- Điện thoại, fax Internet
HIỆU QUẢ KINH TẾ XÃ HỘI CỦA DU LỊCH
8.1.2. Các loại hiệu quả
Hiệu quả có thể được đánh giá ở các góc độ khác nhau, phạm vi khác nhau và thời kỳ khác nhau. Trên các cơ sở này, để hiểu rõ hơn bản chất của phạm trù hiệu quả kinh doanh cũng cần đứng trên từng góc độ cụ thể để phân biệt các loại hiệu quả.
Hiệu quả nền kinh tế và hiệu quả doanh nghiệp
Hiệu quả nền kinh tế phản ánh trình độ sử dụng các nguồn lực trong phạm vi toàn nền kinh tế. Hiệu quả nền kinh tế bao gồm:
- Hiệu quả sản xuất: Thuộc lĩnh vực sản xuất, phản ánh mối quan hệ kết quả sản xuất và chi phí sản xuất.
- Hiệu quả phân bố: Hiệu quả phân bố các nguồn lực trong nền kinh tế phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Hiệu quả phân phối: Việc phân phối hàng hóa, sản phẩm dịch vụ đầu ra sẽ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng như thế nào.
Hiệu quả doanh nghiệp là hiệu quả kinh tế trong phạm vi doanh nghiệp, phản ánh mối tương quan giữa kết quả đạt được với chi phí bỏ ra để đạt kết quả đó, từ đó đánh giá cả đầu ra và đầu vào.
Hiệu quả tổng hợp và hiệu quả bộ phận
Hiệu quả tổng hợp (hiệu quả toàn phần) là hiệu quả được xem xét trong phạm vi toàn bộ doanh nghiệp trong một thời kỳ nhất định.
Hiệu quả bộ phận (hiệu quả từng phần) là hiệu quả sử dụng của từng yếu tố sản xuất kinh doanh (hiệu quả sử dụng chi phí, hiệu quả sử dụng lao động, hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh, hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật) hoặc là hiệu quả kinh doanh của từng bộ phận nghiệp vụ trong doanh nghiệp (hiệu quả kinh doanh lưu trú, hiệu quả kinh doanh ăn uống, hiệu quả kinh doanh dịch vụ khác...).
Hiệu quả tuyệt đối và hiệu quả tương đối
Hiệu quả tuyệt đối là hiệu quả kinh tế được xác định cho một đơn vị hay một phương án kinh doanh, mang tính chất cá thể, cá biệt,... và thường được đo lường bằng số tuyệt đối.
Hiệu quả tương đối là hiệu quả kinh tế được xác định cho nhiều đơn vị hoặc nhiều phương án khác nhau.