Đã bao giờ bạn gặp một người đồng nghiệp mà bạn chưa cần mở lời, anh ấy đã hiểu bạn trải qua một ngày ra sao và đầu óc bạn đang vướng bận chuyện gì? Anh ấy biết bạn vừa bước ra khỏi một cuộc họp như thế nào bởi anh có thể “nhìn thấy” những gì thể hiện trên mặt bạn. Anh ấy biết đây là lúc để bạn xả hơi thay vì lên tiếng nhờ vả. Anh ấy chắc hẳn đã nắm bắt một điều gì đó.
Hoặc một nữ nhân viên phục vụ nhà hàng có vẻ như “đọc được ý muốn” của từng khách hàng: một cặp tình nhân đang đắm chìm trong thế giới riêng và muốn được riêng tư; một cặp khác sẵn sàng đối thoại với người mới quen, trong khi đó khách ở một bàn khác lại muốn tận hưởng phong cách phục vụ lịch sự và chuyên nghiệp, hạn chế những lời hỏi han không cần thiết. Khách đến đây đều để ăn uống và được phục vụ, tuy nhiên đằng sau điểm chung đó, mỗi bàn có một đặc trưng riêng. Làm cách nào cô có thể phán đoán thật nhanh từng bàn và hiểu nhu cầu của khách?
Cả người đồng nghiệp lẫn cô phục vụ nhà hàng kia đều có khả năng nhận thức xã hội rất cao, một kỹ năng họ dùng để nhận biết và hiểu tâm trạng từng cá nhân hoặc của một nhóm người. Mặc dù có thể hai người này đã rất dày dạn trong việc am hiểu người khác, nhưng đó rõ ràng là một kỹ năng họ phải học hỏi và thực hành qua thời gian.
Kỹ năng nhận thức xã hội chủ yếu thông qua học hỏi từ bên ngoài và
theo gương người khác, thay vì tập trung tìm hiểu chính bản thân mình. Nhận thức xã hội tập trung vào khả năng nhận diện và hiểu thế giới cảm xúc của người khác. Đồng điệu với cảm xúc của người khác trong quá trình giao tiếp sẽ giúp bạn có được cái nhìn chính xác hơn về thế giới chung quanh, yếu tố ảnh hưởng tất cả mọi thứ, từ các mối quan hệ đến những điều cốt yếu khác.
Để gây dựng kỹ năng nhận thức xã hội, bạn sẽ phải quan sát người khác trong mọi tình huống. Bạn có thể quan sát một người từ xa khi bạn đứng xếp hàng chờ thanh toán, hoặc ngay trong một cuộc trao đổi, hãy quan sát người đối diện đang giao tiếp với bạn. Bạn sẽ học được cách nắm bắt ngôn ngữ cơ thể, nét mặt, dáng vẻ, giọng nói, thậm chí cả những gì ẩn giấu đằng sau vẻ bề ngoài đó, như những cảm xúc và ý nghĩ sâu xa.
Một trong những điều thú vị trong việc hình thành khả năng nhận thức xã hội tinh tế chính là ta vẫn có thể hiểu được những cảm xúc, nét mặt và ngôn ngữ cơ thể bất chấp các nền văn hóa khác nhau. Bạn có thể dùng kỹ năng này ở bất cứ nơi đâu.
Những lăng kính bạn nhìn phải thật rõ ràng. Việc đảm bảo rằng mình có mặt ở đó và dành trọn sự chú ý cho người khác chính là bước đầu tiên để nhận thức xã hội tốt hơn. Quan sát chung quanh không chỉ đơn thuần dùng mắt nhìn, mà bạn còn phải đánh thức các giác quan của mình. Bạn không những phải huy động năm giác quan căn bản mà còn phải thu nhận hầu hết lượng thông tin đi vào não thông qua giác quan thứ sáu, cảm xúc của chính bạn. Cảm xúc có thể giúp bạn ghi nhận và giải mã những dấu hiệu người khác gửi cho bạn. Những dấu hiệu này sẽ giúp bạn dễ dàng đặt mình vào hoàn cảnh của người khác hơn.
17 phương pháp mà chúng tôi trình bày trong phần tiếp theo của chương này sẽ giúp bạn khắc phục những trở ngại mà bạn gặp phải và sẽ là cánh tay nâng đỡ mỗi khi bạn gặp khó khăn. Bạn chỉ có thể chú ý đến một lượng thông tin giới hạn, vì thế điều quan trọng là chọn ra những tín hiệu đúng. Các phương pháp sau đã được chứng minh tính hiệu quả trong việc nâng cao kỹ năng nhận thức xã hội và chúng sẽ giúp bạn làm được điều đó.
CÁC PHƯƠNG PHÁP NÂNG CAO KỸ NĂNG NHẬN THỨC XÃHỘI HỘI
1. Chào hỏi mọi người bằng tên riêng của họ.
2. Quan sát ngôn ngữ cơ thể.
3. Làm mọi việc đúng thời điểm.
4. Chuẩn bị trước câu hỏi dự phòng.
5. Đừng ghi chép gì khi hội họp.
6. Hoạch định trước những buổi gặp gỡ bên ngoài.
7. Xua tan những suy nghĩ hỗn độn.
8. Sống với hiện tại.
9. Thực hiện một chuyến đi 15 phút.
10. Quan sát EQ trong các bộ phim.
11. Thực hành nghệ thuật lắng nghe.
12. Quan sát mọi người.
13. Hiểu rõ quy luật của trò chơi văn hóa.
15. Đặt mình vào hoàn cảnh của người khác.
16. Tìm kiếm bức tranh toàn cảnh.