Việc mua bán tôm thẻ chân trắng ở thị xã Ninh Hòa diễn ra theo hình thức thương lượng giữa các tác nhân trong chuỗi. Mọi giao dịch đều được thỏa thuận bằng miệng trong việc thu mua nguyên liệu, không có một hợp đồng hay văn bản chính thức nào.
Công ty chế biến căn cứ vào giá xuất khẩu và nhu cầu nguyên liệu và quyết định giá thu mua hàng ngày cho các nhà cung cấp. Giao dịch giữa công ty chế biến và các nhà cung cấp nguyên liệu thực hiện bằng điện thoại. Thông thường, đại lý cấp 2 nhận được thông tin giá cả và báo lại cho các đại lý cấp 1. Sau đó, đại lý cấp 1 căn cứ vào giá đó để thương lượng với hộ nuôi tôm. Các giao dịch cụ thể như sau:
- Đối với công ty chế biến, khách hàng chiếm giao dịch lớn nhất là đại lý cấp 2. Tuy nhiên, vào thời điểm khan hiếm nguyên liệu công ty tăng cường thu mua các đại lý cấp 1 vãng lai từ các tỉnh khác như Quảng Nam, Quảng Ngãi,… hoặc các hộ nuôi tôm có sản lượng lớn. Hình thức giao dịch có thể công ty ra giá hoặc thương lượng thỏa thuận trợ cấp giá 1.000 – 2.000 đồng/kg. Sau khi phân loại kích cỡ, xác định giá thì người đại diện thu mua công ty chỉ cấp phát một tờ giấy có xác nhận số lượng, kích cỡ, giá cả và chữ ký của người đại diện. Ngoài ra, không kèm theo bất cứ một chứng từ nào mang tính pháp lý để ràng buộc đại diện người mua và người bán.
- Đại lý cấp 2 là người đứng ra giao dịch trực tiếp với công ty chiếm khối lượng nhiều nhất, họ nhận giá hàng ngày và lấy phiếu nhập nguyên liệu của công ty và báo giá cho các đại lý cấp 1 chủ yếu bằng điện thoại.
- Đại lý cấp 1 chấp nhận giá và nhận phiếu nhập nguyên liệu của công ty chế biến do đại lý cấp 2 thỏa thuận với công ty chế biến. Sau đó, họ thương lượng giá với hộ nuôi tôm. Đại lý cấp 1 có thể bán sản lượng qua đại lý cấp 2 hoặc nếu họ có đủ điều kiện bán trực tiếp cho công ty. Đối với giao dịch giữa đại lý cấp 1 và người bán lẻ, người bán lẻ có thể nhận lượng tôm tại chợ do đại lý cấp 1 vận chuyển đến.
Đa số hộ nuôi tôm là người nhận giá cuối cùng từ nhiều đại lý cấp 1, thỏa thuận sơ bộ về giá cả từng loại kích cỡ. Nếu hai bên đồng ý, người mua sẽ tiến hành cho thu hoạch.
Phương thức thanh toán các giao dịch giữa các tác nhân cũng đa dạng.
- Giữa Hộ nuôi tôm và đại lý thu mua cấp 1 có mối quan hệ làm ăn lâu năm nên việc thanh toán có thể chồng tiền mặt ngay tại ao hoặc có thể thanh toán sau 3, 4 ngày sau khi thu hoạch.
- Trong trường hợp hộ nuôi tôm bán cho công ty, tương tự như đại lý cấp 1 bán cho công ty, đại lý cấp 2 giao dịch với công ty và chịu hình thức thanh toán chậm 7 – 10 ngày của công ty chế biến bằng hình thức chuyển khoản.
- Mối quan hệ giữa đại lý cấp 1 với đại lý cấp 2 thông qua hai hình thức: đại lý cấp 2 có thể ứng tiền mặt từ 10 – 50% cho đại lý cấp 1 thu mua tôm hoặc đại lý cấp 2 thanh toán tiền từ 50 – 100% cho đại lý cấp 1 sau mỗi chuyến hàng.
- Giao dịch giữa người bán lẻ với đại lý cấp 1: đa số người bán lẻ phải trả tiền ngay sau khi mua vì số lượng ít.
- Giao dịch người bán lẻ với hộ nuôi tôm: giao dịch giữa 2 tác nhân này diễn ra không thường xuyên, khi người bán lẻ thu mua tôm có thẻ họ trả ngay sau khi mua.
Các giao dịch giữa các tác nhân trong chuỗi không có hợp đồng pháp lý, khi xảy ra rủi ro như công ty chế biến thua lỗ phá sản, đại lý cấp 1, đại lý cấp 2 thiếu khả năng thanh toán thì hộ nuôi tôm là người chịu rủi ro nhiều nhất.
- Phương thức giao dịch và thanh toán của công ty chế biến đối với các nhà nhập khẩu thông qua ký kết bằng hợp đồng theo quy định của luật thương mại Việt Nam và quốc tế. Trong hợp đồng quy định ràng buộc rất rõ ràng về chất lượng, quy cách, mẫu mã sản phẩm, phương thức thanh toán, thời gian giao hàng đến lúc thanh toán là khoảng 30 - 60 ngày, tùy theo thỏa thuận của hai bên