Các tổ chức, nhà hỗ trợ, thể chế, chính sách, qui định tác động chuỗi giá trị tôm

Một phần của tài liệu PHÂN TÍCH CHUỖI GIÁ TRỊ của mặt HÀNG tôm THẺ CHÂN TRẮNG TRƯỜNG hợp các hộ NUÔI tại THỊ xã NINH HOÀ (Trang 56 - 59)

tôm chân trắng

Chính phủ Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý XK thủy sản ra thị trường quốc tế. Các nước nhập khẩu có quyền thiết lập và buộc thi hành các tiêu chuẩn VSATTP. Gần đây, các tổ chức phi chính phủ đã tham gia vào các vấn đề về thương mại thủy sản, như Quỹ bảo tồn động vật hoang dã đang quảng bá cho các hệ thống chứng nhận dựa trên cơ sở thị trường. Nhiều tổ chức khác ủng hộ cho các biện pháp quản lý và đồng quản lý để giải quyết các vấn đề về ATTP và các vấn để về kinh tế xã hội có liên quan đến ngành tôm.

Các tổ chức trong ngành thủy sản như Liên minh nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA), Global GAP ở Đức và một số nước khác và Tập đoàn bán lẻ Anh (BRC) đã cộng tác chặt chẽ với các nhà bán lẻ lớn như Walmart để xúc tiến cho việc chấp nhận các hệ thống chứng nhận, nhằm đảm bảo với người tiêu dùng rằng các sản phẩm mà họ ăn là an toàn và được sản xuất một cách có trách nhiệm về môi trường và xã hội. Quỹ Bảo tồn Động vật hoang dã có báo cáo đầy đủ của trên 30 chương trình khác nhau về chứng nhận nuôi trồng thủy sản do các tổ chức trong ngành và các tổ chức phi chính phủ khác xây dựng. Theo đánh giá của nhiều nhà XK Việt Nam, những tiêu chuẩn không thống nhất này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công việc kinh doanh của họ. Để đảm bảo việc tiếp cận thị trường, các nhà chế biến, XK ở Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu của khách hàng và các hệ thống chứng nhận mà khách hàng chấp nhận. Về vấn đề này, các tiêu chuẩn chứng nhận của các tổ chức phi chính phủ ảnh hưởng đến toàn bộ các tác nhân trong chuỗi giá trị tôm. (Nguồn: Vietfish)

Nhà nước Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng các chuỗi giá trị tôm, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu thị trường nhằm giữ vững vị trí trên thế giới. Vì vậy, đối với các ban ngành, hiệp hội, tổ chức trong nước có vai trò quan trọng đưa ra những quy định, kiểm soát, định hướng hỗ trợ để phát triển chuỗi giá trị tôm. Cụ thể những tác động của từng tổ chức đến chuỗi giá trị tôm được đánh giá như sau:

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn

Nhằm phát triển ngành nuôi trồng thủy sản, trong nhiều năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra nhiều chính sách phát triển bền vững ngành thủy sản nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng. Cụ thể như sau:

 Phát triển vùng nuôi tôm theo hướng bền vững:

- Quyết định số 150/2005/QĐ-TTg-20/6/2005: Phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản cả nước đến năm 2010 và tầm nhìn 2020

- Quyết định số 06/2006/QĐ-BTS phê duyệt “Quy chế quản lý vùng và cơ sở nuôi tôm an toàn”, 28 TCN 191-2004 Vùng nuôi tôm – Điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Quy chế quản lý số 56/2008/QĐ-BNN về “Quy chế kiểm tra, chứng nhận nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững”. Văn bản này đã quy định hệ thống kiểm tra, chứng nhận nuôi trồng thuỷ sản…

- Công văn số 1063, chỉ đạo nuôi thủy sản nước lợ năm 2008; Chỉ thị 228/CTBNN- PTNT về phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng; …

 Kiểm soát chất lượng vùng nuôi và sản phẩm xuất khẩu

- Thông tư số 15/2009/TT-BNN: Về việc ban hành danh mục hóa chất, kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản.

- Thông tư số 56/2009/TT-BNNPTNT- 7/9/2009: Kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản trước khi đưa ra thị trường.

- Thông tư số 69/2010/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Ban hành danh mục thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong thú y, thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam.

- Thông tư số 09/2007/TT-BKHCN-6/4/2007: Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.

- Thông tư số 73/2009/TT-BNNPTNT-20/11/2009: Ban hành Quy định tạm thời về thức ăn cho tôm thẻ chân trắng

- Thông tư số 71/2009/TT-BNNPTNT- 10/11/2009: Ban hành “Danh mục bổ sung sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản được phép lưu hành tại Việt Nam”

Những chính sách và thể chế trên trong thời gian qua đã giúp nghề nuôi tôm phát triển mạnh mẽ, hướng hộ nuôi tôm đến nuôi tôm sạch và bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm tôm ra các thị trường theo các tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa được phổ biến với nhiều hộ nuôi tôm. Nhiều vùng tự phá vỡ quy hoạch vùng nuôi, dẫn đến dịch bệnh không kiểm soát được. Tình trạng các nước nhập khẩu phát hiện dư lượng kháng sinh như chất Trifluralin đáng báo động. Gây thiệt hại kinh tế lớn cho công ty chế biến, hộ nuôi tôm. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần thúc đẩy các ban ngành địa phương rà soát, phổ biến những thông tư nghị quyết phát huy tác dụng. Hỗ trợ các tác nhân áp dụng các tiêu chuẩn Global GAP, BMP…trong nuôi trồng thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị sản phẩm tôm.

Cục quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản NAFIQUAVED

Cục quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản cấp giấy chứng nhận đạt kiểm định chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của các lô hàng thủy sản xuất khẩu ra nước ngoài và được nhiều nước trên thế giới công nhận. Bên cạnh đó, Cục Quản lý chất lượng kiêm luôn chức năng kiểm soát chất lượng vùng nuôi. Rõ ràng, nó tác động đến toàn bộ các tác nhân về chất lượng sản phẩm thủy sản đồng thời hỗ trợ các tác nhân nâng cao chất lượng sản phẩm trong chuỗi giá trị tôm thẻ chân trắng.

Trong thực tế, nhiều chất cấm sử dụng vẫn hiện diện trong nguyên liệu tôm ở nhiều vùng nuôi, các loại hóa chất không được phép lưu hành vẫn trôi nổi trên thị trường. Nhiều hộ nuôi, đại lý thu mua vẫn cố tình sử dụng chất cấm. Đối với các Công ty chế biến, nhiều lô hàng của họ bị nhiễm dư lượng kháng sinh vẫn được Cục quản lý chất lượng cấp giấy chứng nhận, đến khi xuất sang nước khác mới bị phát hiện gây thiệt hại lớn cho các Công ty chế biến và uy tín của cục Quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam (VASEP)

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) là tổ chức tự nguyện của các doanh nghiệp hoạt động chế biến và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, nhằm mục đích phối hợp, liên kết hoạt động của các doanh nghiệp, giúp nhau nâng cao giá trị, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam, phát triển tạo nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu thủy sản.

Không chỉ hỗ trợ riêng cho các công ty chế biến xuất khẩu thủy sản, các tác nhân khác trong chuỗi được hỗ trợ thông tin thị trường về giá cả, sản lượng, xu hướng thị trường trên thế giới. Thực hiện xây dựng mối liên kết với hộ nuôi tôm sản xuất nguyên liệu. Bên cạnh đó, việc tổ chức các sự kiện thương mại nhằm giới thiệu sản phẩm thủy sản Việt Nam với thị trường thế giới đã mang lại nhiều thành công lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu và người nuôi. Góp phần gắn kết các doanh nghiệp, các hộ nuôi tôm lại với nhau, thúc đẩy mối liên kết dọc, ngang trong ngành.

Tổ chức tín dụng – ngân hàng

Vốn để sản xuất kinh doanh đều cần thiết với các tác nhân trong chuỗi. Việc tạo điều kiện cho các tác nhân tiếp cận với nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp được nhà nước ưu tiên, chỉ đạo cho các ngân hàng thương mại cho vay với lãi suất ưu đãi. Ngoài ra, dịch vụ thanh toán của ngân hàng đảm bảo các hợp đồng xuất khẩu thủy sản được thực hiện một cách thuận lợi. Tuy nhiên, thủ tục cho vay của nhiều ngân hàng đang cản trở nhiều hộ nuôi tôm tiếp cận với nguồn vốn. Lãi suất cao cũng khiến nhiều doanh nghiệp cần vốn phải lao đao đi vay vốn.

Một phần của tài liệu PHÂN TÍCH CHUỖI GIÁ TRỊ của mặt HÀNG tôm THẺ CHÂN TRẮNG TRƯỜNG hợp các hộ NUÔI tại THỊ xã NINH HOÀ (Trang 56 - 59)