3.2.1 Phân loại và cơ sở hình thành giá
Sản phẩm tôm thẻ chân trắng được bán trên thị trường đều được cung cấp bởi hộ nuôi tôm. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy họ không phải là người quyết định giá bán trên toàn thị trường, cũng không phải là nhóm trung gian quyết định mà giá cả chủ yếu phụ thuộc vào nhà nhập khẩu nước ngoài. Ngoài ra, giá tôm thẻ chân trắng còn phụ thuộc vào mùa vụ.
Theo kết quả khảo sát, công ty chế biến là người có quyền định giá thu mua tôm thẻ chân trắng bởi sức mua của họ lớn. Sản phẩm chế biến của các công ty chế biến
chủ yếu phục vụ thị trường xuất khẩu nên giá mua của công ty chế biến bị chi phối mạnh bởi các nhà nhập khẩu nước ngoài. Chính vì vậy, người có quyền quyết định giá cao nhất đối với sản phẩm tôm thẻ chân trắng là nhà nhập khẩu. Dựa vào giá của nhà nhập khẩu, các công ty chế biến định giá cho các đại lý, rồi đại lý quyết định giá cho hộ nuôi tôm. Riêng thị trường nội địa, giá cả phụ thuộc vào cung cầu của sản lượng tôm thẻ chân trắng, chất lượng tôm thẻ chân trắng và khối lượng cung của các loại thủy sản khác.
Giá tôm thẻ chân trắng được phân loại và định giá khác nhau dựa trên kích cỡ tôm. Tháng 1 năm 2011, giá tôm thẻ chân trắng bình quân loại kích cỡ từ 40 – 60 con/kg khoảng 120.000 đồng/kg; loại kích cỡ từ 61 – 80 con/kg có giá bình quân khoảng 93.000 đồng/kg; loại kích cỡ từ 81 -100 con/kg có giá bình quân khoảng 82.000 đồng/kg; loại kích cỡ từ 101 – 120 con/kg có giá bình quân khoảng 67.000 đồng/kg; loại kích cỡ 121 – 150 con/kg có giá bình quân khoảng 63.000 đồng/kg và loại kích cỡ lớn hơn 150 con/kg có giá bình quân khoảng 57.000 đồng/kg.
Dựa vào giá cả của công ty chế biến đưa ra, các tác nhân tự thương lượng và hình thành giá sao cho có lợi nhất cho mình.
Hộ nuôi tôm là tác nhân đầu tiên trong chuỗi nhưng lại là người nhận giá cuối cùng và gần như không có quyền trong việc định đoạt giá bán cho sản phẩm của mình. Nguyên nhân là hộ nuôi tôm thiếu thông tin giá cả thị trường thế giới, chỉ nhận giá từ người mua trong nươc. Bên cạnh đó, công ty chế biến không chủ động về giá nên ảnh hưởng đến giá của toàn chuỗi.
Như vậy, xét toàn chuỗi tôm thẻ chân trắng thì công ty chế biến là tác nhân quyết định giá tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, nếu xét trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam không có quyền định giá mà phải chịu nhận giá từ các nước nhập khẩu. Điều này nói lên thực tế rằng, các tác nhân trong chuỗi còn hạn chế thông tin thị trường, không nắm bắt được nhu cầu người tiêu dùng trên thế giới đối với sản phẩm này; chưa có sự hợp tác chặt chẽ giữa các tác nhân trong chuỗi và vị thế các công ty chế biến thủy sản của nước ta trên thị trường thế giới còn rất thấp.
3.2.2 Hoạt động mua vào và bán ra
Hộ nuôi tôm
Hộ nuôi tôm ở thị xã Ninh Hòa thường nuôi 2 vụ trong năm, vụ 1 thường bắt đầu từ tháng 2 và kết thúc vào tháng 5 âm lịch, vụ 2 thường bắt đầu từ tháng 6 và kết
thúc vào tháng 8 âm lịch. Để nuôi tôm, họ cần mua con giống của các công ty hoặc từ các trại giống tư nhân, đa số hộ nuôi tôm đều mua từ các tại giống tư nhân với các lý do khác nhau như: giá thấp, quen biết,... Ngoài con giống, thức ăn và các loại thuốc hóa chất cần thiết để nuôi tôm, họ chủ yếu mua ở các cửa hàng bán thuốc và thức ăn thủy sản trên địa bàn địa phương. Sau khi đến thời kỳ thu hoạch, tôm thẻ chân trắng đạt đến kích cỡ thu hoạch, trung bình khoảng 100 con/kg. Hộ nuôi tôm tại thị xã Ninh Hòa tự liên hệ với đại lý thu mua cấp 1 hoặc công ty chế biến. Nước trong ao được rút ra một lượng vừa phải, sau đó khoảng 4 công nhân mang dụng cụ lưới kéo chuyên nghiệp bỏ xuống ao nuôi, với nguồn điện từ 6V – 12V. Người kéo lưới thu hoạch tôm thường do hộ nuôi tôm thuê bởi vì khi kéo với nguồn điện 6V sẽ kéo được tôm kích cỡ lớn. Điều này sẽ quyết định kích cỡ mẫu để định giá sau khi tôm được vớt mẫu và sẽ tiến hành kiểm tra kích thước, mỗi bên đều thực hiện chọn mỗi mẫu riêng và tính trung bình dựa trên số con tôm trên 1 kg mà 2 bên lấy mẫu. Nếu kích cỡ tôm thể chân trắng phù hợp với yêu cầu của đại lý hoặc công ty chế biến thì sẽ tiến hành cho thu hoạch. Trong quá trình thu hoạch, nếu bên nào cảm thấy mẫu chưa đại diện được, họ có thể yêu cầu lấy lại mẫu, mẫu mới sẽ đại diện cho sản lượng được thu hoạch sau thời điểm lấy mẫu lại.
Đại lý thu mua cấp 1
Sau khi nhận được thông tin từ hộ nuôi tôm muốn bán tôm, đại lý cấp 1 thông báo giá cho hộ nuôi tôm giá cả của các loại theo kích cỡ tôm. Nếu hai bên đạt thỏa thuận, đại lý cấp 1 sẻ tiến hành thu mua. Với trường hợp sản lượng trong ao rất ít, họ có thể gọi các mối bán lẻ tới để chia ra ngay sau khi tôm được thu hoạch. Trường hợp sản lượng nhiều, đại lý cấp 1 thường thuê xe hoặc đưa xe của mình và các dụng cụ chứa đựng đến để tiến hành thu mua. Các thùng phi được chứa nước sẵn ở trên xe, sau đó có khoảng 2 công nhân phụ trách đưa tôm vào trong phi và tiến hành bỏ đá lạnh vào để tôm chết từ từ và giữ được mức độ tươi sống cho tôm.
Tôm thẻ chân trắng được đại lý cấp 1 bán qua nhiều kênh khác nhau, khoảng 53,9% khối lượng tôm thẻ chân trắng được đại lý cấp 1 bán cho đại lý cấp 2, Trường hợp các đại lý cấp 1 có đủ khả năng giao dịch trực tiếp với công ty chế biến chiếm khoảng 15,4% khối lượng và khoảng 7,7% khối lượng tôm thẻ chân trắng bán cho người bán lẻ. Số lượng bán lẻ thường là những tôm có kích cỡ nhỏ hoặc bị công ty chế biến trả lại lô hàng. Theo kết quả khảo sát các đại lý cấp 1 tỷ lệ công ty trả lại lô hàng rất ít, một năm chỉ xẩy ra một vài lần.
Đại lý thu mua cấp 2
Như đã đề cập ở các phần trước, đại lý thu mua cấp 2 là những người có lượng vốn lớn, có mối quan hệ rộng với các công ty chế biến. Hoạt động của họ là chỉ định các đại lý cấp 1 có thể bán ở công ty nào giá mua cao hơn, lấy phiếu nhập nguyên liệu của công ty chế biến để các đại lý cấp 1 vận chuyển tôm đến và ăn chênh lệch 500 đồng/kg.
Người bán lẻ
Người bán lẻ có thể thu mua tôm tôm thẻ chân trắng tại ao do hộ nuôi tôm bán, rất ít hộ nuôi tôm làm công việc này vì họ không có mối bán. Sau khi thỏa thuận được giá, người bán lẻ có thể thuê người thu hoạch tôm rồi chia nhỏ sản lượng cho nhiều người bán lẻ khác hoặc thu hoạch mỗi ngày mỗi ít, kéo dài 3 – 4 ngày. Mặt khác, người bán lẻ có thể thu mua qua đại lý cấp 1 sau đó tiến hành đưa tôm vào dụng cụ chứa đựng, cho đá vào nước và tiếp tục bảo quản. Hoạt động bán lẻ diễn ra hàng ngày ở các chợ hoặc cung cấp cho các nhà hàng khách sạn ở địa phương. Vào mùa vụ thu hoạch tôm, một ngày người bán lẻ có thể bán được bình quân từ 10 – 15 kg ở các chợ, nếu bán không hết họ có thể bỏ tủ lạnh ngày sau tiếp tục bán bằng cách lột vỏ. Trong quá trình buôn bán, nhiều người bán lẻ thường bảo quản tôm bằng đá và nước, một số người có thể bỏ ure hoặc fomol cho tôm tươi lâu gây ảnh hưởng và chất lượng tôm cũng như người tiêu dùng.
Công ty chế biến
Tôm thẻ chân trắng được công ty thu mua nhiều nguồn. Theo kết quả điều tra, công ty chế biến thu mua trực tiếp từ hộ nuôi tôm khoảng 20,9%. Những hộ nuôi tôm được công ty thu mua trực tiếp là những hộ có diện tích lớn, sản lượng thu hoạch lớn và đảm bảo chất lượng. Khoảng 53,9% khối lượng tôm thẻ chân trắng được thu mua trực tiếp qua đại lý cấp 2 và khoảng 15,4% được thu trực tiếp từ đại lý cấp 1. Sản phẩm tôm sau khi chế biến được tiêu thụ qua kênh xuất khẩu chiếm 89,3%, Khi đến thời hạn giao hàng cho đối tác theo hợp đồng đã ký, thủ tục hải quan, giấy chứng nhận kiểm tra chất lượng của NAFIQAVED và các thủ tục khác liên quan đến công tác xuất hàng được chuẩn bị cho lô hàng, sản phẩm tôm được vận chuyển đến nước nhập khẩu bằng tàu thủy.
Khi hàng đến cảng nước nhập khẩu, nếu hàng đạt chất lượng theo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu, thì công ty xuất khẩu mới chính thức được nhập khẩu và được tiến hành thủ tục thanh toán với đối tác theo các điều kiện đã ký trong hợp đồng. Nếu
hàng không đạt chất lượng và không được nhập khẩu, công ty phải chịu nhiều thiệt hại và nhận hàng về. Theo số liệu phòng kinh doanh – công ty cố phần thủy sản Nha Trang F17, giá trị xuất khẩu của mặt hàng tôm thẻ chân trắng năm 2009 là 34 triệu USD, năm 2010 là 48,6 triệu USD và năm 2011 là 55,32 triệu USD.
Bảng 3.5: Doanh thu mặt hàng tôm thẻ chân trắng
Đvt: Triệu USD Thị trường/năm 2009 2010 2011 Mỹ 27 36,3 38,12 EU 2,7 4,11 6,16 Hàn Quốc 3,3 6,70 8,04 Khác 1 1,50 3 Tổng doanh thu 34 48,61 55,32
Nguồn: Phòng kinh doanh – Công ty CP TSNT F17
Những cản trở Hộ nuôi tôm mua bán trực tiếp với các công ty chế biến
Từ kết quả khảo sát, ta thấy rằng lượng giao dịch giữa công ty chế biến và hộ nuôi tôm chỉ chiếm khoảng 20,09%. Giao dịch giữa hộ nuôi tôm với các đại lý thu mua chiếm khoảng 77%. Đóng góp các đại lý thu mua trong chuỗi giá trị tôm thẻ chân trắng là không thể phủ nhận, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bất cập cần giải quyết như hạn chế chi phí, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm sạch và không nhiễm các chất kháng sinh có thể đạt được thông qua liên kết trực tiếp giữa hộ nuôi tôm và công ty chế biến và những nguyên nhân dưới đây lý giải tại sao khối lượng giao dịch giữa công ty chế biến và hộ nuôi tôm còn hạn chế.
- Nếu hộ nuôi tôm bỏ qua các đại lý làm trung gian, họ phải thực hiện tất cả các nhiệm vụ của các đại lý thu mua. Cụ thể: Hộ nuôi phải tự tiến hành thu hoạch, bảo quản và vận chuyển. Tuy nhiên, đó là một thách thức lớn cho hộ nuôi tôm. Trước hết, hộ nuôi tôm phải mua các thiết bị dành riêng cho thu hoạch và bảo quản tôm. Sau đó họ phải tìm nguồn cung cấp đá, công nhân, vận chuyển. Ngoài ra, hộ nuôi tôm phải được trang bị đầy đủ kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm và kỹ thuật bảo quản tôm để thực hiện công việc của đại lý thu mua. Ở tình huống ngược lại, công ty chế biến không đủ nguồn lực để thực hiện công việc của các đại lý trung gian thu mua tại ao vì sản lượng nhỏ, lẻ nên hộ nuôi tôm và công ty chế biến phải phụ thuộc vào đại lý thu gom.
Lý do quan trọng nhất là hình thức thanh toán nhanh của đại lý thu mua. Hầu hết hộ nuôi tôm thích thanh toán ngay lập tức bởi vì họ cần tiền mặt để thanh toán các khoản chi phí, vay mượn và cầm được tài sản. Đại lý cấp 2 có một số lượng tiền mặt rất lớn, họ có thể đáp ứng các điều kiện thanh toán ngay. Vì vậy, hộ nuôi tôm bán tôm của mình cho đại lý cấp 1 là chủ yếu.
Mặt khác, hộ nuôi tôm còn sợ rủi ro trong quá trình làm thay chức năng của các đại lý cấp 1. Khi giao dịch với công ty chế biến, họ có thể bị từ chối nhận hàng, hoặc chỉ nhận những loại tôm đủ kích thước, phần còn lại có thể mất trắng. Họ cũng có thể đối mặt với sự ép giá từ công ty chế biến và các khoản nợ, hoặc thanh toán chậm. Nếu hộ nuôi tôm bán cho các đại lý thì họ được đảm bảo rằng, đại lý sẽ thu mua toàn bộ sản lượng trong ao nếu hộ nuôi tôm muốn bán hết toàn bộ trong ao nuôi. Với những lý do trên, hầu hết hộ nuôi tôm thích giao dịch với các đại lý thu mua hơn là công ty chế biến. Sự có mặt của các đại lý cho phép các hộ nuôi tôm để hoàn toàn tập trung vào nuôi tôm. Hơn nữa, các đại lý có thể gánh bớt rủi ro phát sinh trong quá trình bán tôm của hộ nuôi tôm. Vì vậy, hầu hết hộ nuôi tôm không quan tâm đến công việc sẽ thay thế đại lý giao dịch để trực tiếp với công ty chế biến.
3.2.3 Phương thức giao dịch và thanh toán
Việc mua bán tôm thẻ chân trắng ở thị xã Ninh Hòa diễn ra theo hình thức thương lượng giữa các tác nhân trong chuỗi. Mọi giao dịch đều được thỏa thuận bằng miệng trong việc thu mua nguyên liệu, không có một hợp đồng hay văn bản chính thức nào.
Công ty chế biến căn cứ vào giá xuất khẩu và nhu cầu nguyên liệu và quyết định giá thu mua hàng ngày cho các nhà cung cấp. Giao dịch giữa công ty chế biến và các nhà cung cấp nguyên liệu thực hiện bằng điện thoại. Thông thường, đại lý cấp 2 nhận được thông tin giá cả và báo lại cho các đại lý cấp 1. Sau đó, đại lý cấp 1 căn cứ vào giá đó để thương lượng với hộ nuôi tôm. Các giao dịch cụ thể như sau:
- Đối với công ty chế biến, khách hàng chiếm giao dịch lớn nhất là đại lý cấp 2. Tuy nhiên, vào thời điểm khan hiếm nguyên liệu công ty tăng cường thu mua các đại lý cấp 1 vãng lai từ các tỉnh khác như Quảng Nam, Quảng Ngãi,… hoặc các hộ nuôi tôm có sản lượng lớn. Hình thức giao dịch có thể công ty ra giá hoặc thương lượng thỏa thuận trợ cấp giá 1.000 – 2.000 đồng/kg. Sau khi phân loại kích cỡ, xác định giá thì người đại diện thu mua công ty chỉ cấp phát một tờ giấy có xác nhận số lượng, kích cỡ, giá cả và chữ ký của người đại diện. Ngoài ra, không kèm theo bất cứ một chứng từ nào mang tính pháp lý để ràng buộc đại diện người mua và người bán.
- Đại lý cấp 2 là người đứng ra giao dịch trực tiếp với công ty chiếm khối lượng nhiều nhất, họ nhận giá hàng ngày và lấy phiếu nhập nguyên liệu của công ty và báo giá cho các đại lý cấp 1 chủ yếu bằng điện thoại.
- Đại lý cấp 1 chấp nhận giá và nhận phiếu nhập nguyên liệu của công ty chế biến do đại lý cấp 2 thỏa thuận với công ty chế biến. Sau đó, họ thương lượng giá với hộ nuôi tôm. Đại lý cấp 1 có thể bán sản lượng qua đại lý cấp 2 hoặc nếu họ có đủ điều kiện bán trực tiếp cho công ty. Đối với giao dịch giữa đại lý cấp 1 và người bán lẻ, người bán lẻ có thể nhận lượng tôm tại chợ do đại lý cấp 1 vận chuyển đến.
Đa số hộ nuôi tôm là người nhận giá cuối cùng từ nhiều đại lý cấp 1, thỏa thuận sơ bộ về giá cả từng loại kích cỡ. Nếu hai bên đồng ý, người mua sẽ tiến hành cho thu hoạch.
Phương thức thanh toán các giao dịch giữa các tác nhân cũng đa dạng.