II. BÁO CHÍ CÁCH MẠNG TRONG NHỮNG NĂM 1945 - 1946
2. Các tờ báo chủ lực ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp
Kể từ tháng 9-1950 khi chiến dịch biên giới kết thúc, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta bước sang giai đoạn thứ hai, chuyển từ thế phòng thủ sang thế chủ động trên khắp các chiến trường. Đây cũng là lúc Liên Xô và các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa đang ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình trên trường quốc tế. Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời. Tại châu Phi, Mỹ La tinh, nhiều nước thuộc địa đã tự vùng lên giành độc lập dân tộc. Xu thế này đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam phải ra công khai trở lại. Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng đã được triệu tập tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang diễn ra từ ngày 11 đến ngày 19- 2-1951 thông qua Tuyên ngôn, Chính cương, Điều lệ của Đảng. Để phù hợp với tình hình trong nước, tập hợp được đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, Đảng lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư. Nghị quyết của Đại hội Đảng chỉ rõ, tờ báo Sự thật đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, nay thay thế bởi tờ Nhân dân. ''Để tuyên truyền chủ nghĩa và động viên đảng viên và quần chúng nhân dân thực hành chính sách của Đảng''.
Nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ II cũng nêu rõ, trước mắt, vì hoàn cảnh thời chiến, báo Nhân dân tạm thời ra hàng tuần, khi có điều kiện, báo sẽ ra hàng ngày. Đối tượng chính của báo là đảng viên và quần chúng nhân dân có còn yêu nước. Ngoài sự chỉ đạo sát sao của Tổng Bí thư Trường Chinh, đội ngũ cán bộ đầu tiên của báo Nhân dân là các đảng viên cốt cán như Tố Hữu, Hoàng Tùng, Thép Mới. Nhiều phóng viên làm ở báo Sự thật trước đây giờ chuyển sang Nhân dân. Một số cây bút trưởng thành từ các phong trào sáng tác tại các đơn vị cũng được tuyển chọn về làm việc cho báo. Vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, ngày 11-3-1951 báo Nhân dân ra số đầu tiên, in 6 trang. Ngay trên trang nhất của số báo này in trang trọng Tuyên ngôn của Đảng Lao động Việt Nam, bài của Tổng Bí thư Trường Chinh với tiêu đề ''Hồ Chủ tịch người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta'' và bài ''Bàn về cách mạng Việt Nam''. Đây là loạt bài có tính tổng hợp, chỉ đạo, vạch rõ đường lối cách mạng khi đất nước có chiến tranh.
Trong những số đầu, Nhân dân phát hành mỗi kỳ gần 2 vạn bản. Ban biên tập báo gồm 8 đồng chí:
Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Nguyễn Chí Thanh, Trần Quang Huy, Hà Xuân Trường, Quang Đạm, được thành lập theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ
Chính trị. Đồng chí Trường Chinh làm chủ nhiệm, phụ trách chung, Trần Quang Huy làm thư ký ban biên tập. Lúc này, do Đảng chưa có điều kiện ra tạp chí, nên báo Nhân dân, ngoài chức năng thông tin, còn đảm trách thêm nội dung lý luận nhằm tuyên truyền sâu rộng tới các cấp uỷ về công tác xây dựng Đảng, bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng cộng sản cho cán bộ, đảng viên, tổ chức, phát triển chi bộ cơ sở từ thấp đến cao… Báo lấy tên Nhân dân một mặt để khắc phục tên hệ thống báo Đảng của những giai đoạn trước thường mang tính giai cấp nặng nề như Dân cày, Lao khổ, mặt khác là nhằm thể hiện ý chí của cách mạng là phục vụ nhân dân.
Từ những năm năm mươi, các vùng tự do ngày càng được mở rộng, số lượng đảng viên cũng tăng cao, giao thông giữa các chiến khu đã dễ dàng thuận tiện hơn. Thực tế này đòi hỏi báo Nhân dân phải có sự đầu tư thích ứng cả về cơ sở vật chất lẫn chất lượng bài vở. Để in hàng chục vạn bản mỗi kỳ, Nhà xuất bản Sự thật giờ không đáp ứng được, Đảng và Nhà nước quyết định cho xây dựng 2 nhà in riêng cho báo Nhân dân, một đặt ở khu Việt Bắc, một ở Liên khu IV. Việc làm này đã giải quyết được mấy vấn đề:
- Đáp ứng được tính kịp thời của thông tin;
- Mở rộng được đối tượng bạn đọc;
- Hạn chế đến mức thấp nhất sự kiểm soát của kẻ thù, giảm thiểu rủi ro. Nếu thực dân Pháp đổ quân lên Việt Bắc, chẳng may đánh trúng cơ quan báo, thì báo của Đảng vẫn in được ở Liên khu IV.
Kể từ khi báo Nhân dân ra đời cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, nghị quyết về việc xây dựng mạng lưới thông tin viên, yêu cầu các đồng chí uỷ viên trung ương, lãnh đạo các ban, ngành, địa phương viết bài cho báo, coi đây như là quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của các đảng viên, đồng thời các cấp uỷ đảng phải có nhiệm vụ chuyển báo đến từng chi bộ. Phong trào đọc và làm theo báo Đảng được phát động ở hầu khắp các vùng kháng chiến. Thậm chí một số người dân vùng tạm chiếm từ nhiều nguồn khác nhau cũng có trong tay tờ Nhân dân, bí mật truyền cho nhau đọc. Càng về sau báo Nhân dân không chỉ phục vụ riêng đối tượng cán bộ, đảng viên nữa mà dần trở thành món ăn tinh thần chung của toàn dân.
Ngoài những trang mục đề cập đến tin tức trong và ngoài nước, xã luận, bình luận quen thuộc, báo Nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp còn có những chuyên mục rất gây ấn tượng với bạn đọc như ''Nói và nghe'', ''Mũi tên nhọn'', “Bảng vàng thi đua'', ''Ý kiến bạn đọc'', ''Trả lời bạn đọc''...
Trong số này, các chuyên mục ''Nói và nghe'', ''Mũi tên nhọn'' có tính chiến đấu cao, thường đăng bài của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước hoặc của những cây bút dày dặn kinh nghiệm nghề nghiệp, có quan điểm, lập trường vững vàng. Theo con số thống kê chính thức, tính đến ngày 14-10-1954, riêng trong mục ''Nói và nghe'' đã đăng 236 bài của Bác Hồ qua bút danh CB. Việc làm gương mẫu này của Bác đã được nhiều nhà lãnh đạo cao cấp noi theo. Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Thanh Nghị, Tố Hữu cũng thường xuyên có bài gửi cho Nhân dân, tạo nên phong trào viết cho báo Đảng trong cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân. Đây là nguyên nhân làm cho tờ báo có sự phong phú về giọng điệu, phong cách, màu sắc trong khi vẫn tuân thủ nghiêm ngặt tôn chỉ mục đích của mình. Cũng như nhiều tờ báo Đảng trước đó, Nhân dân rất năng động, bám sát mọi diễn biến của thời cuộc. Tuỳ theo tình hình chiến sự và nhu cầu của bạn đọc mà các chuyên mục của báo cũng thường xuyên biến đổi cho phù hợp.
Là cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng, báo Nhân dân rất chú trọng đến những nội dung có tính chỉ đạo về chủ trương, đường lối, chính sách cũng như chiến lược cách mạng của Đảng và Nhà nước. Ngay từ số đầu tiên báo đã dành toàn bộ nội dung cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II. Ngoài Văn kiện, Tuyên ngôn, Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam, báo còn có bài viết của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thi đua giết giặc lập công, tăng gia sản xuất, tiết kiệm, đưa cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đến thắng lợi cuối cùng. Mọi diễn biến của cuộc chiến tranh đều được báo phản ánh trên diện rộng, cổ vũ kịp thời tinh thần đấu tranh của quân và dân trong cả nước. Những tấm gương điển hình trong chiến đấu, lao động sản xuất thường xuyên xuất hiện trên mặt báo. Hầu như số nào Nhân dân cũng có bài tố cáo âm mưu, tội ác của kẻ thù.
Bên cạnh chức năng thông tin, báo Nhân dân luôn chú trọng đến việc định hướng dư luận. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp bao giờ báo cũng đặt công tác tuyên truyền: phân tích các chủ trương, Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II lên hàng đầu, góp phần tạo niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước. Báo cũng thường xuyên có bài bàn về chiến lược cách mạng, các phương pháp đấu tranh vũ trang của các vị tướng lĩnh tài ba như Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh. Ngoài việc đề cập đến các vấn đề chính trị, quân sự, báo Nhân dân không xem nhẹ đường lối phát triển kinh tế thời chiến, khái quát được những chính sách cơ bản của nền kinh tế dân chủ nhân dân, đề ra các biện pháp kinh tế trong thời gian trước mắt và lâu dài. Việc vận động nhân dân thực hiện nếp sống mới của từng địa phương cũng được báo quan tâm đặc biệt. Bài trừ mê tín dị đoan, nạn cờ bạc, rượu chè, nghiện ngập luôn là những nội dung để báo Nhân dân tuyên truyền. Báo dành nhiều chuyên mục kêu gọi nhân dân thực hiện lối sống lành mạnh, tích cực tham gia sản xuất, tiết kiệm, tổ chức cưới xin, ma chay có văn hóa.
Là cơ quan ngôn luận của toàn Đảng, toàn dân, báo Nhân dân rất chú trọng đến văn phong, cách trình bày. Các bài viết thường ngắn gọn, dễ hiểu, ít dùng những thuật ngữ qúa trừu tượng. Các vấn đề báo nêu đều súc tích, sắc bén, cách trình bày nghiêm túc, trang trọng, ảnh minh họa cũng được sử dụng nhiều đã làm tăng hiệu quả tuyên truyền. Vì lý do thời chiến, báo mới chỉ tập trung vào những vấn đề thiết thực, còn xem nhẹ mảng văn học, giải trí. Đây là nguyên nhân làm cho báo dễ bị coi là khô khan, chưa thu hút được hết đối tượng bạn đọc, nhất là những người ngoài Đảng.
Cùng với báo Nhân dân - cơ quan của Trung ương Đảng, thời kỳ này còn có hai tờ báo mang tên Nhân dân của Trung ương cục miền Nam và Liên khu uỷ khu V. Đây là những tờ báo có vai trò rất quan trọng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng tại các địa phương xa trung ương.
Báo Nhân dân miền Nam - cơ quan của Trung ương cục miền Nam ra số đầu tiên ngày 15-4-1951.
Báo do đồng chí Nguyễn Thượng Vũ (Nguyễn Văn Kỉnh) làm chủ nhiệm, ra mỗi tháng 2 kỳ. Ngay trong số 1, báo đăng trang trọng văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, Tuyên ngôn của Đảng Lao động Việt Nam và các chính sách của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó là loạt bài của các đồng chí Phạm Hùng, Nguyễn Văn Nguyễn, Lưu Quý Kỳ bàn về các vấn đề xung quanh việc ra công khai của Đảng, đề ra nhiệm vụ cụ thể cho cách mạng Việt Nam. Lúc đầu, báo Nhân dân miền Nam ra khổ 24x34cm với số lượng 12.000 tờ/kỳ. Sau để dễ phát hành báo thu hẹp khổ thành 16x24cm, tăng từ 8 lên 32 trang.
Ngoài những nội dung gắn bó chặt chẽ với tình hình chính trị Nam Bộ, báo Nhân dân miền Nam thường xuyên đăng lại những bài có tính chỉ đạo của báo nhân dân trung ương, coi đây như
phương châm cách mạng cho cả nước. Để phù hợp với nhu cầu tâm lý, sở thích của đảng viên, quần chúng Nam Bộ, báo khá linh hoạt trong việc tổ chức, xây dựng các mục. Không kể các mục chính như ''Nhiệm vụ - công tác - kinh nghiệm'', ''Công tác chi bộ'', ''Đồng bào nói, đồng bào viết''..., báo còn sử dụng khá hiệu quả mảng văn chương để thể hiện những nội dung chính trị Truyện ngắn, thơ ca là những thể loại được báo dùng nhiều nhất, chủ yếu đề cập đến đời sống của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tại các vùng kháng chiến. Mục ''Búa công nhân'' được bạn đọc rất hoan nghênh, thích thú. Với những tranh minh họa, thơ đả kích, châm biếm, mục này đã góp phần nâng cao nhận thức chính trị cho người đọc, giúp cho nhân dân nhận thức rõ nét bộ mặt thật của kẻ thù.
Mặc dù hoàn cảnh kháng chiến hết sức khó khăn, nhưng báo Nhân dân miền Nam luôn được các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên của báo được lựa chọn kỹ càng từ các cơ quan đơn vị. Báo cũng luôn được đặt dưới tự quản lý của các cây bút tên tuổi thư Lưu Quý Kỳ, Trần Bạch Đằng, Tô Hoài. Những phóng viên Triều Dương, Việt Hùng, Phùng Lương, Lê Điện Biên luôn xông xáo trên khắp các chiến trường để viết tin, bài. Do được quan tâm đầy đủ, Nhân dân miền Nam là một trong những tờ báo ít ỏi lúc đó sử dụng ảnh kẽm, in màu trang bìa. Vào thời điểm gần cuối cuộc kháng chiến, báo còn được trang bị loại máy in nhiều màu hiện đại Rotavive.
Kháng chiến thành công, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đất nước bị chia hai, báo Nhân dân miền Nam hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, ra số cuối cùng vào ngày 5-1-1955. Trong số 84 này có đăng thư chúc Tết gửi đồng bào cả nước của Bác Hồ, thư gửi đồng bào miền Nam của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, của Liên đoàn Thanh niên Việt Nam, có bài xã luận của đồng chí Trần Bạch Đằng bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối của nhân dân miền Nam đối với sự lãnh đạo sáng suốt của Bác, của Đảng và Nhà nước, tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng nước ta.
Báo Nhân dân Liên khu V ra số 1, này 10-5-1951, trụ sở tòa soạn đầu tiên của báo đặt tại xã Hoài Ân, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Có thời gian báo đóng trụ sở tại các huyện Đức Phổ, Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Báo do đồng chí Trần Tống làm chủ nhiệm, Hồ Dưỡng làm thư ký tòa soạn. Lúc đầu báo chủ trương ra mỗi tháng 2 kỳ sau là 10 ngày 1 kỳ, khổ 20x30cm, 12 trang (số đặc biệt in 16 trang).
Cũng như những tờ báo Đảng của trung ương và địa phương khác, báo Nhân dân Liên khu V thường dành những trang quan trọng đăng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của cấp uỷ đảng và chính quyền địa phương. Những bài viết quan trọng trên báo Nhân dân trung ương cũng thường xuyên được báo Nhân dân Liên khu V đăng tải lại, đặc biệt là các bài của Bác Hồ dưới bút danh CB in trong mục ''Nói và nghe”. Hệ thống phóng viên, biên tập viên của báo Nhân dân Liên khu V cũng khá đông đảo, có trình độ nghề nghiệp cao. Nhiều người sau ngày báo tự đóng cửa, đã chuyển sang làm cho báo Nhân dân trung ương.
Mặc dù chỉ in số lượng trung bình 5.000 bản/kỳ nhưng báo Nhân dân Liên khu V khá năng động trong khâu phát hành. Nhờ nhiều đường dây khác nhau, báo đến được với bạn đọc khá nhanh chóng kể cả đối với những vùng xa xôi nhất của cả dải miền Trung và Tây Nguyên, đưa được cả vào các vùng tạm chiếm, những nơi đang có chiến sự gay go, khốc liệt. Do hoàn cảnh riêng, báo Nhân dân Liên khu V thực hiện triệt để chủ trương tự túc, tự cấp. Giá bán báo của báo khá cao nhưng độc giả vẫn tìm mua và ủng hộ nhiệt tình.
Theo điều khoản của Hiệp định Giơnevơ, toàn bộ Liên khu V sẽ được đặt dưới sự quản lý của quân đội Pháp. Miền đất này là trạm trung chuyển của lực lượng hai bên. Báo Nhân dân Liên khu V không thể tiếp tục tồn tại và đã ra số cuối cùng đúng vào ngày sinh nhật Bác 19-5-1955.
b) Tạp chí Cộng sản (1950)
Năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta có bước phát triển mới. Đội ngũ đảng viên ngày càng đông: cuối năm 1949, Đảng đã có hơn 70 vạn đảng viên. Hầu hết các cơ sở nông thôn, đại đội lực lượng vũ trang và xí nghiệp Nhà nước đều có chi bộ đảng. Mặc dù Đảng chưa ra công khai, nhưng vai trò lãnh đạo của Đảng đã được khắp nơi thừa nhận.
Hội nghị toàn quốc lần thứ ba của Đảng họp tại Việt Bắc từ ngày 21-1-1950 đến ngày 3-1950, trên cơ sở đánh giá trình độ lý luận và ý thức chính trị của cán bộ, đảng viên chưa tiến kịp những nhiệm vụ mỗi ngày một nặng, đã quyết định đẩy mạnh việc học tập chủ nghĩa Mác - Lênin và đấu tranh tư tưởng. Để góp phần tiến hành tốt nhiệm vụ đó, hội nghị đã quyết định ''ra một tạp chí lý luận thay cho tờ Sinh hoạt nội bộ''. Sau khi quyết định đó được Trung ương Đảng thông qua Tạp chí Cộng sản ra số 1 vào tháng 7-1950, mang tiêu đề ''Cơ quan trung ương huấn luyện lý luận và công tác của Đảng do đồng chí Trường Chinh làm chủ nhiệm.
Tập chí Cộng sản ra hàng tháng, in typô, khổ giấy 16x24cm. Cũng như Sinh hoạt nội bộ, trên bìa Tạp chí Cộng sản có ghi: ''Báo này chỉ lưu hành trong Đảng”. Chủ nhiệm tạp chí là đồng chí Trường Chinh. Trong Lời nói đầu đăng số 1, có đoạn nói rõ mục đích của tạp chí ''là góp phần vào việc giáo dục tư tưởng Mác - Lênin, nâng cao trình độ lý luận và công tác của cán bộ và của đảng viên toàn Đảng, đặc biệt là cho cán bộ trung cấp. Nó có nhiệm vụ giải thích đường lối, chủ trương của Đảng, đem chủ nghĩa Mác - Lênin soi sáng các vấn đề cách mạng Đông Dương và các vấn đề quốc tế. Nó là nơi để các cán bộ, đảng viên trao đổi ý kiến, tranh luận về các vấn đề lớn thuộc chính sách của Đảng và lý luận cách mạng, dưới sự điều khiển và hướng dẫn của Trung ương. Nó dùng phương pháp phê bình và tự phê bình đấu tranh chống những tư tưởng và lý luận sai lầm, những chủ trương và hành động trái với đường lối Mác - Lênin của Đảng. Nó phổ biến những kinh nghiệm vận động cách mạng lớn của Đảng ta và các Đảng anh em. Nó hướng dẫn việc học tập trong Đảng, thông báo tin tức lớn về sinh hoạt nội bộ của Đảng v.v..
Về cơ cấu lãnh đạo, đồng chí Trường Chinh làm chủ nhiệm tạp chí, đồng chí Trần Đăng Huy là thư ký tòa soạn. Hồi còn Tạp chí Sinh hoạt nội bộ, đồng chí Trường Chinh là người phụ trách chính, không những phụ viết bài mà còn phải trực tiếp viết nhiều bài. Đối với Tạp chí Cộng sản với chức danh chủ nhiệm, đồng chí Trường Chinh chịu trách nhiệm về đường lối chính trị, thông qua kế hoạch từng số và duyệt bài xã luận. Mọi việc điều hành cụ thể về hoạt động biên tập của tạp chí, như tổ chức bài, chữa bài, duyệt bài, v.v. được giao cho đồng chí Trần Đăng Huy (Hồi đó, trong hệ thống báo chí của Đảng, chưa dùng chức danh ''Tổng biên tập'', mà dùng chức danh ''Thư ký tòa soạn''; chức danh này có trách nhiệm và quyền hạn như Tổng biên tập). Tuy vậy, đồng chí Trường Chinh vẫn viết nhiều bài cho tạp chí. Hàng tháng, đồng chí còn cho ý kiến rút kinh nghiệm về số vừa qua, và chuẩn bị nội dung số tới.
Việc in ấn Tạp chí Cộng sản vẫn theo nếp của Sinh hoạt nội bộ, vẫn in ở nhà in Hồng Phong.
Những người và những tổ chức trước đây đã gửi tiền mua dài hạn Sinh hoạt nội bộ thì nay được gửi Tạp chí Cộng sản thay cho Sinh hoạt nội bộ. Việc phát hành cũng vẫn tổ chức như trước,