5. Phương pháp nghiên cứu
3.2. Thời gian nghệ thuật
Cũng giống như không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật cũng là vấn đề được quan tâm trong mô hình thế giới nghệ thuật. Đó là một yếu tố quan trọng, một trong những yếu tố hiện hữu để tổ chức nội dung nghệ thuật. Nếu thời gian khách quan vận động theo trật tự tuyến tính, một chiều thì thời gian nghệ thuật trong văn học được soi sáng bởi tư tưởng, tình cảm của nhà văn, được nhào nặn và sáng tạo để trở thành hình tượng nghệ thuật, phù hợp với quan niệm của nhà văn về con người và thế giới.
Nhà nghiên cứu văn học Nga D.X.Li-kha-chôp cho rằng: “Thời gian nghệ thuật là nhân tố nằm trong mạng lưới nghệ thuật. Nó buộc thời gian và quan niệm triết học về thế giới phải phục vụ cho nhiệm vụ nghệ thuật của nó” [13;61]. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử trong cuốn Thi pháp thơ Tố Hữu cũng khẳng định: “Thời gian nghệ thuật trong văn học không phải đơn giản
88
là quan điểm của tác giả về thời gian mà là một hình tượng thời gian sinh động, gợi cảm, là sự cảm thụ, ý thức về thời gian được dùng làm hình thức
nghệ thuật để phản ánh hiện thực, tổ chức tác phẩm” [38;190].
Cùng với yếu tố không gian, thời gian nghệ thuật giữ vai trò không thể thiếu trong trong việc bộc lộ đời sống riêng tư của con người. Nghệ sĩ có thể chọn điểm ban đầu và kết thúc, có thể nhanh hay chậm, có thể đảo lộn trật tự thời gian trong truyện bằng cách đan xen quá khứ, hiện tại, tương lai theo quy luật tâm lí của nhân vật hoặc theo trật tự hồi ức, liên tưởng của người kể chuyện. Thời gian nghệ thuật do đó là “thời gian mà ta có thể chiêm nghiệm được trong tác phẩm nghệ thuật với tính liên tục và độ dài của nó, với nhịp độ nhanh hay chậm, với các chiều thời gian quá khứ, hiện tại hay tương lai. Thời gian nghệ thuật do được sáng tạo nên mang tính chủ quan, gắn liền với thời
gian tâm lí” [41;83]. Thông qua các hình thức thời gian, người nghệ sĩ mong
muốn thể hiện quan niệm thẩm mĩ và thế giới quan nghệ thuật của mình. Như chúng ta đã biết, văn học trước năm 1975 xây dựng trên một nền không gian rộng lớn, gắn với một kiểu không gian theo nét riêng của thời đại. Ứng với không gian đó là kiểu thời gian tuyến tính, thời gian lịch sử, thời gian sự kiện… Sau năm 1975, đặc biệt là từ sau đổi mới, cấu trúc đặc điểm của thời gian nghệ thuật cũng có sự thay đổi. Xu hướng chung là rút ngắn thời gian sự kiện và kéo dài thời gian tâm trạng. Biến cố sự kiện trở thành đường viền hoặc cái cớ ban đầu để nhà văn khám phá hành trình tự ý thức của con người. Trong các sáng tác của mình, Đoàn Lê đã tổ chức các yếu tố, mô hình thời gian như một giải pháp để bộc lộ quan điểm, tư tưởng nghệ thuật. Các tác phẩm mang tính tự truyện với đặc thù riêng của nó là nhận thức lại những kí ức, ấn tượng đã qua trong quá khứ, cho nên yếu tố thời gian không tuân theo trật tự tuyến tính. Đọc văn Đoàn Lê ta có thể thấy thời gian bị xáo trộn giữa hai dòng: hồi ức và thực tại.
89