II. Đồ dùng dạy và học
3.2.1 Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên
Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý ở các trường có vai trò quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy và học, là yếu tố quyết định thành công hay thất bại của sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Thấy rõ tầm quan trọng trên, các Bộ, ngành đã đưa ra những tiêu chuẩn và chính sách đối với cán bộ giáo viên một cách cụ thể. Qua phân tích thực trạng chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý của nhà trường hiện nay còn nhiều bất cập về năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm. Phong trào tự học tập và nghiên cứu chưa trở thành nhu cầu tự thân của mỗi giáo viên và cán bộ quản lý. Công tác bồi dưỡng định kỳ được thực hiện mang tính hình thức nên không thu hút được nhiều người tham gia, chất lượng các hoạt động thấp.
Từ thực tế trên nên công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng giáo viên và cán bộ quản lý của nhà trường là việc làm cần thiết và phải được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc. Nâng cao phẩm chất chính trị, đường lối đổi mới phương pháp dạy học; nâng cao kỹ năng chuyên môn, kỹ năng quản lý và phẩm chất đạo đức; phương pháp đánh giá, xếp loại học sinh, sinh viên phù hợp.
3.2.1.1 Thay đổi phương thức tuyển dụng cán bộ viên chức
Từ thực trạng điểm xuất phát thấp của giáo viên và cán bộ quản lý, nên trước tiên nhà trường cần thay đổi phương thức tuyển dụng cán bộ giáo viên và phương thức luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ quản lý.
Trong phương thức tuyển dụng cán bộ giáo viên cần xây dựng các tiêu chí đánh giá cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn và xu thế phát triển; thực hiện một cách chủ động, nghiêm túc và công bằng. Thực hiện đúng theo quy trình tuyển dụng nhân sự: tuyển mộ, tuyển chọn, thực hành và ra quyết định tuyển dụng; thông tin tuyển dụng phải được thông báo rộng rãi và công khai trên các phương tiện để thu hút được nhiều đối tượng có năng lực. Quá trình tuyển dụng phải do những người có thẩm quyền, có chuyên môn sâu về lĩnh vực được tuyển dụng và hạn chế thấp nhất sự tác động của các yếu tố ràng buộc trong việc ra quyết định. Qua đó, nhà trường sẽ có cơ hội tuyển dụng được những người có năng lực, kỹ năng phù hợp với tiêu chí công việc đề ra.
Đối với cán bộ quản lý, nhà trường cần có quy hoạch đội ngũ cán bộ nguồn một cách khách quan, chính xác; có kế hoạch theo dõi, bồi dưỡng, huấn luyện; thực hiện một cách chủ động, linh hoạt. Định kỳ, cần có kế hoạch điều chỉnh, bổ sung các đối tượng có tiềm năng, năng lực vào quy hoạch.
3.2.1.2 Công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ
- Với đội ngũ giáo viên: Đạt chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ do Bộ và Tổng cục dạy nghề quy định, có kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm vững vàng, có kiến thức về kinh tế xã hội trong nước và quốc tế; nắm bắt được sự xu hướng phát triển của giáo dục thời đại. Là một tấm gương sáng về năng lực tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực công tác.
Về phẩm chất đạo đức, tư tưởng chính trị: chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; chấp hành tốt nội quy, quy định của nhà trường. Thầy cô phải là tấm gương sáng về đạo đức, tác phong, lối sống và nhân cách để học trò noi theo.
Để làm tốt công tác trên, Đảng ủy, Giám hiệu kết hợp với các phòng khoa định kỳ tổ chức học tập tư tưởng chính trị, Nghị quyết mới của đảng trong toàn trường. Đồng thời có kế hoạch kiểm tra, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện; xếp loại và có kế hoạch bồi bồi dưỡng tiếp theo. Trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện phải chủ động và nghiêm túc; có chính sách khích lệ, động viên các cá nhân, bộ phận thực hiện tốt và cũng có những ràng buộc với bộ phận, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ.
Để nâng cao trình độ chuyên môn và các kỹ năng, Nhà trường cần có chính sách tạo điều kiện về thời gian, kinh tế hơn nữa cho giáo viên học tập nâng cao trình độ; chính sách nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống để giáo viên yên tâm công tác và cống hiến. Tạo điều kiện cho giáo viên có thời gian hợp lý và cơ hội tham gia vào các hoạt động khác nhau của xã hội, của doanh nghiệp. Công tác trên phải được thực hiện một cách thường xuyên và bằng nhiều hình như: tổ chức các hội thảo chuyên đề, nghe báo cáo thực tế, nghiên cứu các tài liệu chuyên ngành để rèn luyện các kỹ năng. Qua đó, nâng cao kiến thức thực tế để áp dụng vào bài giảng được sinh động hơn, thực tế hơn và hiệu quả hơn.
Hỗ trợ kinh phí cho nghiên cứu khoa học, tăng cường thời gian đi thực tế tại các doanh nghiệp cho đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên nghề để nâng cao kỹ năng thực hành trên những công nghệ hiện đại. Tạo điều điện thuận lợi để cán bộ, giáo viên đi nghiên cứu sinh ở trong nước và ngoài nước; tạo môi trường, cũng như thúc đẩy phong trào học tập, nghiên cứu khoa học cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh; tạo điều kiện để cán bộ giáo viên nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống, yên tâm công tác hơn.
Nhà trường cần thay đổi phương pháp quản lý, đánh giá giáo viên; áp dụng linh hoạt nhiều biện pháp quản lý, nhiều hình thức đánh giá khác nhau. Bên cạnh phương pháp quản lý hành chính, cần sử dụng nhiều hơn phương pháp quản lý bằng mục tiêu, phương pháp quản lý kinh tế. Đa dạng hóa các cách thức đánh giá để đảm bảo tính khách quan, phù hợp và chính xác; tạo sự khích lệ và tạo động lực cho đội ngũ giáo viên trong quá trình công tác.
- Với đội ngũ quản lý: có chính sách để gắn quyền lợi với trách nhiệm; xây dựng cơ chế đánh giá, giám sát và có bộ phận thực thi một cách khách quan, công bằng. Định kỳ tổ chức các buổi hội thảo, giao lưu chuyên đề cho các nhà quản lý; bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý ở môi trường tiên tiến trong và ngoài nước. Có chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý ở các môi trường tiên tiến trong và ngoài nước.