PHÂN TÍCH,ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH VÀ THỰCTRẠNG NĂNG LỰC CỦA CÔNG TY CP XÂY DỰNG SỐ 1
2.3. PHÂN TÍCH MÔI TRƯỜNG NGHÀNH
2.3.2. Phân tích đối thủ cạnh tranh
Trong quá trình kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay, điều kiện cạnh tranh đang ngày càng trở nên gay gắt. Để có thể quản trị tốt thị trường, khách hàng và mục tiêu kinh doanh của đơn vị mình, các doanh nghiệp cần xác định được đối thủ cạnh tranh một cách cụ thể và chính xác. Qua việc phân tích các đối thủ hiện tại và các đối thủ tiềm năng sẽ giúp cho doanh nghiệp có thể thấy được tầm quan trọng, cũng như cách xác định, nhận dạng đối thủ cạnh tranh, để từ đó giúp doanh nghiệp đưa ra chiến lược kinh doanh đúng đắn.
Tuy nhiên, đối với ngành xây dựng, giữa các đơn vị có năng lực và trình độ ngang nhau thì ngoài sự cạnh tranh về mặt giá cả, chất lượng dịch vụ thì yếu tố thương hiệu cũng không kém phần quan trọng. Thương hiệu được khách hàng nhớ tới, được tạo dựng nơi khách hàng được thể hiện thông qua chất lượng sản phẩm, sự chấp nhận của xã hội là cơ sở nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Đối với mỗi loại hình sản xuất của Công ty đều có những đối thủ cạnh tranh thực sự đáng phải quan tâm. Vì thế trong phần phân tích đối thủ cạnh tranh của Công ty, trong khuôn khổ luận văn, chỉ tiến hành phân tích, xem xét dựa trên hai lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh chính của Công ty, đó là:
- Lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp - ngành nghề chính, xương sống của Công ty;
- Đầu tư, kinh doanh bất động sản - lĩnh vực mũi nhọn giữ vai trò đột phá cho sự tăng trưởng;
Thực tiễn quá trình sản xuất kinh doanh của mình – chủ yếu tập trung tại địa bàn Miền Bắc, Công ty nhận thấy một số doanh nghiệp có những đặc điểm khá tương đồng với Công ty về đối tượng khách hàng, loại hình, lĩnh vực hoạt động, doanh số, địa bàn hoạt động, cơ cấu tổ chức...vv. Các doanh nghiệp này được Công ty xác định là các đối thủ cạnh tranh. Dưới đây là một số doanh nghiệp khá điển hình trong nhóm các đối thủ cạnh tranh của Công ty, cụ thể là:
+ Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng số 18 – CC18, thuộc Tổng công ty xây dựng và phát triển hạ tầng - LICOGI;
+ Công ty cổ phần xây dựng số 5 – VINACONEX 5 (VC5) Tổng công ty
VINACONEX;
+ Công ty cổ phần CONSTREXIM số 1, thuộc Tổng công ty CONSTREXIM HOLDINGS.
Bảng 2.1. Các chỉ tiêu so sánh chủ yếu của Công ty với các đối thủ cạnh tranh Đvt: triệu đồng
Các chỉ tiêu Năm 2013
Cty VC1 Cty CC18 Cty VC5 CONSTREXI M số 1
1- Doanh thu 515.094 630.380 418.747 362.640
+ Xây lắp 273.896 525.970 401.304 352.633
+ Kinh doanh khác(gồm cả lĩnh vực BĐS)
241.198 104.410 17.443 0
2- Lợi nhuận sau thuế 19.125 9.090 1.766 4.545
3- Vốn điều lệ 74.000 54.000 50.000 30.000
4- Giá trị tài sản cố định 20.619 28.086 28.371 40.555
5- Lao động 2.031 1.636 1.600 1.709
Qua bảng tổng hợp so sánh một số chỉ tiêu chủ yếu giữa Công ty cổ phần xây dựng số 1 (VC1) với các đối thủ canh tranh cho thấy:
Mỗi một đối thủ phần lớn chỉ mạnh ở một lĩnh vực; cụ thể VC5 rất mạnh trong xây lắp nhưng lĩnh vực đầu tư lại không phát triển; Licogi 18 gặt hái tốt trong lĩnh vực lĩnh vực xây lắp xong kinh doanh bất động sản lại chững lại.
Có những doanh nghiệp doanh số chưa phải là lớn, lịch sử phát triển chưa nhiều năm song giá trị tài sản – đặc biệt là hệ thống thiết bị và công nghệ lại rất hiện đại (như Công ty CONSTREXIM số 1). Đây là các doanh nghiệp mới nổi, rất đáng để học tập.
Để hiểu chi tiết, chúng ta sẽ phân tích điểm mạnh, điểm yếu của mỗi đối thủ
cạnh tranh:
a. Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng số 18 (CC18) - LICOGI
Có trụ sở chính tại số H2A – 471 đường Nguyễn Trãi - TP Hà Nội.
Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng số 18 (LICOGI18) là doanh nghiệp cổ
phần hóa từ Công ty Nhà nước trước đây là Công ty xây dựng số 18 thuộc Tổng công ty xây dựng và phát triển hạ tầng theo quyết định số 48/QĐ-BXD ngày 10 tháng 01 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ xây dựng.
* Ngành nghề kinh doanh chính gồm:
- Xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp và thủy lợi; xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật.
- Đầu tư và kinh doanh nhà ở, khu đô thị.
- Sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng.
- Và một số ngành nghề kinh doanh khác.
Vốn điều lệ : 54 tỷ VNĐ.
* Thế mạnh của công ty cổ phần đầu tư và xây dựng số 18 - LICOGI:
+ Có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây lắp, kinh doanh bất động sản, khu đô thị, khách sạn...vv.
+ Đã từng thành công trong việc đầu tư và kinh doanh bất động sản.
+ Có đội ngũ lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm, lâu năm trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp.
* Hạn chế công ty cổ phần đầu tư và xây dựng số 18 - LICOGI:
+ Là một trong các Công ty trực thuộc Bộ xây dựng trước đây, được thành lập khá sớm dẫn tới bộ máy quản lý còn cồng kềnh, kém linh hoạt.
+ Thiết bị thi công khá cũ, giá trị tài sản còn thấp.
+ Doanh nghiệp vừa mới từ Hải Dương chuyển lên Hà Nội, tiềm năng về đất đai, nhà xưởng tại các TP lớn không có.
b. Công ty cổ phần xây dựng số 5 (VC5) – VINACONEX
Có trụ sở chính tại tòa nhà VIMECO, lô E9 – Phạm Hùng – Cầu Giấy – Hà Nội.
Công ty được thành lập từ năm 1973 và là doanh nghiệp cổ phần hóa từ Công ty Nhà nước theo quyết định số 1552/QĐ-BXD ngày 04 tháng 10 năm 2004 của Bộ
trưởng Bộ xây dựng.
Ngành nghề kinh doanh chính gồm:
- Xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp và thủy lợi; xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật.
- Đầu tư và kinh doanh nhà ở, khu đô thị.
- Sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng.
- Và một số ngành nghề kinh doanh khác.
Vốn điều lệ : 50 tỷ VNĐ.
* Thế mạnh của công cổ phần xây dựng số 5 – VINACONEX:
+ Có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp.
+ Có đội ngũ lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm, lâu năm trong các lĩnh vực thế mạnh.
+ Công ty VINACONEX 5 có đội ngũ công nhân từ Thanh Hóa ra được đào tạo rất bài bản. Đây là thế mạnh của VC5, hiện tại rất nhiều doanh nghiệp xây lắp rất thiếu lực lượng lao động này.
* Hạn chế công ty cổ phần xây dựng số 5 – VINACONEX:
+ Là một trong các Công ty trực thuộc Bộ xây dựng trước đây, được thành lập khá sớm dẫn tới bộ máy quản lý còn cồng kềnh, kém linh hoạt.
+ Thiết bị thi công khá cũ, giá trị tài sản còn thấp.
+ Doanh nghiệp có trụ sở chính tại Thanh Hóa, văn phòng đại diện tại Hà
Nội nên việc thu hút nhân lực có trình độ cao không được tốt.
+ Không có quĩ đất, dự án nào đến thới điểm hiện tại; chưa từng làm công tác đầu tư kinh doanh bất động sản. Đây là điểm yếu, không phát huy được thế
mạnh xây lắp vốn có của VC5.
c. Công ty CP CONSTREXIM số 1–Tổng công ty CONSTREXIM holdings
Có trụ sở chính tại tòa nhà 2T, KM9 – đường Phạm Văn Đồng – Cầu Giấy – TP Hà Nội.
Công ty là doanh nghiệp hạng 1 được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần theo quyết định số 2025/ QĐ -BXD ngày 20 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ xây dựng .
Ngành nghề kinh doanh chính gồm:
- Xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp và thủy lợi; xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật.
- Đầu tư và kinh doanh nhà ở, khu đô thị.
- Và một số ngành nghề kinh doanh khác.
Vốn điều lệ : 30 tỷ VNĐ.
* Thế mạnh của Công ty cổ phần CONSTREXIM số 1:
+ Là một doanh nghiệp khá trẻ, phát triển đúng theo định hướng mô hình đổi mới (Mô hình Công ty mẹ – Công ty con).
+ Có hệ thống thiết bị khá hiện đại, chịu đổi mới công nghệ – thể hiện qua giá trị tài sản rất lớn trên doanh số chưa phải là lớn.
* Hạn chế của Công ty cổ phần CONSTREXIM số 1:
+ Kinh nghiệm thi công, triển khai các dự án lớn chưa nhiều.
+ Chưa phát triển lĩnh vực kinh doanh bất động sản. xu thế hiện nay các doanh nghiệp xây lắp chuyển dần cơ xây lắp thông thường sang thực hiện đầu tư.
Từ những phân tích trên, trong giới hạn của luận văn, tôi chọn một số tiêu chí đánh giá khả năng cạnh tranh như sau:
1. Quy mô vốn điều lệ;
2. Quy mô nhân lực;
3. Quy mô ngành nghề kinh doanh;
4. Trang thiết bị thi công – thông qua giá trị tài sản cố định;
5. Kinh nghiệm quản lý thi công – thông qua lợi nhuận sau thuế;
6. Thương hiệu – thông qua doanh số thực hiện trong năm 2008.
Quy mô vốn điều lệ: Công ty nào có vốn điều lệ càng lớn thì điểm càng cao.
Vì ngành xây dựng vốn được coi là rất quan trọng; doanh nghiệp càng có vốn điều lệ nhiều thì có nhiều khả năng mở rộng được qui mô sản xuất, chủ động sản xuất.
Thang điểm đánh giá từ 1-5:
+ Vốn điều lệ từ 70 tỷ trở lên : 5 điểm.
+ Vốn điều lệ từ 45 tỷ đến 70 tỷ : 4 điểm.
+ Vốn điều lệ từ 30 tỷ đến 45 tỷ : 3 điểm.
+ Vốn điều lệ từ 15 tỷ đến 30 tỷ : 2 điểm.
+ Vốn điều lệ dưới 15 tỷ : 1 điểm.
Quy mô nhân lực: Công ty nào có nguồn nhân lực càng lớn thì điểm càng cao. Vì ngành xây dựng Nhân lực được coi là rất quan trọng; doanh nghiệp có đội ngũ nhân lực mạnh thì công ty mới đủ khả năng để sản xuất. Thang điểm đánh giá bằng số lượng cán bộ CNV tính từ 1-4:
+ Doanh nghiệp có qui mô lao động trên 2000 người : 4 điểm.
+ Doanh nghiệp có qui mô lao động từ 1500 đến 2000 người : 3 điểm.
+ Doanh nghiệp có qui mô lao động từ 1000 đến 1500 người : 2 điểm.
+ Doanh nghiệp có qui mô lao động dưới 1000 người : 1 điểm.
Quy mô ngành nghề kinh doanh: Công ty nào đa dạng hoá sản phẩm thì có điểm càng cao. Ưu tiên những doanh nghiệp có tiềm năng về kinh doang bất động sản. Thang điểm đánh giá từ 1-3:
+ Sản phẩm đa dạng, bao gồm cả kinh doanh bất động sản : 3 điểm.
+ Có đa dạng sản phẩm song không phát triển bất động sản : 2 điểm.
+ Sản phẩm xây lắp thuần túy : 1 điểm.
Trang thiết bị, công nghệ thi công: Công ty nào có trang thiết bị thi công, công nghệ hiện đại thì điểm càng cao. Thang điểm đánh giá (bằng chỉ tiêu giá trị tài sản cố định) từ 1- 4:
+ Giá trị tài sản cố định trên 40 tỷ : 4 điểm.
+ Giá trị tài sản cố định từ 30 tỷ đến 40 tỷ : 3 điểm.
+ Giá trị tài sản cố định từ 20 tỷ đến 30 tỷ : 2 điểm.
+ Giá trị tài sản cố định dưới 20 tỷ : 1 điểm.
Kinh nghiệm quản lý thi công: Công ty nào có kinh nghiệm quản lý thì công ty đó điểm càng cao. Thang điểm từ 1-5 (được đánh giá bằng chỉ tiêu lợi nhuận):
+ Lợi nhuận từ 15 tỷ trở lên : 5 điểm.+ Lợi nhuận từ 12 tỷ đến 15 tỷ: 4 điểm.
+ Lợi nhuận từ 10 tỷ đến 12 tỷ : 3 điểm. + Lợi nhuận từ 5 tỷ đến 10 tỷ : 2 điểm.
+ Lợi nhuận từ dưới 5 tỷ : 1 điểm.
Thương hiệu: Công ty nào có uy tín trên thị trường xây lắp thì công ty đó có điểm càng cao. Chỉ tiêu này được đánh giá bằng các tiêu chuẩn như công ty nào có nhiều công trình có quy mô lớn, được Chủ đầu tư đánh giá tốt, doanh thu lớn.
Thang điểm từ 1-5:
+ Doanh thu trên 500 tỷ trở lên : 5 điểm.
+ Doanh thu từ 400 tỷ trở lên : 4 điểm.
+ Doanh thu từ 300 tỷ đến 400 tỷ : 3 điểm.
+ Doanh thu từ 200 tỷ đến 300 tỷ : 2 điểm.
+ Doanh thu từ 150 tỷ đến 200 tỷ : 1 điểm.
Với việc chọn 6 tiêu chí đánh giá khả năng cạnh tranh và cách cho điểm như trên, lập bảng tổng hợp đánh giá khả năng cạnh tranh của các đối thủ như sau:
Bảng 2.2. Các chỉ tiêu đánh giá của Công ty với các đối thủ cạnh tranh Đối thủ cạnh tranh
Tiêu chí VC1 Cty
CC18 VC5 CONSTREXIM số 1
1. Quy mô vốn 5 4 4 2
2. Quy mô nhân lực 4 3 3 3
3. Quy mô ngành nghề kinh doanh 3 3 1 1
4. Trang thiết bị thi công 2 2 2 4
5. Kinh nghiệm quản lý thi công 5 4 5 1
6. Thương hiệu 5 5 4 3
Tổng điểm 24 21 19 14
Xếp hạng nhất nhì ba tư
Như vậy, Công ty cổ phần xây dựng số 1 xếp hạng thứ nhất. Công ty cần phát huy để duy trì vị trí trên. Tuy nhiên qua việc so sánh, ta cũng nhận thấy mặc dù xếp
ở vị trí số 1 song có một số chỉ tiêu Công ty VINACONEX 1 còn kém hơn đối thủ
canh tranh đó là:
- Trang thiết bị, xe máy đã gần hết khấu hao, đã cũ, rất cần được nâng cấp và
đầu tư bổ sung mới (điều này cần so sánh với Công ty Constrexim1).
- Công tác đầu tư tuy có rất nhiều dự án nhưng chủ yếu triển khai trong năm 2014 và các năm tiếp theo (số liệu năm 2013 thấp so với Licogi18). Vì vậy Công ty cần đặc biệt lưu tâm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư để sang các năm tiếp theo có doanh thu và gặt hái được hiệu quả.
- Qui mô nhân lực khá đông song đội quân “ruột” – công nhân đã qua đào tạo chưa nhiều. Chỉ số này thấy rõ nét nhất thông qua việc so sánh với Công ty VINACONEX5.
Tóm lại: Qua phân tích tình đối thủ cạnh tranh ta thấy ở mỗi một lĩnh vực Công ty rất cần nghiêm túc tự điều chỉnh hoạt động của mình để đảm bảo luôn giữ
vững vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực chính của mình. Ngoài ra Công ty cũng cần nghiên cứu các thế mạnh của đối thủ để học hỏi, khắc phục điểm yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh hơn nữa, tránh tụt hậu so với các đối thủ trong tương lai.