- Luận văn thạc sỹ “Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Viện Kinh tế Kỹ thuật Thuốc lá nhằm đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ hội nhập ”
CHƯƠNG 1 LÝ LUẬN CHUNG VỀ CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO
1.1 Các quan niệm cơ bản về chất lượng và chất lượng đào tạo
1.1.1 Quan niệm về chất lượng
Chất lượng luôn là vấn đề quan trọng, là một phạm trù phức tạp mà con người thường hay gặp trong các lĩnh vực hoạt động của mình. Việc phấn đấu nâng cao chất lượng được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của bất kỳ một cơ sở hoạt động nào. Vậy chất lượng là gì? Thuật ngữ “chất lượng” có nhiều quan điểm khác nhau trong cách tiếp cận và từ đó đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau:
+ Chất lượng là “cái làm nên phẩm chất, giá trị của sự vật” hoặc là “cái tạo nên bản chất sự vật, làm cho sự vật này khác với sự vật kia” (Từ điển tiếng Việt thông dụng, NXB Giáo dục, 1998).
+ Chất lượng là “tổng thể những tính chất, thuộc tính cơ bản của sự vật, sự việc... làm cho sự vật, sự việc này phân biệt với sự vật, sự việc khác” (Từ điển tiếng Việt phổ thông, NXB Khoa học xã hội, H.1987).
Như vậy, định nghĩa nêu trong từ điển trên chưa nói đến “khả năng thoả mãn nhu cầu” một điều cực kỳ quan trọng mà các nhà quản lý rất quan tâm.
+ Chất lượng là “sự phù hợp với những yêu cầu hay đặc tính nhất định” (Theo Philip B. Grosby).
+ Chất lượng là “tiềm năng của một sản phẩm hay dịch vụ nhằm thoả mãn nhu cầu người sử dụng” (Tiêu chuẩn Pháp – NFX 50- 109).
+ Theo ISO 8402 (1994): “Chất lượng là một tập hợp các đặc tính của một thực thể tạo cho thực thể đó khả năng làm thoả mãn nhu cầu đã xác định hoặc tiềm ẩn”.
+ Theo Kaoru Ishikawa (Nhật): “Chất lượng là sự thoả mãn nhu cầu với chi phí thấp nhất”. Chất lượng phải dựa trên căn bản là đào tạo, huấn luyện và giáo dục thường xuyên. Chính vì vậy, trách nhiệm về chất lượng phụ thuộc từ 80% đến 85% vào ban lãnh đạo.
+ Theo W.Edwards Deming (Mỹ): “Chất lượng là mức độ dự báo được về độ đồng đều và độ tin cậy với chi phí thấp và phù hợp với thị trường”. Chất lượng đạt
được cần thiết phải có sự tham gia của toàn thể nhân viên. Nhưng lãnh đạo chịu trách nhiệm đến 90% các vấn đề về chất lượng.
Như vậy, chất lượng là một khái niệm trừu tượng và đa chiều, dựa trên các cách tiếp cận khác nhau thì lại có một quan niệm khái niệm khác nhau về chất lượng. Tuy nhiên, một định nghĩa phổ biến theo tiêu chuẩn ISO đưa ra trong ISO 8402:1984: “Chất lượng là một tập hợp các tính chất và đặc trưng của một thực thể, tạo cho nó có khả năng thoả mãn những nhu cầu đã được nêu rõ hoặc còn tiềm ẩn” Đây là định nghĩa có nhiều ưu điểm nhất, nó được xem xét một cách toàn diện và rộng rãi hơn; phản ánh được bản chất của sự vật và dùng để so sánh sự vật này với sự vật khác.
1.1.2 Chất lượng đào tạo
Chất lượng đào tạo là khái niệm trừu tượng, đa chiều và nó phụ thuộc vào nhiều nhân tố tác động, khi các nhân tố tác động đến nó thay đổi cũng làm cho chất lượng đào tạo thay đổi theo. Do đó, để đánh giá được chất lượng đào tạo cần dùng một hệ thống các chỉ tiêu về mặt định tính, định lượng để phân tích và đánh giá.
Chất lượng đào tạo luôn là vấn đề quan trọng của các trường, các cơ sở đào tạo và của cả xã hội, nó phản ánh kết quả của các cơ sở đào tạo, của cả hệ thống đào tạo. Chất lượng đào tạo được biến đổi theo thời gian và không gian dưới sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau. Do đó, việc nâng cao chất lượng đào tạo được xem là nhiệm vụ quan trọng của các cơ sở đào tạo nói chung và các cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp nói riêng.
Các quan niệm về chất lượng đào tạo:
- Chất lượng được đánh giá bằng “Đầu vào”
Một số nước phương tây có quan điểm cho rằng “Chất lượng đào tạo phụ thuộc vào chất lượng hay số lượng các yếu tố đầu vào của cơ sở đào tạo đó”. Quan điểm này được gọi là “quan điểm nguồn lực” có nghĩa là:
“Nguồn lực” = “chất lượng”
Theo quam điểm này, nếu một trường tuyển được học sinh, sinh viên giỏi, có đội ngũ cán bộ giảng dạy uy tín, có cơ sở vật chất tốt… thì được coi là trường có chất lượng đào tạo tốt.
Quan điểm này đã bỏ qua quá trình tổ chức và quản lý đào tạo diễn ra rất đa dạng và liên tục trong một khoảng thời gian. Sẽ khó giải thích trường hợp một trường đã có nguồn lực “đầu vào” dồi dào nhưng chất lượng đầu ra hạn chế hoặc ngược lại. Theo cách đánh giá này, cho rằng dựa vào chất lượng nguồn lực đầu vào có thể đánh giá được chất lượng đầu ra.
- Chất lượng được đánh giá bằng “Đầu ra”
“Đầu ra” là kết quả, là sản phẩm của quá trình đào tạo được thể hiện bằng năng lực, chuyên môn nghiệp vụ, sự thành thạo trong công việc hay khả năng cung cấp các dịch vụ của cơ sở đào tạo đó. Có quan điểm cho rằng “đầu ra” của quá trình đào tạo có tầm quan trọng hơn nhiều so với “đầu vào”.
- Chất lượng được đánh giá bằng “Giá trị gia tăng”
Quan điểm này cho rằng một trường có tác động tích cực và tạo ra sự khác biệt của sinh viên về trí tuệ, nhân cách… của học sinh, sinh viên, điều đó cho thấy trường đã tạo ra được giá trị gia tăng cho học sinh, sinh viên đó. “Giá trị gia tăng” được xác định bằng giá trị của “đầu ra” trừ đi giá trị của “đầu vào” kết quả thu được được coi là chất lượng đào tạo của trường.
Quan điểm này chỉ tồn tại về mặt lý thuyết vì trên thực tế rất khó có thể thiết kế một thước đo thống nhất về định mặt định lượng để đánh giá chất lượng “đầu vào” và “đầu ra” từ đó tìm ra mức chênh lệch để đánh giá chất lượng đào tạo. Ngoài ra, mỗi cơ sở đào tạo, mỗi trường lại không thống nhất về chương trình đào tạo, mục tiêu…
- Chất lượng được đánh giá bằng “Giá trị học thuật”
Đây là quan điểm truyền thống của nhiều trường học phương Tây, chủ yếu dựa vào sự đánh giá của các chuyên gia về năng lực học thuật của đội ngũ giảng viên trong từng trường trong quá trình thẩm định, công nhận chất lượng đào tạo của trường. Điều này có nghĩa là trường nào có đội ngũ giảng viên có học vị, học hàm cao, có uy tín khoa học lớn thì được xem là trường có chất lượng cao.
Hạn chế của quan điểm này là ở chỗ, cho dù năng lực học thuật có thể được đánh giá một cách khách quan, thì cũng khó có thể đánh giá những cuộc cạnh tranh của các trường để nhận tài trợ cho các công trình nghiên cứu trong môi trường không thuần học thuật. Ngoài ra, liệu có thể đánh giá được năng lực chất xám của
đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu khi có xu hướng chuyên ngành hoá ngày càng sâu, phương pháp luận ngày càng đa dạng. Đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục hiện nay có quá nhiều các trường Trung cấp, Cao đẳng, Đại học, xu thế đa dạng hóa các ngành nghề, lĩnh vực đào tạo; sự buông lỏng trong quản lý cũng như khả năng quản lý yếu kém trong Giáo dục đã làm cho số lượng các học thuật mà các trường sở hữu tăng nhưng chất lượng cũng đang báo động.
- Chất lượng được đánh giá bằng "Văn hoá tổ chức"
Quan điểm này cho rằng văn hoá tổ chức riêng có tác dụng hỗ trợ cho quá trình liên tục cải tiến chất lượng. Vì vậy, một trường được đánh giá là có chất lượng khi nó có được "Văn hoá tổ chức riêng" nhằm mục tiêu là không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. Quan điểm này bao hàm cả các giả thiết về bản chất của chất lượng và bản chất của tổ chức.
- Chất lượng được đánh giá bằng "Kiểm toán"
Quan điểm này tiếp cận từ các yếu tố bên trong của tổ chức và nguồn thông tin cung cấp cho việc ra quyết định. Nếu kiểm toán tài chính xem xét các tổ chức có duy trì chế độ sổ sách tài chính hợp lý hay không, thì kiểm toán chất lượng quan tâm xem các trường có thu thập đủ thông tin cần thiết hay không, quá trình thực hiện các quyết định về chất lượng có hợp lý và hiệu quả không. Quan điểm này cho rằng, nếu một cá nhân có đủ thông tin cần thiết thì có thể có được các quyết định chính xác, khi đó chất lượng giáo dục được đánh giá thông qua quá trình thực hiện, còn "đầu vào" và "đầu ra" chỉ là các yếu tố phụ.
Trên thực tế có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm chất lượng đào tạo, do khái niệm “chất lượng” được dùng chung cho cả hai quan niệm: chất lượng tuyệt đối và chất lượng tương đối, do đó khái niệm chất lượng đào tạo cũng mang tính trừu tượng.
Với quan niệm chất lượng tuyệt đối thì “chất lượng” được dùng cho những sản phẩm, những đồ vật hàm chứa trong nó những phẩm chất, những tiêu chuẩn cao nhất khó có thể vượt qua được. Nó được dùng với nghĩa chất lượng cao, hoặc chất lượng hàng đầu.
Với quan niệm chất lượng tương đối thì “chất lượng” dùng để chỉ một số thuộc tính mà người ta gán cho sản phẩm, đồ vật. Theo quan niệm này thì một vật,
một sản phẩm, hoặc một dịch vụ được xem là có chất lượng khi nó đáp ứng được các mong muốn mà người sản xuất định ra, và các yêu cầu người tiêu thụ đòi hỏi. Từ đó nhận ra rằng chất lượng tương đối có hai khía cạnh:
Thứ nhất, Đạt được mục tiêu (phù hợp với tiêu chuẩn) do người sản xuất đề ra. Khía cạnh này chất lượng được xem là “chất lượng bên trong”.
Thứ hai, Chất lượng được xem là sự thoả mãn tốt nhất những đòi hỏi của người dùng, ở khía cạnh này chất lượng được xem là “chất lượng bên ngoài”.
Theo cách tiếp cận trên thì tại mỗi trường, cơ sở đào tạo cần xác định mục tiêu và chiến lược sao cho phù hợp với nhu cầu của người học, của xã hội để đạt được “chất lượng bên ngoài” đồng thời phải cụ thể hóa các mục tiêu trên thông qua quá trình tổ chức, phối hợp giữa các bộ phận...các hoạt động của nhà trường sẽ được hướng vào nhằm mục đích đạt mục tiêu đó, đạt “chất lượng bên trong”.
Hình 1.1 Sơ đồ quan niệm về chất lượng đào tạo
Nguồn: Quản lý và kiểm định chất lượng đào tạo nhân lực theo ISO và TQM [3, tr45] Sản phẩm của quá trình đào tạo là con người và các dịch vụ đào tạo (đầu ra) của quá trình đào tạo và được thể hiện cụ thể ở các phẩm chất, giá trị nhân văn và năng lực vận hành nghề nghiệp. Với yêu cầu đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, quan niệm về chất lượng đào tạo không chỉ dừng ở kết quả của quá trình đào tạo với những điều kiện đảm bảo chất lượng như: cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên,... mà còn phải tính đến mức độ phù hợp và thích ứng của học sinh tốt nghiệp đối với yêu cầu công việc, nhu cầu của người sử dụng lao động và xã hội.
Nhu cầu xã hội
Mục tiêu đào tạo