Đổi mới đất nước và yêu cầu đổi mới báo chí

Một phần của tài liệu Lịch sử báo chí cách mạng việt nam (Trang 195 - 198)

II- HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM

1. Đổi mới đất nước và yêu cầu đổi mới báo chí

a) Bối cảnh lịch sử

Giai đoạn 1986 - 2000 được coi là thời điểm đất nước có nhiều biến động sâu sắc. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (12-1986) trở thành mốc quan trọng đánh dấu bước chuyển sang thời kỳ đổi mới của Việt Nam. Nghị quyết Đại hội xác định: ''đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực'', ''trọng tâm trước mắt là đổi mới chính sách kinh tế'', ''giữ vững ổn định chính trị là tiền đề để bảo đảm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới''1. Đại hội VI khẳng định quyết tâm tiếp tục thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Từ đại hội này, Đảng đã đặt ra vấn đề đổi mới toàn diện, trước hết trên lĩnh vực đặc biệt là quản lý kinh tế và sản xuất. Nhiệm vụ chung cho cả chặng đường đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được đề ra là: toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đoàn kết một lòng, quyết tâm đem hết tinh thần và lực lượng tiếp tục thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong khi không ngừng chăm lo nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Đảng và nhân dân ta tiếp tục đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng chế độ làm chủ tập thể, nền kinh tế mới, nền văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa. Những mục tiêu cụ thể được đặt ra gồm: sản xuất đủ tiêu dùng và có tích lũy, tạo ra một cơ cấu kinh tế hợp lý nhằm phát triển sản xuất, xây dựng và hoàn thiện một bước quan hệ sản xuất mới, tạo ta chuyển biến tốt về mặt xã hội, bảo đảm nhu cầu củng cố quốc phòng và an ninh.

Từ năm 1986 - 1990, hàng xuất khẩu tăng gấp 8 lần. Từ năm 1989, nước ta đã tăng thêm các mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn như gạo, dầu thô... Nhập khẩu giảm đáng kể, cán cân xuất nhập khẩu gần ngang bằng. Một thành tựu hết sức quan trọng trong thời kỳ này là Việt Nam đã kiềm chế được một bước đà lạm phát. Nếu chỉ số tăng giá bình quân hàng tháng trên thị trường năm 1986 là 20%, năm 1987 là l0%, năm 1989 con số này còn 2,5%, năm 1990 là 4,4%. Điều này tạo điều kiện cho các cơ sở kinh tế hạch toán kinh doanh, đời sống nhân dân giảm bớt khó khăn.

Quan hệ kinh tế của Việt Nam thời kỳ này được mở rộng. Tính đến 31-12-1989, Việt Nam đã có quan hệ với 114 nước, trong đó có 76 nước có quan hệ thương mại và hợp tác kinh tế. Việt Nam thời kỳ này tích cực tham gia vào các tổ chức quốc tế. Tính đến cuối năm 1989, Việt Nam đã là thành viên của hơn 20 tổ chức quốc tế khác nhau. Điều này khiến Việt Nam dần dần tạo được mối quan hệ hợp tác kinh tế, khoa học - kỹ thuật với các nước trên thế giới cũng như tiếp xúc với các nền văn minh. Đặc biệt, sau khi có có Luật Đầu tư (12-1987), Việt Nam bắt đầu thiết lập mối quan hệ kinh tế với nước ngoài một cách chặt chẽ và lâu dài hơn. Sau hơn l năm có Luật Đầu tư, đã có trên 2.000 đoàn nước ngoài vào Việt Nam thăm dò, nghiên cứu khả năng đầu tư hợp tác. Đến tháng 10-1989 đã có 96 dự án được cấp giấy phép với tổng số vốn đầu tư 755 triệu USD. Mặc dù con số này chưa nhiều nhưng bước đầu đã mở ra mối quan hệ kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của Việt Nam với các nước trên thế giới.

Riêng với Liên Xô, một trong những thị trường truyền thống, có ảnh hưởng to lớn tới Việt Nam trong thời kỳ này đã lâm vào khủng hoảng chưa từng có. Sau gần 6 năm tiến hành cải tổ (tháng 2- 1986) đã không đem lại kết quả tốt. Không những thế, công cuộc cải tổ ngày càng trục trặc, bế tắc và vượt xa mục tiêu chủ nghĩa xã hội, khiến Liên Xô lâm vào khủng hoảng về mọi mặt. Năm 1989 được coi là năm xấu nhất của nền kinh tế Liên Xô cùng với những diễn biến cực kỳ phức tạp của đất nước này. Toàn bộ quá trình trì trệ - khủng hoảng kéo dài trong nhiều năm của Liên Xô đã lên tới đỉnh cao khiến Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết tan vỡ sau gần 75 năm tồn tại.

Sau sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu, các thế lực thù địch tăng cường việc thực hiện âm mưu ''diễn biến hòa bình'', kích động việc thực hiện đa nguyên chính trị, đa dạng nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Về kinh tế, những thay đổi lớn ở Liên Xô và Đông Âu đã gây ra cho Việt Nam nhiều đảo lộn lớn về thị trường xuất khẩu và nhập khẩu cũng như nhiều chương trình hợp tác kinh tế.

Tuy nhiên, thời kỳ này Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề kinh tế - xã hội chưa được giải quyết. Đó cũng là những hạn chế tất yếu của thời kỳ như: nền kinh tế còn mất cân đối lớn, lạm phát vẫn ở mức cao, lao động còn thiếu việc làm, hiệu quả kinh tế thấp, nhiều cơ sở sản xuất bị đình đốn kéo dài, chưa có tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế, chế độ tiền lương bất hợp lý, tốc độ tăng dân số cao; sự nghiệp văn hóa có mặt xuống thấp, tình trạng tham nhũng còn nặng nề và phổ biến.

Những thành tựu cũng như hạn chế trong giai đoạn này phần nào đã khẳng định đường lối đổi mới đúng đắn của Việt Nam. Điều này cũng ảnh hưởng tới sự phát triển của hệ thống báo chí trong thời kỳ này. Vấn đề đổi mới báo chí cũng theo luồng gió của đổi mới sau Đại hội Đảng lần thứ VI cũng được đặt ra hết sức quyết liệt.

b) Đảng đặt vấn đề đổi mới báo chí

Tính đến cuối năm 1989, Việt Nam đã có hơn 200 tờ báo, cả báo trung ương lẫn địa phương, với trên 6.000 người làm báo chuyên nghiệp. Mặc dù trong thời kỳ này, báo chí Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất - kỹ thuật như giấy in báo, cơ sở ấn loát, kỹ thuật..., nhưng báo chí vẫn phát triển cả về nội dung lẫn hình thức.

Sau Đại hội VI của Đảng, mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội cũng đồng thời phải đổi mới.

Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam báo chí cách mạng lại có sự sôi động và vai trò của người làm báo được xã hội thừa nhận đến như vậy.

Hội nghị thường kỳ Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam đúng ra được triệu tập vào tháng 12- 1985 nhưng lùi sang cuối năm 1986 nhằm tiếp thu các quan điểm mới của Trung ương về dự thảo Báo cáo chính trị và nội dung tuyên truyền của báo chí phục vụ Đại hội VI của Đảng. Một trong những trọng tâm của Hội nghị Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức trong hai ngày 30 và 31-7-1986, là quán triệt tinh thần chỉ đạo, đổi mới của Đảng trên các lĩnh vực công tác, trước hết là trên lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội, trong đó có công tác báo chí. Đây là lần đầu tiên, vấn đề đổi mới báo chí được nêu ra một cách thẳng thắn và quyết tâm trong hội nghị thường kỳ của Hội Nhà báo. Hội nghị này nhấn mạnh: phải đổi mới tư duy, đổi mới phong cách, đổi mới tổ chức và cán bộ trong báo chí mới có thể tiến kịp sự phát triển của cách mạng và báo chí mới phát huy được đầy đủ chức năng là công cụ của Đảng, là cầu nối liền giữa Đảng với quần chúng.

Bản thân tổ chức Hội Nhà báo cũng yêu cầu phải được kiện toàn vững mạnh, đủ đáp ứng nhu cầu công tác ngày càng phát triển. Đồng chí Hoàng Tùng, Chủ tịch Hội Nhà báo phân tích: Trong hoàn cảnh mới hiện nay, Hội ta cũng như các đoàn thể khác phải tiếp tục đổi mới phong cách hoạt động, trong điều kiện sẽ không còn chế độ bao cấp thì phải làm như thế nào cho thích hợp cũng là vấn đề phải tiếp tục nghiên cứu giải quyết dần từng bước. Ở trung ương, hội ít nhiều cũng đã có kinh nghiệm về hoạt động dịch vụ trong khuôn khổ hợp lý, hợp pháp nhằm mục tiêu đảm bảo cho công tác khác về nghiệp vụ, quan hệ quốc tế... hoạt động bình thường, tuy còn không ít khó khăn trở ngại. Ở các hội tỉnh, thành phố và các chi hội còn nhiều lúng túng, khó khăn về xây dựng quỹ và cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho công tác của hội. Đó là những vấn đề đặt ra phải có biện pháp giải quyết thỏa đáng.

Châm ngòi nổ cho quá trình đổi mới báo chí Việt Nam bắt đầu từ loạt bài “Những việc cần làm ngay'' của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ngày 25-5-1987 trên các báo, đài. Những bài báo mang tiêu đề “Những việc cần làm ngay'' đã phê bình cụ thể, có địa chỉ rõ ràng, mở ra luồng sinh khí mới cho giới báo chí tham gia trực tiếp cuộc đấu tranh chống tiêu cực đi đôi với cổ vũ các nhân tố mới. Tiếp theo, hàng loạt các báo, đài từ Bắc vào Nam với đủ đề tài đã mở chuyên mục “Hưởng ứng những việc cần làm ngay''. Nhờ đó, hàng loạt các vụ tiêu cực, những biểu hiện đặc quyền đặc lợi của một số người như áp bức quần chúng, làm ăn bê bối... đã được đưa ra trước công luận. Báo Nhân dân từ việc đăng những bài báo ngắn gọn trên góc phải trang nhất, sau này được chuyển thành diễn đàn “Nói và Làm'' đã gắn kết chặt chẽ giữa việc phê phán trên báo với những hành động cụ thể để sửa chữa những khuyết điểm đó.

Tại Đại hội lần thứ V Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 10-1989), vấn đề đổi mới báo chí đã được đánh giá cụ thể và có tầm chiến lược. Với tiêu đề Đổi mới báo chí vì sự nghiệp đổi mới của đất nước, báo chí của Ban Chấp hành khóa IV tại Đại hội đã khẳng định sự phát triển của báo chí thế hiện rõ qua phong trào đổi mới báo chí phục vụ sự nghiệp đổi mới của đất nước. Ba vấn đề đổi

mới báo chí đã được nêu lên gồm: đổi mới thông tin, báo chí cố gắng thể hiện là tiếng nói của Đảng đồng thời là diễn đàn của nhân dân, báo chí tích cực tham gia chống tiêu cực đi đôi với việc phát hiện và cổ vũ nhân tố mới. Trong đó, nét nổi bật của đổi mới báo chính là đổi mới thông tin.

Từ những thành tựu và khuyết điểm của báo chí việt Nam trong quá trình đổi mới, Đại hội V đã đưa ra quan điểm đổi mới báo chí: Báo chí thể hiện tiếng nói của Đảng, đồng thời là diễn đàn của nhân dân; sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí; mở rộng dân chủ với tinh thần dân chủ trong báo chí. Có thể nói tư tưởng lấy dân làm gốc, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra của Đảng đã thực sự thấm sâu vào quá trình đổi mới báo chí.

Ngày 20-1-1990, Quốc hội đã thông qua và chính thức công bố Luật Báo chí mới. Luật Báo chí thể hiện trung thực những bước đi về những quan điểm cơ bản trong công cuộc đổi mới báo chí của Đảng và Nhà nước cũng như ý nguyện của toàn dân. Luật Báo chí xác định, dù là cơ quan thông tin, ngôn luận của bất cứ cơ quan, tổ chức nào cũng là diễn đàn của nhân dân. Nhà nước tạo điều kiện để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để phát huy đúng vai trò của mình. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng. Quyền thông tin và quyền được tự do thông tin của nhân dân đã được thể hiện vào Luật Báo chí. Nội dung cơ bản của quyền này là người dân được thông tin qua báo chí về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới, được cung cấp thông tin cho báo chí, được phát biểu ý kiến của mình và tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, được kiến nghị, phê bình, khiếu nại...qua báo chí. Cốt lõi của nó là cơ quan báo chí cho dù là ai, và người làm báo bất luận hoạt động trong lĩnh vực nào đều được quyền thông tin và được thông tin của nhân dân.

Có thể nói Luật Báo chí năm 1990 đã thể hiện khá trung thực những bước tiến quan trọng về những quan điểm cơ bản trong công cuộc đổi mới báo chí của Đảng và Nhà nước ta cũng như ý nguyện của toàn dân. Luật ra đời cũng chính do sự phát triển nội tại của báo chí Việt Nam, là kết quả của cả một quá trình tự vận động để đổi mới báo chí, đóng góp vào công cuộc chung của toàn đất nước ở thời điểm đó. Luật Báo chí quy định quyền và nghĩa vụ của nhà báo, của tổng biên tập, của cơ quan chủ quản. Lần đầu tiên, Hội Nhà báo Việt Nam được pháp luật công nhận quyền và nghĩa vụ của mình. Tuy ngắn gọn (chỉ có 31 điều), nhưng Luật Báo chí đã chứa đựng lượng thông tin cao và thể hiện đầy đủ chế độ báo chí ở một nước độc lập, tự do, nhân dân làm chủ đang xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của mình.

Một phần của tài liệu Lịch sử báo chí cách mạng việt nam (Trang 195 - 198)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(261 trang)
w