I- BÁO CHÍ HOẠT ĐỘNG TRONG ĐIỀU KIỆN MỚI CỦA ĐẤT NƯỚC
2. Chính sách báo chí và sự phát triển của báo chí
a) Nhiệm vụ của báo chí hoạt động thống nhất trong cả nước
Giai đoạn 1976 - 1986 là thời kỳ đầu tiên báo chí hoạt động thống nhất trên cả nước, vì thế nhiệm vụ đặt ra cho mỗi tờ báo sau khi hợp nhất là sau khi thống nhất hai tờ báo, nhiệm vụ lớn là phải làm sao cho các vấn đề của hai miền được đề cập đến một cách đầy đủ và hợp lý.
Văn kiện Đại hội lần thứ IV Hội Nhà báo Việt Nam đã chỉ rõ: Nếu như trong những năm tháng chống Mỹ, cứu nước chủ đề đặt ra cho báo chí Việt Nam là ''Không có gì quý hơn độc lập, tự do'' thì trong thời điểm này, chủ đề trung tâm được phản ánh là ''Tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân''. Nhiệm vụ mới được đặt ra cho những người làm báo là phải hăng hái tìm hiểu, học tập tự thu xếp cho mình những hành trang cần thiết để phản ánh những vấn đề của cuộc sống mới.
Tuy nhiên, hai cuộc chiến tranh biên giới xảy ra ngay sau những ngày đầu đất nước thống nhất khiến các lớp thanh niên đầy triển vọng đang xây dựng đất nước lại tiếp tục ra trận, chiến đấu.
Trước tình hình đó, các nhà báo lại một lần nữa “khoác ba lô lên vai, đi vào đề tài chiến đấu, cùng với đề tài lao động sản xuất, xây dựng và cải tạo xã hội chủ nghĩa''2.
Trong thời kỳ mới, yêu cầu mới đòi hỏi toàn bộ lĩnh vực thông tin đại chúng phải nâng cao hơn nữa về tính tư tưởng, về chất lượng và hiệu quả. Độc giả của báo chí thời kỳ này đã biến chuyển về chất, trình độ văn hóa đã có nhiều thay đổi, ngày càng có nhiều công chúng có trình độ văn hóa cao hơn, khát khao đi vào các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật trong đó có các ngành liên quan tới báo chí, sự giao lưu giữa Việt Nam với các nước ngày càng được mở rộng. Điều này đặt ra cho đất nước những thuận lợi và nguy cơ mới.
Vì thế, nhiệm vụ đặt ra cho báo chí phải cung cấp cho công chúng lượng thông tin ngày càng lớn, đề cập đến nhiều mặt của cuộc sống, có tính tư tưởng cao, mục đích rõ rệt và hình thức thể hiện hấp dẫn.
Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V (1982), Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ:
Nhiệm vụ cụ thể được đặt ra cho báo chí giai đoạn này là, bằng các phương tiện và ngôn ngữ đặc thù của mỗi loại hình, phối hợp với các binh chủng khác trong mặt trận tư tưởng phải trang bị cho nhân dân những dữ kiện cần thiết để có một cái nhìn toàn diện về cục diện của đất nước, khẳng định mạnh mẽ những thắng lợi làm cho mọi người phấn khởi, tự hào đồng thời cũng chỉ rõ những khó khăn, yếu kém, phê phán những quan điểm sai lầm trong sản xuất và đời sống. Báo chí phải
tham gia vào cuộc đấu tranh đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, quản lý xã hội, tích cực khắc phục những hành động và định hướng lệch lạc trong khi thực hiện đường lối, chính sách của Đảng.
Đồng thời báo chí phải làm cho mọi người thấy rõ kẻ thù cơ bản của nhân dân trong thời kỳ hiện tại là các thế lực phản động quốc tế. Trong đó, nhiệm vụ trực tiếp của báo chí trong thời kỳ là giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, xây dựng nền văn hóa mới và con người mới bằng cách xây dựng những nhân tố điển hình tiên tiến trên báo chí trong đó người lao động giỏi là nhân vật trung tâm.
Nhiệm vụ đặt ra với báo chí, không thể dừng lạc ở việc giải thích, phổ cập đường lối, chính sách, mà phải bằng những luận cứ khoa học và sinh động, làm cho mọi người hiểu sâu đường lối, chính sách và góp phần nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, trước hết là của cán bộ, để thực hiện chương trình kinh tế - xã hội và những mục tiêu do Đại hội lần thứ V của Đảng nêu ra.
Những nhiệm vụ được đặt ra ở trên cho thấy vai trò của báo chí trong thời kỳ này có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp mới của đất nước. Báo chí từ đó trở thành vũ khí sắc bén của Đảng, Nhà nước để làm công tác tổ chức và công tác tư tưởng, đồng thời báo chí là công cụ để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân nước Việt Nam thống nhất. Cùng với sự chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn của Nhà nước, báo chí ngày càng thể hiện rõ hơn ý nghĩa và vai trò đặc biệt của mình trong đời sống xã hội.
b) Chính sách quản lý báo chí
Nhìn chung, báo chí trong thời kỳ này đã làm tốt công tác tư tưởng, công tác quản lý báo chí đã đi vào nền nếp thể hiện rõ sự phát triển của báo chí. Đến thời điểm năm 1984, cả nước có hơn 200 tờ báo, tạp chí xuất bản định kỳ và có hơn 200 tờ thông tin khoa học, kỹ thuật. Thông tấn xã Việt Nam có đủ các phân xã ở các tỉnh, thành phố trong nước và một số cơ sở thường trú ở nước ngoài. Báo chí có nội dung phong phú hơn rất nhiều cả về lượng và chất: xuất bản nhiều loại báo chí về đối nội và đối ngoại; báo chí địa phương và báo chí lực lượng vũ trang có một bước phát triển đáng kể. Lượng thông tin của báo chí được mở rộng, chất lượng từng bước có cải tiến. Báo chí cố gắng bám sát và phục vụ nhiệm vụ chính trị, góp phần tích cực vào công tác tư tưởng, tổ chức của Đảng.
Tuy nhiên, hạn chế của hoạt động báo chí trong thời kỳ này là chưa đáp ứng đầy đủ nhiệm vụ cách mạng và yêu cầu của quần chúng, bộ máy báo chí chưa được kiện toàn. Điều này đã tạo nên những việc làm không đúng của một số tờ báo như một số địa phương hoặc ngành xuất bản báo không theo đúng luật lệ, một số báo ra phụ trương, phụ bản trái với quy định hiện hành, các báo chưa làm đầy đủ việc nộp lưu chiểu và số lượng in... Những biểu hiện đó làm cho công tác quản lý báo chí lỏng lẻo và báo chí chưa đảm nhiệm tốt được nhiệm vụ và trách nhiệm của mình, gây khó khăn cho việc chỉ đạo và thống nhất nội dung chính trị, tư tưởng.
Trước tình hình đó, ngày 10-1-1984, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị sề 32- CT/TW Về tăng cường công tác quản lý báo chí. Ngày 20-6-1984, Ban Chấp hành Trung ương cũng ra Thông tri hướng dẫn việc thi hành Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường công tác quản lý báo chí. Theo đó, một số hoạt động báo chí được quy định cụ thể để đưa hoạt động báo chí đi vào nền nếp.
Để đảm bảo cho mỗi tờ báo khi xuất bản đều có những chức năng, nhiệm vụ riêng, không dẫm đạp lên địa phận của nhau, bản Chỉ thị quy định những nguyên tắc trong thể thức xuất bản, đình bản và những việc có liên quan đến việc cho ra báo và tạp chí: ''Trong điều kiện về giấy in, cơ sở vật chất, cán bộ cũng như tổ chức phát hành hiện nay chưa thể cho ra thêm nhiều tờ báo mới.
Phương hướng chính là nâng cao chất lượng nội dung, cải tiến hình thức các tờ báo, tạp chí, tập san hiện có tuỳ điều kiện mà tăng số lượng in và cải tiến việc phát hành cho đúng đối tượng và kịp thời, không để mất mát, không gây phiền hà cho người đọc, đồng thời tổ chức tốt việc sử dụng báo để nâng cao hiệu quả tuyên truyền''3.
Việc cho ra báo mới được quy định cụ thể, phải được xem xét, cân nhắc và quyết định từng trường hợp thật cần thiết và phù hợp với những quy định đã có. Soát lại những tờ báo, tạp chí đang lưu hành, tờ nào xét thấy cần thiết mà chưa làm đúng thủ tục thì các cơ quan chức năng phải hướng dẫn làm đầy đủ các thủ tục như luật lệ hiện hành, tờ nào xét chưa cần thiết hoặc chức năng, nhiệm vụ trùng hợp với một số tờ báo đã có thì đình bản. Báo chí của lực lượng vũ trang và an ninh, trừ những tờ báo, tập san, bản in lưu hành nội bộ thì không được phát hành ra ngoài cơ quan tổ chức của ngành mình, không được trao đổi với các báo chí lưu hành rộng rãi. Các báo muốn ra thên phụ san, phụ bản phải có kế hoạch và xin phép trước và nội dung của các phụ san phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình.
Một đặc điểm nổi bật của chính sách quản lý báo chí trong thời kỳ này là việc phân phối giấy in báo cho các tờ báo trên cả nước. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của báo chí trong thời kỳ này. Quý III hàng năm, Cục Xuất bản và Báo chí tập hợp yêu cầu về giấy của các cơ quan báo chí và đề xuất ý kiến lên Bộ Văn hóa - Thông tin. Căn cứ vào chỉ tiêu giấy do Uỷ ban Kế hoạch nhà nước cấp, Ban Tuyên huấn Trung ương sẽ căn cứ nhiệm vụ chính trị chung và nhiệm vụ của từng địa phương, của các ngành trong từng giai đoạn, từ đó phân phối in cho từng tờ báo cụ thể. Riêng báo Nhân dân do Ban Bí thư quyết định, nhưng cũng tổng hợp xong chỉ tiêu về giấy cho báo chí nói chung. Ngoài chỉ tiêu giấy do Nhà nước phân phối, các báo có thể sử dụng thêm các nguồn giấy từ uỷ ban kế hoạch tỉnh hoặc thành phố cấp trên cơ sở cân đối kế hoạch của địa phương. Giấy từ các ngành và các địa phương nhập khẩu thêm: giấy từ nguồn viện trợ quốc tế mà địa phương được sử dụng. Một quy định được đặt ra là, các báo không được mua đi, bán lại giấy trên thị trường tự do hoặc mua thẳng từ nhà máy giấy với giá cao.
Chỉ thị của Ban Bí thư cũng chỉ rõ, báo chí là vũ khí để làm công tác tư tưởng. Không thể vì thị hiếu của người đọc, lợi ích kinh doanh hay vì một lý do nào khác mà coi nhẹ nhiệm vụ chính trị đó, hoặc làm trái với chức năng, nhiệm vụ đã quy định. Tuyệt đối không được chạy theo khuynh hướng thương mại. Trong hoàn cảnh Nhà nước chưa cung cấp đầy đủ giấy in, các địa phương, các ngành có thể khai thác khả năng về giấy của địa phương hoặc ngành mình để tăng số lượng in...
Sự bao cấp và phân phối báo chí này đã góp phần tạo nên những yếu kém của báo chí trong thời kỳ này. Nhà báo Lan Anh, nguyên Phó Tổng biên tập phụ trách báo Khoa học và đời sống kể lại:
''Trước năm 1983, các báo hầu như được bao cấp, có loại được bao cấp hoàn toàn như Nhân dân, Quân đội nhân dân, Hà Nội mới... Có loại được bao cấp một phần thông qua việc cấp chỉ tiêu giấy in báo hàng năm, đó là báo ngành, đoàn thể như Tiền phong, Phụ nữ, Khoa học và đời sống... nên không có giấy in báo bán tự do. Hàng năm, Bộ Văn hóa - Thông tin phân phối chỉ tiêu giấy in báo cho từng báo với giá cung cấp nên rất rẻ, vì vậy báo giá cũng rẻ. Thật nực cười là xem
báo xong đem cân cho đồng nát theo giá giấy cân mà vẫn hòa so với tiền đặt mua báo. Vì vậy, ai chẳng muốn mua báo! Do đó, báo cũng phải phân phối, chỉ những ai đúng đối tượng mới được mua, ai có hóa đơn năm trước mới được mua báo năm sau. Báo in tới mười mấy vạn mà vẫn không đủ bán''4.
Do giấy khan hiếm nên số lượng báo phát hành bị hạn chế. Việc đặt mua báo dài hạn tăng lên và phải được cơ quan phát hành báo chí duyệt, cắt bớt, số bán lẻ chẳng còn bao nhiêu. Sáng sáng, người xếp hàng mua báo ở các quầy bưu điện kéo dài. Hiện tượng mua đi, bán lại tăng giá báo đã xảy ra5.
Trường hợp của Sài Gòn giải phóng cũng là một thí dụ tiêu biểu cho tình trạng bao cấp giấy in.
Từ ngày 1-7-1981 để đáp ứng yêu cầu mới về thông tin tuyên truyền, thành uỷ đã quyết định báo Sài Gòn giải phóng chuyển sang xuất bản và phát hành buổi sáng. Đồng thời báo cũng tăng từ 4 trang lên 6 trang. Nhưng những năm sau đó, do kinh tế đất nước gặp khó khăn, nguồn giấy in báo cung cấp không đủ, báo phải trở lại 4 trang. Sau này, để chủ động cho nguồn giấy, báo Sài Gòn giải phóng chủ trương xây dựng một nhà máy giấy cuộn in báo.
Hoạt động phát hành báo chí thời kỳ này bắt đầu được chuyển giao, việc phát hành cho cơ quan bưu điện với điều kiện cơ quan phát hành đảm bảo tờ báo đến đúng đối tượng và không để sụt số lượng so với trước. Chỉ thị 32 nêu rõ: những tờ báo và tạp chí hiện đang do tòa báo tự tổ chức việc phát hành thì cần có kế hoạch từng bước chuyển giao việc phát hành cho bưu điện. Cơ quan bưu điện phải đảm bảo đưa tờ báo đến đúng đối tượng và không để sụt số lượng so với trước.
Trường hợp bưu điện chưa đảm nhiệm được thì có thể tạm thời hai bên cùng tổ chức việc phát hành hoặc tòa báo tự phát hành thêm một thời gian nữa. Riêng báo địa phương, ở địa phương nào chỉ phát hành ở địa phương đó, việc bán sang địa phương khác cần được cơ quan cho phép ra báo xem xét với một tỷ lệ nhất định so với tổng số lượng in của tờ báo đó. Vấn đề trao đổi và phát hành báo chí ra nước ngoài thời kỳ này được xác định, chỉ có các báo chí xuất bản ở trung ương mới được phép trao đổi với các cơ quan xuất bản ở nước ngoài và việc phát hành này do Tổng Công ty xuất nhập khẩu sách báo đảm nhiệm. Sự chặt chẽ này, có thể nói, đã phần nào làm hạn chế sự phát triển của báo chí trong thời kỳ này.
Thời điểm này, hầu như chỉ có báo Sài Gòn giải phóng là tự phát hành, các báo khác đều phải giao cho bưu điện. ''Tuy nhiên, báo bị kiện giữ lắm, phải giải quyết mất mấy lần''. Nhà báo Nguyễn Thị Vân Anh, nguyên Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn giải phóng đã giải thích: Sở dĩ báo Sài Gòn giải phóng làm như vậy vì lý do: Một là, nếu chúng tôi không quản khâu phát hành mà giao cho bưu điện, hàng ngày báo đến tay bạn đọc chậm, chúng tôi đành bó tay. Mà báo ngày nay là phải có tính chiến đấu, phải nhanh, nhạy, chậm là không tốt cho tờ báo của Đảng. Hơn nữa, báo mất, bạn đọc kêu, chúng tôi không giải quyết được. Như vậy, vừa mất tính thời sự của báo, vừa mất lòng tin của quần chúng và bạn đọc.
Về giá bán báo, Nghị định số 33 ngày 27-2-1984 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành điều lệ quản lý giá định rõ, ngoài giá báo Nhân dân và Quân đội nhân dân, giá các báo chí khác do Bộ Văn hóa - Thông tin quy định. Thủ tục định giá báo vẫn theo quy định giá từng tờ báo sau khi tham khảo ý kiến của Ban Tuyên huấn Trung ương, Uỷ ban Vật giá nhà nước và ban biên tập của tờ báo. Việc định lại giá, nếu cần thiết cũng chỉ làm nhiều nhất là hai lần trong một năm. Việc định giá bán mỗi tờ báo phải xuất phát từ yêu cầu chính trị đối với tờ báo đó, kết hợp với tính toán giá
thành và khả năng tiêu thụ, nhằm tiến tới thực hiện báo lấy thu bù chi. Nói chung, giá báo không nên định thấp hơn giá mua báo cũ, để tránh tình trạng xảy ra những hiện tượng tiêu cực trong việc phát hành. Đối với những tờ báo có nhiều khả năng tiêu thụ (như báo Văn nghệ, báo đặc biệt số Xuân, một số phụ bản biên tập theo chuyên đề thì có thể định giá cao hơn mức giá đối với các báo thông thường một ít.
Công tác quảng cáo của báo chí được quy định: Nội dung chủ yếu của quảng cáo là thông tin kinh tế, mục đích quảng cáo là phục vụ sản xuất và tiêu dùng, khuyến khích, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến lưu thông, tuyên truyền cho lối sống lành mạnh, phục vụ nhu cầu đời sống vật chất và văn hóa của xã hội. Cần phải ngăn ngừa những lệch lạc có thể xảy ra, như quảng cáo cho hàng xấu, hàng giả, khuyến khích lối sống xa hoa, góp phần làm sống lại những phong tục, tập quán đã lỗi thời.
Những quy định về hoạt động của báo chí có ảnh hưởng đến hoạt động của báo chí, vì thế vấn đề được đặt ra là công tác quản lý báo chí cần phải đi vào nền nếp và phù hợp với những chuyển biến tích cực đang xảy ra trong đời sống kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, việc bao cấp các hoạt động báo chí trong thời kỳ này đã phần nào kìm hãm sự phát triển của báo chí. Hoạt động xuất bản báo chí chủ yếu theo sự phân phối từ trên xuống (thậm chí là phát không) theo cơ chế bao cấp, vì thế kém phát triển và thiếu hiệu quả cả về chất lượng và số lượng.
c) Tình hình phát triển của hệ thống báo chí
Thời kỳ 1976 - 1986, nền báo chí thực dân mới đã thực sự bị xóa bỏ, hệ thống báo chí xã hội chủ nghĩa thống nhất trên cả nước. Ở thành phố Hồ Chí Minh, ngay sau khi đất nước thống nhất đã có 14 tờ báo mới ra đời như Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ, Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Khoa học phổ thông...
Đặc biệt do điều kiện cụ thể của đất nước, thời kỳ này còn có một vài tờ báo không thuộc cơ quan đoàn thể nào. Đây là một ngoại lệ cần thiết lúc đó nên những tờ báo này phải tự đặt mình trong quỹ đạo chung của chủ nghĩa xã hội và dưới sự lãnh đạo của Đảng như đồng chí Lưu Quý Kỳ đã chỉ rõ: ''Trên lĩnh vực báo chí, công cụ của nền chuyên chính vô sản, không thể có công tư hợp doanh về quan điểm và tư tưởng''.
10 năm sau ngày thống nhất đất nước, báo chí Việt Nam đã phát triển lớn mạnh không chỉ về số lượng mà còn mở rộng thành một hệ thống đa dạng, phong phú. Với số lượng 186 tờ báo năm 1980, báo chí Việt Nam đã phát triển rộng, gồm các loại: Báo Đảng ở trung ương: 7 tờ, báo Đảng ở địa phương: 40 tờ, báo của các đoàn thể, đảng phái: 16 tờ, báo đối ngoại: 6 tờ, báo của các lực lượng vũ trang: 29 tờ, báo văn hóa nghệ thuật: 10 tờ, báo của các ngành: 77 tờ, báo tư nhân: có 1 tờ là Tia sáng. Trong số đó, đã có 7 tờ báo xuất bản hàng ngày là: Nhân dân, Quân đội nhân dân, Sài Gòn giải phóng, Hoa văn giải phóng, Hà Nội mới, Tia sáng, Bản tin của Thông tấn xã. Báo xuất bản hàng tuần có 19 tờ, bán nguyệt san có 31 tờ, nguyệt san có 30 tờ, báo phát hành 2 tháng/kỳ có 30 tờ, 3 tháng/kỳ có 22 tờ…