Thống nhất hệ thống báo chí cách mạng trên toàn quốc

Một phần của tài liệu Lịch sử báo chí cách mạng việt nam (Trang 164 - 167)

I- BÁO CHÍ HOẠT ĐỘNG TRONG ĐIỀU KIỆN MỚI CỦA ĐẤT NƯỚC

1. Thống nhất hệ thống báo chí cách mạng trên toàn quốc

Cuộc tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã xóa bỏ chế độ thuộc địa kiểu mới mà đế quốc Mỹ dựng lên ở miền Nam nước ta, đồng thời quét sạch nền báo chí thực dân mới, công cụ chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ ở Việt Nam. Báo chí giải phóng từ bưng biền đã theo bước chân chiến thắng của bộ đội Cụ Hồ tiến vào thành phố và phát hành công khai giữa các thành phố vừa được giải phóng. Lần đầu tiên, báo chí phản cách mạng đã tàn lụi hoàn toàn, thay vào đó dòng báo chí cách mạng công khai hoạt động. Tuy vậy, cho đến thời điểm thống nhất đất nước, báo chí Việt Nam vẫn còn tồn tại những đặc điểm và hình thức hoạt động riêng của báo chí hai miền trước đây, đòi hỏi phải có sự hợp nhất báo chí trong cả nước.

Trước giải phóng, báo chí miền Bắc vẫn được xuất bản đều đặn dù gặp rất nhiều khó khăn do hậu quả của những cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ. Báo chí được phát triển mở rộng cả về số lượng và chất lượng với các loại hình như báo chí hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng của các cơ quan trung ương và các tỉnh. Đồng thời, báo chí cũng mở rộng vào các lĩnh vực hoạt động khác như báo chính trị - xã hội, báo văn hóa - nghệ thuật, báo khoa học kỹ thuật, báo đối ngoại, báo ngành...

Ở miền Nam, thời kỳ trước giải phóng có một bộ phận báo chí phục vụ âm mưu xâm lược của quân Pháp và quân Mỹ do Việt gian xuất bản và tuyên truyền nhằm chống phá chủ nghĩa cộng sản, nói xấu miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Chúng dùng các khẩu hiệu độc lập dân tộc, dân chủ lừa bịp người đọc. Đó là các tờ Ngôn luận, Trắng đen, Tự do, Cách mạng quốc gia. Về lĩnh vực báo điện tử, ngay từ giữa năm 1966, Mỹ đã cho lập một đài truyền hình phục vụ cho quân đội Mỹ và một đài truyền hình cho chính quyền ngụy. Vấn đề này đặt ra cho báo chí Việt Nam nhiệm vụ là phải chuẩn bị sẵn sàng để khi giải phóng miền Nam có thể điều hành được các đài truyền hình đã có ở phía Nam.

Một dòng báo chí cách mạng phát triển trong thời kỳ này ở miền Nam chính là những tờ báo tuyên truyền tinh thần dân tộc và chống địch được một số nhà báo yêu nước xuất bản. Ở những vùng giải phóng, các khu căn cứ du kích cũng như các vùng địch tạm chiếm, báo chí cách mạng phục vụ cho sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước cũng xuất hiện và phát triển. Trong những năm 1954 - 1960, Xứ uỷ Nam Bộ bí mật xuất bản tờ báo Hòa bình thống nhất, Cờ giải phóng; ở Sài Gòn thành lập Thông tấn xã giải phóng, đóng căn cứ ở Tây Ninh. Vào năm 1962, Trung ương cục miền Nam Việt Nam thành lập Đài Phát thanh giải phóng, sau đó xuất bản các tờ báo Nhân dân miền Nam, Việt Nam đấu tranh, Tạp chí Tiên phong. Bên cạnh đó còn có hàng loạt các tờ báo của đảng bộ các tỉnh và các tổ chức phục vụ cho việc tuyên truyền, cổ động đường lối cách mạng.

Tại căn cứ Tây Bắc ở tỉnh Tây Ninh, các nhà báo yêu nước ở các tỉnh miền Nam và Sài Gòn đã họp Đại hội Báo chí lần thứ nhất và thành lập Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam. Có thể nói rằng, báo chí ở miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước tuy hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ nhưng đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc giải phóng, thống nhất đất nước sau này.

Về tổ chức Hội, ở miền Nam thời kỳ trước giải phóng có Hội Nhà báo dân chủ miền Nam Việt Nam, còn ở miền Bắc có Hội Nhà báo Việt Nam. Đây là hai tổ chức hoạt động ở hai phạm vi khác nhau nhưng thực ra ngay từ đầu những năm ba mươi, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, báo chí Việt Nam luôn là một nền báo chí thống nhất. Do nhu cầu sách lược nên hình thức, tên gọi và phương thức hoạt động tuỳ lúc, tuỳ nơi có sự khác nhau, song tất cả đều hướng về mục tiêu chung là thực hiện cương lĩnh và đường lối của Đảng. Cả hai hội nhà báo này thực chất đều xuất phát từ một cột nguồn, cùng làm một nhiệm vụ chính trị, cùng hưởng chung một sự chỉ đạo. Vì vậy, việc kịp thời hợp nhất hai hội nhà báo thành một tổ chức thống nhất đã đánh dấu một bước phát triển mới của lịch sử báo chí Việt Nam. Đây là một việc làm cấp thiết, hợp với tự nhiên, lý trí và tình cảm của dân tộc.

Ngày 7-7-1976, tại Hà Nội, đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam do đồng chí Hoàng Tùng, Chủ tịch Hội làm trưởng đoàn và đoàn đại biểu Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam do đồng chí Tân Đức, Chủ tịch Hội dẫn đầu, đã họp hội nghị bàn việc thống nhất hai tổ chức hội. Trên cơ sở nhất trí hoàn toàn về ý nghĩa trọng đại của việc thống nhất Hội Nhà báo Việt Nam, Hội nghị quyết định: Từ ngày 7-7-1976, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam Việt Nam hợp nhất thành một hội, hoạt động trên phạm vi cả nước, tên gọi thống nhất là Hội Nhà báo Việt Nam. Về nguyên tắc, cơ quan lãnh đạo của Hội từ nay đến đại hội sẽ gồm tất cả những uỷ viên của Ban Chấp hành cũ của hai hội... Hội nghị thống nhất cử đồng chí Hoàng Tùng làm Chủ tịch Hội, các đồng chí Tân Đức, Huỳnh Văn Tiểng làm Phó Chủ tịch. Trong thời gian

trước mắt, Ban Thường vụ Hội phải nghiên cứu và đưa ra một hướng dẫn áp dụng điều lệ cho phù hợp với báo chí vùng mới giải phóng.

Kể từ đây mạng lưới thông tin trong cả nước trở thành một hệ thống duy nhất. Bên cạnh việc hợp nhất về mặt tổ chức, một số tờ báo của hai miền cũng được thống nhất như báo Cứu quốc ở miền Bắc và báo Giải phóng ở miền Nam hợp lại thành báo Đại đoàn kết. Tháng 1-1977, Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam hợp nhất với Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, theo đó báo Văn nghệ giải phóng hợp nhất cùng báo Văn nghệ trở thành tuần báo Văn nghệ chung trên cả nước. Tờ Phụ nữ giải phóng trong Nam kết hợp với tờ Phụ nữ Việt Nam ngoài Bắc lấy tên là tờ Phụ nữ Việt Nam. Báo Lao động giúp cho Liên hiệp Công đoàn Việt Nam xây dựng tờ báo của riêng mình.

Ngày 8-4-1975, số ra mắt tờ Lao động được coi như ấn phẩm đặc biệt ở Sài Gòn. Đến khi thống nhất công đoàn cả nước, báo Lao động mới sáp nhập vào báo Lao động thành tờ Lao động, cơ quan ngôn luận của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Mạng lưới báo chí từ đó được phân bổ lại hợp lý hơn cho phù hợp với việc tổ chức lại hệ thống hành chính trong cả nước. Báo chí được phát hành đồng bộ và rộng rãi khắp cả nước. Các tờ Nhân dân, Quân đội nhân dân, Tạp chí Lý luận của Đảng cũng như tạp chí Lý luận của quân đội được phát hành đến các tỉnh phía nam. Kể từ tháng 1-1976, tạp chí Học tập được in tại thành phố Hồ Chí Minh với một số lượng nhất định và đến tay bạn đọc chỉ sau một đến hai ngày khi số tạp chí ấy được phát hành ở miền Bắc.

Từ ngày 20-4-1976, báo Nhân dân bắt đầu được in và phát hành rộng rãi ở thành phố Hồ Chí Minh. Ngay từ cuối tháng 8-1975, báo Nhân dân đã lập một bộ phận thường trực ở miền Nam.

Đầu tháng 12-1975, Ban Bí thư chỉ thị báo Nhân dân phải xuất bản ở Sài Gòn cùng ngày với Hà Nội trước ngày Tổng tuyển cử bầu cử Quốc hội thống nhất cả nước. Báo Nhân dân đã kết hợp với Thông tấn xã Việt Nam và Tổng cục Bưu điện, sử dụng những thiết bị máy móc sẵn có trong nước lập được cơ sở truyền báo Nhân dân bằng fax ở Hà Nội và Sài Gòn. Báo còn xây dựng được nhà in của báo Nhân dân tại Sài Gòn. Ngày 20-4-1976, báo Nhân dân in và phát hành tại thành phố Hồ Chí Minh cùng lúc và cùng ngày với Hà Nội. ''Trong những ngày này, hàng nghìn sinh viên, học sinh do Thành đoàn thanh niên thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, xuống đường phát hành tờ báo của Trung ương Đảng. Hàng vạn tờ áp phích quảng cáo báo Nhân dân dán khắp thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ. Tin, bài, ảnh của phóng viên thường trú báo Nhân dân tại miền Nam hằng ngày gửi ra Hà Nội bằng fax. Báo Nhân dân trở thành tờ báo đi đầu trong làng báo Việt Nam về kỹ thuật - truyền báo... thắng lợi bước đầu của việc in và phát hành báo Nhân dân tại Sài Gòn cùng ngày với Hà Nội, góp phần tăng cường sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Trung ương Đảng''1. Việc in và phát hành báo chí rộng rãi ở miền Nam tạo điều kiện cho việc tuyên truyền đường lối và chủ trương của Đảng, đồng thời cũng tạo thuận lợi hơn cho nhu cầu đọc báo của người dân.

Từ tháng 1-1977, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV quyết định đổi tên Tạp chí Học tập thành Tạp chí Cộng sản. Việc lấy tên này phù hợp hơn với tình hình và nhiệm vụ của cách mạng trong thời kỳ mới. Đặc biệt là phù hợp với việc đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản

Việt Nam trong Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ IV. Nhiệm vụ của Tạp chí Cộng sản được Chỉ thị số 32-CT/TW của Bộ Chính trị nêu rõ: Tạp chí Cộng sản phải đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm cơ sở, kết hợp chặt chẽ lý luận Mác - Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam để tuyên truyền đường lối, chính sách và các quan điểm của Đảng một cách xuất sắc. Tạp chí Cộng sản phải vận dụng lý luận Mác - Lênin, phân tích những chủ trương, chính sách của Đảng, nâng cao nhận thức của cán bộ và đảng viên về tư tưởng, chính sách và quan điểm của Đảng, phê phán những khuyết điểm, sai lầm trong khi thi hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Một phần của tài liệu Lịch sử báo chí cách mạng việt nam (Trang 164 - 167)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(261 trang)
w