài quốc gia. Thực tế diễn ra ở Đài Tiếng nói Việt Nam là quá trình suy nghĩ, tìm tòi, xác định hướng đi đúng để đổi mới đồng bộ cả về thiết bị kỹ thuật, quy trình công nghệ lẫn trình độ của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên theo hướng phát thanh hiện đại. Sau nhiều năm được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư, đến năm 2000 cơ sở kỹ thuật của Đài Tiếng nói Việt Nam đã đi vào hoạt động có hiệu quả với một trung tâm sản xuất các chương trình phát thanh quy mô và đang hình thành tổ hợp biên tập - kỹ thuật phát thanh công nghệ hiện đại. Ngoài các cơ sở biên tập và kỹ thuật tại Hà Nội còn có 5 cơ quan thường trú khu vực đóng tại thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Buôn Ma Thuật - Đà Nẵng - Sơn La. Cánh sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam đã vươn tới 70 nước thuộc vùng Đông Nam Á, châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và Caribê với 11 thứ tiếng nước ngoài và một chương trình dành cho đồng bào Việt kiều ở xa Tổ quốc. Và lần đầu tiên, trong chặng đường 56 năm phát triển của mình, Đài Tiếng nói Việt Nam đã có 5 cơ quan thường trú nước ngoài đóng tại Băng Cốc - Pa ri - Bắc Kinh - Mátxcơva - Cairô, thông tin kịp thời các sự kiện quốc tế và khu vực. Nếu như trước đây nguồn tin của Đài thường chậm hơn so với các đài nước ngoài hàng chục giờ đồng hồ, thì bây giờ, với các