III- NHIỆM VỤ CỦA BÁO CHÍ TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI
1. Đổi mới tư duy và hoạt động báo chí
Sự nghiệp cách mạng và công cuộc đổi mới của Đảng ta, nhân dân ta đang đứng trước những thời cơ và thuận lợi to lớn, đồng thời cũng có cả nguy cơ và thách thức. Dưới tác động mạnh mẽ của khủng hoảng kinh tế khu vực và âm mưu bao vây cấm vận kinh tế của Mỹ trong những năm đầu của thập kỷ 90 của thế kỷ XX, trước sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, cùng với chiến lược ''diễn biến hòa bình'' nguy hiểm chống Việt Nam của các thế lực thù địch, báo chí Việt Nam đã phải đối mặt với những yêu cầu, nhiệm vụ mới. Trong bản Hướng dẫn số 176 của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương ngày 17-4-1992 về thực hiện Chỉ thị 08 ngày 31-3-1992 của Ban Bí thư về công tác báo chí, xuất bản đã nêu rõ trách nhiệm, yêu cầu của báo chí như sau:
a) Báo chí, xuất bản dù cơ quan của Đảng và Nhà nước, các đoàn thể quần chúng hay tổ chức xã hội đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và hoạt động theo pháp luật.
b) Thực hiện vai trò vừa là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, của đoàn thể, vừa là diễn đàn của nhân dân, sách, báo cần:
- Tăng cường phản ánh ý kiến thu hút trí tuệ của nhân dân đóng góp vào công cuộc đổi mới.
- Đồng thời phê phán những quan điểm lệch lạc, đề cao cảnh giác, chống lại những âm mưu và thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch.
c) Trách nhiệm của báo chí, xuất bản là:
- Góp phần làm cho thế giới quan Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, động viên toàn Đảng, toàn dân vượt mọi khó khăn, năng động, sáng tạo thực hiện Nghị quyết Đại hội VII của Đảng.
- Mục tiêu bao trùm: là giữ vững ổn định chính trị, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội.
d) Phát triển báo chí, xuất bản theo hướng nâng cao chất lượng nhằm:
- Đáp ứng nhu cầu thông tin, nâng cao kiến thức.
- Cổ vũ nhân tố mới, đồng thời đấu tranh chống tiêu cực.
- Bảo tồn, phát huy truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
- Đề cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường kết hợp với mở rộng quan hệ quốc tế, cần kiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Biểu dương tính trung thực, lòng nhân ái, tinh thần dũng cảm, tình yêu cao đẹp, chân chính, phê phán thói hư tật xấu, tính giả dối, độc ác, thị hiếu thấp kém.
Trải qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 08, báo chí nước ta đã có bước tiến mới, đất nước đã có những thay đổi. Cuộc khủng hoảng kinh tế đã được ngăn chặn. Sự nghiệp đổi mới bước đầu giành thắng lợi. Đại hội VIII của Đảng đã chỉ ra phương hướng, nhiệm vụ cho những năm tới, chuẩn bị hành trang để Đảng ta và nhân dân ta bước vào thế kỷ XXI. Điều đó, càng đòi hỏi sự nghiệp báo chí, xuất bản và đội ngũ những người chỉ đạo, quản lý và hoạt động trên lĩnh vực đặc biệt quan trọng và nhạy cảm này phải không ngừng vươn lên, tiếp tục đổi mới hoạt động của mình, phấn đấu để ngày càng có nhiều tác phẩm báo chí - xuất bản xuất sắc, có tác động cổ vũ phong trào cách mạng của nhân dân, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tại Hội nghị báo chí toàn quốc (năm 1997), Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương đã cụ thể hóa các quan điểm và nhiệm vụ của báo chí:
1. Các quan điểm về báo chí
Hoạt động báo chí trong thời kỳ này cần nắm vững và vận dụng trong hoạt động thực tiễn những quan điểm cơ bản sau đây:
- Báo chí - xuất bản đặt đước sự lãnh đạo của Đảng và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Báo chí là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, của các tổ chức chính trị, xã hội và là diễn đàn của nhân dân. Sách, báo trước hết là phương tiện tác động tư tưởng, văn hóa. Các cơ quan báo chí - xuất bản hoạt động theo định hướng của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhằm phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội hình thành dư luận xã hội lành mạnh, cổ vũ phong trào cách mạng của quần chúng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
- Báo chí là phương tiện thông tin, giáo dục và chỉ đạo. Sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước phải đảm bảo và tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí thông tin, bình luận nhanh nhạy, kịp thời, chân thật, thể hiện được tính tư tưởng, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng. Tính chiến đấu thể hiện qua việc bảo vệ và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước ta, coi trọng biểu dương các nhân tố tích cực, người tốt, việc tốt; phê phán cái xấu, cái ác, cái đồi trụy, đấu tranh chống các quan điểm, luận điệu sai trái, xấu độc, lối sống xa hoa, trụy lạc xa rời truyền thống văn hóa dân tộc, hành vi tham ô, lãng phí, quan liêu nhằm mục tiêu xây dựng con người Việt Nam có lý tưởng cao đẹp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, có kiến thức ngày một nâng cao, có đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng.
- Báo chí và xuất bản phải không ngừng phát triển, nhưng phát triển phải đi đôi với quản lý tốt, trước hết coi trọng chất lượng chính trị, văn hóa, nghiệp vụ và kỹ thuật, đặc biệt là chất lượng chính trị, bảo đảm đưa thông tin đến với mọi nhà, mọi vùng, phù hợp với tầng lớp, lứa tuổi, với những sản phẩm đúng, hay và đẹp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân ở trong nước, ngoài nước, và để có thể hội nhập bình đẳng trên thế giới.
- Người làm báo, biên tập trong các cơ quan báo chí, xuất bản phải là chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, hoạt động theo định hướng của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Phải là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức sâu rộng, có đạo đức cách mạng và đạo đức nghề nghiệp trong sáng, có nghiệp vụ vững vàng, luôn luôn gắn bó với đồng chí, đồng bào, với thực tiễn đất nước để sáng tạo ra những sản phẩm chính trị, văn hóa có giá trị và có đủ khả năng hội nhập với các bạn đồng nghiệp trên thế giới, trước hết là trong khu vực.
2. Nhiệm vụ chủ yếu của hoạt động báo chí, xuất bản
Chủ động và tích cực góp phần vào việc tuyên truyền, giải thích quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm cho toàn Đảng, toàn dân quán triệt sâu sắc và nhất trí cao với đường lối, chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng được thể hiện trong văn kiện Đại hội VIII và nghị quyết của các kỳ Hội nghị Trung ương Đảng, trong các luật, nghị định của Nhà nước, trong các chương trình, nhiệm vụ công tác của Trung ương Đảng và Chính phủ. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là chủ đề trung tâm của hoạt động báo chí, xuất bản.
Bám sát thực tiễn đất nước, góp phần tổng kết và phổ biến kinh nghiệm điển hình tiên tiến, đồng thời đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, các tệ nạn xã hội, xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, tình cảm, tri thức, nhân cách, đạo đức, lối sống đáp ứng tình hình nhiệm vụ mới, động viên, cổ vũ phong trào cách mạng của nhân dân thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chính trị đã được Đại hội VIII đề ra.
Tích cực và chủ động góp phần vào cuộc đấu tranh tư tưởng, đấu tranh lý luận; kịp thời làm thất bại âm mưu, thủ đoạn ''diễn biến hòa bình'' của các thế lực thù địch, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Cương lĩnh của Đảng, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, thành quả cách mạng và của sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa; làm tốt công tác thông tin đối ngoại, góp phần tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới và kiều bào ta ở nước ngoài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.
Tất cả các loại hình báo chí, xuất bản và đội ngũ những người trực tiếp chiến đấu trên lĩnh vực này phải coi đây là nhiệm vụ chủ yếu, thường xuyên, quan trọng nhất và cũng là lý do tồn tại và phát triển của mình.
3. Hoạt động báo chí, xuất bản và những chiến sĩ hoạt động trên mặt trận này phải quán triệt sâu sắc nền tảng tư tưởng, cương lĩnh của Đảng
Đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng được thể hiện trong các văn kiện của Đại hội VIII;
quán triệt và thấm nhuần sâu sắc quan điểm báo chí - xuất bản của Đảng, phát huy ưu điểm, đồng thời đấu tranh để khắc phục các quan điểm, khuynh hướng lệch lạc, sai trái trong hoạt động báo chí - xuất bản đã nêu ở trên. Chủ động và tích cực góp phần xứng đáng vào việc thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Giáo dục và rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ báo chí, xuất bản là một đòi hỏi rất quan trọng, là vấn đề cơ bản của sự nghiệp báo chí, xuất bản, cần tiến hành thường xuyên, có nền nếp. Trong quá trình đấu tranh làm trong sạch xã hội, báo chí, xuất bản cũng cần phải kiên quyết đấu tranh khắc phục các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động làm
báo, xuất bản, làm trong sạch đội ngũ của mình, xứng đáng với lòng tin của Đảng và của nhân dân.
Hơn ai hết, những người làm báo chí, xuất bản phải thường xuyên nâng cao trách nhiệm đảng viên, trách nhiệm công dân, thực hiện đúng đắn quy ước đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo, trước hết của các tổng biên tập, giám đốc, trưởng chuyên mục và phóng viên, biên tập viên. Thông qua nhiều hình thức: các lớp học tập trung, tại chức, các hình thức tự học tập, tự nghiên cứu, tìm hiểu và khảo sát thực tiễn... các cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí - xuất bản các cơ quan chủ quản, các tòa soạn báo chí, nhà xuất bản cũng như từng cán bộ, phóng viên, biên tập viên… xây dựng kế hoạch cụ thể, thích hợp để thường xuyên bồi dưỡng và từng bước nâng cao trình độ lý luận chính trị, lập trường quan điểm, phẩm chất đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật để có đủ phẩm chất và năng lực hoàn thành nhiệm vụ cao quý mà Đảng và nhân dân đã tin cậy giao phó.
4. Tổ chức cho các cơ quan báo chí, xuất bản quán triệt những quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước, phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, giữ vững tôn chỉ, mục đích của từng tờ báo, nhà xuất bản
Sắp xếp lại báo chí (cả báo viết, báo nói, báo hình) - xuất bản (cả in ấn và phát hành) phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện đúng phương châm Đảng đã đề ra: ''phát triển đi đôi với quản lý tốt''. Nguyên tắc của việc chấn chỉnh là: có nhu cầu thông tin, đồng thời phù hợp với điều kiện, khả năng của đất nước và khả năng chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí - xuất bản của cơ quan chủ quản, có đủ cán bộ, phóng viên... trực tiếp tác chiến trên lĩnh vực này, về cơ bản có nguồn tài chính bảo đảm. Chủ động chuẩn bị cho bước phát triển mới của hoạt động báo chí, xuất bản.
Về số lượng và cơ cấu loại hình báo chí, xuất bản sẽ được xem xét để phát triển từng bước, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao và phong phú của xã hội, phù hợp với sự phát triển của đất nước, với khả năng và điều kiện đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, của đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên, phấn đấu thu hẹp khoảng cách phát triển của báo chí - xuất bản của ta so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Xử lý nghiêm các trường hợp thông tin sai sự thật gây hậu quả không tốt, tuyên truyền dâm ô, bạo lực, trái với truyền thống văn hóa dân tộc và những trường hợp vi phạm pháp luật khác. Hoạt động báo chí, xuất bản phải gương mẫu trong việc thi hành đúng định hướng tư tưởng, đúng luật pháp.
Thực hiện đúng chế độ quản lý của Nhà nước trong việc xây dựng và sử dụng các quỹ từ thiện, tài trợ... do các cơ quan báo chí tổ chức. Đánh giá đầy đủ các mặt hợp tác với nước ngoài về in ấn và phát hành đối với một số tờ báo.
5. Tăng cường các cơ sở đào tạo cán bộ báo chí, xuất bản đã có, bảo đảm việc đào tạo cán bộ báo chí, xuất bản chủ yếu từ trong nước
Đảng thống nhất quản lý dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ báo chí - xuất bản trong toàn quốc, nhất là về nội dung chương trình, sách giáo khoa, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng dạy, về xác định chỉ tiêu, tiêu chuẩn, tổ chức chiêu sinh, về kế hoạch đầu tư để từng bước xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện kỹ thuật dạy và học tiên tiến, hiện đại đối với việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí - xuất bản.
6. Củng cố, kiện toàn tổ chức và tăng cường đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, số lượng cho các cơ quan tham mưu, chỉ đạo và quản lý hoạt động báo chí xuất bản (cả in ấn và phát hành) từ trung ương đến cơ sở, có sự phân công, phân cấp quyền hạn trách nhiệm rõ ràng.
Đề nghị Bộ Văn hóa - Thông tin có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước hoạt động báo chí - xuất bản, kiểm tra việc thực hiện luật báo chí - xuất bản, chủ trì việc xây dựng đề án và tổ chức thực hiện chiến lược thông tin quốc gia; khen thưởng và xử lý các sai phạm về hoạt động báo chí - xuất bản trong phạm vi toàn quốc theo quy định của pháp luật.
Các cơ quan chủ quản báo chí, xuất bản chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, quản lý các hoạt động báo chí - xuất bản của mình hoặc những báo chí, tạp chí, nhà xuất bản được giao trách nhiệm chỉ đạo, quản lý từ phương hướng, nội dung đến công tác cán bộ, kịp thời biểu dương thành tích, ưu điểm cũng như xử lý các sai phạm khuyết điểm nếu có của các đơn vị này. Có phương án tổ chức thích hợp để bảo đảm trách nhiệm cụ thể của cơ quan chủ quản và phát huy lãnh đạo tập thể trong các cơ quan báo chí, nhà xuất bản.