Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược

Một phần của tài liệu Lịch sử báo chí cách mạng việt nam (Trang 79 - 83)

Ngay từ những ngày đầu, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự kiến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược sẽ diễn ra theo ba giai đoạn: cầm cự, phòng ngự và phản công. Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (2-1951) quan điểm này được nhắc lại một lần nữa. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội, Hồ Chủ tịch khẳng định:

“Đảng và Chính phủ ta đã nhận định cuộc kháng chiến có ba giai đoạn:

- Giai đoạn thứ nhất, thì ta cốt giữ vững và phát triển chủ lực. Giai đoạn này từ ngày 23-9-1945 đến hết chiến dịch Việt Bắc, Thu - Đông 1947.

- Giai đoạn thứ hai, thì ta tích cực cầm cự và chuẩn bị tổng phản công. Giai đoạn này từ sau chiến dịch Việt Bắc đến nay.

- Giai đoạn thứ ba, là tổng phản công''3.

Việc dự kiến các giai đoạn của cuộc kháng chiến dựa trên những điều kiện cụ thể và tương quan lực lượng giữa ta và địch. Đây cũng đồng thời là sự chủ định và quyết tâm chiến lược của Đảng và

Chính phủ ta. Những diễn biến trên thực tế của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đã chứng minh cho sự đúng đắn, chính xác của quan điểm trên.

Giai đoạn thứ nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là giai đoạn kết hợp giữa cuộc chiến đấu chống xâm lược ở miền Nam với công cuộc xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng trên cả nước, tiến tới phát động kháng chiến toàn quốc, đánh thắng chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp. Giai đoạn này mở đầu bằng sự kiện đêm 22, rạng ngày 23-9-1945, 4.000 lính Pháp và Pháp kiều có vũ trang với sự tiếp tay của quân Anh - Ấn đã nổ súng đánh chiếm Sài Gòn. Trong tình trạng chính quyền cách mạng vừa được hình thành, cả hai đầu đất nước đều có kẻ thù xâm lược, thế và lực cách mạng còn yếu, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương kìm chân địch ở phía Nam, hòa hoãn để đẩy quân Tưởng về nước, tận dụng mọi thời cơ củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng cách mạng.

Sài Gòn - Gia Định đi trước cả nước quật khởi đứng lên, chặn đánh từng bước tiến của quân Pháp.

Cả nước chi viện cho Nam Bộ kháng chiến. Ngay trong đêm 26-9-1945 chi đội Giải phóng quân đầu tiên lên đường Nam tiến. Những trận đánh liên tiếp xảy ra ngay trên từng cây cầu, góc phố của Sài Gòn, tạo thành thế bao vây quân Pháp trong thành phố. Phải một tháng sau, ngày 23-10-1945 quân địch tăng cường viện binh với lực lượng thiết giáp mới phá vỡ vòng vây xung quanh Sài Gòn.

Ở Nam Trung Bộ, ngày 22-10, quân Pháp đổ bộ lên Nha Trang bị quân ta chống cự mãnh liệt và bao vây. Cuối tháng 1-1946, sau khi chiếm được Buôn Ma Thuật, địch tập trung lực lượng từ phía nam đánh ra, Tây Nguyên đánh xuống và từ biển đánh vào, lực lượng của ta mới rút về Phú Yên.

Ở phía Bắc, trong tình hình vô cùng khó khăn, phức tạp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khôn khéo lãnh đạo cách mạng, hòa hoãn để tiến tới loại bỏ quân Tưởng, bảo vệ chính quyền nhân dân, phát triển sản xuất, mở mang văn hóa – giáo dục, củng cố khối đoàn kết toàn dân, nâng dần thế và lực của cách mạng. Với quân đội Pháp, chúng ta luôn có thái độ xây dựng, tìm mọi cách để duy trì hòa bình, tránh nổ ra chiến tranh. Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946 ký tại Hà Nội mở đường cho quân Tưởng rút về nước. Quân Pháp tạm thời vào miền Bắc thay quân Tưởng và sẽ rút dần trong 5 năm ra khỏi Việt Nam.

Với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, quân Pháp không từ một thủ đoạn nào để mở rộng phạm vi chiếm đóng, khiêu khích và tiêu diệt lực lượng của ta. Chính dã tâm xâm lược của thực dân Pháp đã đẩy tới sự kiện 19-12, buộc nhân dân ta phải đứng lên cầm súng chiến đấu. Sau hai tháng chiến đấu quyết tử, bộ đội ta rút khỏi Hà Nội. Toàn bộ các cơ quan trung ương cùng lực lượng vũ trang của ta rút dần lên Việt Bắc, xây dựng chiến khu làm căn cứ để xây dựng lực lượng chuẩn bị thời cơ giải phóng hoàn toàn đất nước.

Giai đoạn thứ hai của cuộc kháng chiến chống Pháp từ đầu năm 1948 đến chiến thắng Biên giới, Thu - Đông 1950. Đây là giai đoạn ta dần dần nắm thế chủ động, đẩy mạnh cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, phát triển chiến tranh du kích kết hợp với những đòn đánh của quân chủ lực, làm thất bại âm mưu ''dùng người Việt trị người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh'' của thực dân Pháp.

Sau thất bại ở Việt Bắc, Thu - Đông 1947, thực dân Pháp gặp nhiều khó khăn vì trong nước khủng hoảng kéo dài, chiến trường dàn mỏng do thiếu quân số, tinh thần binh lính sa sút. Để tiếp tục

chiến tranh, quân Pháp buộc phải chuyển từ ''đánh nhanh, thắng nhanh'' sang ''đánh kéo dài” và thực hiện chính sách ''lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt''. Chỉ riêng năm 1948, Pháp tuyển thêm 55.000 quân ngụy. Chúng tập trung mở hàng loạt cuộc càn quét quy mô nhỏ, thực hiện việc bình định ở miền Nam, miền Trung và đồng bằng Bắc Bộ.

Sau Hội nghị Ban Chấp hành Tlung ương Đảng tháng 1-1948, ta phát triển mạnh chiến tranh du kích trong vùng địch hậu, ''biến hậu phương địch thành tiền phương ta''. Nhiều nơi trong vùng địch hậu, nhân dân lập làng chiến đấu, xây dựng căn cứ du kích. Nhiều gương chiến đấu dũng cảm, hy sinh oanh liệt xuất hiện như Võ Thị Sáu, Mạc Thị Bưởi, Anh hùng Núp… Phong trào ác liệt, phá tề nổi rầm rộ ở ngay những trung tâm quan trọng như Hà Nội, Hải Phòng. Trong những năm 1949, 1950, chiến tranh du kích của ta càng phát triển sâu rộng với sự hỗ trợ hay phối hợp chiến đấu của bộ đội địa phương và các phân đội quân chủ lực làm cho địch mất ăn, mất ngủ.

Tháng 1-1949, Trung ương Đảng họp Hội nghị Cán bộ trung ương lần thứ sáu. Hội nghị phân tích những điều kiện thuận lợi của ta, đánh giá sự thay đổi về so sánh lực lượng giữa ta và địch, trong đó chỉ võ: ''Chiến lược của địch sẽ nặng dần về mặt phòng ngự'' và nhận định khả năng đế quốc Mỹ sẽ nhảy vào can thiệp trực tiếp. Phương châm chiến lược được Hội nghị đưa ra là ''tích cực cầm cự, chuẩn bị tổng phản công''.

Ngày 21-5-1950, Trung ương Đông triệu tập Hội nghị toàn quốc lần thứ ba, Hội nghị xác định:

''phải nhân đà tiến bộ của bản thân ta, dựa vào sự giúp đỡ của các lực lượng bạn, lợi dụng sự lúng túng của địch, trước mưu mô của đế quốc Mỹ - Anh mà gấp rút hoàn thiện nhiệm vụ chuyển mạnh sang tổng phản công năm 1950 này4.

Ngày 16-9-1950, trận tiến công cứ điểm Đông Khê bắt đầu mở màn cho chiến dịch Biên giới. Mục đích của chiến dịch là tiêu diệt một phần sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới, mở đường giao thông với các nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Sau 29 ngày đêm chiến đấu bộ đội ta kết thúc thắng lợi chiến dịch Biên giới, diệt và bắt sống 8.300 tên địch, thu hơn 300 tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh, xóa sạch Liên khu biên giới Đông Bắc của quân Pháp.

Chiến thắng Biên giới giáng cho địch đòn nặng nề chưa từng thấy ở Đông Dương, đẩy chúng vào thế bị động, lúng túng hơn. Đối với ta, biên giới được khai thông, thế bao vây của Việt Bắc bị phá vỡ, tạo ra bước chuyển biến căn bản của cuộc kháng chiến sang giai đoạn mới - giai đoạn nắm quyền chủ động trên chiến trường, chuyển hẳn sang tiến công quân địch.

Giai đoạn thứ ba của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ đầu năm 1951 và kết thúc ngày 20-7-1954 - ngày ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.

Đây là giai đoạn ta nắm vững quyền chủ động chiến lược trên khắp các mặt trận, liên tục tiến công phá vỡ mọi nỗ lực chiến tranh cao nhất của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, tiến tới chiến thắng Điện Biên Phủ.

Sau chiến dịch Biên giới, quân Pháp rơi vào thế khó khăn, mất quyền chủ động trên chiến trường.

Để cứu vãn tình thế, ngày 24-12-1950, Mỹ ký với Pháp bản hiệp ước quân sự, tăng các khoản viện trợ chiến tranh, can thiệp sâu hơn vào cuộc chiến ở Đông Dương. Với sự tiếp sức của Mỹ, từ đầu năm 1951, Pháp bắt đầu thực hiện kế hoạch Đờ Lát, tập trung xây dựng lực lượng cơ động mạnh,

lập tuyến phòng thủ trung du và đồng bằng Bắc Bộ, bình định vùng tạm chiếm, chuẩn bị đánh ra vùng tự do nhằm giành lại thế chủ động.

Về phía ta, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2-1951) xác định nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng Việt Nam lúc này là: ''tiêu diệt thực dân Pháp xâm lược và đánh bại bọn can thiệp Mỹ, giành độc lập và thống nhất hoàn toàn, bảo vệ hòa bình thế giới''. Cũng tại Đại hội này, Đảng đổi tên thành Đảng Lao động Việt Nam.

Quân chủ lực của ta ở Bắc Bộ được tập trung xây dựng thành các đại đoàn và liên tiếp mở các chiến dịch đánh vào phòng tuyến địch ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ như: chiến dịch Trần Hưng Đạo ở khu vực Việt Trì, Bắc Giang (12-1950 – 1-1951), chiến dịch Hoàng Hoa Thám ở Phả Lại, Uổng Bí, Mạo Khê (tháng 3 và 4-1951), chiến dịch Quang Trung tại Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình (tháng 5 và 6-195l). Chiến tranh du kích tiếp tục phát triển ở các khu vực tạm chiếm, gây khó khăn cho việc bình định gấp rút của địch.

Từ ngày 14-10 đến ngày 10-12-1952, ta mở chiến dịch Tây Bắc nhằm phá vỡ thế uy hiếp của địch đối với Việt Bắc từ phía Tây, mở thông hành lang với Thượng Lào, tạo khả năng phối hợp với cách mạng nước bạn. Cũng trong thời gian chiến dịch Tây Bắc, quân ta đã đánh thắng các binh đoàn cơ động của Pháp đánh lên Phú Thọ, buộc chúng phải bỏ chạy.

Tháng 4-1953, ta phối hợp với bộ đội yêu nước Lào mở chiến dịch Thượng Lào (Sầm Nưa). Chiến dịch đã thắng lợi với việc giải phóng tỉnh Sầm Nưa và một phần tỉnh Xiêng Khoảng, tỉnh Phông Xa Lì.

Sau các chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc và Thượng Lào, cục diện chiến tranh càng có lợi cho ta.

Hòng xoay chuyển tình thế, chuyển bại thành thắng, Pháp và Mỹ đâm lao đành theo lao, bắt tay thực hiện kế hoạch Nava với mục tiêu bình định Đông Dương. Để thực hiện kế hoạch này, Mỹ tăng thêm viện trợ quân sự lên đến 78% toàn bộ ngân sách chiến tranh ở Đông Dương. Phía Pháp ráo riết tăng quân, bắt lính, liên tục mở các trận càn ở Bắc Bộ, Bình Trị Thiên và Nam Bộ.

Cuối tháng 9-1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp bàn nhiệm vụ quân sự Đông - Xuân 1953 – 1954 Bộ Chính trị nhấn mạnh phương châm ''tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt'', nhằm đánh địch nơi sơ hở, tiêu diệt địch khi chúng đánh vào vùng tự do và đẩy mạnh chiến tranh du kích trên khắp chiến trường để phân tán và làm suy yếu lực lượng địch.

Mở đầu Đông - Xuân 1953 - 1954 ta thực hiện 5 đòn tiến công chiến lược:

1. Đánh vào thị xã Lai Châu trung tuần tháng 12-1953, buộc địch rút lui, co cụm về Điện Biên Phủ.

2. Hạ tuần tháng 12-1953, ta phối hợp với Quân giải phóng Lào, tiến công vào Trung Lào, buộc địch phải rút về lập cụm cử điểm tại Sênô.

3. Mở chiến dịch Hạ Lào và Đông Campuchia, giải phóng khu vực rộng lớn từ Đông Campuchia nối liền Hạ Lào, Trung Lào.

4. Trên mặt trận Tây Nguyên, cuối tháng 1, đầu tháng 2-1954, ta đánh thắng chiến dịch Átlăng của địch, buộc chúng phải co cụm về An Khê và Plâycu.

5. Tại Thượng Lào, hạ tuần tháng 1-1954, ta phối hợp với bạn Lào tiến đánh phòng tuyến Nậm Hu, truy kích địch đến gần Luông Pha Băng, buộc chúng tập trung về Luông Pha Băng và Mường Sài.

Từ tháng 12-1953, ta bắt đầu chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ - chiến dịch quyết chiến trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Trong chỉ thị gửi Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Hồ Chủ tịch chỉ rõ: ''Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà về cả chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế.

Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được''5.

Ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng tiến công Điện Biên Phủ. Ngày 7-5-1954, sau 55 ngày đêm chiến đấu vô cùng dũng cảm, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch ở đây trong đó có tướng Đờ Cát. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc oanh liệt chiến dịch tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954.

Chiến thắng Điện Biên Phủ tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao của ta. Ngày 8- 5-1954, hội nghị về chấm dứt chiến tranh Đông Dương khai mạc phiên thứ nhất tại Giơnevơ (Thụy Sĩ). Trải qua 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp căng thẳng, ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết. Ngày 20-7-1954 trở thành thời điểm kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến oanh liệt, vĩ đại của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược, lập lại hòa bình trên miền Bắc.

Một phần của tài liệu Lịch sử báo chí cách mạng việt nam (Trang 79 - 83)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(261 trang)
w